Bình luận phim

Snowpiercer khai thác mạnh mẽ đề tài tầng lớp và đặc quyền

06/12/2013

Biết thân biết phận, giữ thân giữ phận, là “chiếc giày”.

Đó là điều những người sống dưới đáy Snowpiercer (phát hành ở Việt Nam với tựa Chuyến tàu băng giá), một con tàu to lớn mang những gì còn lại cuối cùng của nhân loại, triền miên được bảo phải làm trong bộ phim giả tưởng mới nhất cùng tên của đạo diễn Bong Joon Ho.

“Chiếc giày” là một ẩn dụ. Những con người này sống dưới đáy của đáy, thấp hèn nhất trong thấp hèn, và không nên tìm cách leo lên chiếc thang, hay “cố để trở thành người đứng đầu”.

Trong toa sau cùng, những hành khách thấp hèn nhất sống bằng những thanh protein làm từ gián chết, gần như không tắm rửa và còn bị những kẻ giàu có – sống tại các toa đầu – cướp đi. Bên ngoài đoàn tàu cô độc này là một thế giới chết lạnh, hoàn toàn bao phủ bởi băng tuyết ngàn năm. Sau 17 năm cơ cực và phân cách nghiêm ngặt, dân cư ở toa cuối này đang tổ chức một cuộc cách mạng để giành cuộc sống đường hoàng.

Một cảnh trong Snowpiercer của Bong Joon Ho [Ảnh: CJ Entertainment]

Bộ phim giả tưởng được nhiều người mong đợi từ đạo diễn của MotherThe Host Bong Joon Ho cuối cùng đã được tiết lộ trong buổi họp báo vào ngày 22/7, chỉ một tuần trước khi phim có buổi khởi chiếu toàn cầu tại Seoul ngày 29/7.

Tại buổi họp báo được tổ chức sau ngày công chiếu, Bong Joon Ho nói rằng bộ phim là một “câu chuyện toàn cầu” về quyền lực và bất lực, thay vì một “dự án toàn cầu khổng lồ.” Bộ phim, với sự tham gia của dàn diễn viên ngôi sao đến từ nhiều nước trong đó có Tilda Swinton, Ed Harris và Chris Evans, chính xác như những gì Bong Joon Ho miêu tả, vẫn còn nhiều chỗ để thể hiện.

Dựa trên truyện tranh Pháp Le Transperceneige của Jean-Marc Rochette, xuất bản lần đầu năm 1982, bộ phim là câu chuyện về sự sinh tồn và cứu rỗi, cũng như là một sự trào phúng về các tầng lớp xã hội và mâu thuẫn giữa các tầng lớp đó ăn sâu vào thể loại giả tưởng về sự cùng cực.

Đạo diễn Bong Joon Ho phát biểu trong buổi họp báo sau trình chiếu họp báo tác phẩm
mới nhất của ông
Snowpiercer tại Seoul, ngày 22/7 [Ảnh:Yonhap News]

Lần đầu tiên Bong Joon Ho biết đến loạt truyện tranh này là tại một cửa hàng truyện yêu thích của ông tại Hongdae năm 2004. Nội dung về những gì còn lại của loài người sống trên một đoàn tàu nơi mà mỗi toa được đánh dấu bởi tầng lớp xã hội đã khiến ông ngạc nhiên. Càng xa động cơ “thần thánh” – được đặt ở đầu tàu – cái nghèo khổ càng thảm khốc và điều kiện sống càng khủng khiếp.

Báo chí trong nước so sánh phim với con tàu của Noah trong Kinh thánh, nhưng sự khác biệt chủ yếu giữa hai tác phẩm này là Kỷ Băng hà trong Snowpiercer là một thảm họa do con người tạo ra, không phải một tai ương tự nhiên.

Tương tự, con quái vật lưỡng cư khổng lồ trong phim The Host năm 2006 của Bong Joon Ho không phải là một sinh vật tư nhiên: Nó trồi lên sau khi một bác sĩ quân đội Mỹ đổ những lọ formol xuống sông Hàn của Seoul. Trong Snowpiercer, một loại vật chất do con người tạo nên có tên CW-7, được chế tạo để làm ngừng hiện tượng ấm lên toàn cầu, đã thúc đẩy Kỷ Băng hà, thứ đã giết chết mọi sinh vật sống trên hành tinh – trừ những con người kịp lên tàu. Trong phim của Bong Joon Ho, tai họa không phải là sự trừng phạt đến từ một thế lực cao hơn; con người gánh chịu từ chính những thất bại và sai phạm thê thảm của họ.

Snowpiercer

Trong khi không ai trên tàu tin vào Chúa, hoặc bất cứ thế lực tâm linh nào khác, họ được dạy phải thần tượng Will Ford, người phát minh ra động cơ vĩnh cửu. Trong khi những đứa trẻ thuộc giai cấp thượng lưu được dạy phải luôn biết ơn ông bởi chúng sẽ chết nếu chúng không sống trên con tàu do ông phát minh – chúng lặp đi lặp lại nhiều lần trên lớp rằng động cơ là “vĩnh cửu và thần thánh” và Ford “nhân từ” – còn với những người sống tại toa cuối, Ford là kẻ thù chung. Người xem chứng kiến sự tôn sùng điềm tĩnh đầy cẩn trọng, thứ duy trì trật tự và hòa bình – hầu hết đối với những người sống ở toa đầu.

Người xem chỉ thấy toa đầu khi những kẻ nổi dậy đói kém, khốn khổ vùng lên một cách đầy bạo lực. Một trong số họ bị tật nguyền (do Ewen Bremmer thủ vai) khi mất một tay trong một cuộc trừng phạt thảm khốc.

Một bà mẹ tuyệt vọng (do Octavia Spencer đảm nhận) tìm đứa con trai bị chính quyền bắt. Đồng hành cùng họ là Namgung Min Su (Song Kang Ho), một tù nhân vốn là nhân viên bảo vệ tàu, và con gái Yona (do Ko A Sung đóng) của anh.

Tạo hình của John Hurt (trái) và Tilda Swanton trong phim

Sự tăm tối, hầu hết là những khung hình gần như đen trắng dần chào đón màu sắc khi nhóm người bất bình tiến gần đến đầu máy và Ford. Những người nghèo khổ thấy thứ họ không hề biết có tồn tại: Một nhà hàng sushi, một viện hải dương khổng lồ, một nhà kính xinh đẹp, một phòng nha và thậm chí một câu lạc bộ đêm.

Phim tiết lộ những bí mật lớn – dù cay đắng và vỡ mộng – của câu chuyện khi càng gần về cuối phim, cũng như Ford. Bong Joon Ho khiến Ford (của Ed Harries) không chỉ là một nhân vật phản diện bình thường, và nhiều khán giả sẽ thấy điều hắn nói vừa đáng ngạc nhiên vừa kinh tởm. Những bí mật được tiết lộ rốt cuộc đã dẫn đến việc tìm hiểu một số bí ẩn sâu nhất về ý nghĩa làm người.

CJ Entertainment của Hàn Quốc đồng sản xuất phim, cùng với đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng Park Chan Wook và xưởng phim của ông Moho Film, cùng Union Investment Partners Hàn Quốc. Hãng phim lớn của Mỹ The Weinstein Company giành được quyền phân phối phim tại thị trường Bắc Mỹ, Anh Quốc, Úc, New Zealand và Nam Phi năm ngoái.

.Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi