Nhân vật & Sự kiện

Lời nguyền các loạt phim liên kết: phim Marvel bắt đầu trở nên quá đồng nhất?

18/11/2013

Marvel Studios là một bộ máy sản xuất phim trơn tru, có thể được xem là hãng phim có thành công kiên trì nhất kể từ khi có Pixar.

Hãng vừa cho ra mắt Thor: The Dark World / Thor: Thế giới bóng tối, phim lẻ thứ hai kể về vị thần do diễn viên đẹp trai Chris Hemsworth thủ vai, cũng là lần xuất hiện thứ ba của nhân vật này trong phim Marvel, sau The Avengers. Dù còn sớm, nhưng vẫn có cảm giác rằng các bộ phim này ngày càng giống thủ tục, không khác gì những truyện tranh theo khuôn mẫu mà chúng dựa vào.

Khó có thể vẽ truyện tranh về cùng một nhân vật trong vòng năm mươi năm mà không trở nên lặp lại hay mất đà. Marvel Studios đã tự lặp lại bản thân kể từ khi cho ra mắt Iron Man mở đầu Thế giới Điện ảnh Marvel vào năm 2008.

Đầu Tony Stark

Chúng tôi thách bạn nhìn ba hình đầu Tony Stark ở trên và phân biệt được hình nào lấy từ phim nào. Mỗi phim đều có một đạo diễn khác nhau: Jon Favreau, Joss Whedon, Shane Black nhưng thật khó nhận ra ai làm cái gì vì Marvel có quy định về tính thẩm mỹ đồng bộ quá chặt chẽ. Đồng bộ cũng tốt, nhất là khi thiết kế cần phải thể hiện trí thông minh của cùng một nhân vật, nhưng nhìn mãi cũng thấy chán, và chúng ta chỉ mới xem đến Giai đoạn 2 của thế giới này. Tưởng tượng xem đợi đến Giai đoạn 7 khi Người Sắt đối đầu Man-Thing, Devil Dinosaur thì mọi thứ sẽ ra sao. Đừng quên rằng Marvel giờ dù có hay thế nào thì vẫn sẽ đến một lúc nào đó lặp lại bản thân.

Các nhân vật mặc giáp

…và khi nói “mặc giáp”, người viết không phải đang nói về các anh hùng. Còn khó chịu hơn cả hình ảnh bảng điều khiển sớm trở nên cũ rích của Tony Stark, gần như tất cả các phim Marvel đều có cảnh cao trào là (các) nhân vật chính sẽ đánh lại (các) nhân vật phản diện trong những bộ giáp, và anh hùng sẽ có vẻ như sắp bị đánh bại trước khi tìm được sức mạnh để vươn lên đè bẹp bộ giáp đó thành đống sắt vụn. Mánh khóe này được sử dụng trong Iron Man (Iron Monger), Iron Man 2 (Whiplash), Thor (Destroyer), Captain America (binh lính Hydra) và The Avengers (Chitauri). Kể cả Shane Black cũng phàn nàn về khuôn mẫu “hai bộ giáp sắt đánh nhau” khi chuẩn bị làm Iron Man 3, vì thế nhân vật phản diện trong phim này là những kẻ bốc lửa vì Extremis.

Lác mắt vì khoa học

Reed Richards, Peter Parker, Giáo sư X, Tiến sĩ Strange… gần như tất cả các truyện tranh Marvel đều phải có những thiên tài với kiến thức từ bậc tiến sĩ trở lên, thế nên phim của Marvel cũng không thiếu những nhân vật bác học nửa vời xuất hiện đều đều trong các thể loại phim có quái vật khổng lồ từ thập kỷ 1950. Khi Stan Lee tạo nhân vật Tony Stark, ông đã lấy mẫu cho nhân vật là tay chơi thiên tài tỉ phú Howard Hughes, và vì thế mà trong Iron Man 2, Stark đã chữa độc trong máu của mình bằng cách… biến hình tròn trên ngực thành hình tam giác ư? Thật khó hiểu.

Nhưng ngoài những điều khó hiểu đó, thì cũng thật tuyệt vời khi Marvel làm phim với tâm lý ủng hộ nghiên cứu khoa học, nhất là sau khi Gravity đang khiến cả một thế hệ sợ chết khiếp không dám nghĩ tới việc thám hiểm vũ trụ nữa.

Ngoài Stark ta còn có Bruce Banner, người da xanh Hulk (Mark Ruffalo và Edward Norton đóng) với hai hiện thân kiểu Jekyl và Hyde của mình, rồi có Tiến sĩ Abraham Erskine (Stanley Tucci đóng) dùng thuốc Siêu chiến binh biến Steve Rogers (Chris Evans đóng) thành Captain America, và nhân vật nữ chính trong loạt phim Thor Jane Foster (Natalie Portman đóng) cùng cộng sự là Tiến sĩ Erik Selvig (Stellan Skarsgård đóng) cố gắng tìm hiểu khái niệm không gian đa chiều của Cứu giới.

Lóa đèn

Cuộc chiến lóa đèn đang trở nên gay cấn. Không ai nhớ ai là người nổ phát súng đầu tiên, Michael Bay, J.J. Abrams, các video nhạc rap hay đây là âm mưu của một công ty bóng đèn nào đó. Nhưng điều đáng nói là chúng ta đang tiến tới tình trạng mà những cảnh quay chói mắt này đang gần như trở nên bão hòa. Thế giới điện ảnh Marvel nhiều khi gần như khiến khán giả bị mù với những cảnh lóa đèn. Kenneth Branagh phạm tội nặng nhất với bộ phim đầy cảnh phim sáng lóa đến không nhìn được gì, Thor, nhưng Captain America: The First Avenger cũng phải được công nhận là nhận giải nhì trong một cuộc chiến gay cấn này. Dù các cảnh lóa đèn có thể tạo hiệu ứng hấp dẫn hay nhấn mạnh sự sáng lóa của một vật trên màn hình, việc sử dụng chúng quá nhiều lại có thể khiến khán giả bị đau mắt hết.

So sánh với truyện tranh

Xin nhắc lại điều hiển nhiên: truyện tranh gốc luôn hay hơn phim. Tức là, trong truyện tranh, ta có thể tự do khám phá các thế giới mà không bị hạn chế về thời gian, tiền bạc, đoàn làm phim, tránh được tình trạng lắm thầy thối ma: từ hãng phim đến các nhà sản xuất tới các diễn viên…

Nói chung, truyện tranh là sản phẩm của tác giả viết truyện, họa sĩ, và biên tập, nhiều lúc một người trong tất cả vai trò đó. Tất nhiên, những nhà sáng tạo trong các hãng lớn như Marvel và DC luôn phục vụ một tập đoàn lớn và không thể biến Người Sắt thành một tay đa tính cách vô gia cư rách rưới tưởng tượng ra bộ giáp của mình… nhưng truyện tranh vẫn cho phép tự do hơn phim.

Hãy nhìn những bìa truyện tranh từ các thập kỷ khác nhau trên. Mỗi bìa đều có những yếu tố độc đáo riêng nhưng vẫn vẽ hình cùng một nhân vật. Tất nhiên, các họa sĩ không phải thiết kế lại nhân vật và bạn sẽ không bao giờ thấy Thor mặc vét thắt cà vạt theo kiểu thập kỷ 80 hay quần ngố của thập kỷ 90. Anh vẫn luôn là Thần Sấm nhưng mỗi họa sĩ có thể cho anh một nét riêng… một điều mà sau ba bộ phim chưa đạo diễn nào làm được.

Tương lai

Điều gì đợi Marvel trong tương lai? Vẫn lặp lại những hình ảnh cũ? Hy vọng không phải thế.

Captain America: The Winter Soldier có vẻ noi gương Iron Man 3 tạo một bộ phim hành động kiểu Tom Clancy quanh anh hùng mặc áo xanh đỏ trắng này. Cách thể hiện Guardians of the Galaxy của James Gunn có thể nhanh nhẹn và không theo truyện tranh một cách cứng nhắc như các phim khác của Marvel, ít ai ngoài những dân cuồng Marvel mới muốn bực mình khi Rocket Raccoon không giống trong truyện tranh gốc. The Avengers: Age of Ultron chắc sẽ mang phong cách giống những phim trước nhưng hy vọng Edgar Wright (Shaun of the Dead, Hot Fuzz), một đạo diễn am hiểu tâm lý văn hóa đại chúng, có thể tạo sự mới mẻ làm việc dưới sự chỉ đạo của Kevin Feige trong Ant-Man.

Ta có thể thấy Marvel cũng đang chọn diễn viên một cách kỹ càng hơn, không chỉ tìm đến một Paul Rudd để vào vai Ant-Man hay Joseph Gordon-Levitt cho vai Tiến sĩ Strange, mà còn phải quan tâm đến việc các diễn viên này có thể có sức hút trong nhiều phim trải nhiều năm không. Robert Downey Jr. có địa vị khá đặc biệt là có thể đưa tiếng nói sáng tạo của mình vào Avengers 2 & 3 và gần như là người đứng làm người đại diện công đoàn cho các bạn diễn như Chris Hemsworth và Jeremy Renner trong quá trình họ thương lượng hợp đồng với Marvel. Marvel đang đi tìm một người thay chỗ của Downey Jr. làm nhân vật trung tâm của Thế giới điện ảnh Marvel.

Thật ra, tình hình không cần cứ phải giữ nguyên như thế. Khi Tim Burton làm phim Batman vào năm 1989 ông gần như là một kẻ được thuê đề đưa phong cách đen tối của mình vào một bộ phim có nhạc nền của Prince và những cảnh hành động do phó đạo diễn chỉ đạo đội ngũ làm phim thứ hai diễn. Nhưng khi Batman Returns được đi vào sản xuất, hãng phim lại muốn đưa Burton trở lại với lời hứa hẹn cho phép ông làm một phim “theo phong cách Tim Burton” Và ông đã làm được thế! Bỏ mặc sân khấu dựng thành phố Gotham ở London vẫn còn đó, Burton thuê những nhà thiết kế mới và quay phim ở Los Angeles tạo những cảm giác rất Burton cho phần hai này.

Giai đoạn 3 của Marvel đến, Marvel đã tạo được một thế giới vững chắc rồi, giờ là lúc họ mạo hiểm hơn và cho phép các đạo diễn được làm phim theo đúng phong cách của mỗi người thay vì làm phim theo khuôn mẫu Marvel.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi