Nhân vật & Sự kiện

Bản tái sinh Frankenweenie của Tim Burton là một câu chuyện riêng tư

11/10/2012

Âm thanh của các nhạc cụ đồng và khí rung lên với tiếng kèn hân hoan, vang vọng cả hành lang và xung quanh hội trường, nơi đó Tim Burton yên vị trong một gian triển lãm di động dành cho phim mới Frankenweenie (phát hành ở Việt Nam với tựa Chó ma nhà Frankenstein) của ông. Khi tiếng nhạc đã quá lớn không ngó lơ được nữa, Burton đáp nhanh: “Hy vọng bạn không phiền, tôi đang diễn tập với ban nhạc mới của mình. Up With People.”*

Đây là hoàn cảnh nguy hiểm của việc quảng bá một phim tại nơi vui vẻ nhất trần gian. Vào một chiều chủ nhật oi ả, Burton đang tiếp nhận câu hỏi tại công viên California Adventure của Disney về phim hoạt hình stop-motion mới nhất của ông, một bản phim dài chỉnh sửa từ phim ngắn ông làm năm 1984. Bộ phim 3D trắng đen này giữ nguyên ý chính: một cậu bé miền quê mượn ý tưởng từ nhà bác học điên nổi tiếng của Mary Shelley để hồi sinh chú chó bull terrier Sparky yêu dấu sau khi chú này bị xe hơi húc phải.

Victor, do Charlie Tahan lồng tiếng, và chú chó yêu Sparky trong một cảnh phim [Ảnh: Disney]

Frankenweenie chứa đựng nhiều nét tôn trọng những phim quái vật cổ điển – những tác phẩm được hãng Universal sản xuất hồi thập niên 1930, phim kinh dị hơi hướm khoa học thập niên 1950; thậm chí còn có nhân vật Dracular của Christopher Lee trong một phim của hãng Hammer Film ở Anh vào làm diễn viên khách mời.

Nhưng nhìn xuống những bản sao be bé trong buổi triển lãm “Nghệ thuật trong Frankenweenie” – bản sao máy chơi đĩa, đồ trang trí Giáng sinh và chùm nho bằng nhựa nhựa vung vãi giữa các bản thảo và hình mẫu – Burton đảm bảo đã chỉ ra rằng những ám chỉ dành cho “con mọt” điện ảnh chỉ để tô điểm cho một câu chuyện rất riêng về việc “tiêu hóa” nỗi đau và đối mặt với mất mát.

“Tôi từng là một cậu bé,” Burton, 54 tuổi, nói về sự đầu tư cá nhân vào câu chuyện này. “Tôi từng có một chú chó. Phim dựa trên mối quan hệ thanh khiết đầu tiên đó. Vô điều kiện, tình đầu là thế. Nó cũng bị thứ gọi là bệnh sốt ho – họ nói nó chẳng sống được bao lâu, nhưng rốt cục nó cũng sống được khá dài, nhưng luôn có một bóng ma treo lơ lửng. Bạn còn nhỏ, bạn không thực sự hiểu, nhưng đó là nơi cả bộ phim này đâm chồi.”

Frankenweenie có gần hết cả bộ sậu đã song hành cùng các tác phẩm của Burton, dù cộng sự thường xuyên của ông là Johnny Depp lại vắng mặt trong dàn diễn viên lồng tiếng một cách đáng ngờ. Bộ phim lật giở từ góc nhìn của một cậu bé lạc lõng đáng yêu tên Victor Frankenstein (Charlie Tahan lồng tiếng), lại một nhân vật trong chuỗi chính diện bị hiểu lầm do Burton mơ ra, người ngụ trong vùng đầy tương phản của những người bơ vơ và kỳ quặc.

Đường nét trên gương mặt và lựa chọn trang phục của Victor gợi nhớ về những nhân vật như Jack Skellington (“Tôi có phong cách vẽ rất giới hạn”, Burton nói), và cậu ta có chung gu vô ý gây họa của vị vua bí ngô này."

Các phiên bản Sparky tại phân khu tượng của buổi triển lãm Frankenweenie
ở California Adventure của Disney tại Anaheim, California

Một cậu bé cô độc – dù không hẳn buồn phiền – tên Victor dành thời gian nghiên cứu và chơi đùa cùng người bạn thân nhất của cậu, Sparky. Cậu tìm thấy đồng minh nơi người thầy chuyên nhấn vào phụ âm dạy môn khoa học Rzykrusi của mình, chỉ trong một bài giảng ông đã vô tình cho Victor ý tưởng hồi sinh chú chó của cậu sau khi xảy ra bi kịch.

Chẳng mấy chốc, những đứa trẻ khác trong khu phố, đang hứng chí tạo dấu ấn của riêng mình tại hội chợ khoa học sắp tới, đang dùng điện theo cách Benjamin Franklin chưa hề dự định, và không lâu sau đó một đội quân quái vật đe dọa thị trấn. Burton cho biết ông thích ý tưởng một đàn các sinh vật khác thường ở cùng trong một câu chuyện như là cách để kéo dài bộ phim ngắn một cách tự nhiên.

“Tất cả những nhân vật và ký ức khác đó cùng cấu trúc này tạo cảm giác đây là một bộ phim khác, một bộ phim hoàn chỉnh chứ không phải dạng phim thêm thắt cho có,” ông nói. “Phim chỉ lấy câu chuyện nền và dạng như mở rộng ra.”

Thị trấn New Holland của Victor rõ ràng là thế thân cho quê nhà Burbank của Burton, dù đó chỉ là một vùng ngoại ô nước Mỹ tồn tại trái thời. Cha Victor là nhân viên du lịch và mẹ ở nhà mang giày cao gót đeo chuỗi ngọc trai khi nướng bánh và hút bụi. Họ đều yêu thương con trai, dù không hiểu cậu là mấy.

Cảm giác về gia đình hạt nhân được thể hiện hoàn toàn đúng nghĩa trong khối hộp hình chữ nhật lớn tại triển lãm chứa một mô hình nhà bếp chi tiết đáng sợ. Cánh cửa lò nướng mở hờ trong lúc mẹ của Victor đứng ở bàn bếp, chồng bà, đứa con trai và một Sparky còn sống đang sủa ngồi quanh bàn. Có nam châm dính trên tủ lạnh, một kệ đựng dao hình vịt đậu trên bàn, một ly nước màu cam sáng, chắc là Tang, trước mặt Victor.

Vệt màu đó là số ít trong toàn khu triển lãm gồm ba cảnh cụ thể toàn được dựng trên chuỗi sắc xám – căn bếp, phòng học khoa học của Victor và căn gác nơi cậu tiến hành các thí nghiệm gây tranh cãi của mình. Bên cạnh một phiên bản tái tạo bàn làm việc của Burton, hoàn chỉnh nhờ một kính gọng đen trên các trang kịch bản, còn có bản phác họa nhân vật, hình chụp và nhiều maquette – các chú rối được dùng trong lúc quay để mang câu chuyện ra đời thực.

Đạo diễn Frankenweenie Tim Burton (trái) và nhà sản xuất Allison Abbate kiểm tra
các maquette nhân vật ở nơi sửa chữa rối
[Ảnh: Leah Gallo / Disney Enterprises]

Frankenweenie được quay trong vòng mười năm rưỡi trong một nhà kho ở Đông London, gần nơi xây dựng sân vận động Olympic vừa mới xong. Khoảng 200 con rối – gồm 16 con Sparky (tám lúc sống, tám lúc chết), 14 Victors và những như Edgar (Atticus Shaffer lồng tiếng), Elsa Van Helsing (Winona Ryder lồng tiếng) và Weird Girl (Catherine O’Hara lồng tiếng, cô cũng chịu trách nhiệm cho nhân vật mẹ của Victor) – được sản xuất để quay.

Burton tái hợp với nhà sản xuất Allison Abbate và đạo diễn hoạt hình Trey Thomas, cả hai đều từng làm việc với những dự án stop-motion trước đây của nhà làm phim này, A Nightmare Before ChristmasCorpse Bride.

Dù stop-motion đang là mốt thời thượng – Frankenweenie là phim thứ ba dạng này ra mắt trong vòng ba tháng gần đây, theo sát phim hài về xác sống ParaNorman (ra mắt ở Việt Nam với tựa Giác quan thứ sáu của Norman) của Laika Studio và một phiên bản tiếng Anh phim của Cộng hòa Czech Toys in the Attic – vẫn khó để đạt đến trình điêu luyện trong mảng nhỏ này của thế giới hoạt hình. Phải có tính kiên nhẫn; nhà làm phim đôi khi mất một tuần để hoàn thành mỗi một cảnh quay.

Kỹ thuật cao tay ấn của bộ ba này khiến họ dễ chuyển thể ý tưởng của Burton ra màn ảnh thực tế hơn, điều đặc biệt quan trọng với phim này, ông nói. Toàn bộ phim được lọc qua lăng kính kỷ niệm về người và nơi chốn của ông, dù người viết kịch bản là một đồng nghiệp lâu năm khác của Burton, John August (từng làm Big Fish, Charlie and the Chocolate Factory, Corpse Bride).

“Có ít phim xuất hiện nhiều trong tâm trí tôi, như [Edward] Scissorhands hay phim này hay Nightmare, tôi cảm giác đã biết phim là như thế nào để khi làm việc với biên kịch đôi khi sẽ giúp xác nhận hoặc mổ xẻ phim ra,” Burton nói. “Bàn thảo việc gì đó thật hay… Đồng thời, vì tôi hơi khép kín, thỉnh thoảng có chút liên kết với thế giới bên ngoài cũng tốt.”

Một cảnh trong phim ngắn gốc Frankenweenie năm 1984 của Tim Burton,
có sự tham gia của Barret Oliver (trái) và Shelley Duvall
[Ảnh: El Capitan Theater]

Trước khi khép lại lịch trình quốc tế của mình, “Nghệ thuật trong Frankenweenie” sẽ hoàn thành việc viếng thăm bảy nước – Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Nhật, Mexico, Canada và Mỹ. Burton lạc quan rằng chuyến trưng bày sẽ mở cửa vào lĩnh vực nghệ thuật dùng xúc giác đã thuyết phục được ông những ngày đầu nhờ vào những nỗ lực tiên phong của Ray Harryhausen và Willis O’Brien.

“Tôi thích phim hoạt hình Disney, tuyệt vời, tính nghệ thuật thật tuyệt và tất cả, nhưng tôi nghĩ phim của Harryhausen mới là nhất… có gì đó trong sức mạnh của chiều thứ ba và giá trị thủ công của nó, thậm chí khi chỉ được hiểu sơ sài. Vẫn có một mãnh lực trong đó.”

Có lẽ niềm đam mê của Burton đã truyền cho Frankenweenie một nguồn năng lượng sáng tạo mới. Sau khi phim công chiếu tại Fantastic Fest ở Austin, Texas, trang Indiwire đã miêu tả phim là “sự phục hồi phong độ mãnh liệt” của nhà làm phim này, khi tác phẩm khác do ông đạo diễn trong năm 2012 từ vở kịch truyền hình nổi tiếng Dark Shadows thua thảm trước các nhà phê bình.

Ở thời điểm này của sự nghiệp, ông đã trở nên phần nào chai sạn với đón nhận của giới phê bình, dù tích cực hay tiêu cực, dành cho phim của mình, dù Burton nói ông vẫn thấy “khá dễ bị tổn thương” khi một phim mới sắp ra rạp. “Tôi không thực sự đọc hết các bài viết. Trong đời tôi đã có nhiều bài [bình luận] thật tốt và thật tệ. Cứ xem như thế này. Tôi biết chuyện gì đang diễn ra, tôi biết ý chung là gì. Tôi từng có những tác phẩm được bình luận tốt rồi chẳng ai đi xem và những bài [tệ] nhưng kiếm được ối tiền. Bạn thực sự chẳng thể dự đoán điều gì cả.”

Tim Burton tại buổi triển lãm Frankenweenie ở California Adventure của Disney
[Ảnh: Francine Orr / Los Angeles Times]

Về dự định sắp tới, Burton chưa sẵn sàng cho biết, chỉ lịch sự đẩy qua bên những câu hỏi về nhiều dự án ông có liên quan. Còn vài buổi phỏng vấn phải hoàn thành trước khi Frankenweenie ra mắt ở Los Angeles, Burton có vẻ giống một cái đầu sáng tạo cần nghỉ ngơi. Những năm gần đây ta đã chứng kiến ông sản xuất một lượng tác phẩm đáng kể với tốc độ sái cả cổ, và ông đã sẵn sàng giảm tốc.

Khoảnh khắc này có thể cũng tốt để tạm dừng. Frankenweenie là một bức thư tình kỳ lạ gửi dành cho quá khứ và những trải nghiệm ở Burbank của Burton mà có thể ông không muốn có lại nhưng lại là những gì đã định hình con người ông.

“Nơi xuất thân, tôi không nghĩ mình muốn sống ở đó lần nữa, nhưng tôi cũng sẽ không thay đổi gì vì đó là một phần của bản thân mình,” Burton nói. “Bạn phải yêu nó ít nhiều, có chút cảm xúc lãng mạn u tối với nó.”

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

* Up With People: tổ chức giáo dục quốc tế có sứ mạng bắc cầu vượt qua các rào cản văn hóa và tạo ra sự hiểu biết toàn cầu thông qua âm nhạc và dịch vụ của tổ chức - ND