Nhân vật & Sự kiện

Great Gatsby chia rẽ giới phê bình: Baz Luhrmann có phải là một đạo diễn giỏi?

27/06/2013

Giống Moulin Rouge!Romeo + Juliet trước đó, The Great Gatsby (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại gia Gatsby) vượt quá ngưỡng phô trương hào nhoáng bình thường, tạo hai luồng ý kiến từ phía khán giả: một là yêu thích, hai là xem thường. Một đạo diễn quá phân cực như thế liệu có phải là đạo diễn giỏi?

Khi có tin Baz Luhrmann sẽ đạo diễn một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald, giới bình luận phim, cư dân mạng cùng cả thế giới đều rùng mình. À không, cũng có người hét lên vì sung sướng. Mà cũng có người cảm thấy buồn nôn với ý tưởng này. Và cũng có người làm cả một bộ lịch đếm ngược tới này công chiếu.

Đạo diễn Baz Lurhmann trên trường quay The Great Gatsby

Có rất ít đạo diễn có thể gây nên những phản ứng đối lập như thế từ khán giả. Chỉ cần nhắc tới Luhrmann hay những phim trước của ông như Strictly Ballroom (1992), Romeo + Juliet (1996), Moulin Rouge! (2001), và Australia (2008) là bạn nghe cả những tiếng kêo ngao ngán và những lời hưởng ứng. Hai đội quân xung đột này giờ đây lâm vào trận chiến máu lửa nhất từ trước tới nay, khi một bộ phim "siêu-phong cách", đậm chất Luhrmann về mọi mặt, chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển được cho là báu vật Mỹ, lên màn ảnh rộng trong vẻ 3D huy hoàng khoa trương: The Great Gatsby.

Nhưng cái gì trong “phong cách Baz” kia khiến khán giả trở nên đối đầu? Khi một đạo diễn khiến cho số người ghét bỏ cũng nhiều như số người hâm mộ, ông ta có còn được công nhận là một đạo diễn giỏi không?

Ngay cả trước khi Gatsby được công chiếu, danh tiếng của Luhrmann đã đến trước, khiến nhiều khán giả đưa ra những lời nhận xét về phim dù chưa hề xem phim. Bất kỳ ai từng xem Moulin Rouge! hay Romeo + Juliet đã quen với sở thích vẽ lên những hình ảnh tráng lệ, khả năng thiên bẩm tạo ra sự phô trương, và xu hướng khoe những màn trình diễn xa hoa của đạo diễn này, ngay cả khi có thể ông phải đánh đổi chất lượng câu chuyện để có những yếu tố đó. Khi trailer đầu tiên của Gatsby được công bố, cây bút Jen Chaney của tờ The Washington Post đã viết, "tùy quan điểm của bạn về ông Luhrmann, bạn có thể tự quyết xem cách tiếp cận làm phim này là báng bổ tác giả F. Scott Fitzgerald hay đơn giản là ông đang trở lại với phong cách của các phim như Moulin Rouge!, Romeo + Juliet Strictly Ballroom.”

Cảnh trong phim Moulin Rouge!

Nicole Kidman và Ewan McGregor cất tiếng hát một bản tình ca của Paul McCartney và Whiney Houston khi đứng trên đỉnh một cấu trúc hình con voi ở thành phố Paris lúc chuyển giao thế kỷ, với pháo hoa đồ họa vi tính nổ vang trên đầu họ trong phim Moulin Rouge! là một cảnh quyết định khán giả có quan điểm thế nào về Luhrmann: thiên tài hay tâm thần. Đưa cảnh gặp nhau của Romeo và Juliet đến thế giới hiện đại, cạnh một bể cá nhiệt đới tại "Bãi biển Verona" khiến khán giả phải công nhận điều này "thật sáng tạo!" hay "thật ngu xuẩn!"

Các bộ phim này rất có phong cách. Chúng quá phong cách. Chúng rất "Baz". "Khi nghĩ đến Baz Luhrmann và phong cách của ông, thật khó để không có ý kiến mạnh mẽ," Scott Meslow, biên tập mục giải trí tờ The Week, nói. "Nói theo cách khác, ông không phải là kiểu đạo diễn bạn thuê chỉ để làm một bộ phim nhạt nhẽo nào đó."

Mọi người cũng không hề kiêng nể khi đưa ra quan điểm của mình về phim của Luhrmann. Khi bình luận bộ phim, Eric Kohn viết, "Phát hành với định dạng 3D phô trương, với phần nhạc phim mang âm hưởng đương đại do Jay-Z thiết lập và quay với một máy quay tăng độ ảo tôn lên mọi góc cạnh của khung cảnh xa hoa, The Great Gatsby đã tạo tiêu chuẩn mới cho những bựa tiệc thị giác Hollywood đương đại. Dù phim thiếu chất lượng vật chất, nhưng có một điều không thể nhầm lẫn: Gatsby là một phát súng xịt trông rất lunh linh."

Cảnh trong phim The Great Gatsby

Kohn cho rằng nỗ lực mới nhất của đạo diễn này chỉ là một màn phô bày lố lăng khác, lấy phong cách đánh đổi nội dung cốt lõi, một tội lỗi hiện diện trong tất cả các tác phẩm Luhrmann từ Romeo đến Rouge , thẳng tiến đến Gatsby. Kohn cho rằng, khi nói tới lỗi lạm dụng hiệu ứng và kỹ xảo để thay thế cảm xúc và nội dung, Luhrmann còn phạm tội đó một cách nghiêm trọng hơn cả Michael Bay, một đối tượng khác hay “ăn gạch” của nhà phê bình phim này. "Nói về Transformers, tôi không thấy bị xúc phạm khi phim hoạt hình tôi từng xem bị biến thành cuốn sách cho trẻ em khổng lồ bằng khi xem cách Baz đã bóp méo Gatsby,” Kohn nói với The Daily Beast.

Trong khi tật xấu của Luhrmann có thể là việc lấy sự khoa trương bù cho chất lượng, một nhóm người hâm mộ ông lại cho rằng đó lại là ưu điểm. "Michael Bay bị ghét bỏ giống hệt như Luhrmann, nhưng Bay không có được những người bảo vệ hăng hái như Luhrmann," Meslow nói. Thật vậy, một cuộc bầu chọn của khán giả Anh vào năm 2010 đã tôn vinh Moulin Rouge! là phim hay nhất của thập kỷ, và bộ phim lọt vào bảng xếp hạng tương tự của tờ Entertainment Weekly Time. Đây là cùng một bộ phim mà David Edelstein, sau đó viết cho Slate Magazine, gọi là "một nét thẩm mỹ có vẻ hào phóng (mua vé một lần mà được hưởng tận hàng ngàn cảnh cao trào), nhưng cuối cùng lại không thể mang lại dù chỉ một khoảnh khắc cảm xúc chân thật. Bạn gần như không thể nhìn thấy rõ các nhân vật, vì chỉ thấy hình ảnh Luhrmann đang gào lên, ‘Hãy yêu tôi!’”

"Những bộ phim của ông ấy trơ tráo, có nhiều yếu tố không hợp thời đại," Rex Roberts, phó tổng biên tập tờ Film International, nói. "Ông vẽ vời một cách thái quá. Gatsby chính là một bộ phim như thế. Nhưng nếu bỏ qua những yếu tố đó, thì phim cũng khá thú vị."

Vậy những yếu tố đó là gì? Đó là một The Great Gatsby theo phong cách Baz Luhrmann, chứ không phải tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, và với một số khán giả, thế là không chấp nhận được. Bộ phim có hình ảnh Carey Mulligan trong vai Daisy Buchanan nhợt nhạt lơ lửng trong đám mây đồ họa vi tính, với lời văn của Fitzgerald được viết hẳn ra trên màn hình 3D. Khán giả được đưa vào thế giới xa hoa này khi máy quay bay suốt chiều cao của tòa Empire State như trò chơi tàu lượn ở công viên Universal. Khi Leonardo DiCaprio xuất hiện trong vai Jay Gatsby, anh có làn da rám nắng nâu vàng, ăn mặc thật bảnh bao và tuyệt vời, và là Leonardo DiCaprio hoàn hảo trong giấc mơ của bạn tới mức pháo hoa phải nổ bung sau lưng anh.

Leonardo DiCaprio hoàn hảo tới mức pháo hoa phải nổ bung sau lưng anh

Marlow Stern của tờ The Daily Beast viết, "The Great Gatsby của Luhrmann giống như Cecil B. DeMille đang dùng chất kích thích… như Dạ tiệc của Viện Thời trang New York pha trộn với Cirque du Soleil pha trộn với Lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh." Chỉ cần liếc qua Rotten Tomatoes (với điểm 43%) và Metacritic (60%) sẽ cho thấy bữa tiệc Luhrmann đang tổ chức ở West Egg cũng chia rẽ giới phê bình không khác gì những tác phẩm khác của ông.

Kể cả những bài phê bình khen ngợi bộ phim cũng có những lời khuyến cáo khán giả phải cẩn thận và hiểu rõ bờ vực Luhrmann họ sắp nhảy xuống khi mua vé và đeo kính 3D cao sâu thế nào. "Bạn có thể tìm thấy lỗi trong hầu như tất cả các cảnh phim The Great Gatsby của Luhrmann – nhưng bất chấp những điều đó, cái hồn của Fitzgerald (và sự xa hoa của thời đại ông mô tả và sinh sống) vẫn hiện diện," David Edelstein viết cho tạp chí New York. Mỗi đạo diễn luôn cần tạo thương hiệu cho mình với dấu ấn riêng trong phim. Nhưng ta ít khi thấy dấu ấn nào phù phiếm, khoa trương, chói mắt, và lòe loẹt như của Luhrmann.

Một phong cách độc đáo. Nhưng thế có phải điều xấu không?

"Khi chúng ta xem một bộ phim, chúng ta muốn xem một thứ có khả năng thách thức người xem, hay kích thích hoặc làm lay động chúng ta," Kohn nói. "Đối với một số người, chỉ cần một trải nghiệm thị giác là đủ. Xem Moulin Rouge! thì thấy đó là một bộ phim đẹp đẽ, nhưng là một trải nghiệm rất thoáng qua. Khi nhớ lại tôi thường nhớ đến những cảnh đơn lẻ, nhưng tôi không nhớ những cảnh đó tác động tới lý trí và cảm xúc của tôi như thế nào."

Cảnh trong phim Romeo + Juliet

Meslow không đồng ý với quan điểm đó. "Ông ấy rất phong cách và điều đó thật sự giúp vỗ mạnh vào cảm xúc của bạn," ông nói. "Cái tôi ngưỡng mộ ở Romeo + Juliet là sự bay bổng trong phim giúp bạn có được những cảm giác mối tình đầu lâng lâng thời trung học vốn có trong câu chuyện."

Vì những ý kiến trái chiều về Luhrmann, Gatsby, và giá trị của tất cả sự hào nhoáng của ông, đi theo con đường vòng quanh không dẫn đến câu trả lời xác đáng nào, có lẽ sự chia rẽ đó nên được tán dương. Bất kể Luhrmann là có thực sự tài ba hay không, quan trọng hơn cả, ông là người khởi đầu những cuộc đối thoại văn hóa. Gatsby, khác tất cả các phim khác trong năm nay, là một sự kiện. Mọi người đều bối rối. Mọi người bị lóa mắt. Mọi người đùa bỡn về nó, giận dữ về nó, chê bai nó; tóm lại là khán giả đang bàn tán sôi nổi về nó.

"Luhrmann có thể là một nạn nhân của sự thành công của chính mình trong công việc quảng bá," Meslow nói, sau đó khẳng định một cách táo bạo rằng những bài báo đầy căng thẳng tranh cãi về nhạc phim, quyết định chọn diễn viên, và từng giây của mỗi đoạn phim giới thiệu, đều củng cố tiếng tăm Đạo diễn gây tranh cãi nhiều nhất tại Hollywood của ông. "Ông dường như đón nhận một cách thoải mái sự thật rằng ông là một đạo diễn có khả năng tạo nên sự phân cực. Rõ ràng ông quyết định rằng đó chính là chỗ thích hợp cho mình."

Chỗ thích hợp đó chính là một góc hẹp đầy sự xa hoa, ồn ào, và ngẫu hứng.

Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Biên tập: Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi