Bình luận phim

Memories of the Sword đơn thuần là bữa tiệc thị giác

03/10/2015

Tác phẩm điện ảnh mới Memories of the Sword, xét trên nhiều phương diện, thuộc loại phim thử nghiệm sẽ bị các đạo diễn Hàn Quốc bỏ qua.

Lấy bối cảnh những năm hỗn loạn cuối triều Goryeo (912-1392), thời đại không thường xuất hiện trên màn bạc, phim cũng liều lĩnh thâm nhập lĩnh vực phim võ thuật bao la, thường được coi là lãnh địa của điện ảnh Trung Quốc hay Hồng Kông.

Lee Byung Hun trong một cảnh phim

“Tôi muốn nâng tầm năng lực điện ảnh của bản thân,” đạo diễn Park Heung Sik nói trong buổi họp báo hôm 5/8 tại Lotte Cinema ở quận Gwangjin, phía đông Seoul.

Ông đã thực hiện một số phim tâm lý nổi tiếng như I Wish I Had a Wife (2001) và My Mother, the Mermaid (2004), nhưng đây là lần đầu tiên ông thử làm phim hành động.

Phim chủ yếu xoay quanh mối quan hệ đau thương và số phận nghiệt ngã của ba kiếm khách – Yu Baek (Lee Byung Hun), Wol So (Jeon Do Yeon) và Hong Yi (Kim Go Eun) – được định mệnh sắp đặt sát hại nhau.

Yu Baek và Wol So, cả hai đều là kiếm khách giỏi, từng yêu nhau sâu đậm, thề nguyện sử dụng những tuyệt chiêu của mình để khiến thế giới này tốt đẹp hơn, cùng với anh trai của Yu Baek là Pung Cheon (Bae Soo Bin).

Nhưng rồi Yu Baek, luôn là kẻ mơ mộng đầy tham vọng trong nhóm, đột nhiên phản bội mọi người và gia nhập triều đình.

Jeon Do Yeon trong vai Wol So mù lòa

18 năm sau, Yu Baek xảo trá bày kế leo lên nấc thang địa vị xã hội, trong khi Wol So, nay đã mù lòa, mai danh ẩn tích và chờ ngày trả thù người tình xưa.

Cô gái trẻ Hong Yi, mồ côi từ khi còn nhỏ, cũng chờ ngày trả thù những kẻ đã giết hại cha mẹ mình.

Nhằm điều hòa những mối quan hệ phức tạp, phim sử dụng một số cảnh hồi tưởng để giải thích quá khứ của mỗi nhân vật.

Không chắc những giải thích này có đủ thấu đáo để làm sáng tỏ lý do họ nhằm vào nhau hay không, có vẻ chúng còn vô tác dụng hơn khi bắt đầu cản trở mạch phim.

Ngoài ra, về mặt võ thuật, nhiều cảnh không thể vượt qua các kiệt tác võ thuật của Hồng Kông và Trung Quốc như Anh hùng (2002) và Ngọa hổ tàng long (2000).

Kim Go Eun trong phim

Ba nhân vật chính diễn chính xác các cảnh hành động được dàn dựng, hầu hết diễn ra trên không trung. Trong khi các diễn viên đáng được thưởng một tràng pháo tay vì thực hiện nhiều cảnh dây cáp, bay qua các cánh đồng hoa trắng và bay giữa những thân tre, những tình tiết này là thứ chúng ta đã từng xem rồi.

Đạo diễn Park thừa nhận yếu tố tâm lý là nòng cốt của bộ phim, không phải hành động.

“Lớn lên, tôi xem nhiều phim võ thuật Trung Quốc và Hồng Kông, nhưng tôi cố gắng khác biệt hóa phim của mình bằng cách thể hiện thật nhiều cảm xúc,” đạo diễn Park nói.

“Như thể tôi sử dụng các cảnh hành động làm phương tiện truyền tải cảm xúc,” ông nói thêm.

Nhằm thực hiện ý đồ của ông, nhiều cảnh hành động được quay chậm, đôi khi tối đa hóa thẩm mỹ thị giác của bộ phim, nhưng nhiều lúc giảm bớt sự hồi hộp và căng thẳng cần thiết để duy trì sự chú ý của khán giả.

. .

Lựa chọn giữa việc thể hiện các cảnh hành động lôi cuốn và khắc họa số phận bi kịch của các nhân vật chính, đạo diễn Park rõ ràng lựa chọn vế sau.

Thế nhưng, những mối liên kết lỏng lẻo kết nối mối quan hệ ba người rốt cuộc khiến khán giả tự hỏi: Chờ đã, họ chiến đấu vì điều gì chứ?

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily