Nhân vật & Sự kiện

Tại sao Oscar cứ sa vào ảo tưởng hòa giải sắc tộc?

15/02/2019

Trong nhiều phim ‘câu’ Oscar, những tình bạn giữa hai sắc tộc đến kèm với một tờ séc, và theo chặng đường khai sáng của nhân vật da trắng.

Driving Miss Daisy là dạng phim chưa xem cũng biết. Mọi thứ ngay đó trên poster. Jessica Tandy da trắng đang cho Morgan Freeman da đen một cái nhìn nghiêm khắc, và trông ông có vẻ thích thú vì sự nghiêm khắc của bà. Hình ảnh họ thu gọn trong gương chiếu hậu, chỉ chiếm tầm 20% không gian. Còn lại là tên ba diễn viên, một dòng giới thiệu, tựa đề, danh sách đoàn phim bé tí, và khoảng trống trắng.

Hình ảnh gương chiếu hậu không được lấy từ phim nhưng là một cách thể hiện được vẻ ấm cúng của một cảnh phim, sự phiền toái mơ hồ của nước Mỹ theo phong cách Norman Rockwell. Sự ấm cúng của nó gợi lên một quá khứ đặc biệt. Nếu đã bao giờ bạn thấy cách quảng cáo Cream of Wheat hoặc một nhãn hiệu gạo bất kỳ, nếu bạn đã xem vài phim của Shirley Temple, bạn biết bà Daisy sẽ được lái đi như thế nào: rất vui lòng.

Về mặt poster phim, nó súc tích một cách thông minh. Nhưng bất cứ ai thiết kế nó biết sự súc tích là khả thi vì chúng ta sẽ biết cách viết tốc ký của một động thái sắc tộc vĩnh cửu. Tháng 12 năm ngooái, người viết đi xuống ga tàu điện ngầm và thấy biển quảng cáo Kevin Hart da đen cưỡi trên lưng xe lăn có gắn động cơ của Bryan Cranston da trắng. Họ đều cười sảng khoái. Và có lẽ họ phải thế. Phim của họ có tên là The Upside (tạm dịch: Mặt tốt). Vài tháng trước đó nữa, người viết đi uống cà phê thì thấy một biển quảng cáo dài, gợi cảm của Viggo Mortensen da trắng làm tài xế cho Mahershala Ali da đen trong một chiếc xe màu xanh bạc hà trong bộ phim tên là Green Book.

Trong Green Book, lấy bối cảnh đầu những năm 1960, Viggo Mortensen, trái, vào vai lái xe cho nghệ sĩ dương cầm do Mahershala Ali thủ vai

Không biết những phim này “nói về” cái gì không có nghĩa là chúng không nói rõ ràng về cái gì. Chúng là biểu tượng cho một phong cách kể chuyện kiểu Mỹ trong đó bánh xe của tình bạn khác sắc tộc được bôi trơn bằng công việc, trong đó tiếp xúc lâu dài với nửa đen của bộ đôi tăng thêm tính nhân văn của nửa trắng thường phân biệt chủng tộc. Tất cả sự lạc quan của tiến bộ chủng tộc — từ sự chia rẽ đến hội nhập đến bình đẳng đến một cái gì đó giống như tình bạn đồng hành thực sự — được quy định bởi các điều khoản dịch vụ. 30 năm cách biệt giữa Driving Miss Daisy với hai phim mới này, nhưng bao nhiêu năm đã trôi qua thực sự? Mối liên kết trong cả ba phim là giao dịch có điều kiện, và có được nhờ trung chuyển bằng tiền. The Upside có một nhà văn giàu có liệt tứ chi Phillip Lacasse (Cranston) thuê một cựu tù nhân Dell Scott (Hart) làm “phụ trợ cuộc sống”. Green Book đảo sắc tộc để một tay cơ bắp da trắng (Mortensen) lái xe đưa nghệ sĩ dương cầm da đen Don Shirley (Ali) tới các buổi biểu diễn quanh vùng Thâm Nam trong những năm 1960. Nó là “The Upside Down” (sự đảo ngược).

Những giao dịch trả tiền lấy bạn này là trò tiêu khiển thời hiện đại, khác với toàn bộ lịch sử văn hóa đại chúng chỉ đơn giản yêu cầu diễn viên da đen phục vụ diễn viên da trắng mà còn chẳng cần ảo ảnh về tình bạn. Nó chỉ thực sự khả thi ở một nước Mỹ sau hội nhập, khả thi sau khi Sidney Poitier khiến việc thành sao cho diễn viên da đen có thể khả thi một cách mơ hồ đối với các hãng phim da trắng, khả thi sau khi các điều chỉnh đạo đức và luật pháp chiến thắng do các phong trào dân quyền, khả thi sau những lời buộc tội chính trị nhắm tới thời đại quyền lực cho người da đen và phim khai thác hình ảnh người da đen khiến nhóm này thường xuyên vui đùa với nhau lần đầu tiên kể từ khi phim Hollywood được phát minh. Về căn bản, khả thi, chỉ trong thập kỷ 1980, sau khi các phong trào đã ít nhiều nguội đi để chủ nghĩa tư bản và gia trưởng da trắng giễu cợt tung hoành.

Trong The Upside, Kevin Hart vào vai cựu tù nhân được một nhà văn giàu có, liệt tứ chi (Bryan Cranston) thuê làm

Trên truyền hình trong thời kỳ này, những phim hài tình huống về các gia đình nhà giàu gia trắng thâu tóm các cậu bé da đen, trong Diff'rent Strokes, trong Webster. Trong Diff’rent Strokes, các cậu bé được nhận nuôi là các cậu con trai mồ côi gốc Harlem của cô hầu gái cho Phillip Drummond. Không những tiền được dùng để bôi trơn sự hội nhập sắc tộc; có lẽ nó còn được cho là để giảm nhẹ một lịch sử người da đen bị phân biệt và đàn áp.

Các phim hài tình huống là các thử nghiệm xã hội không chính thức, nhưng chúng là những quảng cáo nhẹ cho các lợi ích văn minh (và cách biệt) của sự giàu sang của người da trắng đối với cuộc đời người da đen. Cốt truyện của Trading Places, năm 1983, thực ra là một cuộc thử nghiệm, một thử nghiệm hăng hái, phức tạp, trong đó những tay nhà giàu ra trắng gài một Eddie Murphy kiết xác và gian xảo vào vụ cướp ngân hàng đáng xấu hổ của Dan Aykroyd. Âm mưu tạo ra một tình bạn không ngờ giữa bộ đôi bị lừa gạt đó và kết phim cả hai đều giàu có.

Nhưng chủ nghĩa gia trưởng kiểu bố giàu ấy là cách người sở hữu trí tưởng tượng hài kịch dữ dội nhất đất nước — Richard Pryor — đi từ thân phận một lao công tuyệt vọng tới một người mua vui tại gia cho đứa con trai xấc xược của một doanh nhân thối nát (Jackie Gleason). Đến phục cái sự cùn đó. Bộ phim có tên The Toy, và nó cũng đồng thời ngu ngốc, ngông cuồng và gây sốc. Người viết còn nhỏ hơn nhân vật chính nhí trong phim (cậu là ‘Cậu chủ’ Eric Bates) khi xem, nhưng vẫn nhớ vẻ mặt hoảng hốt xấu hổ trên gương mặt của Pryor khi ông bị kẹt trong một thứ gọi là Bánh xe Kỳ diệu. Đó là một vẻ mặt không hề nguôi ngoai khi ông bị bắt mặc đồ nữ, đi giữa hội Ku Klux Klan và khiến Gleason cảm thấy hài lòng về thói phân biệt chủng tộc và việc nuôi dạy con tệ hại của ông ta.

Vẻ mặt hoảng hốt xấu hổ trên gương mặt của Richard Pryor khi ông bị kẹt trong một thứ gọi là Bánh xe Kỳ diệu trong bộ phim The Toy (1982)

Đây là những mối quan hệ đã tiếp tục quy định trong quá khứ, một quá khứ khi Poitier thường được chọn để biến những kẻ cuồng tín thành bạn thân. Quy tắc không cần phải được trá hình bằng ngày hôm qua. Những thỏa thuận này có thể nảy nở trong ngày nay. Nên có lẽ đó là sự thu hút đến phát hoảng của Driving Miss Daisy. Nó đi tới đó. Nó đi về thời đó. Và mọi người ủng hộ nó. Bộ phim ra mắt cuối 1989, thắng bốn giải Oscar (Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Hóa trang điểm xuất sắc nhất), được các lời nhận xét mê mẩn và kiếm một đống tiền. Lý do không có gì bí ẩn.

Bất cứ khi nào một người da trắng đến bất cứ đâu gần với việc giải cứu một người da đen Viện Hàn lâm sẵn sàng nói, “Giỏi lắm!”, dù đó là To Kill a Mockingbird, Mississippi Burning, The Blind Side hay The Help. Năm Driving Miss Daisy thắng những giải Oscar đó, Morgan Freeman cũng có một vai phụ trong phim chính kịch (Glory) đặt một vị tướng Liên minh da trắng làm trung tâm và có chỗ đứng kha khá trong đêm đó. (Denzel Washington thắng Oscar đầu tiên của anh cho vai một nô lệ trở thành lính Liên minh trong phim này.) Và Spike Lee thua giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất của Do the Right Thing, tuyệt tác về nỗi oán hận sắc tộc sôi sục ở Brooklyn. Người viết khi đó 14 tuổi, và không thể nào không thấy mâu thuẫn chính trị trong đêm đó. Driving Miss DaisyGlory được đặt bối cảnh quá khứ và mọi người yêu chúng đều có vẻ kẹt ở thời đó. Đón nhận hào hứng cho Miss Daisy có vẻ đúng đắn. Nhưng phim của Lee thuật lại một sự thật đen tối hơn — người Mỹ khác chủng tộc không thể hòa thuận với nhau.

Năm 1990, Driving Miss Daisy thắng giải Oscar Phim hay nhất. Morgan Freeman, phải, với Jessica Tandy và Ray McKinnon

Cũng bõ công nói, Lee đang đứng trước khả năng được thêm Oscar. Bộ phim BlacKkKlansman của ông nhận được 6 đề cử, Green Book 5, bản chất cũng bằng Driving Miss Daisy. Vậy để nói 2019 có thể lại là 1990 lần nữa. Nhưng xem xét tách biệt với cái gáo nước lạnh cho Do the Right Thing, Driving Miss Daisy có vận hành với sự trơn tru, uyển chuyển và có ý thức hơn con người tuổi thiếu niên của người viết muốn xem. Nó vẫn không phải là bộ phim hay nhất 1989. Nhưng nó có biết về thang bậc xã hội của miền Nam và sự tối thượng thang bậc này đặt vào tài sản.

Bộ phim biến mối quan hệ 25 năm giữa Daisy, một quý bà da trắng cao tuổi góa chồng gốc Do Thái từ Atlanta, và Hoke, người lái xe da đen cao tuổi góa vợ của bà, thành một thứ vừa tinh tế, khiêm tốn, trang nhã — một bức thư tình, một bó hoa nhỏ — và thành một chuyện éo le một cách thú vị. Daisy già cả kiêu hãnh định kiến nói bà không muốn được lái xe đi khắp nơi. Nhưng có thật vậy không? Hoke coi sự kiêu hãnh của bà như một bộ trang phục. Ông dò theo bà với xe mới của riêng bà cho đến khi bà chịu khuất phục và cho ông lái đưa bà đi chợ. Thứ xảy ra giữa họ có cảm giác quái dị một cách kỳ lạ: sự tra tấn và chịu đựng kiểu cách miền Nam.

Morgan Freeman, Denzel Washington, và Andre Braugher trong Glory (1989)

Bruce Beresford đạo diễn bộ phim và Alfred Uhry dựa nó trên vở kịch đoạt giải Pulitzer của ông, theo lời ông là dựa trên bà ông và tài xế riêng của bà, và nó có tô vẽ lên các biến động, các cuộc nổi dậy và sự bùng nổ của thời kỳ này. Nhưng nó không làm dịu phần lịch sử hun khói cho không khí khu vực và quốc gia. Gia tài của Daisy đến từ bông vải, và Hoke, với sự hòa nhã dã man, liên tục nhắc nhở bà rằng bà giàu. Khi bà nói mọi thứ đang thay đổi, ông nói với bà là không nhiều lắm đâu.

Tình yêu thuần khiết nảy nở, dĩ nhiên. Nhưng sai lầm cảm xúc có vẻ đến ở gần cuối phim khi Daisy nắm lấy tay Hoke và nói với ông. “Ông là người bạn tốt nhất của tôi,” bà nói run rẩy. Nhưng sự thừa nhận của bà không đến từ những lượt đón đưa tra tấn-chịu đựng của họ mà từ một cơn mất trí. Và trong một cảnh quay rộng, ông đứng trên bà, hơi cúi người, nửa ở ngoài, nửa vào trong, cảm động nhưng bối rối. Và trong dáng đứng của ông là cả một lịch sử của sự khó xử sắc tộc: ông phải để ý sự bình tĩnh của mình kể cả khi bà đang mất dần sự minh mẫn.

Một điều gây đau đầu với những phim này, kể cả làm tốt như Driving Miss Daisy, là chúng lãng mạn hóa nơi làm việc trong đó và coi những nhân vật da đen như cái xà beng lý tưởng cho những cái đầu khép kín và cuộc sống cách ly của người da trắng.

Từ trái qua, Spike Lee, Danny Aiello, Richard Edson và John Turturro trong Do the Right Thing, một phim không có cái kết trọn vẹn vì sự hằn thù quá tệ hại

Ai biết vì sao, trong The Upside, Phillip lại đi chọn Dell quê mùa, thiếu kỹ năng để đưa mình đi đây đi đó, thay ống thông và sống chung căn chung cư như lâu đài của ông. Nhưng đến khi phim hết, họ đang cùng nhau lướt dù lượn theo tiếng nhạc Aretha Franklin. Chúng ta được bảo đây là dựa trên một câu chuyện có thật. Không phải. Nó là phim làm lại từ một phim Pháp siêu ăn khách còn buồn nôn hơn — Les Intouchables — và phim đó đảm bảo dựa trên một câu chuyện có thật. The Upside có vẻ dựa trên một phim gia trưởng thời 80, Disorderlies, có nhóm Fat Boys đẩy xe của Ralph Bellamy yếu đuối quanh dinh thự của ông, hơn.

Sự hào phóng và bao dung của Phillip biến Dell từ sợ opera tới tò mò về opera tới nữ hoàng opera, khiến Dell có thể chi trả vận chuyển vợ cũ và con trai họ khỏi nhà liên bang, và cho phép Dell lấy chiếc xe xa hoa của ông chủ ra lái chơi dù ông có được ngồi ghế trước hay không. Và Dell cung cấp các màn giải trí (và thuốc) xoa dịu cảm giác cô độc và tự ý thức của Phillip. Nhưng đây cũng là phim cần Dell ăn trộm một trong những quyển sách cổ bản đầu của Phillip làm món quà bất ngờ cho cậu con trai xa cách, và không phải một tiểu thuyết Judith Krantz hay Sidney Sheldon đâu. Anh nẫng quyển Adventures of Huckleberry Finn (và để vươn tới nó, tay anh lướt qua một vài quyển Horatio Alger nữa). Phần lớn các cuộc phiêu lưu tình bạn da trắng-da đen này đã được Mark Twain kể từ trước. Một ai đó sẽ là Huck da trắng và một ai khác sẽ là người bạn đồng hành da đen ngốc nghếch thú vị, Jim. Bộ phim này chỉ trắng trợn hơn thôi.

Gregory Peck trong vai một luật sư da trắng bào chữa cho một người da đen (Brock Peters) trong To Kill a Mockingbird (1962)

Có một cách để xem sự đảo vai trong Green Book như là một sự nâng cấp. Qua công ty thu âm của mình, Don thuê một người gác hộp đêm da trắng tên Tony Vallelonga. (Đa số gọi anh là Tony Lip.) Ta không gặp Don cho tới 15 phút sau, vì bộ phim cần ta biết Tony là một gã ngọt ngào, cứng cỏi gốc Ý vứt đi ly cốc hoàn toàn còn tốt vì vợ anh cho người thợ sửa chữa da đen dùng để uống.

Đến thời điểm này, có thể bạn đã nghe về cảnh gà rán trong Green Book. Nó đến ở đầu chuyến đi của họ. Tony bị sốc khi phát hiện Don chưa bao giờ ăn gà rán. Có vẻ anh cũng chưa từng thấy ai ăn gà rán bao giờ. (“Ta làm gì với xương?”) Vậy, với mọi sự hồ hởi đon đả và thô thiển quá lố mà Mortensen có thể gợi nên, Tony bày cách ăn gà rán trong khi lái xe. Xét về hài kịch, nó rất lão luyện – có sự căng thẳng, trớ trêu và, khi xe dừng và giật lùi để lấy rác, có câu chốt khiến cả rạp cười bò. Nhưng tính hài chỉ phát huy nếu nghệ sĩ dương cầm kết hợp nhạc cổ điển-pop da đen là người ngoài hành tinh (và không phải kiểu Sun Ra). Bạn phải cười vì sao tên phân biệt chủng tộc này lại làm người da đen tốt hơn là lẽ ra người da đen này phải thế chứ?

Quinton Aaron trong vai cậu bé da đen không nhà bị chấn thương tâm lý trờ thành cầu thủ bóng chày nhờ sự giúp đỡ của một người phụ nữ quan tâm (Sandra Bullock, phải) trong The Blind Side (2009)

Bộ phim do Peter Farrelly đạo diễn và viết kịch bản, với Brian Curry và Nick con trai của Tony, giống Driving Miss Daisy một cách đáng ngờ, chỉ khác cùng giới, với Don là Daisy và Tony là Hoke. Hơn nữa, Miss Daisy cũng có một cảnh gà rán, một cảnh tinh tế, khi Hoke nói với bà rằng lửa trên chảo nướng quá to và bà xua ông đi. Khi ông ra khỏi bếp rồi, bà lén lút hằn học vặn cho nhỏ lửa. Như thể Farrelly xem cảnh đó và nghĩ nó cần một que thuốc nổ gây cười vậy.

Trước khi họ đi, một nhân vật da trắng từ công ty thu âm của Don đưa Tony một danh sách những nơi thân thiện với người da đen cho Don ở: The Green Book (Sách Xanh). Ý tưởng cho The Negro Motorist Green Book (tạm dịch: Sách Xanh Cho Người Lái Xe Da Đen) thuộc về Victor Hugo Green, một nhân viên bưu điện, giới thiệu nó năm 1936. Nó hướng dẫn người đi đường da đen tới những nơi bán xăng, đồ ăn, chỗ ở không gây căng thẳng ở miền Nam chia cắt. Câu chuyện về sự ra đời, truyền bá và cập nhật cuốn sách này là một câu chuyện đầy thú vị, sức sống, chua cay và căng thẳng về một mạng xã hội gây kinh ngạc, và đảm bảo cần một phim riêng. Nhưng trong khi đó, Tony cần một quyển Sách Xanh làm gì? Anh ta chính là Sách Xanh.

Viola Davis, Bryce Dallas Howard, Emma Stone, Ahna O'Reilly, và Anna Camp trong phim The Help (2011), nói về những người hầu da đen trong một gia đình da trắng

Dòng giới thiệu bộ phim nói “dựa trên một tình bạn có thật”. Nhưng bản chất giao dịch của nó khiến tình bạn trong phim ít thật hơn được quảng cáo. Vậy chính xác thì tiền làm gì? Các nhân vật da trắng — những người có màu da như thế và một người được cho là không hoàn toàn da đen, như Don hư cấu — là những người cô đơn trong những phim đổi tiền lấy bạn này.

Tiền rõ ràng là để hỗ trợ hợp pháp, nhưng nó cũng che đậy điều đầy tiềm năng về sắc tộc. Quan hệ hoàn toàn được tận dụng làm dịch vụ và bao quanh bởi chủ nghĩa tư bản và phỏng đoán nhảy vọt tuyệt hảo là, Tiền không quan trọng vì tôi thích làm việc cho bạn. Và nếu bạn là người phân biệt chủng tộc trong mối quan hệ này: tôi không thể tỏ ra tệ hại vì chúng ta là bạn rồi. Thế nên cái ôm Sandra Bullocks dành cho Yomi Perry, diễn viên vào vai giúp việc của cô, Maria, cuối phim Crash, vẫn là hành động đáng ngại duy nhất của thể loại này. Đó không phải tình bạn. Tình bạn là có qua có lại. Cái ôm đó là hành vi ăn tươi nuốt sống nhau.

Tiền mua cho Don một tài xế riêng, và, có vẻ là, một bài học về văn hóa dân gian của người da đen. (Little Richard? Anh chưa nghe anh ta chơi bao giờ.) Gia đình ngoài đời của Shirley đã phản đối cách thể hiện như vậy. Những lời khiếu nại của họ có nói anh không hề xa lánh người da đen hay văn hóa của họ. Kể cả không có những lời chê bai đó, bạn có thể cảm nhận đây là một ảo giác cực kỳ ngược đời ra sao: rằng sự tuyệt đối nằm ở việc một người da đen ẻo lả cần một người da trắng không chỉ bảo vệ và hầu hạ mình, mà còn cả yêu thương mình nữa. Kể cả khi người đó và gia đình và băng Mỹ gốc Ý của gã nói về Don và những người da đen khác là cà tím và than. Theo ước tính của phim, sự kỳ thị của họ dễ chịu hơn những người họ hàng miền Nam tục tĩu, thô kệch hơn vì sự kỳ thị của họ thường được nói bằng tiếng Ý. Và ít nhất Tony không bảo Don ăn bữa tối sang trọng của anh trong kho.

Tony (Viggo Mortensen) học được rằng anh thực sự quý người da đen. Và nhờ Tony, giờ cả Don Shirley (Mahershala Ali, phải) cũng học được điều đó

Mahershala Ali thể hiện sự cô độc và quạu quọ của Shirley, nhưng bộ phim quả quyết rằng ăn tối với những gã kỳ thị còn hơn ăn tối một mình. Tiền mua cho Don sự an toàn tương đối, tình bạn, phương tiện vận chuyển và một trường học biết đi về người da đen. Cái mà tiền không mua được cho anh là cốt truyện cho bộ phim của riêng anh. Nó không cho phép anh phơi bày chất nghệ sĩ độc đáo, mơ màng của mình. Nó không thể giải thoát anh khỏi một bộ phim đặt anh vào ghế của bà Daisy, nhưng đối xử với anh còn tệ hơn với Hoke. Anh đúng nghĩa là hành khách trên chuyến đi của một người da trắng. Tony học được rằng anh thực sự quý người da đen. Và nhờ Tony, giờ cả Don cũng học được điều đó.

Gần đây, phiên bản da đen của những mối quan hệ khác sắc tộc thường đi về hướng ngược lại. Trong phiên bản da đen, chẳng hạn, họ không vì tiền hay công việc nhưng vì việc trở thành người da đen thực thụ về mặt cảm xúc, tâm lý, giữa những người da trắng. Ở đây, sự gần gũi với tính chất da trắng là độc hại, là mối nguy, sự đe dọa. Đó là lực đẩy của vở kịch Slave Play của Jeremy O. Harris, trong đó di sản chấn động của cuộc sống đồn điền tiêm nhiễm nửa da đen trong mối quan hệ khác sắc tộc của phim. Đó là một ví dụ rõ rệt, thông minh. Nhưng hiếm tác phẩm nào của các nghệ sĩ da đen mà ngừoi viết xem trong năm ngoái — không phải vở kịch Fairview không kém phần bạo dạn, không phải Sorry to Bother You của Boots Riley, không phải Blindspotting, có Daveed Diggs đồng biên kịch và đóng chính, không phải If Beale Street Could Talk của Barry Jenkins hay Black Panther của Ryan Coogler — nhấn mạnh sự suôn sẻ và niềm vui của tình bạn khác sắc tộc và chắc chắn không phải qua việc làm. Tính lành mạnh của những liên kết này nói nhẹ nhất là mập mờ.

Trong BlacKkKlansman của Spike Lee, John David Washington, trái, vào vai một cảnh sát thâm nhập Ku Klux Klan, với trợ giúp của một sĩ quan Do Thái (Adam Driver)

Năm 1989, Lee gần như một mình là tiếng nói của sự thật sắc tộc da đen. Tính thực dụng khó chịu của ông giờ có bè bạn và tại Giải thưởng Viện Hàn lâm, nó cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Ông giúp đặt mầm mống cho môi trường để các nghệ sĩ da đen có thể xem xét sự bất bình về sắc tộc. Nhưng nhiều người chúng ta vẫn cần cảm giác hài lòng ảo tưởng về sắc tộc mà những phim như The UpsideGreen Book đang trưng ra. Người viết đã xem Green Book với những người xem trả tiền mua vé, và nó khiến họ cười ầm như bất cứ phim hài Farrelly nào. Kết phim nó đưa ra là một thứ thuốc nghiện Lee chẳng bao giờ rao bán. Đoạn băng vụ nổi loạn Charlottesville ông đưa vào phần kết của BlacKkKlansman có thể chôn vùi bộ phim điên dại, có bản chất hài hước gắn liền với nó, trong dung nham. Lee biết quá khứ quá rõ để không lơi lỏng với hiện tại. Những ngọn núi lửa ở nước Mỹ chưa bao giờ ngưng hoạt động.

Việc Viện Hàn lâm tôn vinh Lee ở giai đoạn này trong sự nghiệp của ông (đây là đề cử đạo diễn xuất sắc nhất đầu tiên của ông) cho thấy họ đã đồng thuận với thứ làm ông khó chịu. Dĩ nhiên, BlacKkKlansman nói về sự độc ác không nhầm lẫn đi đâu được của đảng KKK trong những năm 1970. Nhưng điều đặt Lee lên bản đồ 30 năm trước là việc ông không sợ hãi chỉ ra sự cố chấp phổ quát giữa đời thường trong bất cứ giây phút nào, như của Daisy và Tony. Do the Right Thing có thời tiết nóng như đổ lửa, và trong cái nóng gần như ai cũng có vấn đề với người khác. Tiệm pizza của Sal (Danny Aiello) dần trở thành ngôi nhà của sự thù ghét. Dần dà người giao hàng của Sal, Mookie (do Lee thủ vai), phát động một cuộc hỗn chiến khi ném một thùng rác qua cửa sổ. Anh vừa phải chịu đựng cuộc nói chuyện với Pino (John Turturro), gã con trai phân biệt chủng tộc của Sal, vừa nói với Mookie rằng người da đen “còn hơn cả đen”.

Sal (Danny Aiello, phải) có thể trả tiền cho Mookie (Spike Lee)giao pizza tới chừng nào cũng được. Nhưng ông ta không thể trả đủ tiền để anh làm bạn ông

Kết thúc viên mãn là bất khả thi vì hằn thù quá tệ hại, quá nặng tính lịch sử Mỹ. Lee đã vẽ nên một môi trường xã hội đối lập với môi trường mà The Upside, Green BookDriving Miss Daisy tin. Trong một trong những cảnh cuối, sau khi tiệm của Sal bị phá, Mookie vẫn đòi được trả tiền. Cho đến ngày nay, nhìn Sal ném từng tờ tiền vo tròn vào Mookie, vẫn khiến người viết sốc. Anh bị xúc phạm đến điếng người. Mookie không nhúc nhích. Họ ở một thế bí hà khắc, phản lãng mạn. Người Mỹ đã được nuôi dưỡng những ảo tưởng hòa giải giữa các sắc tộc. Tại sao Mookie và Sal không thể làm bạn được? Câu trả lời quá dài và quá thô. Sal có thể trả tiền cho Mookie giao pizza tới chừng nào cũng được. Nhưng ông ta không thể trả đủ tiền để anh làm bạn ông.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times