Nhân vật & Sự kiện

Bến Thượng Hải: Phim bộ TVB Hồng Kông định nghĩa cả một thế hệ

21/01/2022

Cô gái trẻ đi trên con phố hẹp trong tuyết rơi nhẹ, tay trong tay với chàng trai diện chiếc khăn quàng cổ màu trắng đặc trưng của anh ta, cầm dù che cho cả hai.

Cảnh phim kinh điển của phim bộ Hồng Kông kinh điển Bến Thượng Hải

Một người đàn ông liều lĩnh phóng lên đồi về phía nhà thờ nơi tổ chức lễ cưới, hy vọng mình không quá muộn. Thở dốc, cuối cùng anh loạng choạng bước vào giáo đường, chỉ để ngước nhìn lên thấy người tình cũ của mình đứng trước bàn thờ sắp kết hôn với người khác.

Cả một thế hệ người Trung Quốc sẽ nhận ra ngay những cảnh này.

Bến Thượng Hải là phim bộ truyền hình năm 1980 do đài TVB Hồng Kông sản xuất trong thời kỳ được coi là hoàng kim của truyền hình Hồng Kông. Có lẽ bộ phim được nhận ra hay nhất nhờ ca khúc chủ đề do Diệp Lệ Nghi hát, đã trở thành ca khúc kinh điển của Cantopop và vẫn là một trong những ca khúc tiếng Trung dễ nhận biết nhất mọi thời đại.

Hơn 40 năm sau, bi kịch và chiến thắng của các nhân vật trong Bến Thượng Hải không hề mất đi sức mạnh. Người ta vẫn nhớ đến câu chuyện tình lãng mạn vượt thời gian giữa Hứa Văn Cường điển trai và Phùng Trình Trình ngây thơ và duyên dáng, được tạo nên bởi sự ăn ý khó quên giữa Châu Nhuận Phát và Triệu Nhã Chi

Được mệnh danh là lời đáp của Hồng Kông trước Bố già, bộ phim kể về hành trình của một cựu thành viên phong trào Ngũ Tứ, Hứa Văn Cường, bắt đầu dấn thân vào thế giới ngầm mafia của Khu tô giới quốc tế những năm 1920 ở Thượng Hải, do Châu Nhuận Phát thể hiện vai diễn đã đưa anh trở thành ngôi sao. Trong khi ngày càng thăng tiến, Hứa Văn Cường nảy sinh tình cảm với Phùng Trình Trình, do Triệu Nhã Chi đóng, con gái của một ông trùm quyền lực.

Vào đầu thời kỳ cải cách và mở cửa của những năm 1980, khi Trung Quốc quay cuồng với sự khan hiếm nghệ thuật từ Cách mạng Văn hóa, thời kỳ mà hình thức giải trí đại chúng duy nhất được phép là “tám vở opera cách mạng”, văn hóa đại chúng bị chi phối bởi hàng nhập khẩu, và chủ yếu trong số đó là phim điện ảnh, phim truyền hình và ca nhạc từ Hồng Kông và Đài Loan. Truyền hình thống trị và khi Bến Thượng Hải lên màn ảnh Đại lục vào giữa những năm 1980, bộ phim lập tức trở thành kinh điển. Trong tấm thảm của nền văn hóa đại chúng những năm 1980, mức độ nổi tiếng khủng của Bến Thượng Hải có lẽ chỉ có thể được so sánh với phim bộ truyền hình cổ trang TVB năm 1983 cũng định hình thời đại tương tự, Anh hùng xạ điêu. Khi những phim bộ truyền hình này được phát sóng, khắp Trung Quốc đường phố vắng tanh vì ai nấy tập trung trước tivi của họ.

Trái: Châu Nhuận Phát và Triệu Nhã Chi trong phim bộ Bến Thượng Hải của TVB năm 1980. Phải: Khoảnh khắc tái hợp sau 40 năm của bộ đôi, nắm bắt trong bức ảnh được lưu hành trực tuyến vào năm ngoái, đã gây xúc động mạng xã hội khi người hâm mộ vỡ òa hoài niệm

Hơn 40 năm sau, bi kịch và chiến thắng của các nhân vật trong Bến Thượng Hải không hề mất đi sức mạnh. Người ta vẫn nhớ đến câu chuyện tình lãng mạn vượt thời gian giữa Hứa Văn Cường điển trai và Phùng Trình Trình ngây thơ và duyên dáng, được tạo nên bởi sự ăn ý khó quên giữa Châu Nhuận Phát và Triệu Nhã Chi. Khoảnh khắc tái hợp sau 40 năm của bộ đôi, nắm bắt trong một bức ảnh được lưu hành trực tuyến vào năm ngoái, gây xúc động mạng xã hội khi người hâm mộ vỡ òa hoài niệm. Tương tự, khi ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan Phí Ngọc Thanh gần đây đã trình bày ca khúc chủ đề của bộ phim bằng tiếng Quảng Đông hoàn mỹ trong một chương trình tạp kỹ của Trung Quốc, màn trình diễn của anh đã trở nên lan truyền.

Đối với người xem đương đại, Bến Thượng Hải mở cánh cửa sổ nhìn vào một thời đại đã qua. Một trong những môtíp chính của bộ phim là lòng yêu nước âm ỉ của người anh hùng vỡ mộng Hứa Văn Cường, miễn cưỡng gánh vác đại sự mà anh đã thề bỏ lại phía sau. Tốt nghiệp Đại học Yên Kinh danh tiếng vào thời sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn còn rất hiếm, Hứa là một sinh viên biểu tình nhiệt tình trong Phong trào ngày 4 tháng 5 năm 1919. Tuy nhiên, sau khi cảnh sát đàn áp, anh đã bị bắt và bỏ tù, trả giá rất đắt cho lòng yêu nước của mình. Chủ nghĩa lý tưởng của anh bị xói mòn khi anh ra tù, thay vào đó là sự vỡ mộng. Quyết định gia nhập xã hội đen đánh dấu một sự thay đổi trong các giá trị của anh, trở thành một người sống cho bản thân hơn là cho người khác.

Thể hiện nhân vật người anh hùng vỡ mộng Hứa Văn Cường, vai diễn đưa Châu Nhuận Phát thành ngôi sao

Tuy nhiên, trong những bước ngoặt của bộ phim, ý thức về trách nhiệm của Hứa Văn Cường lại nổi lên hết lần này đến lần khác. Khi nhận ra ông chủ của mình làm ăn với các gián điệp Nhật Bản đang tìm cách xâm nhập Thượng Hải, anh đã đưa ra quyết định đau đớn là phá hoại nhiệm vụ và giết sạch gián điệp Nhật Bản, dẫn đến việc anh bị thất sủng và buộc phải trốn khỏi thành phố sống lưu vong.

Mặc dù Bến Thượng Hải không phải là phim bộ truyền hình “yêu nước” và chắc chắn không sánh được với loại phim này được sản xuất ở Trung Quốc ngày nay, nhưng môtíp tinh tế xuyên suốt câu chuyện khiến nó trở nên đáng yêu và hiệu quả hơn theo một cách nào đó. Nó gợi lên thời điểm mà mối quan hệ giữa Hồng Kông và Đại lục khác nhau, khi Hồng Kông nồng nhiệt tiếp cận bản sắc Trung Hoa của mình — bộ phim là một xuất phẩm bản địa của Hồng Kông, với các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất Hồng Kông, v.v. — được phản ánh trong xuất khẩu văn hóa của nơi này.

Bến Thượng Hải truyền cảm hứng cho hàng chục phần tiếp theo, làm lại và chuyển thể ở cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc Đại lục, nhưng không có phim nào sánh được mức độ phổ biến hoặc tác động văn hóa của bộ gốc. Danh tiếng tác phẩm kinh điển mọi thời đại là rất xứng đáng.

Đối với người xem đương đại, Bến Thượng Hải mở cánh cửa sổ nhìn vào một thời đại đã qua

Ngoài hoài niệm gắn liền với hai tượng đài vai chính đã chiếm được cảm tình rộng khắp, Bến Thượng Hải còn đại diện cho một cái gì đó trừu tượng hơn. Nó đóng vai trò như một kiểu hệ tư tưởng thời đại, một chuẩn mực văn hóa cho một thế hệ người Trung Quốc, gợi lại những ký ức về một thời đại xem chừng là đơn giản hơn nhiều.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: SupChina