Nhân vật & Sự kiện

Chìa khóa thành công của Ice Age nằm trong quả hạch: Chúng ta yêu Scrat

18/07/2012

Gã này sẽ chẳng bao giờ chạy đua cho danh hiệu người đàn ông quyến rũ nhất. Gã là một con nghiện "nặng đô" không chịu cắt cơn.

Gã không mở lời với báo chí. Thực tế thì gã chẳng thèm nói năng. Chấm hết. Gã kín tiếng đến mức hiếm khi người ta thấy gã ngoài những khung hình giới hạn trên phim.

Vậy mà khi bộ phim gây tiếng vang phòng vé, có được tiếng tăm toàn cầu và sự tôn sùng từ người hâm mộ, vài ngôi sao hạng A của Hollywood còn phải muốn đứng chung hàng ngũ với gã - Scrat.

Scrat và quả hạch gã cuồng si

Gã giậm giật nửa sóc nửa chuột với hai hàm khép chặt còn thò nanh sẽ phải viện đến trò đánh hơi và tìm bới của mình nhiều lần nữa khi tái xuất cùng băng đảng thời tiền sử trong loạt phim hoạt hình được yêu thích của hãng 20th Century Fox hợp tác cùng Blue Sky Studios.

Trong Kỷ băng hà: Lục địa trôi dạt, bộ ba huynh đệ thân thiết gồm voi ma mút ủ ê Manny (Ray Romano lồng tiếng), lười Sid nói đớt (John Leguizamo) và cọp nanh kiếm cáu kỉnh Diego (Denis Leary) sẽ có màn đối đầu táo bạo với băng cướp biển tạp nham cùng những khúc mắc về chuyện gia đình và tình cảm.

Scrat chẳng bận tâm đến mớ bòng bong đó. Gã còn mải bận bịu làm thứ việc mà gã "nghề" nhất, sột soạt quanh câu chuyện chủ đề và thu hút mọi sự chú ý. Như thường lệ, mọi tình huống hài hước hiểm nghèo đều bắt nguồn từ trò nghịch dại khi Scrat săn đuổi quả hạch - thứ mà gã chưa bao giờ thôi thèm muốn - và vô tình gây nên cơn địa chấn toàn cầu.

Cuộc đối đầu giữa nhóm bạn và cướp biển

Những nỗ lực của tay gặm nhấm thân hình xơ xác đã được tưởng thưởng, khi Lục địa trôi dạt thu về hơn 716 triệu đôla từ thị trường quốc tế và 161 triệu đôla tại các rạp chiếu Bắc Mỹ năm 2012. Vanessa Morrison, Chủ tịch của Fox Animation, hiểu rõ giá trị của con vật lấy hên không chính thức với cái đuôi xù: "Ice Age, tổng doanh thu toàn cầu đạt gần 2,5 tỉ đôla và chưa dừng lại ở đó, là loạt phim hoạt hình thành công nhất trong lịch sử - và Scrat góp một phần quan trọng vào sức hút lâu dài của phim. Cậu ta có lòng tham vô đáy với quả hạch, nhưng cậu ta là một siêu sao, và có sức hấp dẫn riêng."

Thật không tệ cho một nhân vật hấp tấp lần đầu ra mắt khán giả từ phần một của Kỷ băng hà năm 2002. Trở lại thời điểm đó, công nghệ hoạt hình đồ họa vi tính vẫn còn đang từng bước hoàn thiện, Pixar hầu như vẫn độc quyền thị trường kể từ khi họ cho ra mắt bộ phim hoạt hình gây chấn động Toy Story năm 1995. Tới năm 2001 DreamWorks mới cho cả thế giới biết đến một gã chằn tinh thô lỗ tên Shrek.

Và lúc này Scrat bắt đầu sục sạo.

"Chúng tôi muốn mở màn bộ phim với một chuỗi biến cố tái hiện kỷ băng hà," Chris Wedge, đồng sáng lập Blue Sky, đạo diễn phần một Kỷ băng hà và là nhà sản xuất Lục địa trôi dạt, hồi tưởng. "Chúng tôi quyết định đưa vào một cuộc đuổi bắt. Chúng tôi nghĩ, 'Tại sao không phải là nhân vật nhỏ bé nhất?' Đó có thể là một con thú đen đủi có thể bị nghiền nát bởi bàn chân voi ma mút."

Scrat ở một cảnh trong trailer Continental Drift

Giữa rất nhiều bản vẽ dựa trên phác thảo động vật hoang dã hóa thạch của họa sĩ sáng tạo nhân vật và vẽ bìa cho tạp chí The New Yorker Peter de Seve có một con vật gặm nhấm bé nhỏ nanh chìa. "Điều cuối cùng tôi nghĩ tới đó là, 'Chà, tôi đang sáng tạo ra một nhân vật thực sự quan trọng.' Cậu ta không phải vậy. Cậu ta ở ngoài rìa, làm nền cho câu chuyện. Dĩ nhiên, tôi cũng học được một điều đó là không có nhân vật nào chỉ để làm nền."

Trò đuổi bắt bất tận

Quả vậy, có thêm những tiếng khụt khịt, rột roạt, la thét và rên rỉ được lồng bởi chính Chris Wedge (đạo diễn của phần một Ice Age, từ chỗ tưởng như chỉ xuất hiện trong những đoạn phim chốc lát, Scrat mắt lồi nhanh chóng vọt ra trước màn ảnh khi đoạn mở màn của gã được quyết định sẽ trở thành trailer chiếu sớm của bộ phim.

"Tôi còn nhớ lần đầu tiên xem cảnh đó và nghĩ, 'Ôi! Thật hay quá đi. Chúng ta chưa thấy kiểu này bao giờ,' Mike Thurmeier, đồng đạo diễn Continental Drift và tham gia vào cả bốn phần phim, phát biểu. "Tất cả là nhờ Chris. Anh ấy có gu đột phá. Chris sẽ không bao giờ làm một phim kiểu Disney. Anh ấy không mong muốn làm phim theo lối mòn."

Khán giả bị cuốn vào quả hạch đáng yêu khi đoạn phim "nhử mồi" khéo léo ra mắt cùng với Jurassic Park III năm 2001 và những lời truyền miệng lan nhanh, thật rõ ràng là Scrat - cái gã không có mặt trong kịch bản gốc - sẽ len lỏi khắp cả bộ phim.

Trò đuổi bắt bất tận

Và thế là một biểu tượng hoạt hình, tương phản hoàn toàn với anh chàng gặm nhấm bảnh bao, dễ thương mang găng tay trắng Mickey, đã ra đời.

Phải thừa nhận vốn quý nhất của gã này chính là sự im lặng. "Scrat là một nhân vật kiểu kịch câm," theo lời nhà phê bình và viết sử điện ảnh Leonard Maltin. "Thật là một sức lôi cuốn độc đáo khi một nhân vật không thoại vẫn quá sức biểu cảm và dễ hiểu đến vậy. Ông cũng liên hệ sự nhẫn nại đến "đày đọa" của Scrat với chú sói đồng Wile E. Coyote, không ngừng săn đuổi chú chim Road Runner kêu Beep Beep! trong hoạt hình của Warner Bros. "Hài chắc cú luôn!"

Kết quả là, Ice Age có thể chọc cười những khán giả non tuổi nhất và đặc biệt mang lại thành công trên toàn cầu. Như Chris Wedge diễn tả, "Có lẽ tôi là giọng lồng tiếng duy nhất có thể hiểu được bằng mọi ngôn ngữ."

Scrat còn được so sánh với những tên tuổi của kỷ nguyên phim câm như Buster Keaton, Harold Lloyd và Charlie Chaplin, đặc biệt ở thiên hướng hài qua động tác. Tác giả có chút băn khoăn không biết ai đó ở bộ phận marketing đã lấy cảm hứng nhại lại bộ phim đen trắng đoạt giải Oscar The Artist, tạo nên đoạn video mang tựa The ScrATIST:

Các bạn diễn hầu hết không cảm thấy có mối đe dọa nào từ gã nhỏ con với những trò hề trở thành trailer truyền thống của mỗi tập phim Ice Age, rất có thể làm lu mờ đóng góp của họ.

Mặc dù lười Sid ngờ nghệch là một sự tương phản với Scrat kiệm lời, nam diễn viên lồng tiếng Leguizamo hiểu rõ cơn cuồng của gã nanh dài phiền toái.

"Ai cũng có quả hạch của riêng mình," anh nói. "Nó là biểu trưng của giấc mơ Mỹ. Luôn muốn nhiều hơn thế và không hài lòng với cái bạn có được. Cũng như Scrat, chúng ta được voi lại đòi tiên."

'Vui mừng đưa Scrat vào tâm điểm'

Đúng vậy, nỗi ám ảnh của Scrat có thể được xếp vào mức báo động, gã sẵn lòng liều mạng ở những nơi khắt nghiệt nhất chỉ để bíu chặt lấy quả hạch. Theo lời Leguizamo, "Dứt khoát là cậu ta cần được tư vấn tâm lý."

Bất chấp vẻ kém thân thiện của gã trên màn ảnh, Dennis Leary - người lồng tiếng cọp nanh kiếm Diego - lại rất khoát anh bạn nhỏ này. "Tôi hoan nghênh sự đeo bám dai dẳng của cậu ta," anh ngợi ca sự gắn bó của Scrat suốt loạt phim. "Cậu ta xứng đáng có được một chương trình truyền hình hay một loạt phim ăn theo. Scrat là nhân vật hài hước nhất trong loạt phim mỗi lần cậu ta xuất hiện. Tôi vui mừng thấy cậu ta lọt vào tâm điểm."

Còn nhân vật mới nào nhấn nút "Thích" gã này nữa? Đó là Peter Dinklage, đã đoạt giải Emmy với Game of Thrones, lồng tiếng cho tên thuyền trưởng tàu cướp biển đê tiện Gutt. "Scrat có mục tiêu rõ ràng," anh nói, "cũng như mọi diễn viên giỏi. Tôi tóm được cậu ta, cười nhạo và tra tấn chút đỉnh. Tôi hạ thấp cậu ta bằng cách nhét cậu ta vào một bộ đồ người cá. Nhưng Scrat là một kẻ có sức sống mãnh liệt. Cậu ta sẽ nhẫn nại."

Scrat trong bộ dạng nàng tiên cá

Một trong những bí quyết thành công của Scrat đó là cách gã bưng bít thông tin cá nhân trước mọi con mắt soi mói. Trong đó có cuộc tình đầy giông tố với cô bạn gái "bản sao", Scratte, trong Ice Age: Dawn of the Dinosaurs năm 2009 (cô nàng sẽ còn xuất hiện một đoạn ngắn trong Continental Drift), xem ra có thể đối chọi với hào quang của cặp đôi nổi tiếng Elizabeth Taylor và Richard Burton.

Tuy nhiên không gì có thể xen vào giữa Scrat và quả hạch, kể cả một quý cô ranh mãnh nhiều mánh khóe. "Có một lời nguyền không thể phá vỡ đó là Scrat sẽ không thể có được quả hạch," Chris Wedge quả quyết. "Nếu không đã chẳng nên chuyện."

Dù Fox và Blue Sky có thể dễ dàng khai thác Scrat vào một loạt phim sinh lời, họ dường như biết nhìn xa hơn là để phí một tài sản vô giá. Hiển nhiên, có những món đồ chơi mang hình hài Scrat, và gã là nhân vật đầu tiên quảng bá cho chương trình biểu diễn ăn theo Ice Age Live! A Mammoth Adventure, kết hợp các màn nhào lộn, trượt băng, kung fu và các đoạn phim sẽ ra mắt tại sân khấu London mùa thu này.

Nhưng trên hết, Scrat sẽ luôn yêu thích cuộc săn tìm quả hạch trên mọi loại địa hình hơn là lục tìm thêm chút hào quang. Nói cách khác: Đừng có hy vọng cậu ta sẽ bán mình và phô trương để làm giám khảo trong một chương trình truyền hình thực tế thi ca hát của Fox TV.

Như Carlos Saldanha, đạo diễn của Ice Age: The MeltdownDawn of theDinosaurs nói về ngôi sao của mình: "Cậu ta là một diễn viên yêu nghề. Cậu ta luôn giữ sự chính trực."

Chặng đường hơn 10 năm của Scrat

Đã hơn 10 năm kể từ khi Scrat lần đầu xuất hiện trong phim Ice Age đầu tiên. Vì sinh vật có cái mõm dài này không được nói năng chi cả, sau đây là 10 dữ kiện về một thập niên thành công của gã:

1. Khổng tượng phòng vé. Mặc dù doanh thu Bắc Mỹ của ba phần Ice Age đầu trung bình khoảng 190 triệu đôla/phần, doanh thu toàn cầu của các phim này đạt gần 1,9 tỉ. Và Continental Drift — ra rạp vào thứ sáu tuần này — đã thu về hơn 200 triệu đôla từ các thị trường ngoài Bắc Mỹ.

2. Giải thưởng. Ice Age phần đầu năm 2002 được đề cử Oscar phim hoạt hình nhưng thua về tay Spirited Away. Cũng được đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm là là hai phim ngắn do Scrat đóng: Gone Nutty (2003) và No Time for Nuts (2007).

3. Người đứng sau Scrat. Đạo diễn/nhà sản xuất Chris Wedge đã xây dựng một thư viện hàng trăm tiếng động từ khi thu âm những phát âm đầu tiên của sinh vật nửa chuột nửa sóc này trong Ice Age phần một. Nhưng để làm Continental Drift, ông đã phải sử dụng đến những tiếng động mới, trong đó có âm thanh vui mừng khi Scrat bước vào thành phố Scratlantis.

4. Âm nhạc để dỗ dành con thú hoang dã. Ở Ice Age phần đầu, “Chris Wedge đã rất hăm hở về việc không có nhạc trong các cảnh của Scrat,” Mike Thurmeier, một trong những đạo diễn của Continental Drift, nói. Nhưng ý này đã bị gạt qua một bên với phần tiếp theo đầu tiên năm 2006, Ice Age: The Meltdown. “Scrat có một lịch sử với nhạc cổ điển, và bản Ode to Joy của Beethoven chuyển tải xuyên suốt chủ đề trước khi lên đến đỉnh điểm ở cảnh cuối.”

5. Tiếng Đức. Nếu bạn nói tiếng Đức, bạn sẽ được chiêu đãi trong khi lắng nghe dàn hợp xướng biểu diễn Ode to Joy gần cuối phim. “Một số lời quan trọng đã được viết lại,” Steve Martino, một đạo diễn nữa của Continental Drift, tiết lộ. “Lời bản nhạc giờ nói về việc mưu cầu quả hạch. Cộng đồng hâm mộ Beethoven có thể đưa John Powell (nhà soạn nhạc đã sáng tác nhạc cho cả ba phần tiếp theo này) vào danh sách truy nã.”

6. Lẽ ra gã nên có tên. Mãi đến Continental Drift, Scrat chưa bao giờ được nhân vật nào khác trong phim nhắc đến tên. Nhưng thỏ tiền sử Squint (Aziz Ansari lồng tiếng) trêu gã bằng cách tuyên bố gã tên là “Scratfish” sau khi gã được kéo từ dưới nước lên mắc kẹt trong một con cá.

7. Đủ ngón. Mặc dù chẳng hy vọng gì có lúc Scrat tiến hóa, các anh em họ thượng đẳng của gã sống ở Scratlantis chẳng những nói được (cái giọng đặc biệt của Patrick Stewart chào mừng Scrat lúc gã đặt chân đến thành phố này) mà còn có ngón cái. Toàn những thứ hay hơn để học đòi sáng tác nghệ thuật. Và những sinh vật bậc cao hơn này còn không có đuôi.

8. Scrat ở hình dạng khác. Bạn có thể nhận ra gã ở Núi Rushmore, Nhân sư, những bức tượng ở Đảo Phục Sinh và tượng Người tư duy của Rodin trong Continental Drift.

9. Không nói. Scrat chưa bao giờ nói một lời nào, nhưng tiếng thét khổ sở, bực tức và đau đớn của gã thì hết cỡ.

10. Không ăn. Tham lam, chứ không tham ăn, đó là lý do cho nỗi ám ảnh quả hạch của Scrat. Gã chưa bao giờ ăn một quả trên màn ảnh. Lần gã suýt đã ăn là trong phim ngắn Surviving Sid năm 2008. Dù bị hóc quả hạch, gã đã tự sơ cứu và ho ra — chỉ để bị ăn cắp mất.

Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của Scrat

Chris Wedge không chỉ là nhà đồng sáng lập Blue Sky Studios, công ty thuộc sở hữu của 20th Century Fox đứng sau loạt phim Kỷ băng hà. Đạo diễn kiêm nhà sản xuất này còn là nguồn âm của những tiếng khụt khịt, thở dài và la ré của Scrat trên màn ảnh. Cũng như Carlos Saldanha, anh tham gia vào cả bốn phần phim và trực tiếp chỉ đạo làm hai phần đầu tiên. Cả hai chia sẻ những khoảnh khắc của Scrat mà họ yêu thích nhất với USA Today:

Ice Age (2002)

Cuối phim là cảnh 20.000 năm sau, Scrat và quả hạch dạt vào một bờ biển và gã mắc kẹt trong một tảng băng tan. Quả hạch trôi ra biển, nhưng gã gặm nhấm kiên cường lại phát hiện ra mục tiêu thèm thuồng mới còn bự hơn - một trái dừa. "Bạn tưởng rằng phim đã hết rồi cơ nhưng Scrat mới là người kết thúc trên bãi biển," Wedge nói.

Ice Age: The Meltdown (2006)

Scrat săn tìm quả hạch trong làn nước có cả đàn cá piranha đang hau háu tấn công gã là ý tưởng của Saldanha. Đặc biệt khi tiếng cồng vang lên, người anh hùng của chúng ta có cơ hội biểu diễn ngón đòn kung fu hiếm thấy.

Ice Age: Dawn of the Dinosaurs (2009)

Scrat và cô nàng Scratte nô đùa trong rừng rậm, và "người tình cũ" cảm thấy bị bỏ rơi - nhạc nền nổi lên bài hát Alone Again (Naturally) của Gilbert O'Sullivan với phần lời được "chế" thành quả hạch. "Scrat áy náy không biết cậu ta làm vậy có đúng không," Wedge nói. "Quả hạch cảm thấy cô đơn và trái tim cậu ta thổn thức."

Ice Age: Continental Drift (2012)

Scrat nhảy ùm xuống biển tìm tung tích quả hạch, thân hình cậu ta bị ép lại gầy nhẳng như sợi dây khi chạm đáy và tìm ra bản đồ dẫn tới Scratlantis và kho báu đầy những hạch. Wedge cho biết: "Trong thực tế có thể không giống vậy nhưng nhìn vui đáo để."



Dịch: © Hoàng Hà - Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: USA Today