Tin tức

Spider-Man ly dị cho thấy mặt xấu xí của cộng đồng hâm mộ

29/08/2019

Mạng xã hội dậy sóng hashtag #SaveSpiderMan (tạm dịch: Cứu Spider-Man). Nhưng cứu siêu anh hùng này khỏi cái gì?

Ôi bản quyền phim Spider-Man đã thành một mạng nhện khó gỡ. Đó là cuộc chia tay cả thế giới biết tin. Ngày 20/08 tin được tung ra là, theo hiện trạng bây giờ, Spider-Man sẽ không còn trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) từ giờ trở đi nữa. Hợp đồng giữa Disney và Sony, thông báo vào tháng 2 năm 2015, đưa người hùng gia nhập MCU dưới chỉ đạo của Kevin Feige, cho thấy đã sinh lãi cho cả hai công ty.

Spider-Man (Tom Holland) xuất hiện trong Captain America: Civil War (2016)

Marvel Studios hưởng lợi từ Spider-Man (Tom Holland) xuất hiện trong Captain America: Civil War (2016), Avengers: Infinity War (2018), và Avengers: Endgame, còn Sony Pictures có thêm lợi sử dụng các nhân vật và tuyến truyện từ MCU trong các phim Spider-Man riêng của họ, Spider-Man: Homecoming (2017), và Spider-Man: Far From Home. Phim sau, đóng lại Giai đoạn 3 của MCU, đã thu về 1,1 tỉ USD toàn thế giới, trở thành phim Spider-Man đầu tiên cán mộc 1 tỉ và là phim thành công nhất của Sony.

Trong khi cả hai hãng phim lẽ ra phải tận hưởng một đoạn diễu hành chiến thắng sau mùa hè thành công, với Disney, ngay sau các công bố tại Marvel Studios Comic-Con của họ, có cuối tuần 23-25/8 là sự kiện D23, và Sony tung ra bản phim dài hơn của Far From Home vào cuối tuần Lễ Lao động. Thay vì thế, Spider-Man đã trở thành nạn nhân của một trận chiến giành quyền hỗn loạn đã thống trị mạng xã hội và cho thấy cộng đồng hâm mộ Disney có thể xấu xí ra sao với những hashtag #SaveSpiderMan#BoycottSony (tạm dịch: Tẩy chay Sony) được theo dõi nhiều nhất trong tuần.

Spider-Man (Tom Holland) xuất hiện trong Avengers: Infinity War (2018)

Các chiến tuyến đã được vạch ra trên mạng xã hội, và bằng sự vô học thức cố tình từ những người lớn trên mạng hành xử như trẻ con, Sony đã bị biến thành kẻ xấu vì từ chối buông tay với tài sản của họ. Trong khi các chi tiết xung quanh vụ chia tách Disney và Sony thiên biến vạn hóa, The Hollywood Reporter đã đưa tin cuộc chia tay là vì tiền. Disney, đã sở hữu quyền bán vật phẩm ăn theo Spider-Man và hưởng lợi từ việc sử dụng nhân vật này trong MCU, ít nhất là 30% doanh thu Spider-Man trong tương lai. Những bên khác đưa tin con số lên tới 50%. Dù phân tích thế nào, những con số đó là một sự tăng trội so với 5% cổ phần trước đây của Disney. Cũng đáng chỉ ra là dù các phim Spider-Man của Sony có thể tăng doanh thu phòng vé nhờ liên kết với MCU, hãng phim không được ăn chia doanh thu ở những phim Marvel Studios mà Spider-Man của Holland xuất hiện.

Giám đốc phim của Sony Tom Rothman và CEO Tony Vinciquerra đã quay lưng với các yêu cầu của Alan Horn và Alan Bergman bên Disney. Không khó để hiểu tại sao. Người Nhện là tài sản lớn nhất của Sony, và điều đó là đúng kể cả không có Disney can dự. Dù nhiều giọng bào chữa cho Disney đang bám lấy ý niệm Disney đề nghị 50% hợp tác kinh phí trong các phim, dễ hiểu tại sao Sony lại từ chối. Far From Home có chi phí 160 triệu USD, không tính tiền quảng bá, và thu về hơn 1 tỉ USD một chút. Đưa ra giả định là một phim Spider-Man thứ ba sẽ tốn kinh phí tương tự và thu về cũng cỡ đó, vậy thì Sony trả 80 triệu USD để mất đi từ 30-50% của 1 tỉ USD doanh thu là một ván bài không ông chủ doanh nghiệp thông minh nào sẽ chơi hết. Kể cả nếu một phim Spider-Man thứ ba kiếm được ít hơn khi không có liên kết với MCU, Sony vẫn đứng ra hưởng nhiều hơn so với chịu theo điều kiện của Disney. Không phim Spider-Man chiếu rạp do người đóng nào thu về ít hơn 700 triệu USD toàn thế giới.

Spider-Man (Tom Holland) trong Avengers: Endgame

Với #SaveSpiderMan#BoycottSony đã trở thành một chủ đề được theo dõi nhiều trong tuần, đáng ngại khi thấy người hâm mộ tập hợp ủng hộ tập đoàn nhiều tỉ đôla là Disney, và đặt họ như kẻ chiếu dưới cao quý trong trận đấu này. Không thể phủ nhận là Disney biết cách bán sản phẩm và khiến người hâm mộ phấn khích về các tài sản từng là một phần của văn hóa mọt phim và giờ là những sự kiện truyền thông lớn nhất thế giới. Sự rầm rộ xung quanh D23, sự kiện cho người hâm mộ của Disney đã bắt đầu ngày 23 tháng 8, là bằng chứng của việc đó. Và không thể phủ nhận Disney đã làm những điều tuyệt vời với MCU, và đặc biệt là Spider-Man.

Chủ tịch Marvel Studios Kevin Feige là một người thợ lão luyện và ông đã giúp đưa nhân vật theo những hướng ta chưa bao giờ thấy, thêm vào sự mới mẻ và hiện đại cho một nhân vật hầu hết khán giả đã biết rõ rành rành. Nhưng Feige chỉ là một răng cưa trong cỗ máy vĩ đại đang cày xời mọi thứ trong tầm mắt. Sự thống trị của Disney đã đến với cái giá nuốt chửng các công ty khác, hủy diệt cạnh tranh, tạo ra tính thuần nhất trong văn hóa đại chúng, và tạo điều kiện cho thất nghiệp số lượng lớn. Tác giả có thể nói với tư cách một người hâm mộ Disney là phấn khích về những gì công ty này đưa ra trong khi ý thức được cơn đói sự vĩ đại của công ty này không phải là những điều khoản loại trừ lẫn nhau. Năm trên sáu phim có doanh thu toàn cầu cao nhất năm 2019 là phim Disney. Phim duy nhất không phải của Disney là Spider-Man: Far From Home của Sony.

Spider-Man: Into the Spider-Verse, bộ phim Spider-Man không MCU mới nhất của Sony, đoạt Oscar Phim hoạt hình xuất sắc

Với Frozen 2Star Wars: The Rise of Skywalker của Disney còn lại trong năm nay, gần như chắc ăn là bảy trong số các phim có doanh thu cao nhất năm sẽ là của Nhà Chuột. Cộng thêm việc Disney+ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 11, và Disney giờ có tài sản trí tuệ của 20th Century Fox trong tay, sức thống trị của Disney là đáng báo động, lại thêm người hâm mộ nghĩ công ty không bao giờ sai lầm, và sẽ ăn mừng người khác mất việc nếu chuyện đó nghĩa là họ được thấy các tài sản yêu thích của họ về chung một mái nhà.

Chất lượng phim là chủ quan, dĩ nhiên, nhưng đã nổi lên một câu chuyện giả định là Sony sẽ hủy hoại Spider-Man khi không có Feige. Đưa ra những Spider-Man (2002) hay Spider-Man 2 (2004) được yêu thích, và bạn sẽ được nghe là những phim này có lâu lăm rồi. Đưa ra sự thật là phim Spider-Man không-MCU gần nhất của Sony, Spider-Man: Into the Spider-Verse, đã thắng giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất, và bạn sẽ được nghe, như tác giả đã được nghe, đó là phim hoạt hình nên khỏi tính, hay là một cái đồng hồ hỏng cũng đúng giờ hai lần một ngày.

Những người đang khiển trách Sony trong tình huống này đã nhấn mạnh #SaveSpiderMan. Nhưng cứu siêu anh hùng này khỏi cái gì? Những tiếng nói đó rất thích chỉ ra Spider-Man 3 (2007), The Amazing Spider-Man (2012) và The Amazing Spider-Man 2 (2014), và Venom (2018) làm ví dụ cho thấy Sony không hiểu nhân vật. Và họ đã có sẵn ý kiến về Morbius và Venom 2 sắp tới sẽ mở rộng thêm Vũ trụ nhân vật Marvel của Sony.

Spider-Man: Homecoming

Những phim đã phát hành có vấn đề và những mặt tanh bành của chúng, hẳn rồi, nhưng trong mỗi phim là những khoảnh khắc tuyệt hay nắm bắt Người Nhện không kém truyện tranh nào, cho dù đó là các yếu tố gây rung động lòng người của Peter Parker, trang phục, các màn đu tơ, hay sự hài hước ít được trân trọng của các loạt truyện ngắn ban đầu của Venom. Các hãng phim thay đổi và học hỏi, như The Hollywood Reporter cũng đã đưa tin, Rothman tin là ông đã học hỏi đủ từ Feige để tránh phạm những sai lầm như trong quá khứ.

Quá khứ là chỗ người hâm mộ hãng phim hay chìm đắm. Phát hành hàng tá phim hay và mọi người im lặng, nhưng phát hành một phim xịt hoặc tung một ý tưởng tệ hại ra công chúng là sẽ thành chủ đề câu chuyện. Có một xu hướng chỉ ra các ý tưởng được thảo luận trong vụ rò rỉ email của Sony năm 2014 là dấu hiệu của sự thất bại sắp xảy ra, giống như một bộ phim về dì May thể hiện dì là một đặc vụ. Nhưng không phải tất cả các buổi lên ý tưởng đều được bật đèn xanh, và các ý tưởng được xây dựng lại và tìm bối cảnh mới phù hợp. Trường hợp điển hình: một dì May cầm gậy bóng chày đưa các anh hùng đến căn cứ bí mật của họ trong Into the Spider-Verse.

Sony đã đưa ra một số lựa chọn khác với tư liệu gốc, và không phải mọi thứ đều thành công, đúng vậy, nhưng điều đó cũng đúng với miêu tả về Spider-Man của MCU. Chúng ta không có được Into the Spider-Verse hay Far From Home bằng cách tuân thủ các quy tắc. Và suy cho cùng, những sự khác biệt và thử vận may đó chính là bản chất việc chuyển thể những nhân vật này mà, đúng không?

Spider-Man: Far From Home

Phản hồi trên mạng về tình huống này và những chai axit ném vào Sony, pha từ các sự kiện trên Facebook hẹn xông vào văn phòng và hy vọng Disney mua lại công ty, là một phần của một vấn đề lớn hơn. Ta đã thấy những cơn tam bành như thế này ném vào các phim X-Men của Fox và các phim DC của Warner Bros. Ta đã đi từ việc chỉ yêu quý những nhân vật này và tính chuyển thể của họ, tới chỉ yêu thương hiệu. Giả thuyết của khán giả là nếu một logo Marvel Studios được dập vào Venom hay Dark Phoenix, và có một cảnh hậu-credit có liên kết tới MCU, các phim này sẽ không bị chỉ trích nặng tới thế: Ta hưởng ứng thương hiệu đến mức chỉ chân thành đánh giá kết quả cuối cùng thôi cũng cảm giác là một yêu cầu khó khăn.

Chất lượng quá thường xuyên là do người hâm mộ định đoạt trước cả khi phim được làm ra, do hãng phim sai khiến. Có một thời ta đã phấn khích được xem các nhân vật này trên màn ảnh trong những phim hay, dù có từ hãng phim nào làm đi chăng nữa. Và dù MCU có một danh sách thành tích lớn, đâu phải nó không có những phim sai lầm và cách xử lý nhân vật đáng đặt dấu hỏi. Người viết yêu MCU và tới buổi chiếu mở màn của mọi bộ phim, nhưng không hãng phim nào có thành tích hoàn hảo cả. Giả thuyết Disney không thể thất bại còn Sony chẳng biết gì là một sự đầu tư cấp tập đoàn cảm thấy ghê tởm. Cả Disney và Sony đều có khả năng làm phim hay và dở, bất chấp doanh thu phòng vé và quyền sở hữu của một bên khiến người ta nghĩ khác. Và dù Disney đã bán ý tưởng đáng yêu về một vũ trụ điện ảnh không tì vết bao gồm các nhân vật và câu chuyện mà họ thực sự quan tâm để khám phá, có vẻ như nếu Disney thực sự quan tâm nhiều đến tương lai của Người Nhện thì họ sẽ đưa ra một thỏa thuận rõ ràng khả thi hơn thay vì cố gắng giành thêm lãnh thổ.

Được nhìn Người Nhện chiến đấu bên cạnh các Avenger đã là một tâm điểm điện ảnh thực sự. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, những người thực lòng yêu nhân vật này và thế giới của cậu, sẽ bước tiếp

Nếu đây thực sự là cuối con đường cho Người Nhện trong MCU, thì đó là một sự thật đáng buồn và lỗ hổng siêu anh hùng này để lại sẽ được nuối tiếc dài dài. Người Nhện trở thành một phần trong MCU rất là hay, và được nhìn cậu chiến đấu bên cạnh các Avenger đã là một tâm điểm điện ảnh thực sự. Nhưng ý tưởng rằng Spider-Man, một nhân vật đã cường thịnh suốt 57 năm qua, cần MCU mới thành công là nực cười. Người viết hy vọng được thấy một thương lượng mới được đàm phán cho Peter Parker xuất hiện trong vai trò Avenger Mới trong MCU.

Nhưng nếu điều đó không xảy ra, những người thực lòng yêu nhân vật này và thế giới của cậu, sẽ bước tiếp và tìm những tâm điểm điện ảnh mới để tận hưởng nhân vật. Dù là hãng phim nào, ta cũng không nên tập hợp ủng hộ hay phê phán chất lượng những phim còn chưa được làm, mà chúng ta nên tiếp tục đu bay, vì nhân vật, bất chấp các tranh cãi tập đoàn, vẫn còn nhiều câu chuyện để trở thành một phần trong đó.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter