Nhân vật & Sự kiện

Tiểu thời đại và sự thật đằng sau cuộc sống xa hoa

06/09/2013

Bộ phim mới dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn ăn khách với nội dung lý tưởng hóa lối sống vật chất, phải chăng phản ánh hệ thống giá trị siêu giàu của tác giả?

Chuyện tác giả ăn khách Trung Quốc Quách Kính Minh sống xa hoa không phải là bí mật - và anh đảm bảo đó là thông tin công khai. Cốt truyện tương tự như 15 cuốn tiểu thuyết của anh, quyển mới nhất đã bán được 1,4 triệu bản trong hai tháng. Những cuốn sách của anh giàu trí tưởng tượng và lãng mạn, đôi khi lý tưởng mâu thuẫn với vật chất – nhưng không đủ để ngừng việc liên tục đề cập và sử dụng những sản phẩm của Louis Vuitton, Hermes và Dior.

Nhà văn ba mươi tuổi này đã đạo diễn bộ phim nói về các chủ đề xuất phát từ trải nghiệm của mình. Bộ phim Tiny Times / Tiểu thời đại của Quách Kính Minh được chuyển thể từ phần một của bộ ba tác phẩm văn học cùng tên của anh, đã công chiếu vào ngày 27/6.

Tiêu đề cho thấy chính xác là bộ phim không đi sâu vào những điều thuộc về lịch sử lớn lao hay biến đổi xã hội.

Phim kể về bốn nữ sinh ở Thượng Hải

Hơn nữa, phim thất bại ở đâu đó giữa Gossip GirlsSex and the City - ngoại trừ tình dục.

Bộ phim kể về cuộc sống tình cảm và xây dựng sự nghiệp của bốn nữ sinh viên ở Thượng Hải. Phim có các cảnh khoa trương, với sự tham gia của các nữ danh ca trẻ gợi cảm nhất. Các nhân vật học tập trong một trường đại học như cung điện, và ký túc xá của họ giống như lâu đài của các công chúa. Ít nhất hai nhân vật ngủ với tầm mền in rõ logo Hermes.

Trong khi phần trình bày khá ảo tưởng, tầm nhìn của Kính Minh rất thực dụng trong cách tiếp cận.

“Các cuộc khảo sát cho thấy khán giả Trung Quốc có độ tuổi trung bình là 21 – trẻ hơn hai tuổi so với năm ngoái,” anh nói.

“Và đây chỉ là mức trung bình. Vì vậy bạn có thể hình dung được có nhiều khán giả dưới 21 tuổi. Khán giả điện ảnh đang thay đổi nhưng các bộ phim điện ảnh thì không. Đó là điều mà ai cũng biết nhưng vờ như không thấy.”

Quách Kính Minh tự nhận mình là nhà văn bình dân của các tiểu thuyết hoa mỹ. Anh thừa nhận các tác phẩm như của nhà văn Trung Quốc giành giải Nobel Mạc Ngôn làm anh thất vọng, nhưng những người sinh ra sau thập niên 1980 và 1990 đã ủng hộ anh với ví tiền của họ.

Cảnh trong phim

Quách Kính Minh xếp vị trí thứ tư trong danh sách các nhà văn giàu có nhất Trung Quốc năm 2012, với việc kiếm được 32 triệu tệ (5,2 triệu đôla) trong năm – đây là năm thứ sáu liên tiếp anh nằm trong tốp năm.

Ngày 16/6 vừa qua, anh đã ngồi cùng 300 người hâm mộ, họ giành được cơ hội xem phim chín ngày trước ngày công chiếu toàn quốc thông qua một chiến dịch trực tuyến. Quách Kính Minh tự triển khai chiến lược tiếp thị.

Đoạn giới thiệu mở đầu chiếu tên anh với ba danh hiệu – đạo diễn, biên kịch và tác giả tác phẩm gốc. Khán giả đã gào rú lên…

Điều đó khiến anh cảm thấy “hạnh phúc và tự hào”, anh nói.

“Độc giả của tôi và tôi trưởng thành cùng nhau.”

Quách Kính Minh bác bỏ một số lời chỉ trích phản đối sự miêu tả lối sống vật chất diễn ra trên phim.

“Thế hệ ông cha chúng ta mặc cùng một kiểu quần áo, với chiều dài quần như nhau,” anh nói.

“Sống sót là vấn đề quan trọng đối với họ. Nhưng chúng ta không phải đối mặt với điều này nữa. Vật chất chính là thực tế mà thế hệ trẻ phải chấp nhận.”

Vật chất là thực tế mà thế hệ trẻ phải chấp nhận

Anh chỉ vào một cái đèn trong phòng khách được trang trí các bức tranh sơn dầu khổng lồ, đèn treo pha lê và các bức tượng điêu khắc đá.

“Cái đèn này có giá 60.000 tệ, và cái đèn treo là 700.000 tệ, vì tôi mua hàng trên mạng nên tôi gửi đường dẫn cho trợ lý và anh ấy đã mua về cho tôi.”

Kính Minh bước đến cầm con ngựa điêu khắc ở phía đối diện của căn phòng.

“Cái này chỉ 180 tệ,” anh nói.

Cầm tượng hươu, anh thêm vào: “Cái này 150 tệ.”

“Chúng không đến từ bất kỳ nhãn hàng nào cả nhưng thể hiện khiếu thẩm mỹ của tôi. Vì vậy tôi mua chúng. Tôi không xúi giục khán giả của mình làm nô lệ của dòng sản phẩm cao cấp. Tôi khuyến khích người hâm mộ thưởng thức và sử dụng chúng. Triết lý của tôi rất khác biệt.”

Nhưng liệu người trẻ tuổi có nắm bắt được sự tinh tế của bộ phim hay không, khi mà một thực tập sinh ở tạp chí sở hữu túi Prada và một cây bút trẻ phụ trách chuyên mục trên báo sống trong một căn hộ 200 mét vuông ở Thượng Hải?

“Bộ phim này chắc chắn sẽ gây ra cuộc tranh luận lớn, nhưng cũng tốt thôi,” Kính Minh nói.

“Khi ấy, người ta sẽ bàn luận về Tiểu thời đại.”

Cảnh trong phim

Kính Minh cho rằng làm phim không trí thức hơn công việc văn chương và tạp chí. Anh cho biết vai trò của mình trong bộ phim này là quản lý dự án – mặc dù lực lượng lao động 300 người trên phim trường gấp khoảng năm lần so với công ty anh.

“Tôi có quyền kiểm soát cao nhất trong dự án này nhưng phải thỏa hiệp mỗi ngày,” Kính Minh nói.

Anh nhớ lại việc sử dụng các mối quan hệ để thuê một địa điểm sang trọng và khó kiếm ở Thượng Hải trong ba ngày, nhưng rồi nữ diễn viên lại lên cơn sốt ở Đài Loan. Việc cô ấy đến muộn có nghĩa là họ phải quay cảnh ban ngày vào buổi tối. Vì thế mà họ phải thuê cần trục để treo một lượng lớn các thiết bị chiếu sáng ở độ cao 50 mét.

“Cảnh đó không bao giờ tự nhiên như cảnh quay ban ngày, nhưng phải chấp nhận thôi,” Kính Minh nói.

Anh ấy hiểu và chấp nhận điều đó, tuyệt vời nhưng không hoàn hảo.

Trên mạng anh hay bị chế giễu vì chiều cao 1,5 mét. Một rạp chiếu phim Thượng Hải đã phát động một chiến dịch trong đó những người lùn hơn anh có thể xem phim của anh với một nửa giá.

“Thật ác ý,” Kính Minh nói.

“Nhưng tôi sẽ không bàn cãi làm gì. Tôi được sinh ra như thế, và tôi kiếm được mọi thứ tôi có bằng chính đôi tay của mình. Điều đó không có ý nghĩa chút nào sao?

Quách Kính Minh

Một điều mà Kính Minh không muốn nói gì thêm nữa đó là vụ kiện ăn cắp bản quyền năm 2006 mà anh thua kiện.

Nhưng các cuốn sách của anh vẫn tiếp tục được bán rất chạy bất chấp các vấn đề về luật pháp. Anh luôn dẫn đầu trên danh sách bán chạy nhất hằng năm suốt tám năm kể từ năm 2003.

Thay vào đó, anh lèo lái các cuộc tranh luận về bộ phim của mình. Một phần của phim này được quay tại một căn hộ khác của anh ở trung tâm Thượng Hải, đối diện với tòa nhà cao thứ năm thành phố, Plaza 66.

Thượng Hải là bối cảnh trong hầu như tất cả các cuốn sách của anh. Đây là thành phố yêu thích của anh từ khi anh chuyển đến từ một thị trấn nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên 11 năm trước, sau khi anh thắng giải nhất của cuộc thi viết văn quốc gia.

“Đây là thành phố tốt nhất và cũng là thành phố tệ nhất,” Kính Minh nói.

“Thành phố này đáp ứng mọi thứ con người cần. Nhưng cũng bao hàm khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Đó là mô hình thu nhỏ của thời đại chúng ta.”

Dịch: © Gia Khang @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi