Nhân vật & Sự kiện

Valerian là phim Pháp tốn kém nhất từ trước đến nay. Luc Besson bảo 'Ai quan tâm?'

29/07/2017

Valerian and the City of a Thousand Planets, tác phẩm giả tưởng ngông cuồng mới nhất của Luc Besson, có đủ mọi đặc trưng nhận dạng trong phim của ông: hành động, lãng mạn, những cô nàng ngổ ngáo, đầy ắp hiệu ứng, cảnh dưới nước và khiếu hài hước có chỗ cho Rihanna thể hiện sự thay đổi hình tượng theo phong cách Moulin Rouge ngoài không gian, trước khi giúp người hùng cứu thế giới.

Đây cũng là bộ phim đắt đỏ nhất trước nay của Pháp, với kinh phí khoảng 150 triệu đôla. ‘Khủng’ đối với Pháp, và với cả Hollywood. Đạo diễn Besson, những tham vọng lớn và sự sành sỏi trong nghề đem lại cho ông danh tiếng là nhà làm phim Mỹ nhất trong số những nhà làm phim người Pháp, tuyên bố ông không thấy con số đó có gì thú vị. “Đúng là bao nhiêu đó tiền đấy, nhưng ai quan tâm?” ông nói trong một phỏng vấn tại Cité du Cinéma, phim trường ở khu vực phía bắc Paris mà ông giúp thành lập và là nơi ông đã quay Valerian.

Luc Besson trên trường quay Valerian and the City of a Thousand Planets

Nói ai quan tâm là ý gì? Bộ phim dường như được thiết kế sinh học để làm ra tiền, với những thắt nút cốt truyện và một dàn nhân vật được xây dựng để hấp dẫn mọi đàn ông, đàn bà, trẻ con và những người chơi Instagram trên hành tinh này. “Tôi mừng vì chúng tôi làm cho mọi người,” đạo diễn Besson nói bằng tiếng Anh. Ông đang ngồi trong một chiếc ghế bành rộng và đang rót mật ong vào tách trà Lipton Nhãn Vàng. “Tất cả tiền của đều đổ vào hiệu ứng.”

Đạo diễn Besson, 58 tuổi, mặc áo T-shirt đen có hình Valerian từ loạt tiểu thuyết hoạt hình Pháp mà bộ phim dựa theo. Do Pierre Christin và Jean-Claude Mézières sáng tác, loạt truyện xuất hiện lần đầu năm 1967, và đạo diễn Besson khám phá loạt sách lúc 10 tuổi chyển đến miền thôn quê sống với mẹ sau khi cha mẹ ông, đều là huấn luyện viên lặn biển, ly dị.

Loạt truyện kể về hai đặc vụ Valerian và Laureline, du hành xuyên không gian và thời gian. Laureline “rất ngầu, và cô lái tàu không gian. Với tôi đó là một cuộc cách mạng,” Besson nói. “Và đó là cách duy nhất để tôi thoát ly. Là chiếc vé đến với giấc mơ. Tôi phải lòng Laureline.”

Valerian dựa theo loạt tiểu thuyết hoạt hình Pháp của Pierre Christin và Jean-Claude Mézières

Tua nhanh đến thập niên 1990. Besson — đã định hình phong cách táo bạo với The Big Blue, La Femme NikitaSubway — đang làm The Fifth Element, bộ phim hành động giả tưởng khác thường năm 1997 do Bruce Willis và Milla Jovovich đóng chính, phục trang Jean-Paul Gaultier. (Nhà phê bình điện ảnh Janet Maslin của The New York Times đã dành cho phim bài bình luận hoài nghi, có tiêu đề "World Saved by a Nude Babe? Cool!" [tạm dịch: Thế giới được người đẹp khỏa thân cứu ư? Hay đấy!])

Mézières, đã giúp sáng tạo The Fifth Element, đề nghị Besson chuyển thể Valerian thành phim. Besson bèn đọc lại bộ truyện. “Tôi trả lời: ‘Không được đâu. Tôi không có công nghệ lẫn kinh nghiệm.’”

Thời gian trôi đi. Một thập niên trước, ông đã mua quyền làm phim từ một hãng phim Mỹ. Lúc đó là ngay sau bom tấn Avatar của Cameron năm 2009, Besson nhận ra công nghệ đã tiến bộ đủ để ông nỗ lực làm Valerian.

“James Cameron tạo cơ hội cho cả cộng đồng làm bất cứ gì chúng ta muốn; nhờ ông ấy,” Besson nói.

Anne Parillaud trong La Femme Nikita

Trong Valerian, cũng định dạng 3D, người hùng, do Dane DeHaan (The Amazing Spider-Man 2) đóng, và Laureline (Cara Delevingne), chạy đua qua những thế giới thực lẫn ảo để cứu Hành tinh Alpha và tối hậu giúp một giống loài gọi là Pearls, đã mất đi sáu triệu sinh mạng khi hành tinh của họ bị phá hủy. Vâng, sáu triệu sinh mạng. “Tôi muốn ám chỉ sự việc mà không cần phải nói toạc ra,” đạo diễn Besson nói đến liên hệ nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust. “Tôi nghĩ đây là một khởi đầu hay cho những người xem phim này, đặc biệt là các bậc cha mẹ và con cái của họ, bàn luận.”

Nhưng Valerian không tăm tối ảm đạm. Không đáng sợ như Alien hay thâm trầm như Arrival. Nhạc nền gồm nhạc của David Bowie và Bob Marley. Clive Owen trong vai kẻ xấu, Ethan Hawke là chủ nhà chứa trong thời đại không gian, Herbie Hancock là bộ trưởng quốc phòng, còn John Goodman lồng tiếng cho một sinh vật có sáu lỗ mũi.

“Có rất nhiều phim giả tưởng đen tối quá — mưa bão, người ngoài hành tinh là kẻ xấu,” Besson nói. “Tương lai là một trang giấy trắng. Sao chúng ta lại phóng chiếu sự bi quan đến thế lên đó? Sao không ít nhất thử nói: ‘Có thể có hòa bình trong tương lai. Không chừng tôi sẽ có cả lũ bạn là người ngoài hành tinh.’”

Bruce Willis trong phim The Fifth Element

Phim của Besson dường như nhắm mục tiêu làm hài lòng, và lấy được sự chú ý trên khắp các hạ tầng mạng. Những nhận xét được công bố cho thấy bao nhiêu người theo Delevingne trên Instagram (giờ là hơn 40 triệu), còn Rihanna có 75 triệu người theo trên Twitter. Besson nói mạng xã hội không phải là nhân tố trong quyết định chọn diễn viên của ông. “Về sau tôi mới phát hiện ra điều đó,” ông nói. “Điều quan trọng với tôi là chọn đúng người đúng vai.”

Thật không? “Cả đời mình, Besson đã đi trước mọi người ở Pháp về cách truyền đạt một bộ phim,” Geoffrey Le Guilcher, nhà báo Pháp đã viết cuốn tiểu sử Luc Besson: The Man Who Wanted to Be Loved năm 2016, nói.

Để huy động tiền cho Valerian, Fundamental Films, một công ty Trung Quốc, đã mua phần lớn cổ phần của Besson ở EuropaCorp. Phim do Virginie Besson-Silla, vợ của Besson, sản xuất và khoảng 2.000 lao động tham gia, gồm cả những người chuyên về hiệu ứng. “Cơ bản là có ba diễn viên, phần còn lại là người ngoài hành tinh,” Besson nói. “Thế nên bạn thậm chí không biết bắt đầu từ đâu. Có một cảnh ở hai thế giới song song cùng lúc, và cánh tay của nam chính ở trong thế giới này còn thân người anh ta trong thế giới kia.”

Trái: Cara Delevingne trong vai đặc vụ Laureline, có hơn 40 triệu người theo trên Instagram; phải: ca sĩ Rihanna xuất hiện trong phim với màn biểu diễn mang phong cách Moulin Rouge có 75 triệu người theo trên Twitter

Sau nhiều năm dựng phân cảnh, năm ngoái ông đã quay bộ phim trong 20 tuần, tất tật tại Cité du Cinéma. Để làm Valerian ở Pháp, chứ không phải ở đâu khác với lao động rẻ hơn, Besson vận động chính phủ Pháp thay đổi hệ thống hoàn thuế của nước này cho phép phim không nói tiếng Pháp nhận ưu đãi thuế. Nhưng ông sửng cồ khi phần lớn kinh phí của bộ phim chi bên ngoài quốc gia này cho hiệu ứng, trong đó có một số làm ở Industrial Light & Magic, công ty đóng tại California đằng sau hiệu ứng trong Star Wars, và Weta, doanh nghiệp New Zealand cũng từng làm Avatar và bộ ba phim The Lord of the Rings.

“Có 45 cảnh không hiệu ứng, và 2.744 cảnh có hiệu ứng,” Besson nói.

Các nhà phát hành nước Pháp cằn nhằn rằng phim của Besson — như Lucy, bom tấn nói tiếng Anh của ông năm 2014 do Scarlett Johansson đóng chính — là lệch tỷ suất phòng vé Pháp, vì ông vượt xa mọi đạo diễn Pháp khác. Trong những năm ông không làm phim nào, doanh thu phòng vé nước Pháp rớt thẳng đứng.

Besson, sống ở Los Angeles, luôn đứng hai chân hai thế giới. “Một phần trong tôi là người Pháp và tôi yêu đất nước tôi, còn một phần khác không là người Pháp,” ông nói. “Mỗi khi tôi nhìn thấy cái gì hay ho mà tôi thích, tôi muốn nói, ‘Chúc mừng.’ Ở Pháp, bạn mà như vậy thì người ta ghét. Nếu bạn thành công chuyện gì họ sẽ nói, ‘Ừ, chắc chắn cha mẹ anh ta có tiền,’ hoặc ‘Chắc bạn gian lận.’ Nhưng lỡ như anh ta dậy sớm hơn và làm việc nhiều hơn thì sao? Không đời nào có chuyện đó.”

Scarlett Johansson trong phim Lucy

Ở Pháp, Besson lên báo vì những hoạt động với tư cách doanh nhân nhiều hơn là đạo diễn. Ông nảy ra ý tưởng Cité du Cinéma — nơi đóng đô của chín hãng phim tư nhân và một trường điện ảnh công — làm đối thủ với Pinewood Studios ở Anh hay Cinecittà ở Rome. EuropaCorp thuê chỗ trong Cité và là nhà đầu tư vào trường quay này, cùng với một tập đoàn ngân hàng Pháp. Từ khi Cité mở cửa năm 2012, khoảng 30 xuất phẩm được quay ở đây, trong đó Besson đạo diễn ba và EuropaCorp sản xuất chín phim. Giám đốc phim trường này, Brigitte Segal, nói bà hài lòng với độ kín chỗ mà bà dự đoán là 81% cho năm 2017.

Từ năm 2013, các cơ quan chức năng Pháp đã điều tra việc sử dụng sai vốn công liên quan đến cấp vốn ban đầu và hình thành Cité du Cinéma, và nhiều quan chức đã bị phạt những khoản tiền nhỏ vì sai lầm quản lý vốn công sử dụng vào dự án này. (Trong một phỏng vấn, phát ngôn viên của EuropaCorp, Régis Lefebvre, cọi những khoản phạt đó là “chuyện vặt”.)

Besson là “người phiêu lưu trong những siêu phẩm mà không có tầm nhìn nghệ thuật vững chắc,” Isabelle Regnier, nhà phê bình điện ảnh của tạp chí Le Monde, nói. “Ông là một tay trùm người Pháp vô đối. Bạn có thể thích hoặc ghét Cité du Cinéma, nhưng đây là một điều thực sự ấn tượng,” bà nói. “Có một khía cạnh rất Mỹ trong thất bại lẫn thành công của ông và trong cách ông luôn bật lên lại.”

Cảnh trong phim Valerian and the City of a Thousand Planets

Valerian có lẽ không lấy được lòng giới phê bình Pháp, nhưng Besson có những tham vọng toàn cầu cho phim này. Ông nói ông muốn khán giả xem phim như một phép màu thoát ly thực tế. “Nếu người ta có thể quên hết mọi chuyện trong vòng hai tiếng đồng hồ, và sống một cuộc sống khác trong hai tiếng đồng hồ, với tôi vậy là hoàn hảo,” ông nói, quay lại văn phòng mình, ở đó bàn uống cà phê của ông chất đầy truyện tranh Valerian. “Tôi muốn người ta say với câu chuyện, hình ảnh. Tôi muốn người ta mất hết lý trí.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times