Tin tức

Tuổi trẻ nồng nhiệt qua phim đầu tay của Triệu Vy

20/05/2013

Người ta thường nói, khi bạn bắt đầu hoài niệm tức là bạn đã già. Vì thế cũng thật lạ lùng khi ngày nay nhiều người tuổi còn rất trẻ đã bắt đầu ngoái lại suy nghĩ về quá khứ.

Xem lại những chủ đề nổi trội trên các mạng xã hội Trung Quốc như Sina Weibo, thì những chủ đề về ký ức những năm 80, 90, hình ảnh, các bộ phim của thời gian này, hay ngay cả việc nhắc tới những đồ ăn, thức uống giờ đã không còn nữa, đều khiến rất nhiều người quan tâm.

Dương Tử San (vai Trịnh Vy) trong áp phích phim

Phim Gửi tuổi thanh xuân đang trôi qua của chúng ta (So Young) vừa mới ra mắt, bộ phim đầu tay trong vai trò đạo diễn của nữ diễn viên Triệu Vy, đã chứng tỏ rằng khán giả Trung Quốc đang khao khát những bộ phim kể về những thời đại đã qua nhưng vẫn còn hiện diện trong ký ức của mỗi người. Bộ phim đã phá vỡ nhiều kỷ lục doanh thu phòng vé. Với doanh thu ước tính khoảng 45 triệu nhân dân tệ ngay trong ngày đầu tiên công chiếu, bộ phim đã phá vỡ kỷ lục lập chỉ trước đó vài tháng của Lost in Thailand.

Iron Man 3 ra mắt ở Trung Quốc chỉ sau Gửi tuổi thanh xuân bốn ngày, và thường thì các phim trong nước luôn gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với một phim bom tấn Hollywood như thế. Nhưng Gửi thanh xuân đã chứng minh mình là ngoại lệ, với doanh thu trên 500 triệu nhân dân tệ tính đến cuối ngày 10/5.

Thành công phòng vé của bộ phim còn đáng nói hơn khi có khá nhiều khán giả có những lời đánh giá không tốt lắm về bộ phim.

Bản chuyển thể chưa đầy đủ

Gửi tuổi thanh xuân được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 2007 của Tân Dị Ổ (xuất bản ở Việt Nam với tên Anh có thích nước Mỹ không). Đây là câu chuyện trưởng thành của sáu nữ sinh viên cùng phòng ký túc xá, với nhân vật chính là Trịnh Vy (Dương Tử San đóng).

Nguyễn Nguyễn (Giang Sơ Ảnh đóng) và Trịnh Vy

Tiểu thuyết của Tân Dị Ổ tập trung vào câu chuyện tình yêu của những người trẻ tuổi, và sự thay đổi của họ sau khi tốt nghiệp đại học, tương phản giữa sự trong trắng của tuổi thanh xuân và những thực tế lạnh lùng của cuộc sống trưởng thành trong xã hội hiện đại.

Về mặt cơ bản, Gửi tuổi thanh xuân bám sát nguyên tác (dù trong phim chỉ có bốn cô gái cùng phòng) nhưng bỏ qua nhiều mạch truyện phụ. Ví dụ, những chi tiết về xuất thân của người yêu đầu tiên của nhân vật chính, Lâm Tĩnh (Hàn Canh đóng) không được làm rõ.

Khán giả cũng đánh giá rằng nửa đầu của bộ phim, kể về cuộc sống sinh viên, và nửa sau, diễn ra sau đó mười năm, có vẻ như là hai phim hoàn toàn khác nhau. Không những mạch phim và không khí phim thay đổi, mà những cảnh phim trong nửa thứ hai cũng kém liền mạch, được chắp ghép và cần nhiều lời thoại để giải thích những gì diễn ra trong khoảng thời gian không được thể hiện trong phim.

Lâm Tĩnh và Trịnh Vy gặp lại nhau nhiều năm sau khi tốt nghiệp

Một nhà phê bình trên mạng với tên Succeed Be đã tóm tắt vấn đề của bộ phim như sau: “Triệu Vy cố gắng ôm đồm nhiều thứ quá.”

Tuy vậy, doanh thu phòng vé của bộ phim cũng cho thấy bộ phim có nhiều khoảnh khắc đáng xem. Ví dụ những lý do đi muộn học của Trịnh Vy, hay những cuộc đối thoại giữa các nam sinh viên trong phòng về bạn gái mang lại nhiều tiếng cười trong phòng chiếu.

Cảnh phim quay đẹp và bài hát chủ đề So Young của Suede (cảm hứng cho tựa tiếng Anh của phim) cũng đem lại cho khán giả nhiều cảm xúc: vui vẻ, tiếc nuối, bối rối hay tức giận.

Tuổi thanh xuân của ai?

Gửi tuổi thanh xuân được quảng bá khá rầm rộ trong cộng đồng phim nghệ thuật vì có sự tham gia của Quan Cẩm Bằng trong vai trò giám chế và Lý Tường trong vai trò biên kịch.

Là một nhà làm phim có tiếng, Quan Cẩm Bằng có sở trường làm phim cổ trang và phim về phụ nữ. Lý Tường cũng nổi tiếng với những phim nghệ thuật văn học như Lập xuân (And the Spring Comes) và Khổng tước, đều do Cố Trường Vệ đạo diễn và diễn ra vào những năm 1970, 1980.

Tuy vậy, Gửi tuổi thanh xuân chưa thể hiện được hết tài năng của họ.

Lý Tường sinh ra vào những năm 1960, và trong nhiều kịch bản của anh, cuộc sống của các nhân vật đều khổ sở với nhiều giấc mộng vỡ òa. Ngược lại, Tân Dị Ổ, một nhà văn thuộc thế hệ 8X, có phong cách trẻ trung và nhẹ nhàng hơn. Sự bất tương đồng giữa hai người kể chuyện khiến khán giả phải xem một bộ phim có phần mờ mịt.

Trịnh Vy trong một cảnh phim

Một mặt, trong phim có nhiều yếu tố gợi nhớ đến những thời kỳ cuối thập kỷ 1980 và đầu những năm 1990, ví dụ các nhân vật sử dụng máy nhắn tin và xem phim như Tân bạch nương tử truyền kỳ (1992). Mặt kia, cách suy nghĩ và tính cách của các nhân vật lại giống sinh viên hiện đại hơn.

Wang Siwei, một nhà phê bình phim, cho rằng bộ phim cũng thiếu bối cảnh xã hội và chính trị.

“Phim trong nước kể về sinh viên trong thế kỷ trước, như Di Hòa viên của Lâu Diệp hay In the Heat of the Sun của Khương Văn đều giới thiệu môi trường xã hội một cách rõ ràng hơn,” Wang cho biết.

Không neo mình vào một thời điểm nhất định, Gửi tuổi thanh xuân tạo một khoảng cách giữa nhân vật và thế giới họ đang sống.

Tuổi trẻ là chủ đề làm phim nóng hổi

“Trẻ mãi, mãi rơi lệ” có thể là khẩu hiệu của những nhân vật trong Gửi tuổi thanh xuân, khi tường phòng của họ dán đầy áp phích các nghệ sĩ như Nirvana và John Lennon.

Triệu Vy cho biết, đây là tác phẩm tốt nghiệp khóa cao học ngành đạo diễn của cô tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, và vì thế cô muốn làm một bộ phim về những con người trẻ tuổi của Trung Quốc Đại lục.

Triệu Vy (trái) và Dương Tử San

Với những phim đã tồn tại về tuổi trẻ như All About Lily Chou-Chou của đạo diễn Nhật Bản Shunji Iwai, Sunny của đạo diễn Hàn Quốc Kang Hyeong-cheol, American Graffiti của George Lucas hay cả American Pie – ước muốn làm một phim trong thể loại này của Trung Quốc của Triệu Vy là dễ hiểu. Nhưng khơi dậy ký ức chung cho cả một thế hệ là một nhiệm vụ quá to lớn.

Gửi tuổi thanh xuân cũng đề cập những vấn đề như tình dục, bạo lực, phá thai và những vấn đề khác để phác họa sự độc ác của tuổi trẻ nhưng thiếu sự ủng hộ của sự kiện cùng thời đại.

Vào năm 2010, một phim ngắn mang tên Old Boys thu về được 100 lượt xem trên mạng. Nhiều người xem phim cho rằng câu chuyện đã đem lại nhiều ký ức về tuổi trẻ và giấc mơ tuổi mới lớn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Succeed Be, sự thịnh hành của chủ đề tuổi trẻ trong phim ảnh này chưa hẳn là một xu hướng làm phim. “Khán giả không hẳn muốn xem phim về chủ đề này hay thích những phim đó. Nó chỉ trở nên vượt trội vì những khán giả thích bàn về chủ đều này cũng là những người biết cách tận dụng kênh thảo luận trực tuyến.”

Anh cũng nhấn mạnh rằng đằng sau sự lớn mạnh của thị trường phim trong nước như thế này cũng nhận sự trợ giúp của những chính sách bảo vệ phim trong nước của Trung Quốc, và sự quảng bá rộng rãi của những phim có đạo diễn hay diễn viên nổi tiếng như Gửi tuổi thanh xuân.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi