Tin tức

Thị trường Trung Quốc lạnh nhạt với phim 2D

31/05/2012

Có lúc tưởng như nhu cầu thưởng thức phim ảnh ở chiều không gian thứ ba đã nguội lạnh, vậy mà phim 3D lại được hâm nóng. Kể từ khi Avatar của James Cameron nổ phát súng đầu tiên cho xu hướng 3D năm 2009, cơn lũ phim 3D đã ập vào Trung Quốc đầy mạnh mẽ.

Khởi đầu đầy tự tin, 3D Titanic tạo ấn tượng với doanh thu phòng vé 737 triệu nhân dân tệ (117 triệu đôla) trên đất Đại lục chỉ trong hai tuần công chiếu đầu tiên. James Cameron hiện đang hợp tác với một công ty sản xuất phim ảnh của Trung Quốc để làm phim 3D The Art of War / Binh pháp Tôn Tử.

Một cảnh trong Life of Pi

Madam Butterfly được đánh giá cao tại Liên hoan phim Quốc tế Bắc Kinh lần thứ hai và tiếp theo sẽ là phiên bản 3D ra mắt vào cuối năm 2012. Lý An, đạo diễn người Trung Quốc từng đoạt giải Oscar, đã lên kế hoạch làm phim 3D đầu tay mang tên Life of Pi. Các đạo diễn Trung Quốc khác như Trương Nghệ Mưu từng bày tỏ hứng thú làm phim 3D. Đài truyền hình Trung ương CCTV thậm chí đã cho ra đời một kênh truyền hình 3D hồi đầu năm 2012. Phải chăng tương lai của 2D tại Trung Quốc đang dậm chân tại chỗ?

Điểm thuyết phục

Ngày 24/4, như một phần chương trình của Liên hoan phim Quốc tế Bắc Kinh, đạo diễn Cameron phát biểu tại diễn đàn về sự phát triển của công nghệ phim 3D tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc.

"Câu hỏi thực sự mọi người cần phải đặt ra... đó là tại sao chúng ta thích 3D. Tại sao nó lại thu hút mạnh mẽ như vậy?" Cameron phát biểu. Ông giải thích rằng sự lôi cuốn nằm trong việc đình chỉ tạm thời khả năng não bộ phân định giữa thực và hư. "Khi chúng ta xem một hình ảnh phẳng trên màn hình, chúng ta biết rằng đó là thông tin tượng hình. Còn phim 3D mở ra một cửa sổ nhìn ra thực tế."

Cameron tin tưởng định dạng 3D cho phép các đạo diễn kể một câu chuyện hay hơn, bởi nó cuốn khán giả vào câu chuyện sâu hơn. Quan điểm của Cameron được Trần Vĩnh Văn, Tổng giám đốc công ty 3D RealD khu vực châu Á nhiệt tình ủng hộ. Ông Trần cho biết số lượng phim 3D sản xuất tại Hollywood đang tăng lên hàng năm.

"Các đạo diễn trên toàn thế giới đang rất say sưa với 3D," ông Trần cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên điện thoại với tờ Global Times. "Với các đạo diễn, 3D có thể gia tăng sức truyền tải của câu truyện. Nếu có thể làm phim 3D được, họ đều sẵn lòng làm. 3D mô phỏng những gì chúng ta nhìn thấy trong đời thực."

Ông Trần tin tưởng rằng 3D mang lại lợi ích song phương cho cả đạo diễn và nhà sản xuất. "Các nhà sản xuất cân nhắc yếu tố thị trường tương lai khi họ làm phim 3D," ông Trần nói. "Điều này sẽ nhân rộng trong tương lai. Chỉ là vấn đề thời gian. Phim 3D được sản xuất hôm nay sẽ có [chỗ đứng trên thị trường] tương lai, khi các nhà sản xuất bán chúng cho các kênh truyền hình."

Đạo diễn James Cameron và đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Cameron đồng tình rằng xem các chương trình 3D tại nhà là xu thế của tương lai. Tại diễn đàn, Cameron cho biết các nhà sản xuất TV, như LG và Sony, đang sản xuất TV 3D, vì vậy nhu cầu về các chương trình 3D sẽ tăng lên, như các chương trình thể thao, giải trí, âm nhạc, và nhiều thứ khác nữa.

Trung Quốc đang bắt đầu triển khai rộng khắp công nghệ số, khiến việc cho việc phát triển 3D trong nước sẽ dễ dàng hơn và nhanh hơn các nước châu Âu hay Mỹ. Theo Julian Napier, đạo diễn 3D Madam Butterfly, khán giả Trung Quốc nhìn chung vồ vập 3D hơn.

Napier nói với tờ Global Times rằng khi người phương Tây lưỡng lự về 3D, khán giả Trung Quốc "hăm hở mà không thắc mắc gì", một tín hiệu tốt cho Napier, người đã theo đuổi công nghệ này gần 10 năm nay.

Khán giả phương Tây cần phải được thuyết phục rằng phim 3D không chỉ là kỹ xảo mà còn là những cách kể chuyện hay. Napier tin rằng phim 3D có thể đáp ứng cả hai điều này.

Những trở ngại

Mặc dù việc làm phim 3D thu hút rất nhiều đạo diễn có tham vọng, nhưng kinh phí cao là một mối đe dọa. "Làm phim 3D kinh phí đội lên khoảng 25% so với phim 2D," ông Trần nói. "Một đạo diễn cần phải có kinh nghiệm kỹ thuật trước khi làm phim 3D."

Cameron tỏ ra lạc quan về cách giải quyết những vấn đề này. Ông cho biết công ty của ông đang tiếp tục giảm chi phí làm phim 3D và biến quá trình làm phim 3D trở nên tương tự phim 3D hết mức có thể, trao cơ hội thử nghiệm làm phim 3D cho tất cả các đạo diễn.

Bất chấp sự tin tưởng của các đạo diễn và nhà sản xuất dành cho tương lai của 3D, một số nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc vẫn còn hoài nghi. Du Tín, một nhà phê bình với bút danh Đồ Tân Căn Mộc tượng, nói với Global Times rằng ông vẫn thích xem phim 2D hơn, "trừ khi một phim 3D đặc biệt xuất sắc ra rạp."

Áp-phích phim 3D Madam Butterfly

Theo ông Du, phim 2D đã đủ hiệu quả thỏa mãn thị giác, và phần lớn phim 3D là không cần thiết. Những phim hoạt hình của Hayao Miyazaki xem ở định dạng 2D còn tốt hơn 3D.

Về phương diện sức khỏe, ông Du không ưa sự thiếu thoải mái do phim 3D mang lại.

"Tôi cảm thấy hoa mắt và mệt mỏi khi phải xem phim 3D lâu," ông nói. "Và tôi không dễ chịu với cặp kính ghì lên sống mũi."

Thật không may, việc xem phim 3D mà không cần mang kính hiện vẫn chưa khả thi. "Đó là một vấn đề công nghệ rất phức tạp, chúng ta chưa thể sớm thoát khỏi cặp kính," theo ông Trần.

Trần Vĩnh Văn cũng thừa nhận với sự hạn chế của công nghệ 3D hiện tại, hình ảnh phim 3D tối tăm hơn phim 2D.

"Chập hai kính lại khi xem phim, chưa tới 30% ánh sáng từ phim lọt vào tới mắt bạn."

Rất nhiều mọt phim cho biết họ thích xem phim ở định dạng truyền thống hơn, bởi họ thấy phim 3D phụ thuộc quá nhiều vào hiệu quả thị giác. Tuy nhiên, nếu cùng một bộ phim được chiếu ở cả hai định dạng, đa số sẽ chọn xem bản 3D.

Trong một khảo sát của Sina Weibo, 48,5% trong tổng số 99 người được hỏi chọn xem Kung Fu Panda bản 3D. Ở một khảo sát khác của sojump.com, một trang khảo sát trực tuyến, hơn 57% người tham gia cho biết họ khoái xem 3D hơn.

Có lẽ đây là lý do khiến những phim nổi tiếng, như Ringu hay The Monkey King: Uproar in Heaven / Tề Thiên Đại Thánh: Đại náo Thiên cung, đều đang được làm lại dưới dạng không gian ba chiều.

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi