Tin tức

Tại sao Hồng Kông ưu tiên làm các bộ phim lịch sử cho khán giả Trung Quốc?

17/05/2011

Dựa vào một cuốn tiểu thuyết giả tưởng của thế kỷ 16, tác phẩm Monkey King (Đại náo thiên cung) trị giá 60 triệu USD sẽ được trình chiếu ở Liên hoan phim Cannes năm nay.

Đối với khu vực điện ảnh Hồng Kông, việc sáng tạo tương lai ở ngành điện ảnh Trung Quốc đầy hấp dẫn phụ thuộc vào quá khứ.

Những tác phẩm lịch sử hoành tráng, những tác phẩm cổ trang giả tưởng có nguồn gốc từ những truyền thuyết Trung Quốc xưa, thậm chí là cả những bộ phim có bối cảnh trong thời kỳ đầu của Trung Quốc hiện đại – kinh phí của một bộ phim càng lớn thì càng có khả năng bộ phim đó sẽ được đặt trong một bối cảnh quá khứ huyền bí, là nơi cư ngụ của những vị thần cổ xưa và những nhân vật tưởng tượng.

Lấy ví dụ về bộ phim Hoa ngữ hoành tráng nhất Cannes năm nay: tác phẩm trị giá 60 triệu USD Đại náo thiên cung, là phiên bản mới chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết giả tưởng kinh điển và thường được kể lai của thế kỷ 16 - Tây Du Ký - dưới hình thức 3D từ hãng phim Filmko Hồng Kông. Với một dàn diễn viên toàn sao trong đó có Chân Tử Đan, Châu Nhuận Phát và Quách Phú Thành, nhân vật chính của phim đã xuất hiện trong các bản chuyển thể ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và thậm chí Hollywood trên màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng, cộng thêm hình thức truyện tranh và phim hoạt hình.

Với ngày phát hành dự kiến là vào cuối 2012, bộ phim giờ đây đã là một tài sản hấp dẫn thu hút sự chú ý của vài công ty lớn ở Hollywood cũng như những nhà kinh doanh phim châu Á.

Áp phích phim Monkey King

Không chỉ có thần thoại, văn học dân gian và truyền thuyết là những phương tiện được các nhà làm phim Hoa ngữ ưa chuộng trong chuyến du hành về quá khứ của họ, mà những truyền thống điện ảnh nổi tiếng của nền điện ảnh Hồng Kông cũng là một nguồn cảm hứng phong phú. Tiêu đề của bộ phim Hoa ngữ duy nhất trong chọn lựa chính thức năm nay của Cannes, tác phẩm Võ hiệp của đạo diễn Trần Khả Tân với vai chính của Chân Tử Đan, Kim Thành Vũ, Thang Duy và Vương Vũ, đã cho chúng ta biết bộ phim được đặt trong thế giới nào. Thể loại võ thuật đã xây dựng nên đế chế Thiệu thị trong thập niên 60 và sự nổi tiếng của nó đã tồn tại lâu dài.

Đối với đạo diễn Trần, người chưa bao giờ động đến thể loại này trước đây thì thế giới huyền bí của võ thuật đem lại một thử thách mới cho ông.

Đạo diễn gốc Hồng Kông này cho biết: “Khi các đạo diễn nước ngoài tới Hollywood, họ thường bắt đầu bằng việc làm những bộ phim hành động hay giả tưởng, bởi vì như thế thì họ sẽ không phải can dự vào văn hóa Mỹ ngay từ đầu và có nguy cơ bộc lộ sự ngoại lai của họ. Đối với chúng tôi ở Trung Quốc cũng vậy. Có những đặc điểm nhạy cảm hoặc khó hiểu và có thể trở thành sai lầm. Nên sẽ dễ dàng hơn cho các nhà làm phim Hồng Kông chúng tôi khi làm phim cổ trang hoặc giả tưởng; chúng tôi có thể che lấp những khác biệt văn hóa.”

Tuy nhiên những khác biệt vẫn có thể nhận thấy rõ rệt với cư dân những thành phố lớn của Trung Quốc và ở Hồng Kông: “Có sự khác biệt đáng kể về hoàn cảnh và lối sống giữa người sống ở Hồng Kông và các thành phố lớn ở Trung Quốc, các giá trị của họ có thể không tương đồng,” ông Lợi Nhã Bác, CEO của hãng phim tầm cỡ Hồng Kông Anh Hoàng phát biểu. “Nên với một câu chuyện thành thị đương đại đồng sản xuất với Hồng Kông, khán giả Trung Quốc đại lục có thể không dễ đồng cảm. Cần mất thời gian để điều chỉnh.”

“Sự hội tụ của ngành điện ảnh Hồng Kông và Trung Quốc đều nằm ở chỗ tìm ra được một chủ đề có sự tương đồng khiến các thị trường đa dạng có thể hiểu và lấy làm thú vị,” theo lời bổ sung của nhà sản xuất kỳ cựu Andre Morgan. Bộ phim mới nhất của ông - My Kingdom (Đại võ sinh), đồng sản xuất với hãng phim Celestial Pictures có trụ sở tại Hồng Kông, là một bộ phim mang tính bước ngoặt lấy bối cảnh hậu trường của thế giới kinh kịch Bắc Kinh những năm 30. “Nếu bạn thực hiện một bộ phim bao quát giai đoạn 1949 tới 1989, sẽ có rất ít điểm chung giữa những trải nghiệm của Hồng Kông và Trung Quốc. Nếu bạn làm phim về một câu chuyện trong khoảng thập niên 1920 tới 1930, đó sẽ là một câu chuyện cùng được chia sẻ. Nên đặt bối cảnh một bộ phim trong thập niên 1930 sẽ làm tăng sự thu hút và cũng cho phép bạn có thể giải quyết những vấn đề có liên quan lúc bấy giờ và đến nay vẫn còn liên quan, các giải pháp cũng tương đồng.”

Võ hiệp – một trong những bộ phim Hồng Kông mới nhất theo xu hướng cổ trang lịch sử

Một vấn đề khác, mà giờ đây đã trở thành thực tế cho các nhà làm phim và hãng phim Hồng Kông đang thực hiện những tác phẩm hợp tác với các đối tác Trung Quốc, là kiểm duyệt. “Những tác phẩm hợp tác được làm cho thị trường Trung Quốc, nên phải thông qua kiểm duyệt trước khi sản xuất. Những tác phẩm cổ trang hay lịch sử tầm cỡ kinh phí lớn có nhiều khả năng được các nhà kiểm duyệt chấp thuận hơn,” chủ tịch Lý của hãng Anh Hoàng cho biết: “Bất kỳ câu chuyện nào có chứa những nhân vật trong lịch sự hiện đại phải trải qua một quá trình kiểm duyệt khắt khe, nên có một mức độ khó khăn nhất định. Nhưng những bộ phim lấy bối cảnh quá khứ xa xôi tương đối dễ được cho phép hơn, và có khả năng được khán giả chấp nhận nhiều hơn ở Trung Quốc. Vì thế mà rất nhiều hãng phim có khuynh hướng làm những bộ phim lịch sử hoặc cổ trang hơn.”

Tuy nhiên cơn lũ các bộ phim lịch sử và chuyển thể của các tác phẩm văn học kinh điển hay các truyền thuyết cũng cũng có hạn chế của nó. Giám đốc điều hành của Media Asia John Chong cho rằng: “Hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất là kinh phí và diễn viên ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Thứ hai là càng nhiều những bộ phim cùng thể loại xuất hiện trong cùng một thị trường thì các bộ phim đó càng ít phổ biến hơn ở thị trường nước ngoài.”

Ít nhất là ở hiện tại, những bộ phim lịch sử hoành tráng vẫn đang phát triển mạnh mẽ, nhưng các hãng phim và các nhà làm phim đang tìm kiếm những phương thức khác để thoát khỏi những tiêu chuẩn chung. Đối với nhiều người thì đây là vấn đề về sự hòa trộn và phù hợp, như việc hãng phim Universe Hồng Kông kết hợp bộ phim ly kỳ 3D Sleepwalker của Bành Thuận và bộ phim hình sự ly kỳ Fairy Tale Killer của người anh song sinh Bành Phát, với một bộ phim hành động còn chưa đặt tên của Trần Mộc Thắng lấy bối cảnh Trung Quốc hậu Thế chiến thứ hai.

Khán giả xem phim ngày càng tinh tế hơn của Trung Quốc cũng đang thách thức các hãng phim và nhà làm phim tránh xa khỏi những khuôn mẫu và suy nghĩ vượt ra xa khỏi phòng vé. “Khán giả Trung Quốc thích những bộ phim khiến họ phải suy nghĩ, và họ yêu cầu chất lượng,” đạo diễn Trần cho biết. “Với mỗi bộ phim thành công, khán giả muốn nó tiến bộ hơn nữa và không phải xem thêm những thứ tương tự. Họ muốn có thêm một điều gì đó trong bộ phim tiếp theo.”

Theo lời giám đốc Chong của Media Asia: “Đừng bao giờ cố đoán khán giả Trung Quốc sẽ thích gì hoặc quá tính toán, bởi vì sẽ không có hiệu quả.”


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter