Tin tức

Cuộc chiến lớn ở Trung Quốc xung quanh Tiểu thời đại

26/09/2013

Tiểu thời đại, phim hè nổi bật của Trung Quốc, mở ra một cuộc chiến văn hóa nhỏ với những chiến tuyến mờ nhạt. Những nhà phê bình nhìn ra một sự tôn sùng chủ nghĩa tiêu dùng đáng lo ngại, nhưng người hâm mộ nói rằng phim lên tiếng hộ một thế hệ mới.

Hãy quên Man of Steel của Zach Snyder hay Man of Tai Chi của Keanu Reeves đi. Phim hè năm nay của Trung Quốc là một phim tình cảm gây ra một cuộc chiến văn hóa nhỏ trong khi hốt bạc – và dẫn tới phần tiếp theo phát hành chưa đầy hai tháng sau đó.

Tiểu thời đại kể câu chuyện về bốn nữ sinh viên thời thượng tại Thượng Hải và có lẽ miêu tả chính xác nhất là sự kết hợp giữa The Devil Wears Prada cùng Sex and the City (trừ phần tình dục) cộng thêm một chút của The Bling Ring. Phim dựa trên một bộ tiểu thuyết dành cho giới trẻ gồm ba tập của Quách Kính Minh, tác giả/ doanh nhân nổi tiếng, mảnh mai, 30 tuổi cũng là người đạo diễn phim này.

Phim kể về bốn nữ sinh ở Thượng Hải

Người hâm mộ Quách Kính Minh nói rằng anh là tiếng nói của một thế hệ say mê vật chất mới, nhưng nhiều nhà phê bình đã chỉ trích Tiểu thời đại là sự tôn sùng mù quáng chủ nghĩa tiêu dùng, tạo tấm gương xấu cho giới trẻ Trung Quốc. Tại một đất nước phải vật lộn với khoảng cách giàu nghèo lớn và sự xuất hiện nổi bật của một tầng lớp giàu xổi nhiều khi dốt nát, phim đã chạm đến tầm sâu giá trị xã hội Trung Quốc.

Nhưng chiến tuyến không được vạch ra một cách rõ ràng. Một số nhà bình luận không chắc có tập hợp lại về phe ủng hộ bộ phim, khi không ít phát ngôn, thường là “tự do”, đã chỉ trích Tiểu thời đại.

“Tôi đã xem 6.000 hay 7.000 phim điện ảnh, và đây là một trong số ít tôi ghét. Tôi kinh hoàng vì nó,” Chu Lê Minh, nhà phê bình nổi tiếng cho biết trong một buổi phỏng vấn. Nhận xét với tờ Beijing News, ông gọi phim là “hoàn toàn không chấp nhận được” và nói sự ủng hộ tư tưởng thực tế của Tiểu thời đại còn tệ hơn rất hiều so với việc quảng cáo trên các tạp chí xa xỉ.

Khi Tiểu thời đại mở màn vào cuối tháng 6, một số khu tổ hợp giải trí đã chiếu phim trên tất cả các màn ảnh. Đến ngày 14/7 phim đã thu về 77,8 triệu đôla, theo EntGroup. Điều này đã giúp Tiểu thời đại trở thành phim có doanh thu cao thứ sáu của năm tại Trung Quốc, vượt qua những phim nhập từ Hollywood bao gồm The Croods, Skyfall Star Trek: Into Darkness.

Cảnh trong phim

Phần tiếp, được quay cùng lúc với Tiểu thời đại, vốn được lên kế hoạch ra mắt vào tháng 12. Nhưng nhà phân phối, Le Vision Pictures, đã đẩy ngày phát hành lên ngày 9/8 để lợi dụng sự nổi tiếng của phim – và cuộc chiến nóng hổi xung quanh nó.

Mặc dù một số trong bốn nhân vật chính vốn đến từ các gia đình có thu nhập vừa phải, họ sống trong một căn hộ sang trọng và khoe khoang những món đồ hàng hiệu Gucci, Dior và Louis Vuitton của mình. Một người kiếm được công việc trợ lý cho vị giám đốc khéo léo, đi xe Bentley của một tạp chí kiểu Vogue tên là M.E.; cô xoay sở để chăm lo cho mọi ý thích nhất thời (và bộ sưu tập ly rượu bằng pha lê) của anh ta trong khi giúp anh ta lên kế hoạch cho một chương trình thời trang.

Một trong số những người phụ nữ trẻ này tuyên bố: “Tình yêu không vật chất chỉ như đống cát” và từ chối người bạn trai giàu có nhưng không thích tiêu xài hoang phí của mình bởi anh là tên ngốc ngờ nghệch.

“Bộ phim đang xúi giục cho kiểu tôn sùng tiền bạc sẽ tạo nên một thế hệ đào mỏ,” Chu Lê Minh nói. “Người bình thường chỉ có thể đạt tới mức độ giàu có này khi trở thành tình nhân của những người giàu có.”

Tiểu thời đại dấy lên mối lo ngại về sự tôn sùng vật chất

Nhậm San San, một cây viết cho Guangdong Daily, nhận xét: “Dù phòng vé có thu về nhiều tới đâu, Tiểu thời đại vẫn là một thứ tai hại xét theo bất kỳ tiêu chuẩn thuần nghệ thuật nào: cốt truyện không hoàn chỉnh, nhân vật mờ nhạt và tối giản hóa; cuộc sống không thật và quá dễ dàng.” Mượn một lời thoại trong tiểu thuyết Sắc, giới của Trương Ái Linh, Nhậm San San nói thêm: "Cả bộ phim chỉ như ‘một chiếc áo xa xỉ phủ đầy rận’.”

Quách Kính Minh và đội ngũ người hâm mộ thiếu niên và tuổi đôi mươi phản pháo, nói rằng các nhà phê bình là những kẻ cổ hủ không bắt kịp với “thế hệ hậu thập niên 1990” của Trung Quốc. Thế hệ này trưởng thành khi văn hóa tiêu dùng đã trở nên phổ biến và không có khái niệm về thời điểm trước khi đất nước này bắt đầu chấp nhận kinh tế thị trường.

“Chủ nghĩa vật chất là thứ hiện giờ chúng ta đối mặt hàng ngày, và nó không xấu,” Quách Kính Minh nói với China Daily. Anh và những người bênh vực anh nói rằng phim thực tế tập trung vào “sức mạnh của tình bạn” và sự thỏa hiệp cũng như đấu tranh của những người trẻ tuổi trong thế giới vật chất.

Quách Kính Minh (ở giữa) cùng bốn nữ diễn viên chính

Quách Kính Minh, có ý thức về hình ảnh, hiểu biết về truyền thông, là một nhân vật phân cực tự điều hành nhà xuất bản của mình và không ngại khoe tủ quần áo cũng như ngôi nhà thời thượng của anh ở Thượng Hải. Nhưng sau khi các nhà phê bình bắt đầu chỉ trích Tiểu thời đại, anh nhận được lượng ủng hộ nhiều đến đáng ngạc nhiên từ các cơ quan truyền thông nhà nước nổi bật.

Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, ca ngợi sự thành thạo về “những xúc cảm tinh tế” của Quách Kính Minh và nói rằng ông rất hân hạnh được thấy một tác gia “có xuất thân bình thường” đạt được thành công như vậy. “Tôi tin rằng [Quách Kính Minh] là một siêu nhân có thể giải mã được nhiều kiểu vui mừng và đau khổ,” ông viết trên Weibo, dịch vụ tiểu blog giống Twitter của Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà bình luận không thích phim vào cuộc để khiển trách; nhánh trực tuyến của CCTV, đài truyền hình nhà nước ở Trung Quốc, phát một loạt các tin về cuộc tranh luận, bao gồm cả một tin tiêu đề, “Loại trí thức đại chúng với ảnh hưởng lớn trên Weibo kia hãy im miệng đi!”

Chu Lê Minh nói ông cố ý chọn không viết bình luận về Tiểu thời đại cho China Daily, tờ báo mà rất nhiều tác phẩm phê bình của ông thường xuất hiện, bởi đây là một trong những đơn vị xuất bản hàng đầu cả nước. Ông nói ông đã bị ngạc nhiên trước một số công kích nhằm vào mình và những nhà phê bình khác của các đơn vị truyền thông nhà nước.

Trương Chiêu, tổng giám đốc Le Vision Pictures, hãng phim hai năm tuổi của cổng trực tuyến Le TV, chịu trách nhiệm phân phối phim này, nói ông không quan tâm đến cuộc chiến từ ngữ này. Ông quy rằng một số lời phê bình đến từ các nhân vật uy tín trong ngành công nghiệp điện ảnh cảm thấy sợ hãi trước thành công của môt “tay ngang trẻ tuổi” như Quách Kính Minh.

“Cuộc chiến này mang tính cảm xúc quá nhiều,” Trương Chiêu nói. “Cha mẹ lo con cái họ sẽ noi theo tấm gương này. Và… một nhà làm phim hạng A nói, ‘với những phim kiểu này mà thành công, tôi chẳng biết phải làm phim thế nào nữa.’”

Cảnh trong phim

Trương Chiêu nói rằng dựa trên những phản hồi từ người hâm mộ, Quách Kính Minh và đội ngũ của mình đã thay đổi phần tiếp – tập trung vào sự đổ vỡ của bộ tứ sau tốt nghiệp – để thêm một chút khinh suất. Vào cuối tháng 7, Le Vision sẽ cho phép Tiểu thời đại được chiếu miễn phí trên trang web của công ty, letv.com, nơi thu hút 20 triệu người xem mỗi ngày, từ đó tranh thủ quảng bá hoạt động bán vé trước cho Tiểu thời đại 2.

Nữ giới chiếm 85% người xem Tiểu thời đại, hầu hết từ 15 đến 25 tuổi. “Đây là một phim hướng đến sinh viên, vì vậy chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ cho phim ra rạp trước khi họ bắt đầu quay trở lại trường,” Trương Chiêu giải thích, cho biết thêm rằng phần ba và bốn đang phát triển.

Tuy nhiên, với phần hai ra mắt sau phần đầu trong chưa đầy hai tháng, một số đang đặt câu hỏi rằng liệu có quá nhiều, quá sớm. Một bài báo thể hiện quan điểm của nhà báo Lưu Quỳnh trên tờ People's Daily đã được chia sẻ hơn 60 triệu lần trên Weibo.

“Nếu chúng ta tra tấn mắt và tai mình chỉ với Tiểu thời đại,” cô viết, “chủ nghĩa vật chất và tiêu xài sẽ làm chủ xã hội.”

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi