Bị phòng vé khổng lồ Trung Quốc Đại lục quyến rũ, một số đạo diễn hạng A
của Hồng Kông đang tìm sự ủng hộ với Bắc Kinh, trong khi thế hệ đạo
diễn mới thì cam kết với điện ảnh tự do ngôn luận và sắc nét hơn.
Một thập niên qua, ưu đãi tài chính và sức ép chính trị của thị trường
điện ảnh đang lên Trung Quốc khiến hầu hết nhà làm phim Hồng Kông khó
phớt lờ. Hết người này đến người khác, nhiều tài năng siêu tuyệt nhất
của Hồng Kông đã định cư lại sự nghiệp của họ, nếu không muốn nói là cả
gia đình và cuộc sống của họ, sang ao hồ mênh mông hơn ở Đại lục.
Thành Long, áo đỏ, cùng dàn diễn viên tại sự kiện chiếu ra mắt phim Kung Fu Yoga ở Thượng Hải
|
Và phần thưởng — với một số người — thật kinh khủng. Trong mùa tết cuối
tháng giêng năm nay (thời gian sinh lợi nhất trong năm ở phòng vé lớn
thứ nhì thế giới này), hai phim đình đám nhất đều do hai khổng lồ của
điện ảnh Hồng Kông làm ra:
Kung Fu Yoga của Thành Long, do đạo
diễn Đường Quý Lễ mà Thành Long đã cộng tác lâu năm chỉ đạo, đứng đầu
bảng với 255 triệu đôla, trong khi đó
Journey to the West: The Demons Strike Back
của đạo diễn Từ Khắc và biên kịch-kiêm nhà sản xuất Châu Tinh Trì thu
hoạch 240 triệu đôla — không nhiều bằng vô địch phòng vé Trung Quốc mọi
thời đại
The Mermaid của Châu Tinh Trì với 528 triệu đôla năm ngoái, nhưng vẫn là bom tấn.
Nhưng
với nhiều nhà làm phim kỳ cựu Hồng Kông, chọn lựa giữa làm ở lĩnh vực
điện ảnh nhỏ hơn nhưng phong phú hơn của Hồng Kông hay nắm bắt thị
trường Đại lục — với bao nhiêu là nhượng bộ sáng tạo và chính trị trước
sự kiểm duyệt của Bắc Kinh — thực ra là không hề chọn lựa.
“Nếu
cứ ở thị trường Hồng Kông và muốn kiếm sống bằng nghề làm phim, thực sự
ban sẽ không có đủ công việc được trả thù lao thỏa đáng và cơ hội để duy
trì bản thân,” đạo diễn người Hồng Kông 35 tuổi Âu Văn Kiệt nói.
Từ Khắc, giữa, và Châu Tinh Trì, thứ hai từ trái sang, cùng dàn diễn viên tại sự kiện quảng bá cho bộ phim Journey to the West: The Demons Strike Back ở Trùng Khánh
|
Suy cho cùng, như Âu Văn Kiệt lưu ý, sao người bỏ vốn làm phim có đầu óc
kinh doanh lại muốn đầu tư vào phim nói tiếng Hoa nhắm thị trường Hồng
Kông, với 7 triệu dân, khi có một lượng khán giả tiềm năng là 1,37 tỉ
người ở ngay bên kia biên giới chứ? “Lý do các đạo diễn Hồng Kông làm
việc ở Trung Quốc là hầu hết nhà đầu tư chỉ muốn bỏ tiền vào những phim
nhắm đến thị trường Đại lục vì thị trường đó lớn hơn nhiều,” Âu Văn Kiệt
giải thích. “Với tôi, làm phim không phải là công việc mà tôi làm để
kiếm sống đầy đủ — tôi làm phim vì có chuyện cần nói — nhưng đối với
những đạo diễn lão luyện nào muốn tiếp tục sự
nghiệp của họ, tôi hiểu họ cần làm việc ở Đại lục.”
Tuy nhiên,
gần đây một số nhân tài Hồng Kông thể hiện sự sẵn lòng đi xa hơn. Thay
vì chỉ chuyển dịch ngón nghề làm phim thương mại của họ lên màn ảnh rộng
của Đại lục, họ chấp nhận công việc chỉ đạo những phim tuyên truyền
được thiết kế để làm hài lòng chính quyền. Không phải một mà là hai
phim kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa
(People’s Liberation Army - PLA) đều do đạo diễn Hồng Kông đảm nhiệm.
Phim thứ nhất tựa đề
Founding of an Army,
phần thứ ba trong bộ ba phim “Founding of New China”. Hai phim đầu
trong chuỗi phim tuyên truyền này do Hàn Tam Bình, cựu lãnh đạo China
Film Group, và đạo diễn Trung Quốc Hoàng Kiến Tân đồng chỉ đạo; nhưng
phần mới nhất do huyền thoại điện ảnh Hồng Kông Lưu Vỹ Cường, nổi tiếng
với
Infernal Affairs, được Martin Scorsese làm lại thành
The Departed. Phim được quảng bá là sử thi chiến tranh với "yếu tố cách mạng tuổi trẻ".
Cảnh trong phim Founding of an Army do Lưu Vỹ Cường đạo diễn
|
Tương tự, phim còn lại được định vị như “món quà” kỷ niệm sự thành lập PLA là
Red Sea Operation của đạo diễn Hồng Kông Lâm Siêu Hiền, nối tiếp
Operation Mekong / Điệp vụ Tam giác vàng,
bộ phim đã thu được 172 triệu đôla (1,2 tỉ nhân dân tệ). Quay ở Morocco
và khắc họa cuộc di tản thường dân Trung Quốc trong Nội chiến Yemen năm
2015,
Red Sea Operation là sự chứng thực và ủng hộ quân đội Trung Quốc. Phim sẽ được trình chiếu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.
“Nền
điện ảnh Hồng Kông luôn đặt yếu tố giải trí lên hàng ưu tiên, nên đạo
diễn Hồng Kông biết đưa giá trị giải trí vào những gì khán giả Trung
Quốc đã quá quen thuộc,” nhà sản xuất kỳ cựu người Hồng Kông Trang Trừng
giải thích, ông đã làm việc với Lưu Vỹ Cường trong
Infernal Affairs.
“Đây là lý do đạo diễn Hồng Kông được săn đón để chỉ đạo ‘những phim
chủ đạo’ này (tên gọi chính thức của nhà nước đối với thể loại phim
tuyên truyền cách mạng).
“Một số đạo diễn Hồng Kông có thể dè dặt
đối với việc chỉ đạo phim tuyên truyền, nhưng nhiều người chẳng băn
khoăn gì,” Trang Trừng nói thêm. Hiện tượng những nhân vật kỳ cựu của điện ảnh
Hồng Kông chỉ đạo các phim “chủ đạo” — những phim “tăng cường tinh thần
dân tộc và niềm tự hào dân tộc,” theo một cựu quan chức Cục Phát thanh,
Điện ảnh và Truyền hình miêu tả thể loại này — bắt đầu với
The Taking of Tiger Mountain 3D / Trí thủ uy hổ sơn
của Từ Khắc, làm lại một trong những “vở kịch hình mẫu” được cho phép
trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Phim là một thành công phòng vé, thu
hơn 116 triệu đôla (800 triệu nhân dân tệ) năm 2014, và lôi kéo khán giả
trẻ bằng những pha hành động hiện đại và sử dụng công nghệ 3D tiên
tiến. Kể từ đó, thị trường này đã chứng kiến phim lịch sử
My War của Bành Thuận, nói về chiến sĩ tình nguyện Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên;
Operation Mekong
năm 2016 của Lâm Siêu Hiền, nói về lực lượng cảnh sát Trung Quốc tham
gia điều tra cái chết của 13 công dân Trung Quốc ở Tam giác vàng, và
Extraordinary Mission,
ra rạp năm 2017, của Mạch Triệu Huy nói về một cảnh sát làm nội gián
trong tổ chức ma túy. Tất cả những phim này đều có diễn viên toàn Trung
Quốc trong các vai chính và được ca ngợi vì miêu tả tích cực quân đội
hoặc cơ quan thi hành luật pháp của Trung Quốc.
Đạo diễn Lâm Siêu Hiền, thứ ba từ trái sang, trên trường quay Red Sea Operation
|
Nhưng dù hầu hết cựu binh đều chuyển sang làm việc ở — hay làm việc cho —
Bắc Kinh, một thế hệ đạo diễn trẻ mới của Hồng Kông bắt đầu tiến lên
thành một lực lượng độc lập mạnh mẽ cam kết hơn với những nỗi lo lắng và
tính thẩm mỹ địa phương.
Trivisa của Âu Văn Kiệt, một phim tâm
lý tội phạm độc lập lấy bối cảnh giai đoạn Hồng Kông chuyển giao về
Trung Quốc, thắng năm giải, trong đó có phim hay nhất, tại Giải thưởng
Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) tháng 4, còn
Mad World và
Weeds on Fire, đều là tác phẩm đạo diễn đầu tay của Hoàng Tiến và Trần Chí Phát, cũng mang về nhiều giải.
“Năm
ngoái là hết sức quan trọng cho ngành làm phim Hồng Kông vì chúng ta có
28 phim do các đạo diễn mới nổi làm — như thể một điểm bước ngoặt,”
theo Âu Văn Kiệt, anh tham gia chỉ đạo một phần trong bộ phim mang tính
tranh cãi
Ten Years (2015), bị cấm trình chiếu ở Đại lục.
“Hoặc
là cuốn theo hoặc là chờ xem — tôi đủ già để biết giá trị của sự chờ
đợi,” nhà quay phim huyền thoại sống ở Hồng Kông Christopher Doyle (nối
tiếng với những lần hợp tác cùng Vương Gia Vệ trong
In the Mood for Love và
Chungking Express), hiện đồng đạo diễn
The White Girl, một cổ tích ‘noir’ lấy bối cảnh một làng cá Hồng Kông biến mất mà các trùm địa ốc Trung Quốc lên kế hoạch tái phát triển.
Cảnh phim Extraordinary Mission của Mạch Triệu Huy
|
Doyle nói thêm: “Nếu người trẻ không uể oải, không đầu hàng lực thị
trường — sự non trẻ là sức mạnh của chúng ta, và những vấn đề chúng ta
đặt ra là nền truyền thông của chúng ta.”
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter