Lee Byung Hun để lại dấu ấn trên nền xi măng trước Nhà hát Trung Hoa của
Grauman đầu năm 2012 này và gần đây đã đến Los Angeles tham dự buổi ra
mắt phim mới nhất của mình, Masquerade (phát hành tại Việt Nam với tựa Hoàng đế giả mạo), ở Hàn Quốc phim là một thành công lớn.
Đó là một ngày trong tuần tiêu biểu ở khách sạn Four Seasons tại Beverly
Hills. Clint Eastwood đang ký tặng một lượt người hâm mộ gần như phát
cuồng bên ngoài cửa sổ mặt tiền khách sạn. Một đoàn người giàu có liên
hệ với nhau băng ngang qua tiền sảnh trên đường đi ăn trưa ở khách sạn,
lãnh địa của các vụ ký kết hợp đồng công nghiệp. Dù vậy, bên trong quầy
rượu, thâm chí không ai liếc ngang qua nam diễn viên bảnh trai tóc rối
Lee Hyung Hun, lúc đầu anh có vẻ hơi không tự tin khi nói tiếng Anh ngập
ngừng nhỏ tiếng.
Sau đó Lee Byung Hun xoay sang thông dịch viên
của anh rồi nói với cô bằng tiếng Hàn Quốc thì thay đổi phong thái hoàn
toàn. Giọng anh trở nên trầm và mạnh, anh ngồi thẳng và mắt sáng lên oai
vệ.
Ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Lee Byung Hun ở Beverly Hills [Ảnh: Genaro Molina, Los Angeles Times]
Đột nhiên việc Lee Byung Hun được gọi là Brad Pitt của Hàn Quốc trở nên
có lý. Sự so sánh này có nhờ vào nét đẹp ngầm, sự cởi mở quyến rũ và vị
thế siêu sao của anh ở quê nhà. Tại Seoul, anh hẳn đã được người hâm mộ
cuồng nhiệt vây quanh.
Bộ phim mới nhất của anh,
Masquerade,
thắng lợi giòn giã ở Hàn Quốc. Đây là tác phẩm tham vọng và vươn xa
nhất của anh tính đến nay và có thể là phim sẽ đẩy anh lên một tầm nổi
danh mới ở Mỹ.
Hè năm nay, Lee Byung Hun, 42 tuổi, đã diễn xuất
22 năm nhưng chưa thâm nhập được vào điện ảnh Mỹ cho đến khi vào vai
siêu ninja Lam Ảnh (Storm Shadow) trong
GI Joe: The Rise of Cobra năm 2009 (phát hành ở Việt Nam với tựa
Biệt đội G.I.Joe: Cuộc chiến mãng xà),
đã để lại dấu tay và dấu chân vĩnh viễn trên nền xi măng ở một buổi lễ
tại sân Nhà hát Trung Hoa của Grauman. (Anh và ngôi sao lâu năm Ahn Sung
Ki là hai người Hàn Quốc duy nhất đã được làm điều này).
“Tôi
chưa từng cho phép mình dù chỉ là mơ về Hollywood cho đến vài năm
trước,” Lee Byung Hun nói. “Tôi không ngờ. Việc cứ diễn ra đột ngột. Như
một giấc mơ.”
Lee Byung Hun in dấu tay tại Hollywood
Tháng 9/2012, anh bắt đầu làm việc với dự án tiếp theo,
Red 2 (phần tiếp của
Red đã phát hành ở Việt Nam năm 2010 với tên
CIA tái xuất),
phim khởi quay ở Montreal cũng vào tháng 9 và có sự tham gia của Bruce
Willis, Anthony Hopkins, John Malkovich và Catherine Zeta-Jones. Lee
Byung Hun thấy choáng ngợp với ý nghĩ làm việc cùng các “tai to mặt lớn”
này. Anh cũng lưu tâm đến tuổi tác của anh.
“Đây đều là những
diễn viên tôi ngưỡng mộ và muốn giống họ, họ là chuyên gia,” Lee Byung
Hun nói. “Tôi thật sự thấy lo khi là người trẻ nhất.”
Khi được
chỉ ra rằng ở Mỹ là người trẻ nhất thường được xem là lợi thế, Lee Byung
Hun cười. Khác với Hàn Quốc nơi đề cao tuổi tác và kinh nghiệm, anh cho
biết.
Vài giờ sau khi rời khỏi khách sạn Four Seasons, Lee Byung Hun bước trên thảm đỏ nhân buổi công chiếu
Masquerade
ở Bắc Mỹ tại Rạp Bing thuộc Bảo tàng Nghệ thuật hạt Los Angeles. Một
nhóm người hâm mộ Hàn Quốc và Mỹ hứng khởi hú hét tựa như sự cuồng nhiệt
anh thường trải qua trên những con đường nơi quê nhà.
Lee Byung
Hun tốn hơn nửa giờ mới đi hết hơn sáu mét đến cửa rạp chiếu. Mặc bộ
complê đen bảnh bao, một chiếc áo sơ mi trắng thẳng thớm, không đeo
cravat, anh trông đĩnh đạc và thoải mái khi đi qua đám đông. Với nụ cười
sẵn sàng, chân thật, đôi mắt đen mạnh mẽ, gò má cao và đầu tóc hoàn
hảo, Lee Byung Hun không phô ra chút mệt mỏi nào anh từng thừa nhận sau
khi tiến hành những buổi phỏng vấn nối tiếp nhau bằng tiếng Anh trong
hơn năm tiếng đồng hồ cùng ngày hôm đó (anh nói việc này làm anh thấy
mình “ngốc nghếch”).
Phóng viên phỏng vấn Lee Byung Hun tại buổi công chiếu Masquerade ở Mỹ.
Masquerade là phim cổ trang đầu tiên của Lee Byung Hun và đánh
dấu lần đầu nỗ lực diễn hai nhân vật trong cùng một phim của anh. Tác
phẩm chính kịch lịch sử có ảnh hưởng rộng rãi này (trong đó cũng có vài
cảnh thật vui) lấy bối cảnh năm 1600 tại cung điện của vương triều
Joseon ở Hàn Quốc. Lee Byung Hun thủ vai vua Gwanghae và Ha Seon, một
thường dân diễn trò ít học được nhận giả làm hoàng đế trong lúc vị vua
này sợ có ai đó đang muốn ám sát mình.
Gwanghae là một hình
tượng gây tranh cãi sâu sắc trong lịch sử Hàn Quốc. Người ta tin rằng
ông là một nhà trị vì cay nghiệt, thậm chí là hung tàn, nhưng cũng nghĩ
ông đã có trách nhiệm trong việc ban hành những đạo luật có tính nhân
đạo và có tầm nhìn. Bộ phim tưởng tượng ra một viễn cảnh mà các đạo luật
tốt là sản phẩm của một người thế thân biết đồng cảm. Lee Byung Hun
diễn cả hai vai đều tạo ấn tượng mạnh. Robert Abele của
Times khen ngợi “diễn xuất chính yếu oai vệ” của anh.
“Điều
quan trọng nhất là [người đóng thế] phải được khán giả yêu mến,” Lee
Byung Hun nói, anh rót đầy sự ấm áp dễ nhận ra vào Ha Seon và mang anh
ta ra đời thực bằng phong cách hài hình thể điêu luyện xoay quanh những
cử chỉ đơn giản.
Hai nhân vật của Lee Byung Hun trong Masquerade
“Tôi đã lo về các cảnh hài,” Lee Byung Hun nói. “Thật liều lĩnh. Quá
nhiều hài hình thể có thể bị xem là ngớ ngẩn và không phức tạp. Giữ ở
mức độ vừa đủ thật khó.”
Đó là vì bản chất
Masquerade là
một phim chân thật về cái thiện căn cơ trong con người, trong đó Ha
Seon nổi lên thành người hùng của dân chúng. Đây là một phim “rút nước
mắt” không ngại đôi chỗ đi cùng sự hài hước thô thiển.
Sau buổi
chiếu, Lee Byung Hun có vẻ xuống sức tí chút khi anh ngồi trên sân khấu
và bị vây quanh bởi những câu hỏi nhanh và sâu về vai diễn và sự nghiệp
của mình.
Khi rời sân khấu, Lee Byung Hun lộ vẻ rã rời. Trước đó
anh có hé lộ rằng dù hứng thú đi Mỹ, anh vẫn ước đang ở Seoul để đón
nhận thành công của
Masquerade.
“Tại đó phim đang phá kỷ
lục,” anh nói. “Tôi thấy tệ khi mình ở đây. Khi một phim của mình được
chiếu tôi bí mật đến rạp đứng ở phía sau và thưởng thức khoảnh khắc đó.
Tôi cười khi người ta cười và khi người ta khóc, tôi cũng cười.”
Dù vậy, anh thừa nhận là các giấc mơ lớn hơn đang thành sự thật với mình.
Cha
của Lee Byung Hun, một thương nhân cực hâm mộ phim cao bồi Mỹ, đặc biệt
các phim có Clint Eastwood đóng chính, qua đời khi nam diễn viên này 29
tuổi. Giờ Lee Byung Hun sống ở ngoại ô Seoul với mẹ trong một căn nhà
có hầm rượu và rạp chiếu mini tại gia. Khi anh đặt dấu tay ở nhà hát của
Grauman anh dẫn mẹ theo.
“Bà nói, ‘mẹ rất tự hào vì con',” Lee
Byung Hun cho biết, mắt anh ấm áp và xa xăm. “Và nếu cha con có ở đây,
ông hẳn cũng sẽ tự hào.”
Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi