Tin tức

Small Talk: Câu chuyện can đảm về bi kịch gia đình của một đạo diễn Đài Loan

06/04/2017

Nhà làm phim Hoàng Huệ Trinh cảm thấy bị giới hạn bởi những nhãn mác khi lớn lên ở Đài Loan – nghèo khổ, bỏ học và là con gái của một bà mẹ đồng tính khao khát được thấu hiểu.

Bộ phim đầu tay đoạt giải Small Talk (Đối thoại thường ngày) là cực điểm của hai thập kỷ quay lại mối quan hệ căng thẳng giữa họ và được xướng tên phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2017, thắng giải Teddy cho phim tập trung vào LGBT (người đồng tính nam/nữ, người chuyển giới).

Đạo diễn Hoàng Huệ Trinh nâng một tấm poster của bộ phim Small Talk

Dự kiến đổ bộ các rạp ở Đài Loan trong tháng 4, bộ phim được chiếu khi “nghị viện” của hòn đảo này đang chuẩn bị bỏ phiếu dự luật cuối cùng để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Một vụ án bước ngoặc ở tòa án địa phương cũng có thể dẫn tới sự thay đổi luật pháp, đưa Đài Loan trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên ở châu Á cho phép các cặp đôi đồng tính có thể hợp pháp lấy nhau.

Nhưng ba thập kỷ trước, khi đạo diễn Hoàng còn là một đứa trẻ, đồng tính khó được chấp nhận hơn nhiều.

Cô vẫn còn nhớ rõ, khi còn là cô bé 11 tuổi, cô tình cờ nghe được hai người quen lớn tuổi gọi mẹ mình là lập dị, một tongzhi – từ tiếng Trung dành cho người đồng tính.

Lúc bấy giờ, Hoàng Huệ Trinh vẫn chưa hề có suy nghĩ gì về mối mối quan hệ của mẹ cô với phụ nữ.

Người mẹ đồng tính của đạo diễn Hoàng Huệ Trinh trên phim

“Ấn tượng của tôi lúc nhỏ đó là bà luôn có nhiều bạn gái vây quanh. Rằng bà thích phụ nữ và thân thiết với họ,” cô nói với AFP.

“Chỉ một từ đó gieo lên sự nghi ngờ trong tôi. Tại sao gọi vậy là lập dị?”

Ngoài cuộc

Hoàng Huệ Trinh, 39 tuổi, nói rằng cô cảm giác như một người ngoài cuộc với phong cách sống khác thường của gia đình mình.

Từ tuổi lên 6, cô và em gái làm việc ở Đài Bắc với mẹ theo nghĩa vụ của một người tu theo Đạo giáo – tôn giáo chính ở Đài Loan.

Gia đình chuyên làm một nghi lễ gọi là “dẫn hồn”, một màn hát và múa được tin là để dẫn linh hồn được cứu rỗi và tổ chức tại nhà tang lễ và bên mộ.

Bộ phim là cực điểm của hai thập kỷ quay lại mối quan hệ căng thẳng giữa họ

Hoàng Huệ Trinh nói rằng nghề này được xem là công việc lao động hèn mọn và cô cảm thấy những bạn trang lứa xem thường mình.

Đến khi 10 tuổi, cô không đến trường nữa. Mẹ cô bỏ người cha bạo hành và không đưa cô nhập học tại nơi ở mới.

Bộ phim của cô là một nỗ lực khuyến khích những người thuộc thế hệ trẻ hơn thấy bị cô lập hay bị coi thường, cô nói.

“Những đứa trẻ không tới trường, những người ‘dẫn ma’, một đứa trẻ có bà mẹ tongzhi – tất cả họ đáng giá hơn cái nhãn mà xã hội gán cho họ,” đạo diễn Hoàng nói với AFP.

Bạo lực ngấm ngầm

Mẹ của Hoàng Huệ Trinh – Hung Yue-nu, hay Anu – không bao giờ cố che giấu xu hướng tình dục của mình sau khi chia tay người chồng và chỉ có các mối quan hệ với phụ nữ từ sau đó.

Cảnh trong phim

Nhưng đồng thời bà cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đó với con gái, người nói rằng mẹ minh luôn xa cách.

Hai người không cãi nhau, nhưng Hoàng Huệ Trinh cảm thấy bị lờ đi khi mẹ dành nhiều chú ý cho các bạn gái của bà. Cô cũng thấy phẫn uất vì không được tới trường như những đứa trẻ khác.

“Mối quan hệ của chúng tôi bề ngoài có vẻ yên bình, nhưng bạo hành ngấm ngầm nổi lên bên dưới,” cô nói.

Trong phim của mình, cô cố chạm tới ranh giới.

Hoàng Huệ Trinh dẫn chuyện cho bộ phim và mẹ cô, những bà bạn gái cũ cùng các thành viên gia đình đều được phỏng vấn.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, người đứng sau bộ phim thắng nhiều giải The Assassin, là điều hành sản xuất bộ phim này.

Cảnh trong phim

Anu lần đầu xem bản thân mình tại buổi ra mắt phim ở Đài Bắc, trước thềm Giải Kim Tượng 2016 của Đài Loan, nơi bộ phim được đề cử phim tài liệu xuất sắc.

“Bà ngồi cạnh tôi và tôi dám nói rằng bà đang cầm nước mắt,” Hoàng Huệ Trinh nói.

Tranh luận về hôn nhân đồng giới

Hoàng Huệ Trinh hứng thú với việc làm phim từ khi 20 tuổi, khi một đạo diễn tới quay cô trong một phần phim làm về những người trẻ làm nghề biểu diễn tại đám ma.

Cô đi học các khóa làm phim tại cao đẳng cộng đồng và bắt đầu khám phá những cảm xúc của cô về mẹ mình.

“Tôi học được một cách khác để quan sát thế giới,” cô nói với AFP.

Đạo diễn Hoàng Huệ Trinh và giải Teddy của Liên hoan phim quốc tế Berlin 2017

Giờ đã là mẹ của một cô bé 5 tuổi, cô nói quan hệ với Anu vẫn không hoàn hảo, nhưng tốt hơn hồi trước.

“Bộ phim không chỉ nói về việc tôi hiểu mẹ tôi, nó còn nói về việc bà hiểu tôi,” cô nói.

Đạo diễn Hoàng cũng nói rằng cô hy vọng bộ phim sẽ tạo nên dư luận về luật đồng tính và các vấn đề về giáo dục và cha mẹ đơn thân.

Cô tin rằng chính quyền địa phương nên làm tích cực hơn để thúc đẩy dự luật hôn nhân đồng tính, bất chấp phản đối từ các nhóm bảo thủ.

Nhưng Anu có vẻ không hứng thú lắm với cuộc tranh luận này, cô Hoàng nói.


Cô từng đưa mẹ tới một cuộc diễu hành đồng tính lớn hằng năm ở Đài Bắc.

Bất chấp không khí lễ hội, Anu sớm chán nản và muốn về chơi cờ với bạn, Hoàng nói.

“Có lẽ tư tưởng của bà ấy là lý tưởng nhất – rằng người ta không cần phải đưa ra tuyên bố để chứng tỏ giá trị của mình,” cô nói.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times