Một khi Tim Burton để tâm tới, chú chó ngoan không thể vĩnh viễn ra đi.
Và một cách làm phim hoạt hình xưa cũ nhưng chất lượng cũng không thể bị
nhấn chìm.
Câu chuyện về cậu bé hồi sinh chú chó yêu,
Frankenweenie (phát hành tại Việt Nam với tựa
Chó ma nhà Frankenstein),
là tác phẩm mới nhất của Hollywood làm sống lại thời của hoạt hình
stop-motion, một cách làm phim của thế kỷ trước nay vẫn thi thoảng len
lỏi lên màn ảnh rộng giữa thời của những bom tấn hoạt hình đồ họa vi
tính.
Thật là một ý tưởng làm phim giản dị - những vật thể vô tri
chuyển động từng chút một và được ghi lại từng khung hình tạo thành một
chuyển động đánh lừa thị giác. Nhưng để dùng những mô hình cảnh vật thu
nhỏ thật trau chuốt và các con rối bên trong được dẫn động tinh vi làm
thành chuyển động và còn biểu lộ tình cảm, quả là một quá trình chi li
đòi hỏi cả tá đội ngũ làm hoạt hình và nhiều năm ròng lao động.
Thành quả làm phim như một bức biếm họa lùng nhùng, gân guốc về hiện
thực, mang lại cảm giác cụ thể và chân thực hơn người anh em đồ họa vi
tính mượt mà.
"Stop-motion là một cách làm phim thuần khiết hơn,"
đạo diễn Tim Burton cho biết. "Bạn cố gắng chọn cách thức phù hợp với
câu chuyện, và với
Chó ma nhà Frankenstein, một câu chuyện về sự tái sinh, việc làm sống dậy cách làm phim cùng những con rối chuyển động thật là ăn khớp."
Là bản chuyển thể hoạt hình từ phim ngắn người thật đóng ra mắt năm 1984 của Burton,
Chó ma nhà Frankenstein
kể về một cậu bé thiên tài theo hơi hướng Frankenstein, gắng sức làm
chú chó yêu của mình sống lại sau một tai nạn xe hơi. Burton còn phát
triển thêm một bầy thú gồm những quái vật hồi sinh, như chuột quái dị,
hamster xác ướp và một con rùa to lớn như Godzilla.
Phim stop-motion có thể đã vắng bóng nhiều năm ở Hollywood, rồi trở lại như một làn sóng.
Chó ma nhà Frankenstein là phim thứ ba trong năm nay, tiếp sau
Norman & Giác quan thứ 6 - từ hãng đã cho ra đời
Coraline năm 2009, và
The Pirates! Band of Misfits của Aardman Animations - những người đứng sau
Wallace & Gromit in the Curse of the Were-Rabbit, bộ phim hoạt hình stop-motion duy nhất từng nhận giải thưởng của Viện hàn lâm ở hạng mục phim truyện hoạt hình năm 2005.
Wallace & Gromit ra mắt cùng năm với
Corpse Bride của Burton, phim stop-motion thứ hai của ông sau khi ông khơi dậy cách làm phim này với
The Nightmare Before Christmas (1993).
Đạo diễn Tim Burton và mô hình nhân vật trong Chó ma nhà Frankenstein
Những gì Burton cực kỳ nhạy cảm - hồn ma, yêu tinh và những sinh vật lạ -
theo một cách nào đó lại hòa hợp tuyệt vời với sự mảnh mai tinh tế và
có chiều sâu của phong cách stop-motion. Cùng với
Coraline,
ParaNorman, và
Curse of the Were-Rabbit, bộ phim stop-motion hài ma quái sắp ra mắt
Hell & Back cũng tiếp bước theo xu hướng này.
"Stop-motion
luôn dính yếu tố rùng rợn, và tôi nghĩ đây là truyền thống của loại
hình này. Nếu bạn xem những phim ngắn được làm từ rất sớm theo cách này,
nhân vật toàn là xương khô và gà đã bị giết mổ, Chúa mới biết còn gì
nữa," theo lời Chris Butler, từng tham gia làm phim
Corpse Bride, Coraline, viết kịch bản và đồng đạo diễn
ParaNorman.
"Rồi bạn còn phải nhớ đến
Nightmare Before Christmas, bộ phim khơi nguồn cho sự trở lại này."
Cũng như
Chó ma nhà Frankenstein,
ParaNorman
là câu chuyện về sự hồi sinh từ cõi chết, một cậu bé 'khác người' nhờ
khả năng trò chuyện với những hồn ma mà trở thành người hùng bất đắc dĩ
khi thị trấn của cậu bị những thây ma đội mồ sống dậy bao vây.
Những nhà làm phim hoạt hình stop-motion đã tạo ra sức hút ma quái từ những năm sơ khởi của điện ảnh như phim ngắn
The Haunted Hotel, trong đó những bàn tay vô hình đang chuẩn bị bữa tối.
Với phim người thật đóng, kỹ thuật stop-motion được sử dụng để tạo ra đám khủng long trong phim câm
The Lost World (1925), tinh tinh khổng lồ trong
King Kong
bản gốc, những bộ xương biết chiến đấu và những sinh vật khác qua bàn
tay bậc thầy hiệu quả đặc biệt Ray Harryhausen. James Cameron từng dùng
stop-motion để đồ họa cỗ máy giết người cốt sắt làm sởn gáy trong
Terminator, sau khi lớp vỏ ngoài mang hình Arnold Schwarzenegger bị thiêu rụi.
Một cảnh hậu trường Chó ma nhà Frankenstein
Ngoài ra, stop-motion cũng có gắn với hình ảnh thân thiện hơn như trong các phim hoạt hình chiếu trên truyền hình
Gumby, Davey and Goliath và
Rudolph the Red-Nosed Reindeer.
Trong
khi hoạt hình vẽ tay dạng 2D từng có thời thống trị thế giới hoạt hình
nay hầu như biến mất trên màn ảnh rộng, thì những con rối và mô hình
cảnh vật thu nhỏ stop-motion lại điềm nhiên hiện diện tại các rạp chiếu
3D.
"Một sự kết hợp tuyệt vời," theo lời Sam Fell, đồng đạo diễn
ParaNorman.
"Những khung hình luôn sống động. Tôi còn nhớ lúc nhỏ được xem những
tác phẩm tạo hình của Ray Harryhausen. Tôi luôn muốn mang một trong số
những bộ xương đó về nhà để sờ tận tay và xem trong đó có gì. Thêm yếu
tố 3D mọi thứ còn trở nên hữu hình và hấp dẫn hơn. Bạn trở nên chìm đắm
trong thế giới thủ công đó."
Cùng kỹ thuật ghi hình 3D, phim
stop-motion giờ đây còn được tô điểm với những hiệu ứng hình ảnh đặc
biệt thực hiện bằng máy tính. Tuy vậy mấu chốt của loại hình làm phim
này vẫn được giữ nguyên. "Một người đứng sau tấm màn đen, điều khiển
những con rối qua từng khung hình. Điều này hàng trăm năm nay vẫn không
có gì thay đổi," nhà sản xuất
Chó ma nhà Frankenstein Allison
Abbate cho biết. "Đó là tổng hòa của truyền thống, công nghệ thủ công,
sự khéo léo và tình yêu công việc mà bạn có thể cảm nhận khi xem phim."
Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AP
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi