Nhân vật & Sự kiện

Nhìn lại những Ảnh đế truyền hình đã qua của TVB

07/01/2013

Nhân dịp kỷ niệm TVB 45 năm, hãy nhìn lại những Ảnh đế truyền hình của TVB trong 15 năm qua (bắt đầu từ đợt kỷ niệm 30 năm vào năm 1997) và hồi tưởng sự nghiệp cũng như các vai diễn ‘kinh điển’ của họ.

Các diễn viên tại lễ trao giải thưởng thường niên TVB 2012

Từ năm 1997, TVB đã thêm hạng mục giải thưởng vào sự kiện Gala kỷ niệm thường niên của hãng. Năm 2006, hạng mục này được ‘tách ra’ thành chương trình độc lập – chương trình Giải thưởng thường niên TVB – và qua nhiều năm đã trở thành một trong những sự kiện được trông đợi nhất của đài. Hai trong số những vinh dự cao nhất của chương trình này - Ảnh đế truyền hình (Nam diễn viên xuất sắc nhất) và Ảnh hậu truyền hình (Nữ diễn viên xuất sắc nhất) – là các giải mà nam nữ diễn viên của đài ‘tranh đấu’ mỗi năm.

Trong 15 năm Giải thưởng thường niên TVB tồn tại, có tổng cộng chín Ảnh đế đã được vinh danh. Trong số đó, tính đến trước lễ trao giải năm 2012 vừa qua thì nam diễn viên La Gia Lương dẫn đầu danh sách là ‘Vua Ảnh đế’ vì anh đã thắng giải này ba lần; theo sát anh là bốn nam diễn viên đã thắng giải mỗi người hai lần: Quách Tấn An, Lê Diệu Tường, Trịnh Gia Dĩnh và Cổ Thiên Lạc. Các giải Ảnh đế còn lại thuộc về Âu Dương Chấn Hoa, Trần Hào, Lâm Bảo Di và Hạ Vũ.

La Gia Lương

Có tên thân mật là Lao Gia, La Gia Lương bước chân vào ngành công nghiệp truyền hình năm 1984 sau khi tham gia giải Tân Tú năm ấy, tại đó anh lấy được sự chú ý của nhạc sĩ nổi tiếng Lô Quốc Triêm. Sở hữu hình ảnh ‘chân thật, sáng sủa, lịch lãm’, La Gia Lương thường được chọn vào các vai nam chính diện ngại ngùng, trầm lặng, sống nội tâm trong thời kỳ đầu sự nghiệp – như vai bạn trai ‘Jonhson’ gỗ đá của Lưu Thục Hoa trong Câu chuyện thành thị năm 1986 (đây cũng là phim ra mắt của La Gia Lương), đứa con trai hay ngại ngùng Đường Gia Lễ của nữ diễn viên quá cố Đặng Bích Vân trong Quý tiết năm 1987, và vai đứa con sống nội tâm của nhân vật phản diện nhẫn tâm Lục Quốc Vinh (do nam diễn viên gạo cội Tằng Giang thủ diễn) trong phim ‘kinh điển Thù hận năm 1988. Dù hình ảnh “chính diện chân thật” của La Gia Lương được khán giả đón nhận nhiệt liệt từ những ngày đầu sự nghiệp, điều này rủi thay lại giới hạn sự phát triển của anh trong lĩnh vực truyền hình, vì anh tiếp tục đóng các vai tương tự ở nhiều phim trong những năm đầu này. Năm 1990, diễn xuất của anh trong phim Bước đường thành công, Ô kim huyết kiếm, và Duyên nợ tình xa tiếp tục được khán giả ưa thích, nhưng sự nghiệp của anh vẫn chưa có ‘bước đột phá’.

Mãi đến năm 1992 khi La Gia Lương thể hiện ‘một bộ mặt khác’ của mình với vai phản diện chính Kiều Lịch trong phim gây sốt Bông hồng lửa năm đó, anh mới bắt đầu có được sự thừa nhận, khi khán giả cuối cùng cũng nhận ra La Gia Lương thật sự có khả năng vào vai ác. Trong bản làm lại Anh hùng xạ điêu năm 1994, La Gia Lương có cơ hội thủ vai Dương Khang (vai này đã nổi tiếng cùng Miêu Kiều Vỹ trong bản phim thập niên 1980), đây là một thách thức khá lớn cho anh ở thời điểm đó của sự nghiệp. Tuy nhiên, vai diễn đã đẩy anh lên hàng sao là bản khắc họa nhân vật phản diện cực độ Từ Gia Lập trong phim bộ lớn Thiên địa nam nhi năm 1996. Với độ dài 65 tập của phim, khán giả có thể ‘chứng kiến’ sự chuyển mình của Từ Gia Lập từ một chàng ‘tuổi trẻ tài cao’ thành tên ‘sát nhân tàn bạo’ gần như mỗi đêm – một nhân vật sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì quyền và tiền, không chỉ phản bội người thân trong gia đình, mà còn gây ra cái chết của người phụ nữ anh yêu nhất. Khi xem phim này, khán giả căm ghét nhân vật của anh (Từ Gia Lập) tột độ, và cũng lúc đó, họ bắt đầu nhìn nhận kỹ năng diễn xuất của anh theo hướng khác.

La Gia Lương (trái) và Cổ Thiên Lạc trong Thiên địa nam nhi

Thiên địa nam nhi đã giúp La Gia Lương tạo lập vị trí nam diễn viên chính ở TVB và mang đến cho anh nhiều cơ hội mới. Từ đó, anh tiếp tục mở rộng kỹ năng diễn xuất bằng cách nhận nhiều loại vai khác nhau, như các vai trong Liêu trai, Anh hùng Thượng Hải, Nhân viên điều tra 2 năm 1996, và một số phim khác – tất cả đều mang đến cho anh lời khen vì diễn xuất ‘chất lượng’. Tuy nhiên, nếu muốn nhắc lại các vai ghi ấn tượng sâu đậm nhất với khán giả, sẽ là diễn xuất của anh trong Huynh đệ song hành năm 1997, anh đóng cùng một dàn diễn viên chính mạnh có Ngô Trấn Vũ, Tuyên Huyên, và Trương Khả Di. Trong phim này, anh khắc họa vai Lý Kỳ (một trong các diễn viên chính nổi tiếng nhất trong thời kỳ của hãng Thiệu thị) chân thực và thuyết phục đến nổi nhiều khán giả cảm thấy anh chính là Lý Kỳ. Vai này cũng khiến khán giả nhận ra là ngoài đóng vai chính diện và phản diện thuyết phục, anh còn có thể vào vai hài một cách hoàn hảo – vì vậy, anh được gán danh là một trong những ‘nam diễn viên chính đa tài’ nhất TVB thời điểm đó. Phim Huynh đệ song hành không chỉ mang lại tỷ suất người xem cao cho TVB mà còn tạo nên ‘hiệu ứng domino’ nổi như cồn chưa từng thấy ở TVB – đầu tiên, album nhạc phim cháy hàng ở các cửa hàng tại Hồng Kông, rồi phim được làm thành bản điện ảnh có tên Sơn kê cố sự cùng năm (1997), năm sau (1998), phim được chuyển thành tác phẩm sân khấu và phần phim truyền hình kế tiếp – Thần thám Lý Kỳ – cũng được phát hành.

Năm 1998, La Gia Lương dẫn đầu một dàn diễn viên toàn sao trong phim lớn khác, Bí mật của trái tim, vào vai Trác Thượng Văn – người mà phụ nữ vừa yêu vừa hận. Ngoài vai chính trong phim, anh còn đảm nhận việc trình bày tất cả các ca khúc chính phụ của phim, tất cả đều trở thành 'hit' lớn khi phim phát sóng – trên thực tế, vào thời điểm đó, album nhạc phim đã bán được 75.000 bản trong vài tuần, đứng ở vị trí số một trên biểu đồ bán chạy của IFPI trong nhiều tuần. Do đó, La Gia Lương có cơ hội tổ chức buổi biểu diễn của riêng mình lần đầu tiên tại Coliseum Hồng Kông. Cùng năm, với vai trong Bí mật của trái tim, La Gia Lương rốt cục đã thắng giải Ảnh đế truyền hình trong Gala kỷ niệm TVB lần thứ hai liên tiếp [anh đã thắng giải này lần đầu năm 1997 với vai diễn trong Huynh đệ song hành].

La Gia Lương (phải, áo vàng) trong Bí mật của trái tim

Có thể nói từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, ngành công nghiệp truyền hình ‘thuộc về’ La Gia Lương – ngoài việc được trao Ảnh đế truyền hình hai lần, tất cả phim anh tham gia vào thời gian đó đều nổi tiếng cực kỳ; ngoài ra, bắt đầu từ năm 1997, La Gia Lương được HK Media chọn là một trong ‘Mười diễn viên truyền hình hàng đầu’ trong suốt bảy năm liền.

Năm 1999, để kỷ niệm thiên niên kỷ mới sắp đến, TVB tập hợp nhiều diễn viên hàng đầu lại trong một phim truyền hình đặc biệt dài 100 tập có tên Thử thách nghiệt ngã (1999-2000) – dĩ nhiên, ‘anh cả’ La Gia Lương của TVB tham gia cùng dàn diễn viên toàn sao gồm nhiều ‘tiểu sinh’ và ‘hoa đán’ như Quách Tấn An, Trần Cẩm Hồng, Cổ Thiên Lạc, Quách Khả Doanh, Thái Thiếu Phân, Trần Tuệ San, Uông Minh Thuyên cùng nhiều người khác, và có cơ hội ‘chiến’ tay nghề diễn xuất với dàn nam nữ diễn viên sáng chói này. Năm 2005 khi được chiếu lại vào khung giờ nửa đêm, khán giả đã mở tivi xem phim nhiều đến mức rốt cục phim có tỷ suất người xem 94%, phá kỷ lục ở khung giờ đó.

La Gia Lương trong Thử thách nghiệt ngã

Phim lớn nhân dịp kỷ niệm năm 2002 Bước ngoặc cuộc đời trở thành ‘tác phẩm đại diện’ cuối cùng của La Gia Lương trước khi rời TVB. Đây cũng là phim mang lại cho anh danh hiệu Ảnh đế truyền hình lần thứ ba. Phim này ‘tái hợp’ La Gia Lương với bạn diễn lâu năm Tuyên Huyên – tình cảm trên màn ảnh giữa hai người không chất vấn gì được, nhưng quan trọng hơn, khán giả yêu thích cặp đôi này đến mức tận ngày nay, nhiều người vẫn mong thấy một sự hợp tác nữa của hai ‘cố nhân’ vào một ngày nào đó.

Năm 2008, La Gia Lương trở lại TVB một thời gian ngắn, quay phim Khi chó yêu mèo cũng như phim kỷ niệm năm 2009 Phú Quý Môn. Từ đó, La Gia Lương chuyển sự nghiệp sang Đại lục và không quay phim nào cho TVB nữa.

Quách Tấn An

Ngay sau kỷ lục ba lần thắng giải Ảnh đế truyền hình của La Gia Lương là bốn tiểu sinh, mỗi người đã thắng giải hai lần. Người được giới thiệu đầu tiên là Quách Tấn An.

Cũng như La Gia Lương, Quách Tấn An được Lô Quốc Triêm ‘phát hiện’ năm 1985 – không ngạc nhiên mấy khi phim đầu tiên của anh cũng là phim hài truyền hình Câu chuyện thành thị năm 1986, là lần đầu tiên anh trở nên ‘quen mặt’ với khán giả Hồng Kông. Năm 1988, anh cũng đóng chính cùng La Gia Lương trong Thù hận, trong phim anh đóng vai con trai nhân vật của Trịnh Thiếu Thu.

Từ đợt ra mắt năm 1986 ở TVB, hình ảnh ‘trẻ mãi không già’ của Quách Tấn An được khán giả đón nhận tốt – ngoài ra, vẻ điển trai và tướng mạo của anh thời đó hao hao nam diễn viên/ca sĩ Trương Quốc Vinh, dẫn đến việc anh được gọi là ‘hậu nhân’ của Trương Quốc Vinh. Vì vậy, vài năm sau khi anh khởi đầu sự nghiệp, Quách Tấn An được giao vai chính trong nhiều phim hiện đại và cổ trang, như Doanh đơn truyền kỳ năm 1988, Vạn gia truyền thuyết năm 1989, Bước đường thành công năm 1990, phim hài truyền hình Đồng cư tam nhân tổ năm 1990, Nhật nguyệt thần kiếm năm 1991, và các phim khác. Với hình ảnh khỏe mạnh và kỹ năng diễn xuất ổn định khiến anh được khán giả yêu thích, Quách Tấn An có thể tìm đường đến danh hiệu ‘tiểu sinh hàng đầu’ vào cuối thập niên 1980.

Giữa những năm 1990, sau khi quay phim Sự thật vô hình (1994), Bản năng (1994), Mãi mãi bên nhau (1995) cùng một số phim khác, anh rời TVB một thời gian ngắn để thử thời vận bên ngoài.

Quách Tấn An (trái) và Tuyên Huyên trong Đôi đũa lệch

Sau khi quay lại TVB, mãi đến năm 2003, Quách Tấn An mới gặp vai ‘đột phá’ trong sự nghiệp của mình: nhân vật A Vượng trong Đôi đũa lệch. Đoạt giải Ảnh đế truyền hình lần đầu cho diễn xuất trong phim này, công sức của Quách Tấn An qua nhiều năm cuối cùng cũng đơm hoa kết trái. Năm 2005, anh đóng cùng vai A Vượng trong phiên bản hiện đại của Đôi đũa lệchChuyện về chàng Vượng, phim đã mang đến danh hiệu Ảnh đế truyền hình lần hai và cũng thời gian đó đã tạo nên lịch sử cho giải này khi anh trở thành người đầu tiên và duy nhất tính đến nay thắng giải Ảnh đế truyền hình hai lần với cùng một nhân vật. Cùng với việc mang lại vận may cho chính Quách Tấn An, nhân vật A Vượng cũng trở thành ‘vũ khí ngầm’ của TVB trong nhiều năm, khi nhân vật này trở nên nổi tiếng với khán giả - mỗi lần có sản phẩm kỷ niệm liên quan đến A Vượng được đưa ra thị trường, chúng đều được người hâm mộ nẫng về nhanh chóng.

Nhân vật chàng Vượng của Quách Tấn An

Dù nắm trong tay hai danh hiệu Ảnh đế truyền hình, Quách Tấn An vẫn tiếp tục làm việc không mệt mỏi trong nhiều năm để trui rèn kỹ năng diễn xuất và mang đến chiều sâu cho các vai của mình bằng cách tham gia vào nhiều phim khác nhau – ví dụ, các phim hài nhẹ nhàng như Đường đến thiên đàng năm 2005, Cổ linh trinh thám năm 2008 và phần sau của phim năm 2009; các phim có đấu trí và đấu sức như Vụ án kỳ bí năm 2004, Tìm lại một nửa năm 2008, Đoàn viên năm 2009 và các phim tương tự.

Với kỹ năng diễn xuất mạnh cũng như khả năng nắm bắt tinh tế vai diễn một cách chính xác (cộng thêm gương mặt ‘trẻ mãi không già’), có thể chắc rằng danh hiệu ‘tiểu sinh hàng đầu’ của Quách Tấn An sẽ còn được giữ vững, có thể là trong mười năm nữa.

Lê Diệu Tường

Người vươn lên sánh kịp kỷ lục ba lần Ảnh đế truyền hình của La Gia Lương và tham gia ngành truyền hình hơn 20 năm là nam diễn viên Lê Diệu Tường. Dù không có ngoại hình được như các nam diễn viên khác, anh vẫn có nền tảng vững (trong diễn xuất). Anh tham gia TVB từ thập niên 1980, nhưng trong phần lớn con đường sự nghiệp, anh chưa có cơ hội lên danh hiệu ‘nam diễn viên chính’, mãi đến mấy năm gần đây, anh mới lên hàng ‘tiểu sinh hàng đầu’, nhận hết vai chính này đến vai chính khác.

Sau khi tốt nghiệp lớp diễn xuất của TVB, Lê Diệu Tường bắt đầu tham gia vào phim TVB từ năm 1986, tuy nhiên phần lớn là ở các vai phụ (các vai làm nền hoặc góp mặt cho phong phú). Mãi đến năm 1990 khi tham gia vào phim Người nơi biên giới trong vai bạn hữu ‘Con gián’ của Lê Minh, anh mới để lại ấn tượng lần đầu với khán giả truyền hình.

Giữa thập niên 1990, anh quay vài phim, hoặc là bản làm lại hoặc phóng tác từ các tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung, như Vương Trùng Dương năm 1992, Anh hùng xạ điêuThần điêu đại hiệp năm 1994, cũng như Thần điêu đại hiệp năm 1995 – vào vai Châu Bá Thông trong cả bốn phim này. Bên cạnh nam diễn viên kỳ cựu Tần Hoàng (thể hiện Châu Bá Thông năm lần trong các phim truyền hình Hồng Kông), Lê Diệu Tường là nam diễn viên thủ vai Châu Bá Thông nhiều nhất. Bên cạnh đó, bản khắc họa nhân vật này của anh được đón nhận tích cực và cho đến nay vẫn được xem là một trong các vai ‘kinh điển’ của Lê Diệu Tường.

Sau đó, Lê Diệu Tường lại đóng cùng một vai trong hai phim lớn: Tây Du Ký năm 1996 và Tây Du Ký 2 năm 1998. Trong cả hai phim, anh đều đóng Trư Bát Giới gần như hoàn hảo – đây là một vai ‘kinh điển’ khác của anh vẫn để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả cho đến nay; trên thực tế, mười năm sau khi diễn vai này, Lê Diệu Tường được giao dẫn chương trình một chương trình tài liệu về ‘chuyến du hành’ lịch sử này trong chương trình đặc biệt Đại đường Tây du ký năm 2008 của TVB.

Lê Diệu Tường (phải) trong vai Trư Bát Giới

Ngoài thủ vai Châu Bá Thông và Trư Bát Giới nhiều lần, Lê Diệu Tường cũng đóng vai Tổng quản Lý Liên Anh hai lần. Dĩ nhiên ai cũng biết anh vào vai Lý Liên Anh trong phim Đại thái giám, nhưng không nhiều người nhớ 17 năm trước anh đã đóng cùng vai này trong Kim nha đại trạng sư 2 năm 1995. Theo kỷ lục này, Lê Diệu Tường có thể là diễn viên duy nhất trong lịch sử truyền hình Hồng Kông đóng các nhân vật giống nhau nhiều lần nhất. Cũng chính vai thái giám Lý Liên Anh đã đưa Lê Diệu Tường đến với danh hiệu Ảnh đế lần thứ ba tại Giải thưởng thường niên TVB năm 2012.

Các tác phẩm đại diện khác của Lê Diệu Tường trong thời kỳ 1990 có chuỗi Hồ sơ công lý (1992-1997), Kẻ giàu có bần tiện năm 1994, Cuộc đời diễn viên năm 1995, Gửi trọn tình yêu năm 1995, Người Hồng Kông trên đất Quảng Châu năm 1997, và các phim khác. Trong các tác phẩm đó, việc anh giả ngôi sao nhạc pop huyền thoại La Văn trong Sân khấu muôn màu năm 1997 để lại ấn tượng lớn với khán giả và giúp anh được công nhận với kỹ năng ‘nhái’ của mình – sau đó anh tiếp tục ‘nhái’ La Văn trong nhiều sự kiện khác.

Lê Diệu Tường rời TVB năm 1998 để theo đuổi sự nghiệp điện ảnh và sau khi trở lại năm 2002, anh không bị lỡ nhịp, tiếp tục mang đến diễn xuất mạnh mẽ trong nhiều phim, như Hán Sở kiêu hùng năm 2004, Cường kiếm năm 2007, Sức mạnh tình thân năm 2008, và các phim khác. Anh cũng tham gia vào hơn 1.000 tập phim hài truyền hình, gồm Quan hệ đồng nghiệp năm 2007, Tình đồng nghiệp năm 2008 và Ngày mai tươi sáng năm 2010 – việc quay phim trong hơn ba năm cho phép Lê Diệu Tường giữ vững vị trí của mình trong khán giả gia đình Hồng Kông trong thời gian dài.

Đặng Tụy Văn (trái) và Lê Diệu Tường trong Xứng danh tài nữ

Lê Diệu Tường có thể được xem là ‘đại diện’ điển hình của câu thành ngữ Trung Quốc ‘đại khí vãn thành’ (dịch nghĩa: người có tài lớn thường thành công muộn) – sau khi ‘cày cuốc’ siêng năng thầm lặng trong hơn 20 năm, các nỗ lực của Lê Diệu Tường cũng đơm hoa kết trái năm 2008 khi anh nhận được giải thưởng liên quan đến truyền hình đầu tiên: Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong vai kép diễn hai anh em trong Mưu dũng kỳ phùng 2 năm 2008. Sau đó, nghiệp diễn của anh trở nên suôn sẻ và anh nhanh chóng được nâng lên hàng ‘tiểu sinh hàng đầu’. Năm 2009, vai diễn Sài Cửu của anh trong phim thành công tức thời năm đó Xứng danh tài nữ đã đẩy sự nổi tiếng của anh lên tầm anh chưa từng trải qua trong 23 năm diễn xuất – đến nay mọi người vẫn nhớ ‘câu nói để đời’ của anh trong phim ấy: ‘Đời người có được bao nhiêu cái mười năm?”. Ảnh hưởng của phim rộng khắp và phản hồi tích cực từ khán giả choáng ngợp, dẫn đến việc cả Lê Diệu Tường và ‘đối tác’ của anh trong phim, nữ diễn viên Đặng Tụy Văn đều được phong Ảnh đế và Ảnh hậu truyền hình năm đó (2009). Riêng Lê Diệu Tường còn thắng giải Nam diễn viên được yêu thích nhất cũng như Giải được yêu thích của Tvb.com cùng năm, trở thành ‘Ảnh đế truyền hình’ được ‘tam hỷ lâm môn’ (vì mang về ba giải trong cùng một đêm) trong lịch sử giải kỷ niệm này. Anh cũng là diễn viên đầu tiên nhận giải Ảnh đế truyền hình ngay sau năm đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Năm 2010, anh được phong Ảnh đế truyền hình lần thứ nhì với bản khắc họa vai Lưu Tình trong phần sau của Xứng danh tài nữ, phim Nghĩa hải hào tình năm 2010. Anh là diễn viên thứ hai trong lịch sử giải này thắng giải Ảnh đế truyền hình hai năm liên tiếp (người đầu tiên là La Gia Lương năm 1997 và 1998).

Lê Diệu Tường với vai Lý Liên Anh trong phim Đại thái giám

Sau khi thắng giải Ảnh đế truyền hình lần hai, phim tiếp theo của Lê Diệu Tường là Bằng chứng thép 3 năm 2011, rốt cục là một trong những phim được đánh giá cao nhất năm đó.

Trịnh Gia Dĩnh

Nghệ sĩ thứ ba được phong Ảnh đế truyền hình hai lần là diễn viên khởi nghiệp từ ca sĩ Trịnh Gia Dĩnh.

Trong thời kỳ 1990, Trịnh Gia Dĩnh ký hợp đồng với công ty thu âm lớn nhất Hồng Kông – Polygram (nay là Universal) và năm 1993, khi phát hành album đầu tiên, anh nhanh chóng trở thành ‘ca sĩ mới của năm’, thắng nhiều giải âm nhạc. Rủi thay, sau đó anh có bất đồng với quản lý cũng là người thầy Đái Tư Thông của mình, rốt cục anh rời Hồng Kông đến Đài Loan, nơi anh khởi nghiệp diễn xuất trên truyền hình. Năm 1999, bản khắc họa nhân vật Giang Ngọc Lãng trong phiên bản Đao kiếm vô tình của Đài Loan gây được sự chú ý của TVB, anh được mời trở lại Hồng Kông quay phim cho hãng. Sau khi gia nhập TVB, anh tham gia vào nhiều phim, gồm Liệt hỏa hùng tâm năm 2002, Anh yêu em 2Sự hoàn hảo năm 2003 cùng các phim khác – nhưng hầu hết chỉ là vai phụ.

Tiết tấu tình yêu năm 2004 chứng tỏ là một bước ngoặt cho sự nghiệp của Trịnh Gia Dĩnh – không chỉ anh có cơ hội đóng chính trong phim, mà đây còn đánh dấu lần đầu tiên anh đóng cặp với bạn diễn ưng ý nhất trên màn ảnh (và có tin đồn đây là bạn gái anh) Châu Lệ Kỳ. Cặp đôi này nổi tiếng và được khán giả đón nhận nồng nhiệt vào thời điểm đó đến mức TVB quyết định giữ nguyên đà này bằng cách ghép hai người lần nữa trong Khúc nhạc tình yêu năm 2006 và Hạnh phúc ảo năm 2008.

Trịnh Gia Dĩnh trong Bằng chứng thép 2

Phim Khúc nhạc tình yêu mang đến đỉnh cao đầu tiên trong sự nghiệp cho Trịnh Gia Dĩnh, dẫn đến việc anh được phong Ảnh đế truyền hình năm 2006. Dù nổi tiếng năm đó, rủi thay anh vẫn không thể được khán giả và cộng đồng nói chung nhìn nhận, làm ngôi Ảnh đế bị tranh cãi vây quanh – sự phản pháo tiêu cực anh nhận được vào thời điểm đó rõ đã ảnh hưởng đến tự tin của anh. May thay, anh không bỏ cuộc; thay vào đó, anh làm việc vất vả hơn để cải thiện diễn xuất trong nhiều năm sau qua các phim khác nhau, như Cường kiếmCảnh sát tài ba năm 2007, Bằng chứng thép 2Tìm lại một nửa năm 2008, Liệt hỏa hùng tâm 3Cung tâm kế năm 2009, Thiết mã tâm kiều năm 2010, Hôn nhân tiền định năm 2011, và các phim khác.

Năm 2011, vai diễn đột phá của Trịnh Gia Dĩnh là luật sư biến chất La Lực Á trong phim nổi tiếng Tòa án lương tâm không chỉ mang đến cho anh đỉnh cao sự nghiệp thứ hai mà còn một giải Ảnh đế truyền hình nữa. Lần này, phản ứng của khán giả rất khác – việc anh sẵn sàng bỏ đi hình ảnh ‘lịch lãm bảnh trai’ để vào vai một luật sư biến chất thô lỗ đã thành công, khi anh nhận được sự công nhận về diễn xuất của mình và là Ảnh đế truyền hình ‘được trông đợi’ năm đó. Ngoài giải này, Trịnh Gia Dĩnh còn thắng giải Nhân vật nam được yêu thích nhất và giải cho diễn viên được yêu thích trên TVB.com cùng năm, từ đó trở thành nam diễn viên thứ hai (sau Lê Diệu Tường) trở thành Ảnh đế với ‘tam hỷ lâm môn’.

Poster Tòa án lương tâm 2

Trong những năm gần đây, Trịnh Gia Dĩnh đã chủ động theo đuổi thị trường truyền hình Đại lục, quay nhiều phim ở đó trong thời gian ngắn – ngoài ra, anh dự định quay lại thế giới âm nhạc, khi gần đây đã ký hợp đồng với công ty thu âm EEG. Dù vậy, Trịnh Gia Dĩnh chưa hề quên người hâm mộ ở Hồng Kông, khi đã quay hai phim do TVB phát hành ở Hồng Kông năm nay, Quyền vươngTòa án lương tâm 2.

Cổ Thiên Lạc

Ảnh đế truyền hình cuối cùng trong bài viết này là nghệ sĩ đã rời truyền hình nhiều năm về trước và hiện đang là ‘siêu sao’ ở điện ảnh – Cổ Thiên Lạc.

Trong bốn Ảnh đế truyền hình trong bài viết này, sự nghiệp của Cổ Thiên Lạc cùng TVB là ngắn nhất – từ khi anh được phát hiện năm 1993 (nhờ vào quay video âm nhạc) đến khi ra đi năm 2001 (sau khi thắng giải Ảnh đế truyền hình lần hai), anh chỉ ở TVB tổng cộng tám năm. Dù sự nghiệp truyền hình ngắn ngủi, đó vẫn là một sự nghiệp sáng chói.

Sau khi vào ngành năm 1993, phim chính thức đầu tiên của Cổ Thiên Lạc là Câu chuyện hôn nhân năm 1994 với các vai chính do diễn viên được khán giả yêu thích Trịnh Y Kiện và Trần Tùng Linh đảm nhận – dù vai của Cổ Thiên Lạc là vai phụ, anh nhận được phản ứng tích cực không thua gì các vai chính. Do đó, TVB quyết định nâng Cổ Thiên Lạc lên bằng cách sắp xếp để anh tham gia vào loạt phim Tình yêu đâu tự có năm 1994 để - không lâu sau đó, anh được chọn đóng chính chung với một trong Tứ đại thiên vương là Lê Minh trong phim lớn năm 1994 Xin chào thầy – từ giây phút đó, sự nghiệp diễn xuất của anh thăng hoa.

Cổ Thiên Lạc với tạo hình Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp 1995

Trong những năm sau đó, Cổ Thiên Lạc tiếp tục được TVB quảng bá mạnh – cùng với Cổ Cự Cơ, Ngô Gia Lạc, Lưu Khải Uy, và Hà Viễn Hằng, anh trở thành một trong ‘tân Ngũ hổ tướng’ vào khoảng giữa thập niên 1990. Ngoài ra, Cổ Thiên Lạc được đặc chọn vào vai nặng ký Dương Quá trong bản làm lại 1995 tác phẩm kinh điển của Kim Dung Thần điêu đại hiệp. Sau khi vọt lên hàng nổi tiếng với phim này, Cổ Thiên Lạc tiếp tục đóng chính trong các phim nặng ký khác, gồm có Thiên địa nam nhi năm 1996, Mỹ vị thiên vương năm 1997, Liệt hỏa hùng tâm năm 1998, và các vai khác. Trong Chú chó thông minh năm 1999, Cổ Thiên Lạc có cơ hội cộng tác với nữ hoàng âm nhạc Trịnh Tú Văn lần đầu – cặp đôi này được khán giả đón nhận nồng nhiệt và tạo nền cho họ đóng chung trong các dự án phim sau này.

Năm 1999, Cổ Thiên Lạc lại cộng tác với bạn diễn lâu năm của mình Tuyên Huyên trong chuỗi phim nặng ký Hồ sơ trinh sát IV, trở thành một trong những loạt phim nổi tiếng nhất năm đó. Hơn nữa, cả Cổ Thiên Lạc và Tuyên Huyên đều đoạt Ảnh đế truyền hình và Ảnh hậu truyền hình trong Giải thưởng thường niên năm đó, đánh dấu lần đầu tiên cả hai diễn viên chính trong cùng một bộ phim nhận hai giải này cùng năm. Năm 2000, Cổ Thiên Lạc cũng tham gia vào loạt phim lớn Thử thách nghiệt ngã – nhân vật phản diện Trương Tự Lực của anh đã chứng minh rằng đây là thử thách nghề nghiệp lớn nhất của anh vào thời điểm đó. Trong cùng năm này, anh cũng tham gia thế giới âm nhạc, phát hành một album và trình diễn nhạc nền của một số phim anh đóng.

Tuyên Huyên (trái) và Cổ Thiên Lạc

Năm 2001, Cổ Thiên Lạc quay phim tác phẩm cuối cùng của anh với TVB – phim lớn về du hành xuyên thời gian Cỗ máy thời gian, trong phim anh lại tái hợp với bạn diễn ăn ý nhất của mình là Tuyên Huyên. Đến nay, loạt phim này vẫn nổi tiếng và được nhiều khán giả xem là ‘kinh điển’ – phim đã mang về cho Cổ Thiên Lạc danh hiệu Ảnh đế truyền hình thứ hai, đánh dấu cái kết ‘hoàn hảo’ cho sự nghiệp truyền hình của anh.

Danh sách đầy đủ các Ảnh đế truyền hình của Giải thưởng thường niên TVB

1997: La Gia Lương trong Huynh đệ song hành
1998: La Gia Lương trong Bí mật của trái tim
1999: Cổ Thiên Lạc trong Hồ sơ trinh sát IV
2000: Âu Dương Chấn Hoa trong Bức màn bí mật
2001: Cổ Thiên Lạc trong Cỗ máy thời gian
2002: La Gia Lương trong Bước ngoặc cuộc đời
2003: Quách Tấn An trong Đôi đũa lệch
2004: Lâm Bảo Di trong Thâm cung nội chiến
2005: Quách Tấn An trong Chuyện về chàng Vượng
2006: Trịnh Gia Dĩnh trong Khúc nhạc tình yêu
2007: Trần Hào trong Sóng gió gia tộc
2008: Hạ Vũ trong Sức mạnh tình thân
2009: Lê Diệu Tường trong Xứng danh tài nữ
2010: Lê Diệu Tường trong Nghĩa hải hào tình
2011: Trịnh Gia Dĩnh trong Tòa án lương tâm
2012: Lê Diệu Tường trong Đại thái giám


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Asian Fanatics


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi