Tin tức

Từ Hi, Mom đến Hồ Trường Tân: Đằng sau thành công của phim bom tấn Trung Quốc

26/12/2021

Doanh thu phòng vé nội địa của The Battle at Lake Changjin đạt gần 5,77 tỉ nhân dân tệ (# 892 triệu USD), trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, vượt qua Chiến lang 2, bộ phim đã giữ ngôi vương từ năm 2017.

Khán giả xem Trận chiến Hồ Trường Tân tại rạp chiếu phim ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, ngày 06/10/2021

Sử thi lịch sử, miêu tả trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ tại Hồ Trường Tân trong Chiến tranh chống Mỹ xâm lược và viện trợ Triều Tiên (được gọi là Chiến tranh Triều Tiên ở Mỹ), cũng là bộ phim có doanh thu cao nhất trên thế giới năm nay, theo sau là bộ phim hài Trung Quốc, Hi, Mom.

Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã tạo ra ít nhất mỗi năm một siêu phẩm, thu về ít nhất 3 tỉ nhân dân tệ ở phòng vé. Mới năm năm trước, vẫn có năm phim Mỹ chiếm lĩnh tốp 10 phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc. Giờ đây, chỉ có một — Avengers: Endgame của Marvel, phim có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử. Chín vị trí còn lại đều là phim Trung Quốc.

Với ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, liên tục tung ra những bộ phim chất lượng cao trong những năm gần đây, các nhà làm phim Trung Quốc có thể và sẵn sàng kể những câu chuyện của Trung Quốc, và khán giả Trung Quốc giờ đây cũng mong đợi được xem nhiều câu chuyện đại diện cho họ hơn.

Poster quảng cáo The Sacrifice tại một trạm xe buýt

Chris Fenton, nhà sản xuất phim người Mỹ và người được ủy thác của Viện Mỹ-Á, cho biết trong một phỏng vấn với Bloomberg: “Tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đối với bất cứ thứ gì của Mỹ đang ở mức thấp nhất mọi thời thời hiện đại.”

Sự trỗi dậy của phim Trung Quốc ở thị trường nội địa một phần có thể là do năng lực làm phim ngày càng được cải thiện của nước này. Yin Hong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phê bình Văn học và Nghệ thuật Trung Quốc, cho biết trong một phỏng vấn với tờ Wenhui Daily có trụ sở tại Thượng Hải, nói rằng “những bộ phim như Leap, The Eight Hundred, và The Sacrifice chứng minh những bộ phim hàng đầu của Trung Quốc đã đáp ứng các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về chế tác.”

Lưu lạc địa cầu, bom tấn khoa học giả tưởng đầu tiên của Trung Quốc, được nhiều người dân nước này đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành điện ảnh Trung Quốc. Vương Hiểu Huy, giám đốc Cục Điện ảnh Quốc gia, ca ngợi hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp của bộ phim — một thành tích cho thấy khoảng cách với Hollywood đang được thu hẹp.

Poster The Wandering Earth trong một rạp chiếu ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, ngày 9/2/2019

Trong khi Lưu lạc địa cầu thể hiện khả năng ngày càng tăng trong hiệu ứng đặc biệt, thì Hi, Mom ​​là một ví dụ về cách kể chuyện được cải thiện. Bộ phim hài kịch tính về tình mẫu tử không có hình ảnh đẹp mắt hay cảnh hành động kinh phí lớn, nhưng đã kể được một câu chuyện hấp dẫn khiến người xem Trung Quốc liên tưởng và khiến phần lớn họ rơi nước mắt trước cái kết.

Sau khi bộ phim ra mắt, người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc bắt đầu tổ chức lễ kỷ niệm cho mẹ của họ trên các nền tảng như Weibo. Hashtag “This is my Li Huanying” (tên nhân vật người mẹ trong phim) đã nhận được 85 triệu lượt xem, trong khi hàng nghìn người khác chia sẻ những bức ảnh cũ của mẹ mình.

Với cách kể chuyện hiệu quả, Hi, Mom ​​đã chiến thắng trong mùa nghỉ tết — mùa phim cạnh tranh nhất ở Trung Quốc, thu về tổng cộng 5,2 tỉ nhân dân tệ.

Với cách kể chuyện hiệu quả, Hi, Mom ​​đã chiến thắng trong mùa nghỉ tết — mùa phim cạnh tranh nhất ở Trung Quốc, thu về tổng cộng 5,2 tỉ nhân dân tệ

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cũng đóng một vai trò trong sự trỗi dậy của phim nội địa Trung Quốc. Trong khi đại dịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất báo cáo tăng trưởng dương vào năm 2020. Sau sáu tháng ngừng hoạt động, bắt đầu từ tháng 1 năm 2020, các rạp chiếu phim của Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong rầm rộ.

The Eight Hundred, phim Trung Quốc về kháng chiến chống Nhật, đã thu về 3 tỉ nhân dân tệ ở phòng vé. Nhờ phục hồi nhanh chóng từ COVID-19, Trung Quốc đã vượt Bắc Mỹ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới vào năm ngoái.

Dữ liệu từ Cục Điện ảnh Trung Quốc cho thấy năm 2020, phim nội địa chiếm hơn 80% tổng doanh thu phòng vé — cao nhất trong những năm gần đây. Theo Dengta, một nền tảng dữ liệu phim của Trung Quốc, số lượng phim nước ngoài phát hành ở Trung Quốc năm 2021 giảm hơn 60% so với năm 2019. Sự sụt giảm mạnh chủ yếu là do các hãng phim trên toàn thế giới tạm dừng sản xuất sau khi đại dịch bùng phát, dẫn đến hoãn phát hành. Kết quả là, doanh thu phòng vé của phim nhập khẩu ở năm 2021 đã giảm gần 10 tỉ nhân dân tệ so với năm 2019.

Nhờ phục hồi nhanh chóng từ COVID-19, Trung Quốc đã vượt Bắc Mỹ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới vào năm ngoái

Bên cạnh đại dịch, những phim lớn của Hollywood xuất hiện tại các rạp chiếu phim Trung Quốc đều không đạt được kỳ vọng. Wonder Woman 1984, thuộc thể loại phim siêu anh hùng đã trở nên nổi tiếng ở phòng vé Trung Quốc trong những năm qua, đã không thể khiến khán giả Trung Quốc say mê, chỉ thu về 167 triệu nhân dân tệ.

Mulan, một bộ phim được làm đặc biệt nhắm đến thị trường Trung Quốc, hóa ra lại gây thất vọng. Phim đã thu về 278 triệu nhân dân tệ ở Trung Quốc và 70 triệu đôla toàn cầu, so với kinh phí 200 triệu đôla.

Dựa trên bài thơ Trung Quốc The Ballad of Mulan, bộ phim người thật đóng này không chỉ là phiên bản làm lại của phim hoạt hình kinh điển thành công từ những năm 1990, mà còn là nỗ lực của Disney để kiếm tiền ở thị trường điện ảnh béo bở Trung Quốc.

Với dàn diễn viên toàn châu Á ấn tượng cùng những ngôi sao lớn nhất Trung Quốc — Lý Liên Kiệt, Củng Lợi và Lưu Diệc Phi — bộ phim rõ ràng là nhắm đến khán giả Trung Quốc. Niki Caro, đạo diễn của phim, từng gọi đây là “bức thư tình gửi Trung Quốc”. Nhưng dù đã rất cố gắng, Mulan vẫn bị cả người hâm mộ và giới phê bình đón nhận một cách kém cỏi.

Các ngôi sao Trung Quốc xuất hiện trên áp phích quảng cáo phim Hoa Mộc Lan tại một bến xe buýt ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Trên Douban, trang bình phim nổi tiếng nhất Trung Quốc, người xem bày tỏ sự bất bình với việc người phương Tây kể chuyện Trung Quốc. Những lời phàn nàn bao gồm Mulan người đóng là một câu chuyện phương Tây hóa đầy rẫy khuôn mẫu.

“Tôi thiệt khâm phục sự dũng cảm của Disney khi chiếu bộ phim này ở Trung Quốc. Nó là sản phẩm của sự ngạo mạn của những người nước ngoài không hiểu về Trung Quốc,” một người dùng viết. Một người khác lưu ý rằng mặc dù bộ phim bao gồm dàn diễn viên toàn châu Á và kể một câu chuyện Trung Quốc, nhưng về cơ bản nó vẫn là phương Tây. “Cảm giác bất hòa này thấm vào mọi thứ, từ chỉ đạo nghệ thuật cho đến các nhân vật đến cách kể chuyện,” bình luận viết.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CGTN