Tin tức

Vấn đề đạo ý tưởng trong kịch bản phim truyền hình Hàn Quốc lại dậy sóng

18/03/2014

Đạo ý tưởng là một đề tài nóng trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc lâu nay, nhất là phim truyền hình. Thực tế, nhiều biên kịch đứng giữa việc lấy cảm hứng và sao chép, trong khi nhiều người khác nhập nhằng hai chuyện này.

Hãy xem xét cốt truyện từ loạt truyện tranh và bộ phim thành công đình đám trên kênh SBS.

Trái: Tập đầu tiên của loạt truyện tranh Seol Hee được xuất bản tháng 8/2008. Phải: Phim bộ truyền hình của đài SBS My Love From the Star bắt đầu phát song ngày 18/12/2013. Tác giả của Seol Hee kết tội các nhà sản xuất phim đã đạo ý tưởng, khẳng định có rất nhiều ý tưởng giống nhau. Nhà sản xuất phim phủ nhận lời kết tội này, nói rằng họ không hề biết đến sự tồn tại của loạt truyện tranh kia

Cốt truyện A: Câu chuyện theo mô-típ từ các sự việc lịch sử trong Nhật ký Gwanghae (Gwanghae Journal) của triều Joseon, được viết vào năm 1609. Nhật ký này miêu tả “một vật thể không xác định được nhìn thấy bay trên trời, tạo ra những tiếng động như tiếng sấm và những tia chớp.”

Câu chuyện tập trung vào nhân vật Seol Hee, người này sống cuộc đời bình thường lại trở thành người thừa kế một bất động sản lớn và bị dính vào những âm mưu liên quan đến quyền thừa kế. Seol Hee bị thương và được một người ngoài hành tinh điều trị, cho cô được trẻ mãi không già. Khi cô cho máu cho con người, người đó cũng trở nên bất tử. Vì những năng lực đó, Seol Hee đã sống trên trái đất hơn 400 năm. Ở thời hiện tại, cô gặp một chàng trai trông giống y chang người đã giúp đỡ cô mấy trăm năm trước. Nhưng cô hiện lại đang hẹn hò với một ngôi sao hàng đầu của Hollywood.

Cốt truyện B: Câu chuyện cũng lấy mô-típ từ Nhật ký Gwanghae. Một vật thể bay đưa một người ngoài hành tin tên Do Min Jun đến trái đất. Người ngoài hành tinh này – một anh chàng điển trai – đã sống ở Hàn Quốc hơn 400 năm. Anh đã thích nghi để sống trên trái đất, nhưng phải rất cẩn thận không để máu hay nước bọt xâm nhập vào cơ thể anh vì anh sẽ bị dị ứng. Ba tháng trước khi anh khởi hành trở về hành tinh quê hương, anh gặp một cô gái trông giống y hệt người con gái anh đã gặp vài trăm năm trước. Cô gái này lại là nữ diễn viên hàng đầu của Hàn Quốc.

Cốt truyện A là từ loạt truyện tranh Seol Hee của Kang Kyung Ok. Tập truyện tranh đầu tiên được xuất bản tháng 8/ 2008. Tập thứ chín vừa được xuất bản vào tháng 3. Cốt truyện B từ loạt phim truyền hình thành công đình đám My Love From the Star, do nam diễn viên điển trai Kim Soo Hyun đóng cùng nữ diễn viên Jun Ji Hyun. Hai cốt truyện xem ra có rất nhiều điểm chung, nhưng bộ phim sử dụng phương pháp triển khai câu chuyện khác.

Quá nhiều điểm giống nhau?

Bộ phim Greatest Love năm 2011 của MBC bị kết tội đạo ý tưởng của loạt truyện tranh trên mạng (webtoon) có tên Mint (2007)
- Phim có bối cảnh nhân vật tương tự truyện tranh, tên của nhân vật nam chính cũng giống nhau
- Tác giả loạt truyện tranh giữ im lặng vì cô quá sốc và "không thể đòi tác quyền", nhưng cô yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ bài đăng trên blog của cô

Theo hướng dẫn ngăn ngừa tình trạng đạo ý tưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, việc đạo ý tưởng xảy ra khi hai câu chuyện có lời thoại, nhân vật và cốt chuyện giống nhau. Việc này cũng có thể xảy ra khi hai câu chuyện mở ra theo cùng một cách hoặc khi nhịp điệu và không khí của câu chuyện tương thích nhau.

Tuy nhiên, bộ không đề ra một tiêu chuẩn so sánh rõ ràng cái gì là đạo ý tưởng và cái gì là không.

“Hướng dẫn không phân xử là tác phẩm đạo ý tưởng hay không,” Jin Bo Mi, một viên chức của vụ chính sách tác quyền thuộc bộ này, nói. “Nếu ai tin rằng tác phẩm của mình bị đạo ý tưởng, họ có thể xem xét hướng dẫn này và quyết định có kiện hay không. Quyết định phân xử cuối cùng thuộc về tòa án.”

My Love From the Star, phát sóng mỗi tối thứ tư và thứ năm từ ngày 18/12/2013, đã bị kết tội rút tỉa ý tưởng từ truyện tranh Seol Hee của Kang.

Sau hai tập đầu tiên, Kang khẳng định trên blog của cô rằng có quá nhiểu điểm giống nhau giữa bộ phim và bộ truyện tranh, dẫn cô đến việc “buộc phải nghi ngờ kịch bản gốc của Park Ji Eun, biên kịch của My Love From the Star.”

Kang khẳng định cả hai tác phẩm đều lấy mô-típ từ Nhật ký Gwanghae – dù cô thừa nhận rằng ai cũng có thể viết dựa theo những sự kiện lịch sử. Nhưng cô khăng khăng về tác quyền của cô đối với toàn bộ ý tưởng còn lại, bao gồm sự xuất hiện của một nhân vật bất tử, việc sử dụng các tình tiết về máu, tái sinh, nhân vật nổi tiếng, trẻ mãi không già, nhân vật chính gặp gỡ ai đó giống y người đã gặp từ ít nhất 400 năm trước, và việc nhân vật chính hẹn hò với người nổi tiếng.

- Biên kịch Lee Hee Myung của bộ phim Queen of Ambition năm 2013 trên đài SBS bị Hiệp hội biên kịch phát thanh và truyền hình Hàn Quốc trục xuất vì sử dụng ý tưởng từ người tiền nhiệm Choi Ran mà không ghi 'credit' cho Choi
- Biên kịch Lee và công ty sản xuất nói rằng Choi bị thay vì cô đã không hoàn thành công việc và lập luận rằng Choi kháng án lên hiệp hội chỉ vì cô bị thay thế bởi Lee
- Lee đã kiện kháng án với hiệp hội

Kang nói, “Trừ phi biên kịch Park lấy hầu hết ý tưởng từ truyện tranh của tôi, không thì không thể nào giống nhau đến thế.”

Vào ngày 22/12/2013, HB Entertainment, công ty sản xuất My Love From the Star phủ định mọi sự buộc tội đạo ý tưởng thông qua trang web chính thức của hãng, bổ sung rằng “hai tác phẩm có vẻ giống nhau vì cả hai đều lấy mô-típ từ Nhật ký Gwanghae Biên niên sử triều đại Joseon.

“Tuy nhiên, hai tác giả, đều được kích thích bởi những sự kiện lịch sử, phát triển trí tưởng tượng của họ theo những hướng khác nhau.”

Cùng ngày hôm đó, biên kịch Park cũng giải thích chi tiết trên trang web của công ty rằng cô đã nảy ra ý tưởng này nhiều năm trước và thề rằng cô “chưa từng nghe nói đến hay đọc bộ truyện tranh Seol Hee.”

Kang phản ứng lại lập luận của biên kịch Park trên blog của cô, nói rằng biên kịch Park lẽ ra phải khảo cứu trước khi bắt đầu viết kịch bản.

“Xem ra biên kịch Park không làm khảo cứu trên mạng. Nếu cô ấy chỉ tra cứu vài từ khóa về Nhật ký Gwanghae, thì cô đã dễ dàng phát hiện ra sách của tôi,” Kang nói. “Park có vẻ khăng khăng rằng chưa đọc truyện của tôi. Nhưng sự thật là hai tác phẩm giống nhau một cách không thể phủ nhận và cô ta nên thừa nhận [cô ta có] lỗi.”

- IRIS năm 2009 của KBS vướng bốn phiên tòa kiện vì bốn biên kịch khẳng định tác quyền đối với nhiều ý tưởng trong bộ phim truyền hình đình đám này
- Cả bốn phiên tòa đã xử có lợi cho bộ phim truyền hình

Hôm 28/1/2014, Kang nói trên blog của cô rằng cô sẽ kiện Park.

Bất chấp sự tranh cãi, bộ phim vẫn đạt tỷ suất người xem rất cao.

Hướng dẫn quá chủ quan

Nếu tất cả yếu tố cấu thành của hai tác phẩm là cực kỳ giống nhau, thì quá dễ chứng minh một trong hai là đạo ý tưởng. Tuy nhiên, tranh luận không đơn giản thế, và chứng minh việc đạo ý tưởng theo hướng dẫn này gần như là bất khả thi.

Vi dụ, tòa án xét xử bộ phim truyền hình Queen Seonduk rất thành công của đài MBC là một tác phẩm đạo ý tưởng đã lật ngược phán xét của chính mình trong phiên xử thứ nhì, dù chẳng có bất cứ thay đổi nào trong chứng cứ.

Queen Seonduk, được phát sóng trong vòng bảy tháng hồi năm 2009, bị đánh giá là quá giống nhạc kịch Queen of Mugunghwa, Seonduk.

Vở nhạc kịch này chưa từng lên sân khấu, nhưng nhà sản xuất lập luận rằng biên kịch của bộ phim hẳn phải đọc được kịch bản của vở nhạc kịch.

Áp phích phim truyền hình Queen Seonduk năm 2009 của đài MBC. Phán xét tác phẩm này có đạo ý tưởng hay không vẫn đang tiếp tục ở Tòa án tối cao

Công ty sản xuất vở nhạc kịch, Great Works, kiện các biên kịch của MBC vào tháng 1/2010. Trong phiên xét xử đầu tiên, tòa phán có lợi cho các biên kịch phim. Tuy nhiên, trong phiên xử thứ nhì, kết thúc vào tháng 12/2012, phán xử đã đảo ngược và tòa lệnh cho các biên kịch của đài MBC phải đền bồi 200 triệu won (185.000 đôla) cho Great Works, nói rằng “rất có khả năng các biên kịch bộ phim đã tiếp cận kịch bản vở nhạc kịch khi họ khảo cứu các tác phẩm đã có liên quan đến Queen Seonduk.” Tòa án cũng cấm bán DVD và sách liên quan đến bộ phim cũng như việc phát lại bộ phim. Các biên kịch khẳng định rằng họ không tiếp cận kịch bản nhạc kịch. Các biên kịch của đài MBC kháng án lên Tòa án tối cao vào đầu năm nay và vụ án vẫn đang tiếp tục.

Trong khi đó, Hiệp hội biên kịch phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (Korea Radio and TV Writers Association) xây dựng “ủy ban thẩm định việc vi phạm bản quyền” và vào tháng 2 năm nay đã kết luận rằng bộ phim không phải là tác phẩm đạo ý tưởng. “Những cảnh mà các nhà sản xuất vở nhạc kịch đặt vấn đề có thể được bất cứ ai tưởng tượng ra liên hệ đến các sự kiện lịch sử,” hiệp hội phát biểu.

Một viên chức hiệp hội nói, “Quyết định mà chúng tôi đã đưa ra không nhằm bảo vệ các biên kịch. Bất kể phán quyết thế nào, những biên kịch bị dính vào tranh chấp đạo ý tưởng đều bị đối xử như bị cáo.

“Bị kết tội đạo ý tưởng thì cũng như bị phán tội chết. Vì thế, bộ phận tư pháp phải thận trọng trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng.”

Kim Wu Jeong, viên chức thuộc Hiệp hội tác quyền Hàn Quốc (Korean Copyright Association), hiệp hội này phân tích khả năng vi phạm tác quyền theo yêu cầu của tòa án, nói rằng, “Không có phán quyết chính xác định nghĩa được cái gì bị xem là đạo ý tưởng trên phim truyền hình. Đó sẽ là quá máy móc và không đơn giản để xác định tác phẩm đạo ý tưởng như thế này.

“Chúng tôi phân tích các tác phẩm bằng cách so sánh những sự giống nhau thực tế giữa hai tác phẩm.”

Tranh cãi về tiểu thuyết

- Phim truyền hình cáp Nine năm 2013 của tvN bị cáo buộc đạo ý tưởng tiểu thuyết Pháp Will You Be There? (2008)
- Nhà sản xuất bộ phim thừa nhận ý tưởng phim được lấy từ tiểu thuyết này và rằng họ đã cố gắng mua tác quyền tác phẩm mà không được
- Tác giả tác phẩm gốc Guillaume Musso không tiến hành kiện
- Bộ phim đã được bán quyền làm lại cho công ty chế tác của Mỹ

Mới đây, quyền làm lại loạt phim truyền hình Nine có đề tài du hành vượt thời gian của kênh truyền hình cáp tvN đã được bán cho một công ty chế tác của Mỹ, Fake Empire Productions. Tin này trở thành đầu đề tít báo vì bộ phim có tỷ suất người xem khoảng 2%, được xem là một tỷ suất mạnh đối với một phim truyền hình cáp.

Tuy nhiên, bộ phim, được phát sóng từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái, đã bị kết tội quá giống tiểu thuyết ăn khách năm 2008 Will You Be There? Của nhà văn người Pháp Guillaume Musso.

Nine xoay quanh cuộc sống của một phóng viên thời sự trên truyền hình Park Sun Woo, do Lee Jin Wook đóng, nhận được 9 cây nhang từ Nepal, mội cây nhang có thể đưa anh quay lại 20 năm trong 30 phút mỗi lần. Park sử dụng các cây nhanh để cứu cha mình và dính vào những tình huống đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, những hành động của anh gây hậu quả ở hiện tại.

Trong khi đó, quyển tiểu thuyết miêu tả cuộc đời của Eliott, một bác sĩ phẫu thuật dnah tiếng gánh nặng nỗi xấu hổ đã không cứu được người anh yêu trong một tai nạn xảy ra 30 năm trước. Một ông già trao cho anh 10 viên thuốc có thể đưa anh trở về 30 năm trước trong 20 phút mỗi lần. Anh cố gắng cứu được người yêu, nhưng hiệu ứng bươm bướm do hành động của anh gây ra khiến cuộc sống của anh rơi vào hỗn loạn.

Trong lúc bộ phim đang phát sóng, những khán giả đã đọc tiểu thuyết của Musso đã than phiền trên mạng rằng đây là một tác phẩm đạo ý tưởng. Bất chấp cuộc tranh cãi, CJ E&M, nhà sản xuất bộ phim, đã bán quyền làm lại cho công ty Mỹ đứng sau các phim truyền hình Gossip GirlChuck.

- Hiệp hội biên kịch Hàn Quốc cáo buộc I Can Hear Your Voice năm 2013 của đài SBS đã đạo ý tưởng một cảnh tội ác từ tiểu thuyết hình sự của một trong những biên kịch của chính bộ phim
- Hiệp hội đã công bố vấn đề ra công luận, nói rằng các nhà sản xuất phim phớt lờ khiếu nại chính thức của hiệp hội
- Các nhà sản xuất phim phủ nhận lời buộc tội và nói rằng sẽ kiện ra tòa phân xử. Nhà sản xuất lập luận rằng hiệp hội đưa ra công luận vấn đề này chỉ một ngày sau khi gửi khiếu nại chính thức

Theo các tin đưa, CJ E&M nói rằng công ty có biết về việc tranh cãi đạo ý tưởng này và khẳng định hãng “đã cố gắng mua tác quyền từ Musso nhưng chưa hoàn tất việc đó.”

Tuy nhiên, vì “tác giả không tiến hành bất cứ hành động pháp lý nào liên quan đến việc vi phảm tác quyền,” công ty đã không xem đây là vấn đề. Nhưng đây có thể trở thành vấn đề khi những loạt phim truyền hình tương tự được phát sóng ở Mỹ, thị trường lớn hơn Hàn Quốc.

Bright World, đơn vị đã xuất bản bản tiếng Hàn tiểu thuyết của Musso, khẳng định rằng đơn vị này “đã cố gắng tiến hành kiện, nhưng vì tác giả gốc hiểu biết có hạn về Hàn Quốc, chúng tôi không đẩy xa vụ việc.” Công ty xuất bản sách nói thêm rằng họ không muốn bàn luận vấn đề này nữa với giới truyền thông.

Một số tuân thủ luật


Một số nghệ sĩ đủ khôn ngoan tuân thủ thủ tục công bố tác quyền đầy đủ, chù họ chỉ mới có ý tưởng hay đề tài từ một tác phẩm gây cảm hứng cho họ.

Có tin đạo diễn kỳ cựu Park Chan Wook đã trả 15 triệu won cho tác giả gốc của một truyện tranh Nhật Bản, chỉ để mượn ý tưởng nhân vật chính bị bắt giam mà không biết lý do.

Nhờ nước đi khôn ngoan của Park, hay chỉ là nhận thức được tầm quan trọng về tác quyền, mà bộ phim đoạt giải Oldboy đã được làm lại ở Mỹ. Phiên bản Mỹ, do Spike Lee đạo diễn và Josh Brolin đóng cặp với Elizabeth Olsen, đã được ra rạp vào tháng 11 mà không có tranh chấp.

Trên: Old Boy phiên bản Hàn Quốc của Park Chan Wook
Dưới:
Old Boy bản làm lại của Hollywood, đạo diễn Spike Lee

Bộ phim Hollywood Priest (2011) nhận được bình luận tiêu cực từ khán giả Hàn Quốc vì “không giống gì với truyện tranh gốc của Hàn Quốc” cùng tên. Nhà sản xuất phim này đã tuân thủ thủ tục tác quyền, bất chấp việc thay đổi toàn bộ bối cảnh của câu chuyện.

“Đúng là người Hàn Quốc thiếu ý thức về việc vi phạm tác quyền. Lẽ ra họ không nên có quan điểm kiểu ‘không thành vấn đề trừ phi có vấn đề,’” Kim từ Hiệp hội tác quyền Hàn Quốc nói.

“Nhiều biên kịch Hàn Quốc có vẻ quá xem nhẹ xem vấn đề đạo ý tưởng. Nhưng ai đã bị dính vào tranh cãi có lẽ đã nghĩ rằng lấy ý tưởng từ tác phẩm của ai khác là chẳng có sao.”

Kim nói người Hàn Quốc “có khuynh hướng chỉ xem là ‘đạo ý tưởng’ khi một tác phẩm gần như giống hệt bản gốc. Đạo ý tưởng trong phim truyền hình thì khác với sao chép thiết kế một chiếc túi xách hàng hiệu.”

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi