Tin tức

Ma trận và những câu chuyện cyberpunk đã dự báo được cuộc sống ở năm 2021

21/12/2021

Đỉnh cao của nền văn minh nhân loại là khi nào? 1999, theo Đặc vụ Smith, chương trình máy tính phản diện trong The Matrix (1999).

Trong bộ phim tượng đài đầu tiên của chuỗi phim giả tưởng này, con người bị trí tuệ nhân tạo nô lệ hóa đã 200 năm trong tương lai, và những gì họ tin là thế giới thực hóa ra chỉ là mô phỏng. Đặc vụ Smith giải thích rằng thực tế ảo — Ma trận trên tựa phim — mà họ có nhiệm vụ duy trì được mô phỏng thế giới cuối Thế kỷ 20. Sau đó, loài người chúng ta hoàn toàn xuống dốc.

Đặc vụ Smith, chương trình máy tính phản diện trong The Matrix (1999)

Bây giờ nhìn lại, bạn có thể thấy Smith có lý. Các nền kinh tế đang bùng nổ. Sự kiện 11/9 vẫn chưa xảy ra. Đại dịch là một ký ức xa xôi.

Chắc chắn năm đó là một đỉnh cao của điện ảnh: Năm 1999 chứng kiến ​​những bộ phim của Hollywood — có vẻ đa dạng như Fight Club, Office Space, Being John Malkovich và vâng, Ma trận — chọc thủng mặt tiền giả tạo của xã hội, khiến ta đặt câu hỏi về thế giới của chúng ta, thực tại của chúng ta, sự tồn tại của chính chúng ta. Ma trận có sức ảnh hưởng lớn đến mức thuyết phục một số người hâm mộ rằng tiền đề trung tâm của nó là có thật. Trong phim tài liệu A Glitch in the Matrix năm nay, đạo diễn Rodney Ascher đã phỏng vấn toàn bộ dàn diễn viên, những người tin đúng là thế, rằng chúng ta thực sự đang ở trong Ma trận. Bộ phim của chị em nhà Wachowski còn là một tác phẩm cyberpunk đáng tin cậy, nhánh phụ mang chất noir của khoa học giả tưởng, nơi công nghệ tương lai kết hợp với xã hội u ám, hậu tận thế.

Bộ phim được yêu mến đến tận ngày nay, bằng chứng là sự cuồng nhiệt xung quanh việc phát hành phần Ma trận mới — The Matrix Resurrections / Ma trận: Hồi sinh — vào cuối tháng này, với người hâm mộ thậm chí dường như đã quên hai phần tiếp theo buồn tẻ trước đó (cả hai đều phát hành vào năm 2003). Theo tựa, phần thứ tư của chuỗi phim hứa hẹn sẽ đưa ba nhân vật được yêu thích nhất trở về từ cõi chết, với những tin tặc có thiên hướng lãng mạn Neo (Keanu Reeves) và Trinity (Carrie-Anne Moss) dường như đều đã chết trong phim thứ ba, còn nhà cách mạng đeo kính Morpheus (Laurence Fishburne) bị giết trong câu chuyện kinh điển của loạt trò chơi điện tử The Matrix Online.

Bộ phim Ma trận của chị em nhà Wachowski còn là một tác phẩm cyberpunk đáng tin cậy, nhánh phụ mang chất noir của khoa học giả tưởng, nơi công nghệ tương lai kết hợp với xã hội u ám, hậu tận thế

Cả ba đều chuẩn bị trở lại (mặc dù với Morpheus ở dạng trẻ hơn, lần này do Yahya Abdul-Mateen II thủ vai), cùng với các phân đoạn hành động kung-fu đặc trưng của chuỗi phim và phép thử “đâu là thật”. Với chỉ vài trailer bí hiểm cho đến nay, không ai đoán được câu chuyện sẽ đi về đâu, nhưng ý tưởng trung tâm của Ma trận (thực tế ảo, lý thuyết mô phỏng) đã ăn sâu vào hiện thực của chúng ta hơn bao giờ hết. Thật vậy, trong một thế giới mà sự thật còn xa lạ hơn cả khoa học giả tưởng, một phim Ma trận mới — và thể loại cyberpunk nói chung — có thể cung cấp cho chúng ta điều gì?

Nguồn gốc của cyberpunk

Thuật ngữ cyberpunk được đặt ra năm 1983 khi tác giả người Mỹ Bruce Bethke viết truyện ngắn Cyberpunk, trong đó một nhóm người trẻ nổi loạn sống trong xã hội công nghệ tiên tiến trốn học và cướp ngân hàng bằng cách đột nhập vào máy chủ. Bethke giải thích rằng ông muốn một thuật ngữ kết hợp giữa công nghệ với “giới trẻ mất phương hướng xã hội và đã thử các cách kết hợp khác nhau cho đến khi tìm ra được một từ đơn giản mà đắt.” Một tác giả quan trọng khác của dòng cyberpunk ban đầu là Philip K Dick: mặc dù cuốn tiểu thuyết Do Androids Dream of Electric Sheep năm 1968 của ông đã tiền-định hình thể loại này, nhưng khi nó được chuyển thể lên màn ảnh rộng với tên mới Blade Runner vào năm 1982, bộ phim đã trở thành một trong những tác phẩm cyberpunk bất hủ nhất. Các sáng tạo định hình cyberpunk khác bao gồm loạt truyện tranh Nhật Bản Akira (1982) và phim hoạt hình cùng tên (1988), tiểu thuyết Neuromancer của William Gibson (1984) và board game nhập vai Cyberpunk 2020 (1988) của Mike Pondsmith.

Trong một thế giới mà sự thật còn xa lạ hơn cả khoa học giả tưởng, một phim Ma trận mới — và thể loại cyberpunk nói chung — có thể cung cấp cho chúng ta điều gì?

Khi xuất hiện vào những năm 1980, cyberpunk đã trở thành trào lưu khoa học giả tưởng mà các ban nhạc punk dành cho các rocker. Nơi H G Wells và Arthur C Clarke phóng vào không gian để tìm kiếm sự sống ngoài trái đất, Gibson và đồng nghiệp sục sạo trong thế giới những kẻ đầu đường xó chợ đen tối bị bỏ lại phía sau. Mặc dù rộn rịp tưng bừng những công nghệ tương lai, cyberpunk miêu tả xã hội sụp đổ, phân cực giàu nghèo khủng khiếp, tội phạm tràn lan và sử dụng ma túy, các•chính phủ vì tham nhũng mà bị các siêu tập đoàn thao túng hết quyền lực, và bầu không khí ô nhiễm dày đặc, sau nhiều thảm họa khí hậu không thể nào kể xiết. Định nghĩa hay nhất về thể loại này là nói đơn giản nhất như vầy: công nghệ cao, đời sống thấp.

Một motif lặp lại khác, motif truyền tải tinh thần punk: cuồng loạn dữ dội của cyberpunk, đó là các công nghệ hiện đại được đồng lựa chọn và định lại mục đích sử dụng bởi những kẻ nổi loạn có văn hóa riêng, như Neo và chiến hữu, bằng cách sử dụng công nghệ mô phỏng trong Ma trận. “Tôi nghĩ một trong những yếu tố chính là ý niệm cho rằng ‘giang hồ tìm thấy công dụng riêng cho mọi thứ,’” tác giả Neal Stephenson nói về cyberpunk, trích dẫn từ truyện ngắn Burning Chrome năm 1982 của đồng nghiệp William Gibson. Quan điểm của ông là các tác giả cyberpunk không chỉ quan tâm đến việc dự đoán công nghệ trong tương lai, mà còn dự báo rằng cách sử dụng chúng thường là phản thùng.

Blade Runner đã trở thành một trong những tác phẩm cyberpunk đầu tiên nổi tiếng nhất, thể hiện tinh thần hậu tận thế

“Khi điện trở nên phổ biến rộng rãi và rất nhiều thứ được điện khí hóa, các kỹ sư đang hình dung tương lai đương nhiên sẽ nghĩ về máy giặt, máy nướng bánh mì, thậm chí có thể là ... ô tô. Nhưng tôi không nghĩ ai trong số họ nghĩ đến guitar điện,” Stephenson nói với BBC Culture. “Và kể cả khi có nghĩ đến, có lẽ họ không thể ngờ rằng nó lại xúc tác cho một phong trào cực kỳ mạnh mẽ trong âm nhạc đại chúng.”

“Nếu bạn đã dự đoán tất cả những điều đó trong một cuốn tiểu thuyết năm 1920 chẳng hạn... thì mọi người sẽ thấy quá là... kỳ quái,” ông tiếp tục. “Nhưng những gì đã xảy ra thì đúng chính xác như vậy. Theo cách nghĩ của tôi, guitar điện là hiện tượng cyberpunk kinh điển. Thách thức là cố gắng tưởng tượng một thứ gì đó kỳ lạ và khó đoán như vậy, và khiến mọi người tin rằng nó thực sự có thể xảy ra.” Stephenson biết về cyberpunk nhiều hơn ai hết (“Tôi đã nghe người ta nói tới rồi,” ông nói, với vẻ khô khan điển hình): cuốn tiểu thuyết Snow Crash năm 1992 của ông, đặt một phần bối cảnh trong metaverse (sau này nhiều hơn), là một trong những tác phẩm nền tảng của thể loại này.

Ông nói chuyện qua cuộc gọi video từ nhà của mình ở Seattle, kết nối với ông bị cản trở bởi một cơn bão sắp tàn phá phần lớn bờ biển phía tây nước Mỹ. Điều này và xu hướng dừng lại lâu, trầm ngâm giữa các câu khiến giọng nói của ông có một chút góc cạnh robot.

Những năm gần đây, phim bộ truyền hình cyberpunk đều có mặt trên các dịch vụ phát trực tuyến. Ảnh: một cảnh từ Altered Carbon của Netflix

Giờ thì đã nhiều thập kỷ tuổi đời, nhưng cyberpunk đang bùng nổ. /r/cyberpunk, một Subreddit dành riêng cho thể loại này, có hơn 620.000 người đăng ký và đang tiếp tục tăng. Lấy cảm hứng từ trò chơi nhập vai của Pondsmith, Cyberpunk 2077 — nơi người chơi lang thang trong một thành phố vô pháp luật 50 năm nữa trong tương lai — là một trong những trò chơi điện tử phổ biến nhất những năm gần đây, bán được hơn 10 triệu bản trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt vào tháng 12 năm 2020. Một trong những nhân vật của nó (Johnny Silverhand, do Keanu Reeves của The Matrix thủ vai) thậm chí còn truyền cảm hứng cho tổ chức phi lợi nhuận Limbitless in 3D phiên bản cánh tay sinh học của nhân vật dành cho những người bị cụt tay trong thế giới thực.

Trong khi đó những năm gần đây, phim bộ truyền hình cyberpunk như Blade Runner: Black Lotus, Cowboy Bebop, Altered Carbon, Omniscient, 3%Ad Vitam đều có mặt trên các dịch vụ phát trực tuyến. Ngay cả trong âm nhạc, ảnh hưởng của cyberpunk là rất rõ ràng: video cho các bản ‘hit’ nhạc pop như Panini của Lil Nas X và Need to Know của Doja Cat đặt các ngôi sao vào những con hẻm âm u và hộp đêm ồn ào, khi những chiếc ô tô bay và ảnh ba chiều lướt trên đầu. Tương lai là đây — và trông giống hệt những năm 1980.

Điều gì đang thúc đẩy nỗi ám ảnh cyberpunk của chúng ta? Có lẽ xã hội của chúng ta bây giờ quá giống với những gì được miêu tả trong thể loại này đến nỗi chúng ta đã trở nên chết khiếp trước hình ảnh phản chiếu của chính mình, khiến các tác phẩm cyberpunk không còn là khoa học giả tưởng nữa mà đã thành quả cầu pha lê tiên tri rồi.

Johnny Mnemonic, truyện ngắn của William Gibson năm 1981 và bộ phim sau đó năm 1995 (lại có sự tham gia của gương mặt cyberpunk Keanu Reeves), lấy bối cảnh năm 2021

Thật kỳ lạ, chúng ta đang sống trong chính xác cái thời đại mà nhiều người sáng tạo cyberpunk ban đầu hướng tới. Blade RunnerAkira đều lấy bối cảnh năm 2019. Cyberpunk 2020 lấy bối cảnh năm 2020. Johnny Mnemonic, truyện ngắn của William Gibson năm 1981 và bộ phim sau đó năm 1995 (lại có sự tham gia của gương mặt cyberpunk Keanu Reeves), lấy bối cảnh năm 2021. Bầu trời của chúng ta phần lớn vẫn là không có ô tô bay, và cyborg vẫn chưa hòa nhập vào xã hội. Nhưng theo nhiều cách khác, cyberpunk, những ý tưởng và phát minh của nó hiện thực hơn bao giờ hết.

Rất lâu trước khi đi vào nhận thức chính thống của công chúng, những ý tưởng như không gian mạng, thực tế tăng cường, siêu tập đoàn, siêu nhân học và — ý niệm được bàn luận xôn xao của năm 2021 — metaverse là những phát minh hư cấu trong văn chương cyberpunk.

Các khái niệm đã chiếm lĩnh thế giới

Gibson đã đặt ra từ “cyberspace” trong Burning Chrome, trước khi phổ biến thuật ngữ này với tiểu thuyết Neuromancer năm 1984, tác phẩm đình đám trong đó hacker Henry Dorsett Case thực hiện một nhiệm vụ mờ ám trong không gian dữ liệu thực tế ảo được gọi là ma trận. “Ảo giác đồng thuận trải qua hàng ngày bởi hàng tỉ nhà khai thác hợp pháp,” Gibson miêu tả trong một đoạn văn thường được trích dẫn mà nhiều người cho là đã mở ra World Wide Web. Gibson cũng phổ biến thuật ngữ “megacorp”, dùng để chỉ một tập đoàn có quyền lực độc quyền đối với nhiều thị trường, rộng lớn đến mức ảnh hưởng của nó đối với xã hội làm lu mờ ảnh hưởng của bất kỳ chính phủ nào.

Thành công của trò chơi điện tử Cyberpunk 2077 — bán được hơn 10 triệu bản trong vòng một tháng sau khi ra mắt — là bằng chứng cho thấy cyberpunk đang bùng nổ

Một số ý kiến cho rằng những siêu tập đoàn này nay đúng là có thực, được điều hành bởi những ông trùm có nhiều quyền lực hơn cả tổng thống. Người đàn ông quyền lực nhất trong Snow Crash là L Bob Rife, một ông trùm truyền thông, tuyên bố “kinh doanh thông tin”, kiểm soát truyền hình và mạng của thế giới mà metaverse điều hành. Anh ta cũng bị buộc tội theo dõi nhân viên của mình và sử dụng thông tin cá nhân của họ để chống lại họ. Stephenson nói rằng thế giới thực vẫn chưa sản sinh ra bất kỳ ai toàn năng như Rife, “nhưng bằng cách nào đó, chúng ta đã đạt đến một trạng thái mà, với tư cách là một xã hội, giờ đây chúng ta coi các tỉ phú là... người giải quyết vấn đề.” Sơ yếu lý lịch của Stephenson bao gồm công việc “dự báo tương lai” tại Blue Origin, một công ty hàng không vũ trụ do Jeff Bezos thành lập, người mà Stephenson vẫn giữ liên lạc thi thoảng.

Tai nghe thực tế ảo, như đã thấy trong The Matrix, Neuromancer, Johnny Mnemonic và nhiều tác phẩm cyberpunk khác, đã trở nên đặc biệt phổ biến trong thời đại dịch, cho phép mọi người tham dự các buổi trình diễn theo hợp đồng, liên hoan phim, lớp tập thể dục, các cuộc biểu tình Black Lives Matter và thậm chí cả đào tạo phẫu thuật mà không cần rời khỏi nhà mình. Thực tế tăng cường, có thể truy nguyên từ truyện ngắn The Minority Report năm 1956 của Philip K Dick, và xuyên suốt các tác phẩm cyberpunk từ Neuromancer đến bộ phim RoboCop năm 1987 của Paul Verhoeven, là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất trên thế giới, với sự xuất hiện chủ đạo của kính AR và kính áp tròng AR.

Thực tế tăng cường trong phim The Minority Report, chuyển thể truyện ngắn cùng tên năm 1956 của Philip K Dick

Nguyên tắc của deepfake — dùng kỹ thuật số thay đổi danh tính của một người để đánh lừa người xem — có thể được thấy trong The Running Man, bộ phim cyberpunk năm 1987 (lấy bối cảnh năm 2017), trong đó một công ty truyền hình sử dụng “theo dõi chồng hình kỹ thuật số” để đóng khung nhân vật nổi loạn của Arnold Schwarzenegger vào những tội ác mà anh ta không có làm. Trong khi đó, tiền điện tử đã được bắt đầu trong cuốn tiểu thuyết Cryptonomicon năm 1999 của Neal Stephenson (và Stephenson thậm chí còn được gợi ý một cách dí dỏm là trùm cuối thực sự đằng sau Satoshi Nakamoto, nhà phát minh biệt danh Bitcoin).

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu, như tác giả có tính suy đoán Jack Womack viết trong lời bạt của cuốn Neuromancer tái bản năm 2000 ở Mỹ, “hành động của việc viết ra, trên thực tế, đã khiến nó sinh ra?” Nhiều người ghi nhận công việc của Gibson không chỉ là dự báo không gian mạng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nó, như một nhà báo đã viết là, “tạo ra một miêu tả hình tượng về kỷ nguyên internet.”

John Hanke, nhà công nghệ và cựu giám đốc bộ phận sản xuất Geo của Google, đã trích dẫn Earth, một phần mềm hư cấu trong Snow Crash cho phép các nhân vật xem xét hành tinh thông qua một bản sao ảo chính xác, là nguồn cảm hứng cho Earth Viewer, phát minh năm 2001 cuối cùng trở thành Google Earth. Đồng sáng lập Google Sergey Brin là một người hâm mộ Snow Crash khác. Trong một tập gần đây của podcast Geek’s Guide to the Galaxy của Wired, người dẫn chương trình David Barr Kirtley nói anh đã bắt đầu lập danh sách các nhà phát minh và doanh nhân ở Thung lũng Silicon, những người đã xem Snow Crash là một ảnh hưởng, nhưng “được một lúc thì phải ngừng, bởi muốn liệt kê hết danh sách đó thì cơ bản là tất cả mọi người.”

Deepfake có thể được thấy trong The Running Man, bộ phim cyberpunk năm 1987 (lấy bối cảnh năm 2017), trong đó một công ty truyền hình sử dụng “theo dõi chồng hình kỹ thuật số” để đóng khung nhân vật nổi loạn của Arnold Schwarzenegger (ảnh trên, phải) vào những tội ác mà anh ta không có làm

Cốt lõi của cuốn tiểu thuyết là metaverse, một thực tại 3D, ảo, hoàn toàn nhập vai — nghĩa là giả vờ, không có thật, không thực sự ở đó — mà con người có thể cùng tồn tại và tương tác, giống như Ma trận trong The Matrix. Tuy nhiên, metaverse đã bắt đầu trở nên rất thực tế trong những tháng gần đây, sau khi Facebook công bố kế hoạch xây dựng metaverse của riêng họ.

Mark Zuckerberg đã vạch ra tầm nhìn về “một internet hợp thể cho bạn trải nghiệm chứ không chỉ có nhìn vào,” đồng thời công bố thậm chí đã đổi tên công ty mẹ của Facebook thành Meta. “Bạn sẽ có thể làm hầu hết mọi thứ mà bạn tưởng tượng: tụ tập với bạn bè và gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo,” Zuckerberg nói thêm, tuyên bố rằng metaverse sẽ là ưu tiên hàng đầu của Facebook — xin lỗi, của Meta — từ nay trở đi. Thông báo metaverse của Facebook đã được tiếp nối bằng các tuyên bố ý định tương tự từ Disney và Microsoft, trong khi các metaverse ngách hơn như nền tảng thực tế ảo Decentraland đã trở nên phổ biến trong các cộng đồng trực tuyến chuyên dụng.

“Tôi không liên quan đến bất cứ điều gì mà FB dự tính liên quan đến metaverse,” Stephenson đã tweet vào tháng 10. Có thể ông không cố ý. Tuy nhiên, theo Dean Eckles, nhà khoa học dữ liệu của Facebook, Zuckerberg đã từng yêu cầu tất cả các giám đốc sản phẩm của công ty phải đọc Snow Crash.

Mark Zuckerberg đã vạch ra tầm nhìn về “một internet hợp thể cho bạn trải nghiệm chứ không chỉ có nhìn vào,” đồng thời công bố thậm chí đã đổi tên công ty mẹ của Facebook thành Meta

Giống như trong tiểu thuyết của Stephenson, metaverse của Zuckerberg sẽ có các hình đại diện (một thuật ngữ mà cũng do Snow Crash đưa vào ý thức phương Tây) đại diện cho người thật, những người có thể xây nhà ảo, mua đồ nhân tạo, trò chuyện với những người khác và — quan trọng là, theo Zuckerberg — làm cho bạn cảm thấy như mình đang thực sự ở đó. Cũng như trong Snow Crash, thế giới ảo của Meta sẽ có thể truy cập được bằng cách sử dụng kính lồi được thiết kế đặc biệt, cũng như trên các nền tảng hiện có như điện thoại và máy tính.

Có phải người hâm mộ cyberpunk đang không nhìn ra vấn đề?

Với bao nhiêu là khổng lồ công nghệ trên đời này đang chạy theo metaverse, nhiều người chỉ ra rằng Snow Crash miêu tả một hậu tận thế, chứ không phải là bản vẽ chi tiết của một thế giới tốt đẹp hơn. Stephenson đồng ý: “Cuốn sách đó thuộc loại hậu tận thế và mang tính cảnh báo về một số mặt. Cho nên cố gắng triển khai công nghệ được miêu tả trong một cuốn sách như vậy có thể không gửi đi thông điệp mà bạn nghĩ mình đang gửi.” Nhưng ông lưỡng lự không muốn lên án metaverse là một ý niệm hậu tận thế. “Metaverse tự thân, như được miêu tả trong cuốn sách, thực sự không đi theo cách này hay cách khác. Đó là một phương tiện giao tiếp khá trung lập được nhiều người sử dụng theo nhiều cách, một số trong số đó rõ ràng là những kẻ xấu làm chuyện xấu, vì thiếu quy định kiểm soát tốt hơn, còn những người khác chỉ là những người bình thường cố gắng trò chuyện với nhau, theo cách chúng ta làm hiện nay qua Zoom. Một số người có thể sử dụng Zoom để lập kế hoạch cướp ngân hàng, nhưng những người khác sử dụng nó để làm từ thiện hoặc cho mục đích sáng tạo.”

Thực tế ảo đã trở nên đặc biệt phổ biến trong thời đại dịch, cho phép mọi người có trải nghiệm mà không cần rời khỏi nhà

Tuy nhiên, có một lo ngại rằng những người đang chiếm đoạt ý tưởng hoặc thẩm mỹ từ cyberpunk có thể nhận ra vấn đề. William Gibson gần đây thừa nhận rằng ông đã cố tình tự kiểm duyệt tác phẩm của mình, quyết định không đưa một số ý tưởng vào sách, vì ông sợ ai đó có thể tìm cách sao chép chúng.

Cyberpunk là một lời cảnh báo, chứ không phải là khát vọng,” Mike Pondsmith nói, sau khi Cyberpunk 2077 trở nên phổ biến, đồng thời cảnh báo khán giả của ông chống lại quan điểm sùng bái hậu tận thế của cyberpunk trong cuộc sống thực. Câu trích dẫn xuất hiện trên CYBR số 6, một tạp chí ra mắt vào năm 2018 dành riêng cho văn hóa công nghệ tương lai, kết hợp các cuộc phỏng vấn thực tế với quảng cáo cho các sản phẩm hư cấu như sinh tố theo trình tự ADN và du lịch ngoài thế giới. Nếu bạn truy cập trang Instagram của CYBR, hãy chọn bộ lọc phù hợp và hướng máy ảnh của bạn vào trang bìa số 6, ngôi sao của nó — một cyborg tóc hồng tên là Lizzy Wizzy, dựa trên nhạc sĩ người Canada Grimes — sẽ bay lên phía trên trang ở dạng ảnh ba chiều. Bên trong, Grimes được dẫn lời nói rằng cô muốn nâng cấp đôi tay của mình “để tránh viêm khớp và cho phép tăng cường chiến đấu.” James Joseph, biên tập viên và người sáng lập tạp chí CYBR cho biết anh đã “mê cyberpunk như một thể loại suốt đời. Tôi cảm thấy thể loại cyberpunk đang trở nên lớn đến mức được coi là cái đẹp, và là lời cảnh báo đang bị lãng quên.”

Bầu trời Bắc Kinh ô nhiễm đến mức khó có thể phân biệt được với bầu trời trong Blade Runner

Nhưng bạn có thể hỏi, cyberpunk còn gì để cảnh báo chúng ta không? Cuộc khủng hoảng khí hậu đang ập đến với chúng ta, bầu trời Bắc Kinh ô nhiễm đến mức khó có thể phân biệt được với bầu trời trong Blade Runner. Quyền lực doanh nghiệp được cho là đã lấn át quyền lực của bất kỳ chính phủ nào, với một số nhà bình luận khiêu khích thậm chí còn kêu gọi trao ghế cho Facebook và Amazon ở Liên hiệp quốc. Trong khi đó, thế giới vẫn tiếp tục vật lộn với một loại virus chết người — thứ mà bạn sẽ tìm thấy trong các tác phẩm cyberpunk như Snow CrashJohnny Mnemonic (mặc dù trong The Matrix, Đặc vụ Smith nói rằng bản thân con người là “một loại virus… một căn bệnh, căn bệnh ung thư của hành tinh này). Bạn là bệnh dịch, và chúng tôi là thuốc chữa.”)

“Thật là khó…” Stephenson nói, sau đó nhớ tới cơn bão sắp ập đến. “Tôi chỉ đang kiểm tra các dự báo... Thật khó mà không nhìn thấy một số khía cạnh hậu tận thế rành rành trước những gì... đang diễn ra [trên thế giới vào lúc này].” Ông lưu ý rằng điều khiến hầu hết các tác phẩm hư cấu, gồm cả những tác phẩm cyberpunk, có thể phân biệt được với thực tế là ở chỗ chúng thường đưa ra một cách giải quyết nào đó. “Tôi cho rằng khác biệt lớn là, trong một cuốn sách, bạn có một người hùng cứu thế giới. Đó là điều được mong đợi. Đó là một phần của hình thức tiểu thuyết. Và có một hàm ý rằng một khi người hùng đã cứu nguy thì mọi thứ giờ đã khác và mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn… Điều này hiếm khi xảy ra trong thế giới thực.” Khiến cho hiện thực của chúng ta thậm chí càng ảm đạm hơn hậu tận thế trong cyberpunk.

Con người thoát khỏi địa ngục thực tế vào một thế giới ảo trong Ready Player One

Thể loại này sẽ đi về đâu?

Tuy nhiên, mặc dù hầu hết các câu chuyện cyberpunk đều dẫn đến cao trào là chiến thắng cho người hùng của chúng, nhưng không nhiều câu chuyện kết thúc bằng một hành tinh hạnh phúc. Paul Walker-Emig lưu ý trong một bài báo năm 2018 cho tờ Guardian phê bình thể loại này. Ông viết, theo ông thấy, các tác phẩm hiện đại thuộc thể loại này như Cyberpunk 2077Altered Carbon không làm gì khác ngoài việc khai thác “các biểu tượng cyberpunk thật ngầu” nhưng không bao giờ thách thức hiện trạng. Thay vào đó, ông đề xuất cyberpunk nên cập nhật để đưa ra một hình ảnh không tưởng về tương lai, hướng chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuốn tiểu thuyết mới Termination Shock của Stephenson, được xuất bản vào tháng 10, chắc chắn là đùa cợt với giải pháp cho một trong những mối quan tâm cấp bách nhất của thế giới. Vào một năm nào đó trong tương lai gần, khi biến đổi khí hậu tàn phá hành tinh, một nhân vật có ý định làm mát hành tinh bằng cách bắn lưu huỳnh vào không khí và phản xạ ánh sáng mặt trời trở vào không gian. Nhưng kết quả không như hứa hẹn.

Lướt qua văn chương cyberpunk từ thập kỷ trước mang lại cảm giác diệt vong tương tự. Các tác giả tưởng tượng những thế giới nơi con người thoát khỏi địa ngục thực tế vào một thế giới ảo (Ready Player One), toàn bộ thị trấn bị tàn phá bởi rác điện tử (Waste Tide), nền dân chủ toàn cầu do các tập đoàn công cụ tìm kiếm độc quyền cai quản (Infomocracy), con người bị nghiện cấy ghép điều khiển học (The Body Scout) và các nước đang phát triển bị bóc lột năng lượng bền vững của họ (Noor). Những diễn dịch cyberpunk quen thuộc — ảnh ba chiều, siêu tập đoàn, văn hóa nổi loạn — lặp đi lặp lại. Hầu như không có chút lạc quan nào.

Zuckerberg tuyên bố metaverse là nơi “bạn sẽ có thể làm hầu hết mọi thứ mà bạn tưởng tượng: tụ tập với bạn bè và gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo”

Dù có thể ảm đạm thế nào đi nữa, xem ra cyberpunk vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng. Tạp chí CYBR số mới nhất, hình dung thế giới vào năm 2070, mang đến cho độc giả sự lựa chọn hai bìa, một bìa thể hiện một thế giới tối tăm, ô nhiễm, hậu tận thế và một bìa thể hiện thế giới không tưởng đầy nắng, đầy màu sắc. “Đó là vấn đề biến đổi khí hậu của chúng ta,” biên tập viên nói. “Sự lựa chọn là của chúng ta, đúng không? Trong thời gian 50 năm nữa, thế giới sẽ như thế nào? Vì vậy, ý tưởng làm hai bìa là bạn có thể chọn tương lai mình muốn.” Joseph cho biết cái bìa hậu tận thế được đặt trong một tương lai cyberpunk, trong khi bìa thế giới không tưởng là solarpunk — thuật ngữ mới được sáng chế gần đây để hình dung một thế giới mà công nghệ giúp con người vượt qua các vấn đề như biến đổi khí hậu. “Trớ trêu thay, bìa hậu tận thế đang được bán với giá cao gấp đôi so với bìa thế giới không tưởng. Tôi nghĩ người ta thấy bìa đó ngầu hơn.”

Phim Ma trận đầu tiên là một phê bình sâu sắc niềm đam mê của chúng ta về hậu tận thế. Đặc vụ Smith cho chúng ta biết mô phỏng ban đầu mà con người được đặt vào là một thiên đường, được thiết kế để làm cho mọi người hạnh phúc. Nhưng “đó là một thảm họa,” ông ta nói và giải thích rằng con người không chấp nhận chương trình và cứ cố gắng thức dậy. Ông nói tiếp: “Tôi tin rằng với tư cách là một giống loài, con người xác định thực tại của mình thông qua khốn khó và đau khổ.”

Tạp chí CYBR số mới nhất, hình dung thế giới vào năm 2070, mang đến cho độc giả sự lựa chọn hai bìa, một bìa thể hiện một thế giới tối tăm, ô nhiễm, hậu tận thế và một bìa thể hiện thế giới không tưởng đầy nắng, đầy màu sắc. Trớ trêu thay, bìa hậu tận thế đang được bán với giá cao gấp đôi so với bìa thế giới không tưởng”

Xét ảnh hưởng mà nói, có thể các tác phẩm cyberpunk như The Matrix không chỉ dự đoán một tương lai hậu tận thế mà còn lôi kéo chúng ta về một tương lai như vậy. Nếu Resurrections thành công, mang lại cho chúng ta bất cứ thứ gì chúng ta chưa có từ 40 năm qua của cyberpunk, biết đâu nó có thể gợi ý một hướng đi mới cho nhân loại, hình ảnh về một thế giới nơi con người làm việc cùng với máy móc để thoát khỏi sự diệt vong đang đe dọa lơ lửng. Hoặc có thể chỉ đơn giản là cho chúng ta thoát ly thực tại. Như Morpheus đã nói trong bộ phim gốc: “Xem ra, không trớ trêu thì đâu còn là số phận.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: BBC