Nhân vật & Sự kiện

Phép thuật luôn phải đổi bằng giá rất đắt trong phim Ghibli

07/09/2020

Các phim hoạt hình của Studio Ghibli nổi tiếng với thế giới ma thuật: phù thủy, pháp sư và linh hồn (ôi chao), chưa kể các phép biến hình và hàng tá mã ký hiệu thần bí.

Nhưng giống truyện cổ Grimms, phép thuật trong phim Ghibli không phải lúc nào cũng như ta tưởng. Các biên kịch và đạo diễn của Ghibli ngạc nhiên trước phép thuật, nhưng không hoàn toàn bị mê hoặc. Trong hầu hết các trường hợp, họ thể hiện phép thuật như một hệ thống thương mại: bạn có thể sử dụng nó, nhưng chắc chắn sẽ có một cái giá.

Spirited Away

Một trong những phim nổi tiếng nhất của Ghibli (và thành công nhất về mặt phê bình và thương mại), Spirited Away, liên quan đến sự phức tạp và cái giá của phép thuật. Khi cô bé Chihiro và cha mẹ tình cờ đi ngang qua một công viên giải trí dường như bị bỏ hoang, cha mẹ cô đã ăn thức ăn dường như bị bỏ lại. Chihiro nhanh chóng biết rằng họ đang ở trong một vùng đất của những linh hồn, và cha mẹ cô đã tự ăn chính mình mà không nhận ra cái giá phải trả. Thay vì tiền tệ thông thường, họ đánh mất hình dạng con người và biến thành lợn. Mắc kẹt trong thế giới linh hồn, Chihiro cố gắng tìm cách cứu cha mẹ. Đầu tiên, cô bé phải tìm việc làm, nhưng cô cũng phải đối mặt với cái giá phải trả — cô phải hy sinh tên và danh tính con người của mình, thứ có thể nhanh chóng bị lãng quên trong cõi linh hồn.

Khi Chihiro làm việc trong nhà tắm linh hồn, cô gặp phải nhiều hình thức thương mại. Khi cô bé làm sạch một linh hồn đặc biệt ghê tởm, cô bé được trả bằng một chiếc bánh ma thuật mà cô muốn dùng để cứu cha mẹ mình. (Trớ trêu thay, cha mẹ cô bé tự nguyền rủa bản thân bằng thức ăn, và thứ tiền tệ mà cô bé kiếm được để chuộc họ cũng là thức ăn.) Đặc tính chữa bệnh của chiếc bánh này là gây nôn — có vẻ như vì họ đã ăn thức ăn không phải của họ, họ phải nôn ra để cứu lấy mình. Chihiro cuối cùng đã dùng chiếc bánh lên hai sinh vật bị nguyền rủa khác, những người tương tự cũng nôn ra những thứ mà họ đã ăn một cách không đúng đắn — một cái giá kỳ quái, khó chịu phải trả cho sự an toàn của chính họ.

Chihiro làm việc trong nhà tắm linh hồn

Khán giả nhanh chóng hiểu rằng cơ chế chính của thế giới linh hồn cũng là thương mại, mặc dù nó không kết nối với bất kỳ nền kinh tế nào của con người. Linh hồn làm việc và trả tiền cho các dịch vụ. Trộm cắp là một hành vi phạm tội nghiêm trọng làm tổn hại cơ thể của kẻ trộm. Nhiều xung đột lớn trong Spirited Away đều liên quan đến những hành động tham lam và thái quá. Đó là một xã hội tư bản mang tính trừng phạt nghiêm khắc, nơi ham muốn quá nhiều, quá lớn, sẽ đưa đến nhiều hình phạt ma thuật khác nhau.

Trong Howl’s Moving Castle, phù thủy Howl đã xác định cuộc sống của mình bằng một hợp đồng ma thuật trước khi anh gặp nữ chính, Sophie. Con quỷ lửa Calcifer sở hữu trái tim của Howl, thứ giữ cho Calcifer sống sót và cho phép Howl tiếp cận sức mạnh của nó. Nhưng lợi thế với phép thuật của Howl đã khiến anh mất tự do và nhân tính của mình. Anh không chỉ bị ràng buộc với Calcifer — với tư cách là một pháp sư, anh còn được hy vọng sẽ phục vụ như một người lính trong cuộc chiến tranh phi nghĩa của đất nước mình. Quyền lực của anh đã khiến anh mất tự do. Khi Howl can thiệp vào cuộc chiến thay vì tham gia, về nguyên tắc, anh đã hy sinh thêm nhiều nhân tính của mình, thậm chí mất đi hình dạng con người. Cuối cùng, phép thuật của anh không làm cho mọi chuyện ổn thỏa — chính tình yêu và sự kiên trì của Sophie mới cứu được anh.

Howl’s Moving Castle

Mặc dù Princess Mononoke thiếu các pháp sư và phù thủy như trong Howl’s Moving Castle, nhưng phim cũng trải nghiệm tương tự sự gặp gỡ của ma thuật và chiến tranh, mặc dù theo một cách sinh động và cấp bách hơn nhiều. Câu chuyện mở ra với việc nhân vật chính, Ashitaka, giết một con quỷ và có được sức mạnh siêu nhiên ở một cánh tay, thứ giúp anh xuyên suốt bộ phim. Nhưng cái giá phải trả dường như là mạng sống của anh. Con quỷ đã ban cho anh một căn bệnh sẽ lan rộng và cuối cùng giết chết anh.

Khi tìm cách chữa trị, anh bắt gặp các nhân vật đang đua nhau săn lùng một linh hồn rừng có cái đầu được cho là sẽ ban phát sự bất tử. Tuy nhiên, khi linh hồn bị chặt đầu, kết quả thật tàn khốc. Toàn bộ khu vực trở thành vật phẩm để đổi lấy đầu của linh hồn này, con người và động vật đều bị tiêu diệt. Nhưng ở đây, tính thương mại của ma thuật dường như dựa vào một nền kinh tế của tự nhiên hơn là một nền kinh tế của những sự mặc cả, lợi thế, hay vàng bạc. Thần rừng mang đến cái chết và sự sống, với những loài thực vật chết hoặc nở hoa xung quanh nó.

Princess Mononoke

Linh hồn của rừng là hiện thân cho tính hai mặt của tự nhiên, xuất hiện như một sinh vật giống hươu vào ban ngày và một kẻ lang thang khổng lồ, đáng sợ sau khi mặt trời lặn. Phép thuật trong Princess Mononoke không được coi là lừa dối hay trừng phạt, nó đại diện cho nguyên tắc cân bằng. Trong tự nhiên, có sự trao đổi: một con vật này chết đi để nuôi con vật khác. Một cây thối rữa để giúp sinh ra một cây mới. Sự hủy diệt và sự sáng tạo kết hợp nhau. Khi con người làm đảo lộn sự cân bằng đó bằng cách lấy đi một thứ gì từ khu rừng, không muốn phải trả gì, tất nhiên kết quả là một sự tàn phá lớn hơn.

Nhưng có thể câu chuyện kỳ quái, huyền ảo Pom Poko của Isao Takahata mới là thứ kể một cách nghiêm túc và trang trọng nhất cái giá của phép thuật. Trong bộ phim năm 1994 này của Ghibli, một nhóm chồn bị đe dọa bởi con người đang phát triển địa ốc trên quê hương của chúng. Chúng cố gắng thực hiện đủ thứ âm mưu để ngăn chặn con người, sử dụng sức mạnh của mình để biến đổi thành bất kỳ sinh vật hoặc vật thể nào. Mặc dù âm mưu của chúng mang lại một số kết quả nhỏ, nhưng cuối cùng tất cả đều bị cản trở.

Pom Poko

Vì vậy, trong cơn tuyệt vọng, chúng lên kế hoạch cho một ảo ảnh lớn có thể lấy hết năng lượng và khả năng kết hợp của chúng: một cuộc diễu hành khổng lồ của những bóng ma thay hình đổi dạng đi qua thị trấn và ám ảnh cư dân. Tuy nhiên, việc biến đổi này là một gánh nặng và một trong những trưởng lão khôn ngoan của thị tộc đã chết vì nỗ lực của mình. Phép thuật biến hình được miêu tả như một vũ khí và kỹ năng sinh tồn quan trọng, một bí mật của loài. Nhưng cái giá của phép thuật này rất đắt. Trong quá khứ, một trong những trưởng lão chồn đã giải thích với những con khác, loài của chúng biến hình lộ liễu hơn. Khi con người phát hiện ra, họ trở nên ghen tị và săn chồn như một hình phạt.

Thậm chí đó không phải là bi kịch lớn nhất mà phim hoạt hình có vẻ dễ thương, ngây thơ này phải đưa ra cho các nhân vật chính của mình. Cuối cùng, khi để thua con người, cái giá cuối cùng mà loài chồn phải trả cho khả năng thay đổi hình dạng của chúng là quyết định giữa hai cách sống bất lợi như nhau. Chúng có thể chọn cách sống ngắn ngủi, nguy hiểm như động vật, tránh xe, bẫy và tìm kiếm thức ăn thừa. Hoặc chọn biến thành con người, giống như những người bạn có phép thuật của mình, loài cáo, và hòa nhập vào xã hội.

Cái giá cuối cùng mà loài chồn phải trả cho khả năng thay đổi hình dạng của chúng là quyết định giữa hai cách sống bất lợi như nhau

Nhưng lựa chọn thứ hai đem đến sự mệt mỏi và không thỏa mãn cho loài chồn. Takahata đi theo một con, trong hình dạng con người, vắt vẻo trên chuyến tàu và mệt mỏi sau một ngày dài làm việc trên bàn giấy của mình. Nhưng cách duy nhất để sống cuộc đời con người đẩy đủ là rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa tư bản; trong một điểm đặc biệt đáng buồn, phim cho chúng ta biết rằng một số chồn biến thành con người dấn thân vào lĩnh vực bất động sản, bán đất giống như ngôi nhà mà họ đã mất, vì nó sinh lợi.

Phép thuật trong các phim của Ghibli đi kèm với vô số ngạc nhiên và thắc mắc, nhưng nó không thực sự đáng tin. Không có cách sửa chữa dễ dàng nào cho sự thỏa hiệp giữa việc tồn tại trên thế giới và đối mặt với ô nhiễm, chiến tranh và nhiều tệ nạn khác của con người. Những phim này cho chúng ta biết, phép thuật chỉ đơn giản là một con đường tắt. Tin tưởng vào một số loại thuốc chữa bách bệnh thần bí chỉ mang lại cho các nhân vật ảo tưởng về sức mạnh và khả năng kiểm soát, và nó thường tước đi của họ thứ gì đó quan trọng để đổi lại.

Các nhân vật phải hy sinh quan niệm của họ về sự tồn tại của mình trên đời, và đánh mất ý thức trách nhiệm cá nhân

Trong thế giới của Studio Ghibli, điều này có thể đồng nghĩa với việc họ mất tự do hoặc nhân tính, hoặc lối sống trước đây của mình. Nhưng theo một nghĩa thực tế hơn, có thể chỉ đơn giản là các nhân vật phải hy sinh quan niệm của họ về sự tồn tại của mình trên đời, và đánh mất ý thức trách nhiệm cá nhân. Giống như trong những câu chuyện cổ tích, tiếp xúc phép thuật có thể mang lại một chút quyến rũ và kinh ngạc, nhưng đậu thần và đèn thần đi kèm với cái giá phải trả. Cuối cùng họ không bao giờ giải quyết các vấn đề, họ chỉ thay đổi chúng. Thật không may, công việc sửa chữa thế giới thực sự sẽ luôn đổ lên đầu chúng ta.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Polygon