Bình luận phim

Lucy: Scarlett Johansson đối đầu những người đàn ông da màu vô danh

08/08/2014

Chúng ta rất ít khi được chứng kiến một ngôi sao bùng sáng. Không phải ngôi sao nào cũng làm được thế. Một số còn khó giữ lửa cho bản thân. Có những ngôi sao lại quá nhỏ để thực sự tỏa sáng. Ta phải có những điều kiện thuận lợi. Những điều kiện đó gộp lại một cách chậm rãi, nhưng với Lucy, Scarlett Johansson thực sự đã tỏa sáng.

Là một bộ phim khoe tài năng của ngôi sao sáng, Lucy không thể chê, cho Johansson một sân diễn để gom tất cả những phong thái nhân vật cô từng diễn trước đây vào duy nhất một nhân vật, và cô đối mặt với thách thức này không chút khó khăn. Nhưng dù thông minh tới vậy khi khai thác ngôi sao của nó – bộ phim gần như phản ánh những tài năng bất tận của Scarlett – Lucy lại không tránh được những lỗi làm phim theo phong cách sợ hãi người nước ngoài mà nhiều phim ngu ngốc hơn nhiều hay phạm phải. Dù đào sâu vào thế giới mới này, tạo đất dụng võ cho Johansson, Lucy không thoát khỏi những yếu tố kém hấp dẫn hơn thường thấy trong những phim có bối cảnh châu Á và dàn diễn viên phụ châu Á.

Lucy kể về một người phụ nữ vô tình uống phải một loại thuốc cho phép cô sử dụng 100% công suất não bộ của mình. Bộ não của cô lớn dần, và sức mạnh của cô cũng từ đó lớn lên, và cô dần khám phá những quy luật của bản năng con người. Bộ phim mang phong cách phép thuật hơn là khoa học viễn tưởng, nhưng trên phim ảnh thì một chút phép màu cũng không là vấn đề.

Trước hết, bộ não phát triển của Lucy cho phép cô quản lý hoàn toàn cơ thể của mình. Cơ thể nổi tiếng đó, có thể được xem là một biểu tượng, một Marilyn Monroe của thế hệ này. Thật khó nhớ thời điểm trước khi Scarlett Johansson trở thành Mẫu hình Nóng bỏng kia, dù có một thời cô từng là một cô gái nhỏ trong phim The Horse Whisperer. Chỉ có hai năm chia cách những năm dậy thì gượng gạo của Ghost World tới hình ảnh cô quyến rũ trong Lost in Translation.

Trong một thời gian dài, Johansson có vẻ không thoải mái với vai trò biểu tượng tình dục của mình. Cô lồng tiếng nhiều, đóng những vai nặng về nhân vật như A Good Woman, những vai “bạn gái” bình thường trong những phim như In Good Company. Rồi cô bắt đầu hợp tác với Woody Allen.

Một trong những sự mỉa mai nhất ở sự hợp tác của họ là ông, một nhà làm phim không tạo chút sức hút tình dục nào trong phần lớn sự nghiệp của mình, lại là người khai thác tiềm năng và tạo ra hình ảnh nóng bỏng của Scarlett Johansson. Nhưng sự hợp tác của họ thành công rực rỡ. Cô cho phim của ông sức quyến rũ, ông cho cô khoảng không để hiểu được cách sử dụng sức quyến rũ đó.

Sự hợp tác của họ kết thúc khi cô ký hợp đồng vào vai Black Widow với Marvel cho những phim của họ, bắt đầu với Iron Man 2. Phần lớn những nhân vật của Avengers được những bộ siêu giáp hay sức mạnh siêu giúp đỡ, nhân vật của Johansson, Natasha Romanoff hoạt động chỉ cần dây thép và sức mạnh của riêng mình. Trông cô thật tuyệt, nhưng cái đẹp đó chỉ là vẻ bề ngoài – mỗi cú đá, mỗi lần xoay mình, mỗi cái nhảy đều khiến ta phải nhớ rằng sự phi thường của cơ thể Johansson không phải là việc nó trông như thế nào, mà cô có thể dùng nó để làm gì.

Scarlett Johansson trong vai Black Widow trong The Avengers

Giờ cô có cả bộ não và cơ thể, và dù cả hai không hoạt động cùng công suất, thì chúng ta vẫn chỉ mới được thưởng thức 20% tài năng của Scarlett Johansson.

Trong Lucy, một khi nhân vật chính của chúng ta kiểm soát được cơ thể của mình, bộ não của cô tiếp tục phát triển, bao trọn tất cả cảm xúc, tất cả những cảm xúc cô hay bất cứ sinh vật nào từng hay có thể cảm thấy. Với Johansson, để có được sự trưởng thành về cảm xúc này, cô từng đưa mình qua những trải nghiệm trên sân khấu Broadway — trước hết với vở A View From the Bridge của Arthur Miller, mang về cho cô giải Tony, và rồi vở Cat on a Hot Tin Roof của Tennessee Williams.

Johansson không phải là diễn viên duy nhất quay lại Hollywood sau một thời gian trên sân khấu, nhưng không thể đánh giá thấp cách tài năng của cô đang phát triển nhanh chóng. Sự khác biệt giữa nữ diễn viên trong Iron Man 2The Avengers là một trời một vực — Johansson luôn chứng minh khả năng thông minh, giàu cảm xúc của mình, nhưng lần đầu tiên, cô đưa hết khả năng của mình hướng về một hướng, với tất cả sự tự tin của một ngôi sao đã học được cách kiểm soát tài năng của mình.

Tới đây ta đang được thưởng thức 40% khả năng của cô.

Trong Lucy, đây là lúc bộ phim đi vào sự đại loạn tuyệt đối và tuyệt vời. Lucy có thể điều khiển mọi thứ xung quanh, và tất cả những quy luật của sự tồn tại đều bị bác bỏ. Cô có thể tái tổ chức lại những phân tử trong cơ thể, tạo những siêu máy tính trong đầu, nói chuyện với khủng long. Cô viết lại những quy luật tồn tại của con người và thiên nhiên theo đúng ý cô.

Tài năng của Johansson bị hạn chế hơn, nhưng chỉ một chút thôi.

Trong hai năm gần đây, cô đã đóng một bộ điều hành máy vi tính, một người ngoài hành tinh, một nữ sát thủ lạnh lùng theo đúng khuôn mẫu, và giờ là nữ hoàng vũ trụ Lucy. Trong mỗi bộ phim, dù là trong phim bom tấn quốc tế hay một bộ phim làm theo ngẫu hứng được đạo diễn bởi một thần đồng đạo diễn video âm nhạc, thành công của mỗi bộ phim đều phải ghi công cô. Cô không chỉ diễn tròn vai, sự hiện diện của cô khiến tiềm năng của bộ phim trở nên lớn mạnh hơn.

Lucy là một sự kết hợp tuyệt vời của một dự án phim và một diễn viên – về nhiều mặt gần như phản ánh chính những tài năng vô tận của ngôi sao vẫn đang luôn lớn mạnh của nó. Dù người có ta có gọi bộ phim là ngu ngốc, hay ngu ngốc một cách thông minh, thì cuối cùng Lucy vẫn hiệu quả, nói đơn giản là thế.

Và như thế thật tuyệt. Nhưng ngừng lại một chút, hãy nghĩ xem, Lucy thế nào nếu không có Scarlett Johansson. Nếu Blake Lively hay Rosie Huntington-Whiteley vào vai Lucy thì sao? Dù sao họ đều là những nữ diễn viên tóc vàng nóng bỏng đậm chất Mỹ. Không có Johansson để phản ánh những gì trong phim với những sự thực ngoài đời, trông bộ phim sẽ thế nào?

Lucy là người Mỹ đi du lịch ở Đài Loan. Cô sa vào một mối tình mạo hiểm với một người hoàn toàn xa lạ, và bị hắn lừa vào một đường dây buôn thuốc trái phép. Cô bị bắt cóc, bị ép vào những cuộc thí nghiệm, bị quấy rối tình dục và bị giới xã hội đen Đài Loan đánh đập. Những con người này đều không tên, không có chút động cơ gì rõ ràng, và cũng chẳng có quan hệ gì với nhau hay bất cứ ai trong phim. Họ nói tiếng của mình, phần lớn là lời thoại không có phụ đề. Dục vọng không thể dập tắt của họ dành cho Lucy kết thúc trong sự khước từ của cô, và họ đáp lại bằng bạo lực không chút ý nghĩa gì, và bạo lực đó dẫn tới sự biến đổi của Lucy.

Khi Lucy chứng minh sức mạnh của mình với khán giả, qua những hành động bạo lực không kém đối với những người đàn ông (da vàng) kia. Trong một số trường hợp, cô thể hiện bạo lực lên những người dân Đài Loan hoàn toàn vô tội. Bất chấp việc cô là người Mỹ ở Đài Loan không thèm học vài câu tiếng bản địa, cô lấy súng bắn một tài xế taxi vì anh ta không nói được tiếng Anh – một trò nực cười trong bất cứ rạp chiếu phim nào, người viết cho là thế. Cô cũng bắn chết một người Đàn Loan trên bàn mổ - anh ta dù sao cũng chết, vết thương của cô cần điều trị gấp hơn.

Luc Besson thường là một đạo diễn khôn ngoan khi cân nhắc các vấn đề chính trị văn hóa. Khi bộ phim được đưa tới Pháp, Morgan Freeman xuất hiện trong vai chuyên gia thần kinh học hàng đầu thế giới, và người yêu (đại loại là thế) của Johansson do diễn viên người Ai Cập Amr Waked đóng. Anh ta đầy danh dự y như Lucy đầy sức mạnh, một con người để đối lại sức mạnh tựa thần thánh của cô – và chúng ta chứng kiến những sự hỗn loạn qua mắt của anh.

Nhưng cùng lúc đó, quan hệ Tây – Đông lại vẫn đầy mâu thuẫn.

Trong những năm gần đây khi thị trường quốc tế tạo nhiều áp lực cho Hollywood, ngày càng có nhiều phim có bối cảnh ở châu Á hay có diễn viên Á. Nhiều khi những sự hợp tác này là tốt, như Pacific Rim năm ngoái, với diễn viên người Nhật Rinko Kikuchi trong vai chính. Nhưng phần lớn thời gian, sự góp mặt của diễn viên da màu bị hạn chế hay chỉ là cách khống chế chính trị.

Wolverine của năm ngoái có bối cảnh ở Nhật Bản, với nhiều diễn viên của Nhật Bản trong những vai quan trọng. Nhưng những diễn viên đó chỉ được đưa vào những vai diễn theo khuôn mẫu – cô người yêu yểu điệu, tay kiếm samurai lém lỉnh – và tất cuối cùng mang ơn ngôi sao da trắng, người kiểm soát tất cả phong cách ra lệnh cứng nhắc hoàn toàn không phù hợp với tài năng của Hugh Jackman. Ngoài ra, còn có Godzilla, cũng lấy bối cảnh trong một thành phố châu Á nhưng những con người châu Á chỉ là phông nền tồn tại cho có, cuối cùng bị chôn vùi giữa những đống đổ vỡ để nhắc nhở khán giả rằng kẻ luôn sống sót vẫn phải là ngôi sao da trắng của bộ phim, nhưng ít ra thì những thảm họa kia vẫn diễn ra một cách “thật” nhất đối với những người da màu.

Việc Hollywood lo sợ khán giả Mỹ không thể chấp nhận diễn viên không phải người da trắng không phải điều gì quá mới mẻ, và không có việc gì sai trái với việc những diễn viên da màu không phải người Mỹ đóng vai phản diện, nếu những vai phản diện đó được phát triển chính đáng, chứ không chỉ tồn tại để làm biểu tượng cho một sự khác biệt cần bị kinh sợ. Lucy có lẽ còn chưa phải là phim phạm lỗi này một cách tồi tệ nhất, nhưng chúng ta có thật sự cần giúp những phim năm 2014 thoát tội như thể đây là năm 1914 khi D. W. Griffith còn làm phim khuyến cáo về sự nguy hiểm của những người định cư gốc Hoa?

Choi Min Sik trong một cảnh phim

Nhân vật phản diện chính trong Lucy là ông Jang, do diễn viên người Hàn Quốc Choi Min Sik đóng, một diễn viên tuyệt vời từng đóng nhiều vai phản diện – nhất là trong những phim ông từng làm với đạo diễn người Hàn Quốc Park Chan Wook. Trong tay Choi, ông Jang chính là tên khủng bố đáng sợ đúng như ta cần. Điều đáng tiếc nhất là sức tưởng tượng của bộ phim có vẻ có hạn, có thể mở ra một thế giới mới cho Scarlett Johansson thể hiện, nhưng không ai có thể cho Choi một vai diễn đáng với tài năng và thời gian của ông.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi