Tin tức

Sự hợp tác giữa điện ảnh Anh và Trung Quốc có thể kết thúc có hậu?

27/08/2014

Một hợp đồng hợp tác sản xuất cho những nhà làm phim Anh cơ hội đặt chân vào thị trường điện ảnh Trung Quốc đang lớn mạnh nhưng cũng bị kiểm soát rất chặt. Với những mạo hiểm mới lớn như vậy, ta có thể mong đợi những phim như thế nào?

Đây có phải là Chollywood? "Chinewood" thì đúng hơn: sự kết hợp giữa China và Pinewood, theo lời của Thủ tướng Anh David Cameron với báo chí vào cuối tháng 12/ 2013 vừa qua. Thủ tướng Cameron đã ở Bắc Kinh vào thời điểm nước Anh cử một đoàn ngoại giao kinh tế lớn nhất từ trước tới nay đến nước này, một nhóm 100 người đại diện cho tất cả những gì Anh có thể trao đổi, chuyên gia các ngành tài chính, dược, năng lượng, sản xuất và văn hóa – trong số đó có đại diện Viện Điện ảnh Anh Quốc (BFI) và phim trường Pinewood Studios. Pinewood không hề về nước tay không. Một thỏa thuận hợp tác sản xuất điện ảnh Trung-Anh đã được đưa ra, cho phép các nhà làm phim Trung Quốc được hưởng những chính sách giảm thuế và thuê tài năng nước Anh, cùng lúc đó các nhà làm phim Anh có đường đi vào thị trường đầy lợi nhuận nhưng khó chen chân của Trung Quốc.

Củng Lợi trong Đèn lồng đỏ treo cao, một phim Trung Quốc được đánh giá cao nhưng từng bị cấm ở nước này

Như các ngành khác trong nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc, ngành điện ảnh nước này cũng đang lớn mạnh và ai cũng muốn có phần. Trung Quốc mỗi ngày đang mở ra nhiều rạp chiếu mới. Đây là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới và dự tính sẽ vượt qua Mỹ trong vòng năm năm tới. Trong hệ thống chỉ tiêu do chính phủ Trung Quốc quản lý, mỗi năm chỉ có 34 bộ phim nước ngoài được ra mắt ở đây, phần lớn là phim bom tấn Hollywood. Những phim sản xuất trong khuôn khổ thỏa thuận Trung-Anh sẽ được tính là phim hợp tác và sẽ không bị áp chỉ tiêu kia. “Đây là một bước đi lớn cho ngành điện ảnh Anh,” Cameron nói.

Những bước tiến tới tiếp theo sẽ được đưa ra một cách cẩn trọng. Đây là một cuộc hôn nhân được sắp xếp và sắp tới hai bên sẽ phải tìm hiểu nhau. Anh đã có những hợp tác sản xuất tương tự với một số nước khác, nhưng ai cũng có thể khẳng định, Trung Quốc là một sân chơi khác. Nước này không có thệ thống phân loại phim cho từng lứa tuổi; ngược lại, phim được chính phủ duyệt – cho tất cả mọi người, nếu không thì không chiếu. Những tiêu chí chọn lựa không rõ ràng, nhưng những phim nước ngoài thường bị cắt xén hoặc từ chối vì những lý do tôn giáo (Noah của Darren Aronofsky), tình dục và bạo lực (Django Unchained), và cả du hành thời gian (The Time Traveller's Wife). Những phim gợi ý hay lên án những nhà lãnh đạo, lịch sử, quân đội hay quyền con người Trung Quốc – hay bất cứ yếu tố nào khác liên quan tới nước này – đều không được chấp nhận. Một nhà phát ngôn Trung Quốc phát biểu tại một buổi họp về điện ảnh Trung-Mỹ diễn ra năm ngoái: “Chúng tôi muốn thấy những hình ảnh tốt về Trung Quốc.”

Vương Học Kỳ trong Iron Man 3

Mỹ tán tỉnh Trung Quốc đã lâu nhưng không thể đưa Chollywood thành hiện thực. Lãnh đạo một hãng phim Mỹ nói với The Hollywood Reporter “Trung Quốc quá lớn để có thể lờ đi nhưng quá lộn xộn để có thể trông đợi gì.” Ngoài những rào cản kiểm duyệt, còn phải cân nhắc con số ăn chia doanh thu (ở Trung Quốc, các phim thường sẽ chỉ được nhận 25% doanh thu thay vì 50% như ở nhiều nơi khác) và một sân chơi không công bằng (Avatar từng bị rút khỏi rạp dẹp chỗ cho phim tiểu sử Khổng Tử của Trung Quốc sản xuất). Nhưng đây vẫn được cho là thị trường đáng đầu tư. Những ngôi sao cỡ Scarlett Johansson hay Johnny Depp giờ cũng thường xuất hiện tại các lễ ra mắt phim ở Trung Quốc, và Hollywood làm mọi điều có thể để đưa những diễn viên Trung Quốc vào những phim bom tấn như Mission Impossible 3Transformers 4.

Nhưng kết quả không phải lúc nào cũng khả quan. Khán giả Mỹ sẽ có ít người để ý tới Phạm Băng Băng hay Vương Học Kỳ trong Iron Man 3, nhưng khán giả Trung Quốc được xem một bản khác của bộ phim với những cảnh có những diễn viên này được kéo dài. Việc trong phim có nhân vật phản diện mang tên Mandarin ăn mặc theo phong cách Trung Hoa cũng có thể là một yếu tố khiến bộ phim không bao giờ được vào Trung Quốc, nhưng các nhà làm phim lách được vụ này bằng cách biến hắn thành một diễn viên đến từ Croydon. Nhưng không phải ai cũng tỏ ra tin tưởng. “Nhiều người cho rằng những mánh khóe này có nghĩa Hollywood đang dần hiểu văn hóa Trung Quốc, nhưng trên thực tế đây chỉ là chiến lược thương mại,” tờ China Daily viết trong bài Đừng để Hollywood lừa bạn.

Spring In a Small Town

Anh đang hướng tới một quan hệ hạnh phúc hơn. “Chúng tôi nghĩ mọi thứ sẽ phức tạp lúc ban đầu,” Amanda Nevill, giám đốc điều hành BFI cho biết. “Chúng tôi là hai nước rất khác nhau. Đây là một sự hợp tác về niềm tin. Lý do chúng tôi theo đuổi sự hợp tác này một cách hăng hái tới thế là vì cả hai bên tin rằng cả hai sẽ nhận được nhiều lợi ích.”

Khoảng cách văn hóa đang bắt đầu được rút ngắn. Tháng trước, một đoàn các nhà làm phim Anh đã đến Bắc Kinh gặp mặt với những đối tác ở đây. Vào tháng 6, trụ sở BFI Southbank sẽ tổ chức chương trình chiếu phim Trung Quốc dài bốn tháng, một sự kiện kéo dài nhất ở Anh từ trước tới nay. Đây là cơ hội hiếm hoi để khán giả xem phim từ thời kỳ hoàng kim diễn ra tại Thượng Hải những năm 1930 như Spring In a Small Town (1948), từng được so sánh với tác phẩm của Ozu hay Antonioni, hay bộ phim câm The Goddess (1934), có Nguyễn Linh Ngọc trong vai chính – cả hai phim đều được phục chế và được khán giả Trung Quốc đón nhận như người thân xa cách lâu năm. Trung Quốc là một chương còn thiếu trong nền lịch sử điện ảnh thế giới. Những năm tháng loạn lạc của Cách mạng văn hóa và nhiều thập kỷ quản lý truyền thống của chính phủ đã xóa đi nhiều dấu ấn, không chỉ đối với người ngoài mà còn đối với chính công dân nước này.

Nếu người ngoài tỏ ra khó chịu với những đặc tính này của Trung Quốc, các nhà làm phim Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn hơn khi họ cần xin giấy phép để làm phim. Những bộ phim thực sự nổi bật của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đều được làm ngoài hệ thống hoặc trực tiếp chống lại hệ thống. Những bộ phim được cho là mang tính phục hưng như Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu hay Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca đều từng bị cấm ở Trung Quốc. Các đạo diễn này từ đó cũng đã trở lại với những bộ phim được chính phủ tuyên duyệt (Trương Nghệ Mưu còn đạo diễn lễ khai mạc cho Olympic Bắc Kinh 2008) nhưng những tác phẩm này của họ không thể bằng tầm.

Bá vương biệt cơ

Nhiều nhà làm phim trẻ vẫn thích hoạt động ngoài luồng chính thức. Họ biết những phim họ muốn làm sẽ không bao giờ được duyệt. Nhà làm phim tài liệu Vương Binh nhận được nhiều lời khen ngợi tại các liên hoan phim với bộ phim trần trụi về quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, Three Sisters. Ngôi sao đang lên Trịnh Quocos có bộ phim Burned Wings, một bộ phim táo bạo tìm hiểu giới trẻ đường phố ở vùng Đông Bắc, kết hợp bạo lực, tình dục và hài. Hai phim Oxhide của Lưu Gia Nhân hoàn toàn diễn ra trong căn hộ Bắc Kinh chật chội nơi đạo diễn sống với cha mẹ. Những phim được chính quyền duyệt và chiếu thường là những phim hài lành tính và phim hành động lịch sử phục vụ khán giả trẻ tuổi. Trung Quốc là một ngành điện ảnh khổng lồ nhưng những sản phẩm từ đây chưa có được chất lượng quốc tế.

Đạo diễn thế hệ này được biết đến nhiều nhất là Giả Chương Kha, vừa cho ra mắt phim A Touch of Sin. Bộ phim diễn tả cái chết, bạo lực và sự giận dữ đang cháy ngầm trong người dân, hậu quả của phát triển kinh tế không đồng đều. Một công nhân lấy súng bắn chết ông chủ giàu có, người đã đóng cửa mỏ than nơi anh làm việc. Những cuộc diễu hành gái mại dâm mặc những bộ đồng phục quân đội nhân dân mua vui cho khách làng chơi giàu có. Một người dân từ quê lên thành phố làm việc bắn chết người phụ nữ giàu có, lấy cắp của cải. Còn đâu “hình ảnh tốt đẹp về Trung Quốc”. Những phim trước kia của Giả Chương Kha thường là những phim bán tài liệu, điềm tĩnh, quan sát sự chuyển đổi của nước ông, nhưng A Touch of Sin phảng phất phong cách Tarantino, hay nói đúng ra là phong cách những phim võ hiệp mà Tarantino hay bắt chước.

A Touch of Sin

“Tôi luôn chú tâm tới những vấn đề của Trung Quốc hiện đại và muốn thể hiện cuộc sống người thường trong những tác phẩm điện ảnh. Trong những năm gần đây, tôi bị thu hút bởi những sự cực đoan,” Giả Chương Kha nói. “Có một sự thay đổi trong xã hội Trung Quốc. Trong những phim trước của tôi, các nhân vật đối mặt với khó khăn bằng sự chịu đựng, nhẫn nhục. Nhưng những năm gần đây, sức ép đối với người dân tăng, và những cách tỏ thái độ khác đã bị ngăn chặn. Điều đó dẫn tới những hành động bạo lực kém kiềm chế.”

Cách Giả Chương Kha tiếp cận các câu chuyện trong A Touch of Sin cũng phản ánh những hay đổi ở Trung Quốc. Tất cả dựa theo những câu chuyện thời sự trên Weibo – phiên bản Twitter của Trung Quốc. “Hồi xưa những sự vụ như thế này không bao giờ được lên thời sự. Chúng không được đưa tin trên truyền hình nhưng giờ đây, vì có mạng xã hội, mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra.”

A Touch of Sin mang về cho Giả Chương Kha giải kịch bản xuất sắc tại Cannes năm ngoái nhưng chưa được ra mắt ở Trung Quốc. “Họ lo lắng về những hệ quả của việc cho chiếu một bộ phim như thế,” đạo diễn này nói. Nhưng ít ra ông cũng được cấp phép làm bộ phim này. Phim đầu tiên của ông, Tiểu Võ (1997), về một tay trộm vặt ở tỉnh lẻ, được quay một cách lén lút ở quê nhà ông, Phần Dương. Phim mang về cho ông tiếng tăm trên trường thế giới nhưng lại khiến ông bị cấm làm phim ở quên nhà. May thay tiếng tăm quốc tế lại mang sức nặng hơn. A Touch of Sin cũng được người Trung Quốc xem rộng rãi qua những bản phim lậu. Một trang web đăng phim này có hơn 30.000 lời bình luận.

Giả Chương Kha

“Thật ra việc kiểm duyệt đã được thả lỏng nhiều,” Giả Chương Kha cho biết. “Mười lăm năm trước, thật khó nghĩ rằng A Touch of Sin lại có thể được sản xuất.” Giờ đây các nhà làm phim không bị yêu cầu nộp cả kịch bản để xin duyệt nữa, mà chỉ cần nộp tóm tắt hai trang. “Tôi thấy rằng cách làm hiệu quả nhất là để tất cả mọi người được có thông tin để họ thấy chúng ta đang hợp tác làm phim. Điều này không có nghĩa tôi phải thỏa thuận hay bỏ đi chính kiến của mình. Tôi cần lặp lại quan điểm và mục tiêu và ý muốn làm phim tự do ở Trung Quốc.”

Vậy nước Anh đang đi tới hợp tác với phía nào của điện ảnh Trung Quốc? Phía thương mại hay phía phim độc lập không chính thống? Và một phim “Chinewood” sẽ thế nào? Một phiên bản A Touch of Sin phong cách Anh? Một câu chuyện lịch sử về cuộc chiến tranh nha phiện? Hay một bộ phim lai không động chạm tới ai, như Crouching Tiger, Harry Potter? Có lẽ chúng ta chưa nên trông đợi sự hợp tác này đưa ra một phong cách điện ảnh hoàn toàn mới, theo đánh giá của Robin Gutch, giám đốc hãng Warp Films, một thành phần của đội ngũ phía Anh sang Bắc Kinh đàm phán. Nhưng ông tỏ ra lạc quan với những gì đã thấy.

“Tất cả đều rất đầy cảm hứng. Từ cả hai phía có một sự sẵng sàng hợp tác.”

Warp, hãng sản xuất các phim như This Is EnglandFour Lions, đang muốn chuyển thể một số câu chuyện khoa học viễn tưởng của Trung Quốc trong thời gian tới.

“Một số mang phong cách rất Trung Hoa, nhưng vẫn có ảnh hưởng từ khoa học viễn tưởng phương Tây, và có những nhân vật phương Tây, thế nên đây là một sự kết hợp văn hóa rất thật.”

Dịch: © Xuân Hiền @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi