Bình luận phim

Diệp Vấn: Trận chiến cuối cùng

05/04/2013

Cách tác phẩm độc đáo Diệp Vấn (2008) năm năm và ngay sau phim nghệ thuật độc nhất vô nhị Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ, loạt phim Diệp Vấn “khác” (tức là không có Chân Tử Đan đóng chính và không do Diệp Vĩ Tín đạo diễn) tiếp nối mau lẹ với phần hai này. Một lần nữa được Khâu Lễ Đào người Hồng Kông làm đạo diễn và hãng phim National Arts Films Production của môn sinh Vịnh Xuân quyền Tiển Quốc Lâm ở Trung Quốc sản xuất, Diệp Vấn: Trận chiến cuối cùng chín chắn hơn so với phần đầu, Diệp Vấn tiền truyện (2010), song rõ ràng thiếu vắng nhiệt huyết cùng các pha hành động mạnh mẽ của phần đầu.

Một phần là do bối cảnh câu chuyện: có thể dễ dàng gọi phim này là “Diệp Vấn: những năm cuối cùng của Hồng Kông”. Nhưng một phần cũng vì nam diễn viên kỳ cựu Huỳnh Thu Sinh đóng vai chính Diệp Vấn. Dù không phải là lựa chọn được đa số khán giả đồng tình cho vai diễn bậc thầy Vịnh Xuân quyền vĩ đại quá cố, Huỳnh Thu Sinh diễn ổn trong các cảnh hành động tương đối ít ỏi của mình, cộng thêm khâu dàn dựng và biên tập khéo léo. Tuy nhiên trên hết thảy, anh đem đến cảm giác chín chắn cho bộ phim, khiến Diệp Vấn: Trận chiến cuối cùng thiên về nhân vật hơn là đánh nhau, thiên về chặng đường của một con người kiêu hãnh trong hai mươi năm cuối đời ở khu “ngoài luồng” của Hồng Kông hơn là thuần thể loại về các trường phái và kỹ thuật đối địch hay nhu cầu chứng tỏ bản thân ở trình độ chuyên nghiệp của một võ sĩ.

Một góc Hồng Kông những năm 1950, 1960 trong phim

Thấy rõ niềm hoài niệm Hồng Kông những năm 1950, 1960 xuyên suốt cả bộ phim, bắt đầu với cảnh mở đầu thực ấn tượng khi máy quay nhào xuống đường phố Cửu Long, các cảnh dựng từ đồ họa vi tính và người thật xen kẽ nhịp nhàng. Về mặt này, Trận chiến cuối cùng cố ý hòa theo trào lưu lặp lại quá khứ đang diễn ra trong nền điện ảnh Hồng Kông, bi khúc cho quãng thời gian đơn thuần khi khu vực này có đặc điểm độc đáo. Về mặt chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế trang phục, bộ phim có vẻ ngoài giống Diệp Vấn 2 (2010) của Chân Tử Đan và Diệp Vĩ Tín, không tự nhiên tuyệt đối song không lạm dụng thái quá vẻ hoài cổ. Tuy nhiên, tác phẩm này khác bộ phim của Chân Tử Đan và Diệp Vĩ Tín ở chỗ Trận chiến cuối cùng không có chủ nghĩa dân tộc, không có chi tiết phụ về người Trung Quốc đối đầu với người nước ngoài. “Trận chiến cuối cùng” trong tiêu đề chỉ là trận chiến giữa Diệp Vấn và một nhóm xã hội đen ở khu Cửu Long Thành Trại.

Bắt đầu vào năm 1949, khi Diệp Vấn rời Phật Sơn đến Hồng Kông, bộ phim theo bước Diệp Vấn qua thập niên 1950 khi ông thành lập một võ đường Vịnh Xuân quyền và kết thúc vào đầu thập niên 1970 khi ông tái ngộ một trong những môn sinh của mình (người này không có tên, chỉ biết loáng thoáng là “ngôi sao điện ảnh quốc tế”, tức Lý Tiểu Long) từ Mỹ trở về Hồng Kông. Cảnh cuối cùng thú vị vì, thứ nhất, cho thấy Diệp Vấn rõ ràng không tán thành nghề nghiệp của “ngôi sao” và thứ hai, chiếu vài giây trong cuốn phim duy nhất còn sót lại quay cảnh Diệp Vấn về già tập luyện ở nhà. Ngoài ra, bộ phim hơi đi theo cùng quỹ đạo cốt truyện như Diệp Vấn 2, khi bậc thầy kỳ cựu mở một võ đường, rèn luyện các học trò của mình, vân vân.

Diệp Vấn cùng các học trò

Bên cạnh Huỳnh Thu Sinh trong vai Diệp Vấn, Khâu Lễ Đào tập hợp dàn diễn viên kỳ lạ làm học trò của mình. Ca sĩ nhóm Twins Chung Hân Đồng đóng vai nữ hầu bàn điểm tâm yêu thích các câu chuyện võ hiệp thì thuyết phục hơn là một môn sinh Vịnh Xuân quyền; trong khi khó lòng nhận diện nữ diễn viên hành động “đẹp trai” đến từ Đại lục Tưởng Lộ Hà (Bad Blood / Diệt môn (2010), Vampire Warriors / Chiến binh cương thi (2010)) là nhà hoạt động công đoàn với kiểu tóc thập niên 1950 giản dị, cô gần như không có cơ hội thể hiện khả năng đích thực của mình. Trong vai một trí thức trở thành cảnh sát ăn hối lộ, Trần Tiểu Xuân diễn ổn nhưng cũng dễ dàng bị cuốn theo kịch bản tương đối vụn vặt, rời rạc của Lý Mẫn, chuyển cảnh chớp nhoáng loanh quanh nhưng không thực sự tạo được cung bậc cảm xúc cho bộ phim. Tình cảm bền chặt nhất, xúc động nhất không phải là giữa Diệp Vấn và bất cứ môn sinh nào của ông mà là tình cảm giữa ông và một ca sĩ không phải người Hồng Kông (do nữ diễn viên Đại lục Chu Sở Sở – từng đóng hai vai trong Nightmare / Ác mộng 20 năm của đạo diễn Khâu – diễn rất cảm động với kiểu trang điểm đậm và kiểu tóc những năm 1950, 1960). Tuy nhiên, ngay cả mối quan hệ này cũng không phát triển hoàn toàn thành loạt kịch tính sôi nổi.

Kết quả là bộ phim thú vị hơn là thu hút kiểu kịch tính, chín chắn hơn là thực sự bi thương. Dù rõ ràng sở hữu chất lượng nằm dưới đáy gia tài phim phong phú, đa dạng của Khâu Lễ Đào, Diệp Vấn: Trận chiến cuối cùng lẽ ra làm được nhiều hơn nếu kịch bản lấy trọng tâm khác hẳn Diệp Vấn tiền truyện và đi theo hướng nghiên cứu nhân vật. Tương tự phần đầu, con trai Diệp Vấn ngoài đời thực, Diệp Chuẩn, đóng vai khách mời, trong phim này là một người bán hàng rong bên dưới căn hộ của Diệp Vấn.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi