Tin tức

Có nên cho phim ra mắt ở các thị trường quốc tế trước?

30/05/2012

Nếu bạn yêu thích điện ảnh, chắc hẳn cũng quan tâm tới doanh thu phong vé (độ quan tâm lớn tới đâu là tùy bạn). Dù bạn không quan tâm đi nữa, thì sự thật là những con số doanh thu phòng vé vẫn có tác động lớn tới ngành điện ảnh. Chính những phim lợi nhuận mới quyết định Hollywood sẽ cho ta xem gì tiếp theo.

Thường thì những quyết định đó được dựa trên doanh số phòng vé ở Mỹ. Nhưng trong những năm gần đầy, các chủ các hãng phim ngày càng phải quan tâm mới một con số mới, đó là doanh thu ở các phòng vé quốc tế. Tất nhiên, doanh thu này luôn tồn tại, nhưng trước đây nó chỉ là muối bỏ bể so với doanh thu ở Mỹ. Nhưng khi khán giả Mỹ ngày càng phớt lờ những bộ phim Hollywood, trong khi khán giả quốc tế lại vồ vập chúng, thì doanh thu quốc tế giờ đây có thể là sự khác biệt giữa một bộ phim thành công và một thất bại nặng nề.

Fast Five, Rio Thor (2011) ra mắt thị trường thế giới trước Mỹ
đem lại thành công doanh thu vé

Nếu nói ra sự thật đó làm bạn cảm thấy rằng bài viết sỉ nhục khán giả quốc tế thì người viết xin được thứ lỗi, đó không phải mục đích của bài viết này. Đúng là sự hăng hái của khán giả ngoài nước Mỹ cũng có chút khó hiểu – chẳng phải họ phải là những khán giả tinh tế hơn sao? Chẳng phải họ nên là những người đầu tiên tẩy chay những sản phẩm văn hóa đại trà kiểu “thùng rỗng kêu to” của Mỹ sao? Nhưng ta có thể nhanh chóng tìm được câu trả lời cho sự khó hiểu này. Dù bộ phim có thể dở thế nào, thì phần lớn các phim Hollywood vẫn có sức hút và tính giải trí lớn hơn những phim của nước nhà (về mặt ngôi sao, kỹ xảo, yếu tố “khác lạ” của Mỹ). Trong khi sự quen thuộc có thể dẫn tới những lời chỉ trích, cung thiếu thì cầu tăng. Ngay nào mà người Mỹ lại chẳng nhìn thấy Johnny Depp. Với phần còn lại của thế giới, họ lâu lâu mới được thấy mặt anh, vì thế họ vẫn háo hức chờ đợi phần tiếp theo của Pirates of the Caribbean.

Nguồn cầu từ thị trường thế giới ngày càng có ảnh hưởng lớn tới Hollywood. Các bộ phim giờ được làm dành cho khán giả quốc tế, và được cho ra mắt ở nước ngoài còn trước khi ra mắt ở Mỹ. Năm ngoái, Fast Five (ra mắt ở Việt Nam với tựa Phi vụ Rio), phim hoạt hình Rio, và Thor đều ra mắt ở nước ngoài trước khi ra mắt ở Mỹ, và khi phim xuất hiện ở Mỹ thì doanh thu quốc tế đã đủ lớn để biến cả ba thành những bộ phim thành công.

The Adventure of Tintin, 2011 rất thành công với thị trường thế giới
nhưng vẫn không kéo được khán giả Mỹ đến rạp

Năm nay, The Avengers (ra mắt ở Việt Nam với tựa Biệt đội siêu anh hùng) được ra mắt một cách rầm rộ và ồn ào ở nước ngoài, khiến nhiều khán giả Mỹ phải nhìn màn hình máy tính một cách thèm thuồng trong khi khán giả năm châu hò hét ca ngợi những siêu anh hùng tiêu biểu nhất của Trái đất. Battleship (ra mắt ở Việt Nam với tựa Chiến hạm) cũng đã ra mắt cả tháng ở châu Âu và châu Á, mang về hàng triệu đôla, trước khi ra mắt tại Mỹ.

Lý do tại sao? Thành công ở nước ngoài và những lời bàn tán sẽ có tác dụng thuyết phục khán giả Mỹ kéo nhau vào rạp. Đây là một bức tranh phản ánh thật chính xác tâm lý xem phim của khán giả Mỹ hiện giờ.

Nhưng liệu Hollywood có nên tiếp tục cho khán giả quốc tế xem trước phim? Thật ra, thật khó khẳng định rằng Avengers thành công đến vậy vì khán giả ở London và Tokyo đang cuồng lên vì phim này, mà phải nói rằng chiến dịch quảng bá, tạo thương hiệu của Marvel đã thật sự thành công. Tất nhiên, khán giả Mỹ có vẻ háo hức hơn, nhưng cũng có thể cho rằng đó phần nào là vì Thor đã kết thúc rất kịch tính và mọi người muốn biết điều gì xảy ra tiếp theo, không phải là vì phim thành công ở Oslo. Và dù sao thì khán giả cũng không mấy hăng hái hơn về Battleship sau khi nó ra mắt ở nước ngoài.

Và sự thật phũ phàng là khán giả trẻ của Mỹ cũng chẳng quan tâm liệu Avengers (hay Thor, hay Fast Five…) có thành công ở nước ngoài hay không. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đáng buồn khi nhiều người Mỹ chẳng cần biết có chuyện gì đang xảy ra ở nước ngoài, vì thế việc khán giả nước ngoài có xem phim không thì cũng đâu có liên quan gì? Dù có quan tâm, tác giả cũng không nghĩ nhiều người Mỹ biết rằng các bộ phim này đã được ra mắt sớm ở nước ngoài. Tác giả có nhiều bạn cũng theo dõi tin tức điện ảnh tỏ ra ngạc nhiên khi có gia đình và bạn bè ở nước ngoài đang bàn luận về The Avengers (“Ơ, phim này ra ở Sydney rồi à? Thứ sáu này tôi mới được xem.”)

Sau The Avenger, Battleship, trong năm 2012 Hollywood sẽ còn tiếp tục cho
Prometheus, The Amazing Spider-man công chiếu tại một số thị trường quốc tế trước thị trường Mỹ

Còn một vấn đề lớn khác: tải phim lậu. Hollywood cứ luôn kêu ca về nạn tải phim lậu và phàn nàn rằng nó đang ăn hết lợi nhuận của họ, thế thì tại sao họ lại tạo ra một tình huống sẽ chỉ tăng nạn tải phim lậu này ở trong nước Mỹ? Người Mỹ càng phải đợi lâu để xem phim bom tấn, họ sẽ càng có xu hướng đi tìm những bản trên mạng để tải về (nhất là với khản giả nam trẻ tuổi, nhóm khán giả có xu hướng tải phim lậu nhiều nhất).

Công lao của khán giả nước ngoài đối với doanh thu phim là rất lớn, nhưng việc Hollywood cứ cho ra mắt phim ở nước ngoài trước không phải là một kế sách hay. Họ cứ nên chỉ có một ngày ra mắt toàn cầu. Cứ đối diện với sự thật là cả thế giới là một nhóm người hâm mộ khổng lồ hoạt động 24/7 qua mạng internet. Tại sao cứ phải đưa “mồi” ra “nhử” khán giả Mỹ trước, làm những khán giả này mất đi cảm giác hồi hộp đợi phim, mà thay vào đó là ức chế vì có những người khác được xem phim trước mình? Nếu là phim hay thì chúng sẽ tự thành công, chứ không phải đợi có người khen ngợi rồi mới có người đi xem. Đã đến lúc Hollywood phải tập trung vào tìm hiểu yếu tố làm nên phim thành công, chứ không phải chơi trò chơi nhử mồi với những ngày ra mắt khác nhau.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi