Tin tức

Vì sao Tú Xuân đao ế khách?

05/11/2014

Mùa phim hè năm nay ở Trung Quốc đã có nhiều tác phẩm lập kỷ lục phòng vé.

Mặc dù thu nhiều tiền, những phim đạt được thành công lớn phòng vé như Transformer: Age of Extinction, Tiểu thời đạiBạch phát ma nữ lại bị chỉ trích gay gắt, trong khi nhiều người xem phàn nàn rằng Tú Xuân đao, một phim võ thuật/tâm lý tình cảm dã sử Trung Quốc, đã thu về ít hơn rất nhiều mặc dù nhận được phản hồi rất tốt.

Phim này thường được so sánh với Bạch phát ma nữ, một phim lịch sử viễn tưởng đem về hơn 200 triệu tệ (32,59 triệu đôla) trong bốn ngày mặc dù chỉ được khán giả đánh giá mức 5,5 trên trang điện ảnh mtime.com. So sánh với Tú Xuân đao được khán giả đánh giá mức 7,6 trên cùng trang mạng, nhưng chỉ đem về 36,8 triệu tệ (5,9 triệu đô la) trong cùng khoảng thời gian.

Lý Học Đông (giữa) trong một cảnh phim

Phim có tâm

Chân thật là điều nhiều nhà phê bình và khán giả miêu tả về Tú Xuân đao, ra rạp ngày 7/8.

Lấy bối cảnh những năm cuối thời Minh (1368-1644), phim xoay quanh ba cẩm y vệ cấp thấp vướng vào một âm mưu chính trị.

Không phải là một tác phẩm hoành tráng, khi so sánh với nhiều phim Trung Quốc ra mắt hè năm nay, Tú Xuân đao vẫn có nhiều ưu điểm: một cốt truyện chặt chẽ thu hút sự chú ý của người xem ngay từ đầu và kéo dài đến tận lúc kết thúc, nhân vật chính và phụ với cá tính đáng nhớ và khác biệt, chủ đề và cốt truyện giả tưởng được thực hiện tốt lấy bối cảnh quá khứ mang đến nhiều điều cho khán giả.

Gắn cho phim tính "chân thực đến đáng ngạc nhiên," infzm.com, trang mạng chính thức của tờ Tuần báo Nam Phương tại Quảng Châu, nhấn mạnh rằng: "Phim có thể không có những câu nói nổi tiếng hay đoạn hội thoại sinh động có thể khơi dậy sự hứng thú của cộng đồng mạng - nhưng câu nói nổi tiếng hay đoạn hội thoại sinh động không nên được dùng là tiêu chí để đánh giá phim. Hội thoại đơn giản nhưng không chậm chạp... không từ ngữ thừa thãi hoặc giật gân, không gây cười cưỡng ép, điều mà phim này có là sự nghiêm túc giống như một tác phẩm sân khấu."

Trương Chấn trong vai Thẩm Luyện

Biên tập và nhà phê bình phim Vương Húc Đông đánh giá phim chi tiết hơn trên trang cá nhân Sina của ông.

Ông Vương giải thích rằng trong khi những phim võ thuật truyền thống khác thường rơi vào một trong bốn khuôn mẫu - săn tìm kho báu, đấu võ thuật, trả thù và sư phụ võ thuật muốn rửa tay gác kiếm, Tú Xuân đao "mang đến một luồng khí mới" cho thể loại cũ này bằng cách sử dụng "những yếu tố của phim đen tối đương đại - như tội phạm băng đảng, nhân vật u ám và sự tham lam dẫn đến hủy hoại - vào đề tài phim."

Khi phim hay lại thất bại

Cùng với sự công nhận dành cho bộ phim là nhiều ý kiến khác nhau về sự thất bại phòng vé của phim.

Một ý kiến phổ biến là phim không chọn một tựa đề tiếng Trung hay. Mặc dù tựa đề gốc đã được rút ngắn từ Phi Ngư phục Tú Xuân đao thành phiên bản ngắn gọn và dễ nhớ hơn là Tú Xuân đao, không mấy người xem yêu thích thể loại dã sử biết rằng "Phi Ngư phục" và "Tú Xuân đao" là phục trang và vũ khí cơ bản được sử dụng bởi mật thám thời nhà Minh, một tổ chức khiến nhiều người ở thời đại này kinh sợ mỗi khi nhắc đến tên.

Lưu Thi Thi và Trương Chấn trong một cảnh phim

Hiển nhiên người mua vé sẽ chọn phim có tựa đề cho họ biết họ sắp xem gì, hơn là những phim có chút không rõ ràng.

Tiếp thị kém là một điểm khác bị nhiều người chỉ trích. "Ảnh phim trường đến tận giữa tháng 6 mới được công bố và không còn gì khác," Hazi 09, một cư dân mạng đến từ Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, chỉ ra trên trang Sina Weibo của mình.

"Tôi chẳng hề biết đến sự tồn tại của phim này cho đến khi nó được ra mắt," Hu Mengdie, một người thường xem phim tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, nói với Global Times.

Beijing Morning Post cho rằng nhiều người không chú ý đến Tú Xuân đao là bởi gần đây phim võ thuật Trung Quốc chất lượng tệ.

Tờ báo này chỉ ra rằng ngay cả những "kiệt tác" được thực hiện nhiều năm về trước bởi những đạo diễn gạo cội, như Dạ yến (2006) của Phùng Tiểu Cương, Tam thương phách án kinh kỳ (2009) của Trương Nghệ Mưu, và những tác phẩm gần đây như Quan Vân Trường (2011), Âm mưu hoàng tộc (2011), Băng phong hiệp 3DBạch phát ma nữ (2014) đã "không thể mang đến kỳ vọng cao cho thể loại này."

Lý Học Đông trong vai Cận Nhất Xuyên

"Hiện nay, khi khán giả mua vé để xem phim võ thuật, họ không còn hy vọng được xem những phim xuất sắc khiến họ lay động, họ chỉ muốn giết thời gian, xem một vài ngôi sao hoặc tìm ra điều gì đó để phàn nàn," Beijing Morning Post viết.

Bề ngoài có thể đánh lừa

Tuy nhiên, nhà phê bình Đằng Tỉnh Thụ không cho rằng phim này bị thất bại phòng vé.

"Nói thẳng ra, phim này đã đạt mức 70 triệu tệ, tôi nghĩ hợp lý," Đằng Tỉnh Thụ nói, giải thích rằng dàn diễn viên phim không phải là những ngôi sao mạnh về quảng cáo thường đạt doanh thu cao. Thêm vào đó là việc đạo diễn Lộ Dương vẫn còn là cái tên mới đối với thị trường phim thương mại và dễ dàng có thể hiểu tại sao phim chỉ đem về một khoản khiêm tốn.

Tuy nhiên, bởi những phim gần đây như Cao thủ chia tay, Tiểu thời đại 3.0The Continent, tất cả đều thu về vài trăm triệu tệ, “khán giả thường có suy nghĩ sai lầm rằng một phim cán mốc 100 triệu tệ rất dễ dàng,” Đằng Tỉnh Thụ cho Global Times biết.

Diệp Thanh trong vai Trương Yên

Điều này đương nhiên có nghĩa rằng phim nào không thu về được ngần ấy lập tức sẽ bị cho là thất bại

Tuy nhiên, Đằng Tỉnh Thụ cũng đồng ý quảng bá của phim này yếu. “Vấn đề lớn nhất là phim đã thất bại trong việc tạo ra một lợi điểm bán hàng,” cô nhấn mạnh

Lấy The Continent làm ví dụ, Đằng Tỉnh Thụ chỉ ra rằng nhiều chương trình quảng bá đã lấy việc đây là phim ra mắt với vai trò đạo diễn của tiểu thuyết gia nổi tiếng Hàn Hàn làm lợi điểm bán hàng.

Quan trọng hơn, The Continent được lên lịch ra mắt liền ngay sau Tiểu thời đại 3.0, cũng là phim do một tiểu thuyết gia nổi tiếng, Quách Kính Minh, đạo diễn. Bằng việc so sánh giữa hai phim, các nhà nghiên cứu thị trường có thể tạo nên những tranh luận lớn lấy tâm điểm là hai phim này.

“Ở một mức độ nào đó, đây là chiến lược của nhà sản xuất. Họ xuất hiện như là đối thủ, nhưng thực ra là cộng tác phối hợp với nhau để tăng sức tranh luận của xã hội về phim,” Đằng Tỉnh Thụ nói.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi