Tin tức

Trần Quốc Huy kể chuyện người hùng đời thường phi thường trong Ordinary Hero

27/11/2022

Vào ngày 30 tháng 4 năm ngoái, một cuộc chạy đua với thời gian đã diễn ra trong hành trình dài hơn 1.400 km giữa Địa khu Hòa Điền, khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và Urumqi, thủ phủ khu vực.

Một cậu bé 7 tuổi bị máy kéo cắt lìa cánh tay khi đang chơi trên cánh đồng ở làng Kumairik. Thời gian vàng để nối lại cánh tay cho cậu bé là trong vòng sáu đến tám giờ.

Parman Parhat trong vai cậu bé bị thương

Khi cậu bé tới được sân bay Hòa Điền để bay đi Urumqi làm phẫu thuật khẩn cấp, chuyến bay cuối cùng còn chỗ — CZ6820 của China Southern Airlines — sắp sửa cất cánh. Với sự phối hợp của nhân viên sân bay và tổ bay, máy bay đã quay lại ga hàng không đón cậu bé và thậm chí còn điều chỉnh lộ trình dự kiến ​​để tiết kiệm khoảng 10 phút quý giá.

Với nhiều giúp đỡ khác từ các sĩ quan cảnh sát hộ tống và sự chuẩn bị sẵn sàng của các bác sĩ chỉnh hình tại bệnh viện TCM trực thuộc Đại học Y Tân Cương ở Urumqi, đứa trẻ đã trải qua ca phẫu thuật thành công và hồi phục tốt.

Khi tình cờ biết được tin này, đạo diễn Hồng Kông Trần Quốc Huy đã vô cùng xúc động và nhanh chóng quyết định đến tận nơi để xem liệu có thể chuyển thể câu chuyện cảm động này lên màn bạc không. Tác phẩm đạo diễn gần đây nhất của ông, The Bravest năm 2019, cũng chuyển thể từ một sự kiện có thật về những người lính cứu hỏa anh hùng.

Trần Quốc Huy bắt đầu quan tâm hơn đến Tân Cương, với kiến ​​​​thức về phong cảnh đẹp như tranh vẽ và nho ngon ngọt chủ yếu thu thập từ một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến.

Cuộc chạy đua với thời gian đã diễn ra trong hành trình dài hơn 1.400 km giữa Địa khu Hòa Điền, khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và Urumqi, thủ phủ của khu vực

Tháng 6 năm 2021, Trần Quốc Huy đáp chuyến bay đến Tân Cương, ở đó năm tháng và hoàn thành xuất sắc bộ phim mới nhất do ông làm đạo diễn Ordinary Hero, ra rạp khắp Trung Quốc từ ngày 30 tháng 9.

Là bom tấn có doanh thu cao thứ hai trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, bộ phim đã thu về 164 triệu nhân dân tệ (23 triệu USD) tính đến 18/10.

Trần Quốc Huy kể ông lần theo lộ trình của cậu bé gặp nạn, gồm cả việc đi chuyến bay CZ6820, và phỏng vấn hầu hết những người đã tham gia giải cứu.

Vì cái kết đã biết, Trần Quốc Huy nói thách thức hàng đầu là xoay quanh việc tái hiện những khoảnh khắc hồi hộp mà lý thú một cách chân thực nhất có thể.

Tất cả các thành viên trong đội phẫu thuật của bác sĩ chỉnh hình do Phùng Thiệu Phong (thứ hai từ phải qua) đóng trong phim đều là bác sĩ và y tá tại bệnh viện Urumqi tham gia vào ca phẫu thuật

Với sự tham gia của nữ diễn viên Lý Băng Băng trong vai tiếp viên trưởng chuyến bay, nam diễn viên Huỳnh Hiểu Minh trong vai cơ trưởng và Phùng Thiệu Phong trong vai bác sĩ phẫu thuật chịu trách nhiệm cứu cánh tay, tất cả các ngôi sao hạng A đều đã học hỏi những người trong các tình huống đời thực để có được kiến ​​​​thức chuyên môn, giúp hiểu rõ hơn nhân vật của họ.

Điều thú vị là tất cả các thành viên trong đội phẫu thuật của bác sĩ chỉnh hình do Phùng Thiệu Phong đóng trong phim đều là bác sĩ và y tá tại bệnh viện Urumqi tham gia vào ca phẫu thuật.

“Trừ phòng phẫu thuật dựng trên phim trường, tất cả các phụ kiện phẫu thuật và thiết bị y tế đều là hàng thật. Bệnh viện giúp đỡ và hỗ trợ hết mình,” đạo diễn nói, đồng thời cho biết thêm nỗ lực của các bác sĩ mang lại “cảm giác chân thực như phim tài liệu” cho bộ phim.

Lý Băng Băng trong vai tiếp viên trưởng chuyến bay

Tuy nhiên, là một nhà làm phim kỳ cựu chuyển sở thích từ phim lãng mạn sang phim chuyển thể từ những câu chuyện có thật trong những năm gần đây, Trần Quốc Huy nói một trong những thách thức hàng đầu là tuyển diễn viên.

Đạo diễn giải thích: “Vì hầu hết các cảnh của cậu bé đều là nằm trên cáng hoặc trên giường bệnh, chúng tôi cần một đứa trẻ có đôi mắt tương đối to, dễ dàng thể hiện cảm xúc như chịu đựng nỗi đau và nhớ mẹ hơn.”

Parman Parhat sáu tuổi đến từ quận Emin ở tây bắc Tân Cương, được chọn đóng vai cậu bé. Chưa từng đóng phim bao giờ, bé đã học diễn xuất trong hai tháng trước khi bấm máy vào tháng 9 năm ngoái.

Để giúp cậu bé nhanh chóng thích nghi với “công việc” của mình, đạo diễn đã nghĩ ra một cách rất hiệu quả: chủ yếu bắt đầu quay vào buổi tối, do đó trạng thái mệt mỏi của cậu bé sẽ phù hợp với vai diễn; và quay các cảnh trong khoảng thời gian tự nhiên của câu chuyện.

Lòng hiếu khách của người dân địa phương ở Tân Cương là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của Trần Quốc Huy trong quá trình chuẩn bị và quay phim

Lòng hiếu khách của người dân địa phương ở Tân Cương là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của Trần Quốc Huy trong quá trình chuẩn bị và quay phim.

“Một đêm nọ tôi bị lạc trong lúc cố tìm đường trở về khách sạn của mình. Tôi đã nhờ người dân địa phương giúp, nhưng chúng tôi không thể hiểu nhau do khác biệt ngôn ngữ. Khi tôi cho họ xem thẻ phòng của mình, họ ra hiệu hộ tống tôi trở lại khách sạn dù phải mất hơn 10 phút,” ông kể.

“Tôi cũng cảm thấy xúc động khi biết rằng một số bác sĩ ở Tân Cương có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu họ chuyển đến các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng họ đã ở lại các bệnh viện địa phương vì tin rằng nơi đó cần đến họ nhiều hơn,” Trần Quốc Huy nói thêm.

Lưu ý rằng những tình tiết nhỏ như vậy trong cuộc sống có thể giúp ông hiểu rõ hơn lý do tại sao cậu bé gặp nạn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người tốt, đạo diễn cho biết ông hy vọng bộ phim sẽ truyền tải một thông điệp đầy cảm hứng.

Đạo diễn Trần Quốc Huy trên trường quay Ordinary Hero

“Một người bình thường có trái tim nhân hậu sẽ trở thành anh hùng khi chung tay giúp đỡ trong lúc khó khăn,” Trần Quốc Huy kết luận.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily