Bình luận phim

Hành trình Django

15/03/2013

Bí mật về các đạo diễn phim tuyệt vời đây: Người mà họ làm phim cho xem chỉ có thể là bản thân họ mà thôi. Nhóm tầm thường chỉ làm phim cho khán giả (và cho Oscar). Nhưng những nghệ sĩ thật sự - dù giỏi hay chưa giỏi – chỉ kể những chuyện họ muốn nghe thôi.

Đó là thứ làm cho Quentin Tarantino vừa là một nghệ sĩ vừa là một trường hợp phức tạp.

Vì trong khi rõ ràng ông làm phim mà ông muốn xem, những gì ông thực sự muốn xem là những phim lớn, màu mè, cường điệu. Ông có khả năng làm những tác phẩm “nghệ thuật” hơn. Nhiều nhà phê bình muốn ông làm thế. Nhưng mỉa mai thay, nếu ông làm vậy thì đâu còn là nghệ sĩ nữa. Trở thành bọn tầm thường mất rồi.

Django Unchained (phát hành ở Việt Nam với tên Hành trình Django) – tựa phim không chỉ đến một tay guitar giỏi, mà về một phim cao bồi của Ý nổi tiếng bạo lực với Franco Nero – cũng như phần lớn phim của Tarantino, căn bản là phim hạng B với kinh phí hạng A.

Django Unchained kết hợp của các tình tiết cao bồi quen thuộc và bạo lực da màu

Một sự kết hợp của các tình tiết cao bồi quen thuộc và bạo lực da màu, phim có Christoph Waltz vào vai chính là một tay săn tiền thưởng, và Jamie Foxx là một người nô lệ bỏ trốn và nhập bọn với anh. Là một người thiếu kiên nhẫn, Waltz có vẻ đã từ bỏ kiểu “bắt sống hoặc” trên các tờ lệnh truy nã mang theo; đơn giản là anh tìm bọn xấu, giết chúng rồi lãnh tiền.

Nhưng Foxx có thứ mình muốn riêng – tìm lại người vợ đã bị tước đoạt khỏi tay anh và bị bán cho một chủ đồn điền tàn bạo ở Mississippi.

Nếu bạn tìm một bản phân tích nhiều tầng về một nền văn hóa suy đồi, hay thậm chí là các nhân vật phức tạp – hãy tìm ở nơi khác. Tarantino đã “đẩy đưa” với thể loại làm phim đó đến tột đỉnh trong Jackie Brown – và với ông, ít nhất cho đến nay, đó đã là ngõ cụt.

Từ đó – với Kill Bill, với Grindhouse, với Inglorious Basterds – ông đã đi một con đường khác.

Điều đó không có nghĩa các phim gần đây của ông không vui. Tarantino, tay bán đĩa phim tuyệt nhất từng tồn tại, không chỉ ham chi tiết, mà còn là một biên kịch lời thoại ồn ào, và một nhà tạo phong cách bắt mắt. Các phim của ông ngùn ngụt năng lượng, với các dòng thoại đáng trích dẫn, cùng hành động nổ đùng đùng, theo đúng nghĩa đen.

Christoph Waltz (trái) và Jamie Fox trong phim

Django có tất cả những điều đó, cũng như là sự kết hợp thú vị của hai thể loại lạ lẫm với nhau.

Một mặt, phim có diện mạo của một phim cao bồi châu Âu thời hậu-Eastwood – không phải những tác phẩm kinh điển bao quát của Sergio Leone lôi cuốn khán giả tức thời, mà là những câu chuyện viễn tưởng về báo thù tàn bạo thường đi chung với mồ hôi nhễ nhại, sở thích hành hạ người khác, và răng xấu.

Mặt khác, phim có các chủ đề của một số phim hành động thập niên 1970 – cả những phim về chuyện đô thị như Shaft cũng như các phim quái hơn như Mandingo, có bối cảnh trong một đồn điền sình lầy nước đọng.

Nên Waltz khôn khéo thật sự đang diễn vai của các ngôi sao “quốc tế” rày đây mai đó đã có mặt trong các phim cao bồi cũ thời đó. Còn Foxx, mang kính đen và vận bộ comple bó sát, đung đưa mang lại ấn tượng về một người không khoan nhượng kiểu Fred Williamson hay Jim Brown (các vận động viên bóng bầu dục nổi tiếng ở Mỹ).

Nhiều người hẳn sẽ đọc ra sắc thái phân biệt chủng tộc trong phim này, nhưng Tarantino có ý thức của một cậu bé 12 tuổi, trong thông điệp của ông chẳng có gì hơn là ‘Chế độ nô lệ xấu xa’. (Vâng, Samuel L. Jackson vào vai một người hầu lê bước, và nhìn y đúc hình người trên sản phẩm Uncle Ben – nhưng trong một cảnh đã cho thấy, đây chỉ là diễn trò, một phần trong việc giả trang của chính ông.)

Thay vì vậy, Tarantino nghiện việc mang vào các nút thắt mới cho các phim yêu thích cũ hơn. Nên phim này đã hồi sinh các diễn viên ít được trọng dụng, từ Bruce Dern đến Robert Carradine. Hoặc vực dậy các bài hát nổi trên sóng AM, mà không phải thứ nào cũng phù hợp với phim (như I Got A Name của Jim Croce? Thật sao, Quentin?)

Leonardo DiCaprio trong phim

Dĩ nhiên, phim Tarantino không chỉ là bổn cũ soạn lại, những thứ khuôn sáo có cải thiện và hành động vớ vẩn. Cảnh nhóm Ku Klux Klan ỏm tỏi về mũ trùm đầu không có khe nhìn (“Tao chẳng thấy được cái quái gì cả!”) thật dí dỏm, nếu được kéo dài. Và tất cả diễn viên đều ổn, với Leonardo DiCaprio vẫn như thời huy hoàng vào vai một kẻ phản diện đáng căm ghét có sở thích kỳ quái về nghiên cứu hình thể sọ người.

Tuy nhiên, liệu tất cả mọi thứ đó có tạo nên một phim nghiêm túc không – như cái cách The Departed trở thành phim tội phạm nghiêm túc, hoặc Unforgiven là một phim cao bồi nghiêm túc? Không. Nhưng rõ ràng là Tarantino chẳng hứng thú gì với việc trở nên “nghiêm túc”, ít nhất là hiện nay thì không. Như các nhà làm phim tuyệt đỉnh, ông chỉ thích làm phim mình muốn xem thôi.

Và, từ khi còn là một cậu bé 11 tuổi được chở đi xem phim ngoài trời, ông vẫn muốn tròn mắt nhìn lên màn ảnh từ xe mẹ mình.

Chú ý: Phim có hình ảnh máu me, bạo lực dữ dội, ngôn ngữ thô tục và các cảnh tình dục.

Django Unchained (R) của hãng Weinstein (165 phút)

Do Quentin Tarantino đạo diễn. Với sự tham gia của Jamie Foxx, Christoph Waltz, Leonardo DiCaprio.

Đánh giá: ★ ★ ★

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi