Nhân vật & Sự kiện

Tony Scott: Vĩnh biệt một nghệ nhân điêu luyện

20/08/2012

Tony Scott thường bị xem là kém thành công so với người anh trai Ridley, nhưng số liệu phòng vé nói khác. Ridley, đạo diễn của Blade Runner, Gladiator Prometheus, có thể là bậc thầy của bom tấn thị giác, còn Tony biết cái gì khiến khán giả mê mẩn.

Đạo diễn Tony Scott

Không lạ khi khán giả yêu mến ông: Scott, qua đời ở tuổi 68, là một nghệ nhân của những cuộc tấn công nghe-nhìn ngọt ngào bằng thực lực, một trạng thái sáng tạo mà ông đã tinh luyện qua nhiều năm làm phim quảng cáo truyền hình. Ông vào ngành giải trí sau khi tốt nghiệp Royal College of Art và làm việc tại hãng của người anh trai, và ngay cả khi ở đỉnh cao thành công tại Hollywood vẫn có điều gì đó về hình thức cô đọng, bóng bẩy của quảng cáo truyền hình hấp dẫn bản năng sáng tạo của ông: năm 2000 ông đã quay một chiến dịch quảng cáo được ca ngợi cho Telecom Italia với Marlon Brando, và một quảng cáo cho Barclays với Anthony Hopkins, Nick Moran và Tim Roth.

Phim điện ảnh đầu tiên của Tony, một phim lãng mạn về ma cà rồng ra mắt năm 1983 có tên The Hunger, là một thất bại, nhưng ba năm sau Top Gun xuất hiện như một cuộc cách mạng. Với bộ phim này, Tony đưa cú pháp thị giác và sinh lực của phim quảng cáo vào một phim hành động màn ảnh rộng, và kết quả là một bộ phim đột kích thể loại này bằng một chiếc F14 Tomcat dữ dội. Những cảnh chiến đấu đầy nhịp điệu, những thước video hào nhoáng, khí tài quân sự hoành tráng: tất cả những đặc điểm phân biệt này được nhại lại trong các siêu bom tấn thế hệ mới bởi những Michael Bay và Peter Berg, nhưng phim của Scott vẫn bỏ xa họ trong dòng phim kỳ ảo, phi thực tế. Ảnh hưởng của Top Gun có thể thấy trong hầu hết phim hành động được sản xuất từ giữa thập niên 1980, biến phim này thành kẻ nổi loạn tiên phong.

Tom Cruise trong Top Gun

Cùng với Quentin Tarantino và Baz Luhrmann, Scott là một nhân vật chính tạo nên trào lưu hậu hiện đại. True Romance, bộ phim năm 1993 của ông do Tarantino viết kịch bản, là một mẻ bia bốc về lối sống bản năng (junk culture) và thế giới ngầm của ma túy, tách ra khỏi mọi khái niệm chuẩn mực của Hollywood về thiện và ác. (Các ‘nhân vật chính’, do Christian Slater và Patricia Arquette đóng, là một gã cuồng si truyện tranh và một gái điếm.)

Nếu bộ phim đó giúp Hollywood soi lại mình, thì Domino năm 2005, do Richard Kelly đạo diễn của phim Donnie Darko viết kịch bản, đã quai cho một búa tạ. Tiều sử bị chỉnh sửa một cách giật gân, bán hư cấu về một tay săn tội phạm để lãnh thưởng ở Los Angeles tên Domino Harvey lấy tiết tấu từ truyền hình thực tế và những 'talk show' rác rưởi và trắng trợn bất chấp độ tin cậy: nhân vật nữ chính, do Keira Knightley đóng, giải quyết một tình huống bằng thoát y vũ. Domino bị giới phê bình coi như rác ngay khi phát hành và biến khỏi rạp sau hai tuần công chiếu, và là tác phẩm bị đánh giá thấp nhất của Tony.

Năm lần hợp tác với Denzel Washington không chỉ đem lại những bộ phim có lẽ là cân bằng và chín muồi nhất của ông, mà còn đưa diễn viên này tới thời làm ngôi sao hành động phi thường. Phim hình sự Crimson Tide năm 1995 của ông được đề cử ba Oscar hạng mục kỹ thuật, có lẽ là lần Scott đến gần nhất với việc giành được sự công nhận trong nghề, mặc dù phim còn tồn tại đến tận ngày nay tốt hơn là bộ phim mờ nhạt đã thắng giải Oscar Phim xuất sắc năm đó một cách lố bịch, Braveheart.

Chín năm sau, gã dân phòng chính trực trong Man on Fire làm giới phê bình lộn ruột nhưng khiến khán giả chảy nước miếng: phim thu về 83 triệu bảng toàn cầu, báo hiệu trước thành công của Taken. Cuộc du hành vượt thời gian Déjà Vu (tiếng Pháp, nghĩa là cũ mèm - ND) này là một trong những phim đầu tiên sử dụng New Orleans (thành phố từng bị bão Katrina tàn phá) làm hình ảnh ẩn dụ cho cả nước Mỹ. The Taking of Pelham 123, bản làm lại bộ phim cướp tàu điện ngầm năm 1974 của Joseph Sargent, không chỉ được người hâm mộ bộ phim gốc đón nhận nồng nhiệt, mà tác giả bài viết này rất thích cách Scott đã dám ấn định rằng phim hành động đời mới không còn cần đến những người hùng kiểu cũ nữa: vai diễn nhân viên điều phối tàu điện ngầm khiêm tốn của Washington dành phần lớn thời lượng xuất hiện trên phim sau bàn làm việc trước một dãy màn hình quan sát lấp loáng, cứu thế giới từ xa.

Unstoppable

Lần cộng tác cuối cùng giữa Tony và Washington cũng là trong phim cuối cùng của ông: Unstoppable năm 2010, một phim hành động trào lưu dựa trên câu chuyện có thật về một chiếc xe lửa mất thắng lao nửa đường tới Ohio với hai lái tàu trong đầu máy. Kịch bản này thoạt đầu được nhắm cho đạo diễn Casino Royale Martin Campbell, nhưng khi Scott bắt tay vào việc, ông đã biến nó thành của riêng: một câu chuyện sấm sét về những người hùng cổ xanh (tức công nhân - ND) và những cỗ máy leng keng to tướng, bị khống chế hoàn toàn dưới tay nghề thành thạo. Phim này là sự chưng cất phong cách của Tony Scott.

Bất luận ông đã hệ thống hóa hay phá ra từng mảnh, thoát ly thực tế là trọng tâm trong mọi việc Scott làm. Phim của ông cho khán giả thoát khỏi những nỗi lo lắng của họ theo cách mà xem ra ông đã không làm được cho chính mình, và ông sẽ còn được nhớ đến rất nhiều.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Telegraph


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi