Tin tức

15 phim sinh lời nhất mọi thời đại

02/04/2011

Một phim sinh lời không chỉ thành công ở phòng vé.

Ví dụ, Toy Story 3 là bộ phim đạt doanh thu cao nhất của năm 2010 tính tới nay, với hơn 600 triệu USD toàn cầu. Song, kinh phí của phim đã là 200 triệu USD, đồng nghĩa với việc phim chỉ đạt doanh thu gấp ba lần số vốn đầu tư. Kể cả ông lớn Titanic, phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, cũng chỉ đạt tỷ lệ hoàn vốn đầu tư 900%.

Sau đây là 15 phim sinh lời nhất mọi thời đại, dựa theo doanh thu phòng vé toàn cầu. Những phim này liên tục kiếm được tiền, và cùng với một số phim bom tấn đã biết, còn có nhiều phim chẳng biết từ đâu ra và khiến mọi người kinh ngạc với kết quả tại phòng vé.

Dưới đây, theo thứ tự, là những phim sinh lời nhất mọi thời đại.

15. The Lord of the Rings: The Return of the King (2003)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1008%
Kinh phí: 111 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 1,1 tỉ USD

Bộ ba phim The Lord of the Rings là một canh bạc khổng lồ. Cả ba phim được quay cùng lúc để kịp tiến độ mỗi năm một phim. Nếu Fellowship of the Ring năm 2001 không thành công, hãng này có lẽ sẽ mắc kẹt với hai phim gần xong phải hoàn thành, quảng bá và phát hành, và thiệt hại có thể rất khủng khiếp.

May thay, không có gì phải lo cả. Fellowship of the Ring đã thành công vang dội, và theo sau đó là The Two Towers năm 2002. Tuy vậy, phần cuối cùng của bộ ba phim, The Return of the King, mới là phim thu lợi nhuận nhiều nhất trong cả ba, đem về hơn 1,1 tỉ USD, gấp hơn 10 lần kinh phí bỏ ra. Phim còn được chú ý khi đoạt giải ở mọi hạng mục được đề cử của Giải thưởng Viện hàn lâm, lập kỷ lục ngang với TitanicBen-Hur.

14. Mrs. Doubtfire (1993)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1160%
Kinh phí: 38 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 441 triệu USD

Giả dạng nữ giới luôn là đề tài của những phim thành công trong nhiều năm. Nhưng trong khi Some Like it Hot được giới phê bình đánh giá cao và Tootsie tự hào về kịch bản chất lượng và diễn viên nghiêm túc nhập vai, thì Mrs. Doubtfire của Robin Williams lại thành công về mặt thương mại hơn cả.

Kể từ khi ra mắt năm 1993, bộ phim thu về hơn 441 triệu USD, gấp gần 12 lần vốn đầu tư. Không tệ với một phim mà giọng nói buồn cười và bộ ngực giả bắt lửa gây cười nhiều nhất.

13. There’s Something About Mary (1998)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1194%
Kinh phí: 31 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 370 triệu USD

There’s Something About Mary thât sự "bội thu" về doanh thu. Phim hài của anh em nhà Farrelly năm 1998 về thất tình và giành lại tình yêu có cái gì đó khiến mọi người khó chịu, từ những trò đùa về chất lỏng trong cơ thể đến việc cười nhạo những kẻ ngốc nghếch.

Bộ phim thô tục đến nỗi nhiều khả năng khiến khán giả ghét cay ghét đắng vì những trò đùa vô học. Thế mà phim lại thật sự hài hước, và thông tin truyền miệng đã giúp bộ phim thu về gần 370 triệu USD, gấp gần 12 lần kinh phí.

12. The Hangover (2009)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1297%
Kinh phí: 36 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 467 triệu USD

The Hangover nói về buổi tiệc của những anh chàng độc thân trở nên vô cùng, vô cùng điên loạn. Ra mắt vào mùa hè năm 2009, phim hài này dự định chỉ là bước đệm vui nhộn cho các phim bom tấn như Terminator SalvationX-Men Origins: Wolverine, do đó chỉ được thực hiện với kinh phí khiêm tốn.

Cả hai phim bom tấn đều hòa vốn, nhưng kinh phí khổng lồ khiến chúng không thể đem về nhiều lời nhuận. Trái lại, The Hangover, lại bất ngờ trở thành bom tấn mùa hè đó, thu về hơn 467 triệu USD và gấp gần 13 lần số vốn đầu tư 35 triệu USD.

11. Jaws (1975)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1308%
Kinh phí: 36 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 471 triệu USD

Trước năm 1975, Steven Spielberg đã đạo diễn bốn phim, không phim nào trong số đó thực sự đáng nhớ. Tuy nhiên, bộ phim thứ năm của ông, Jaws, khiến ông trở thành người hầu như ai cũng biết. Bộ phim khiến khán giả khiếp vía với hình ảnh sự thống trị kinh hoàng của con cá mập và đó là nguyên nhân khiến nhiều bãi biển vắng lặng hơn cả sự cố tràn dầu trên vịnh Mexico của BP.

Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Peter Benchley, Jaws có kinh phí khá thấp và những đợt hỏng hóc liên tiếp của con cá mập máy buộc Spielberg không cho nó xuất hiện trước máy quay trong phần lớn thời lượng phim. Điều này dẫn đến sự căng thẳng tột độ đã khiến phim vẫn còn nổi tiếng và cao trào ở cuối phim, khi chúng ta thấy con cá mập đáng sợ nhất. Tiếng lành về bộ phim kinh dị mới nhanh chóng đồn xa, và đến nay phim đã đạt hơn 470 triệu USD, hơn 13 lần số vốn.

10. Ghost (1990)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1446%
Kinh phí: 35 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 506 triệu USD

Ghost (1990) với Patrick Swayze trong vai một chàng trai trẻ sống chung với Demi Moore, người có niềm đam mê dành cho đồ gốm. Khi anh bị giết trong một vụ cướp, hồn ma của anh được một bà đồng (Whoopi Goldberg đóng) giúp đỡ để tìm ra lý do mình bị giết.

Phim được thực hiện với kinh phí khiêm tốn, nhưng trung tâm của chuyện tình để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, những người xem đi xem lại bộ phim nhiều lần. Bộ phim trở thành phim có doanh thu cao nhất năm 1990, và mang về gần 506 triệu USD, gấp hơn 14 lần kinh phí.

9. Home Alone (1990)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1590%
Kinh phí 30 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu 477 triệu USD

Cũng như hầu hết các phim trong danh sách, bộ phim khiến Macaulay Culkin nổi tiếng không hề được mong đợi sẽ trở thành bom tấn. Nhưng chính xác là Home Alone đã làm được điều đó, và ngày nay vẫn còn trụ vững vị trí phim hài người đóng đem lại doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Mỹ trong sách kỷ lục Guinness.

Bộ phim xoay quanh một cậu bé tám tuổi tình cờ bị bỏ ở nhà một mình, trong khi gia đình cậu bay đến Pháp du lịch. Hai tên trộm ngớ ngẩn đe dọa nhân vật của Culkin nhưng cậu bé luôn đánh lừa được chúng bằng một loạt những chiếc bẫy vụng về làm ta nhớ tới những chiếc bẫy đã cản đường Wile E. Coyote. Khán giả không thể cưỡng lại những mưu kế nhằm chống lại tội phạm của cậu nhóc tinh quái tóc nâu nhạt, và họ khiến phim ngập trong số doanh thu phòng vé gần 477 triệu USD, gần gấp 16 lần kinh phí làm phim.

8. The Passion of the Christ (2004)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1749%
Kinh phí: 35 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 612 triệu USD

Sau khi Mel Gibson đã chán diễn xuất, anh trở thành một đạo diễn đáng chú ý. Từng đoạt giải Oscar cho Braveheart năm 1995, anh quyết định đứng sau máy quay một lần nữa cho một dự án gần gũi với tâm hồn mình, câu chuyện về 12 tiếng cuối cùng trong cuộc đời Chúa Jesus.

The Passion of the Christ ra mắt năm 2004, đối diện với nhiều tranh cãi, từ lý lẽ của phía chống Do Thái đến những lời chỉ trích về những biển máu trong phim. Tuy nhiên, phim đánh vào tâm lý của cộng đồng khán giả Thiên Chúa giáo chưa được khai thác, kết hợp với những ai ưa tò mò để đem lại cho phim gần 612 triệu USD. Bộ phim, là phim không nói tiếng Anh thu lợi nhiều nhất mọi thời đại, đem về doanh thu gấp hơn 17 lần kinh phí.

7. American Beauty (1999)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1780%
Kinh phí: 20 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 356 triệu USD

Như nhiều phim trong danh sách này, American Beauty là thành công bất ngờ. Một phim tập trung vào các nhân vật nhằm châm biếm lối sống của giới trung lưu, mở đầu với Kevin Spacey và Annette Benning trong vai một cặp vợ chồng không hạnh phúc đang khổ sở với cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Không phải thể loại phim bán được nhiều vé.

Khi ra mắt năm 1999, phim nhận nhận được sự đồng lòng ca ngợi của giới phê bình, và đoạt nhiều giải Oscar, trong đó có Nam diễn viên xuất sắc nhất, Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Tất cả đều góp phần hỗ trợ kết quả doanh thu phòng vé, và đến nay phim đã thu về hơn 356 triệu USD, gấp gần 18 lần kinh phí.

6. Star Wars (1977)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1938%
Kinh phí: 40 triệu USD (ngân sách đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 775 triệu USD

Trong hơn 30 năm, cụm từ Star Wars đồng nghĩa với hàng dài khán giả bên ngoài rạp trải qua nhiều khu nhà, đầy ắp những người sưu tập bộ truyện và game thủ hóa trang thành Boba Fett. Song, phần đầu của loạt phim này gặp rắc rối ngay từ bước đầu tiên. Hầu hết các hãng phim lớn đều bỏ qua phim này, nhưng cuối cùng 20th Century Fox đã nhận lấy và, không hy vọng gì nhiều, chỉ cho phim số kinh phí khiêm tốn.

Các phần còn lại, như người ta thường nói, là lịch sử. Doanh thu toàn cầu của phim đến nay hơn 775 triệu USD, gấp hơn 19 lần kinh phí. Và đương nhiên, khỏi phải bàn về đế chế đồ chơi, truyện tranh và áo thun mà phim đã sản sinh, cùng với hai phần sau và ba phần trước, tất cả đều tiếp tục hái ra tiền đến tận bây giờ.

5. Grease (1978)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 1975%
Kinh phí: 20 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 394 triệu USD

Phim ca nhạc Grease năm 1978 dựa theo vở kịch cùng tên năm 1971. Với sự tham gia của John Travolta và Olivia Newton-John, cả hai đều là sao tại thời điểm đó, và hãng phim có lý do để tin rằng họ sẽ nhận lại được kha khá từ món tiền đầu tư nhỏ nhoi của mình.

Kết quả cuối cùng còn hơn cả kha khá. Phim được người hâm mộ yêu thích trên toàn thế giới, và nhạc phim trở thành bản nhạc thường trực của các phòng karaoke đêm có phục vụ rượu khắp mọi nơi, bất cứ khi nào có hai người muốn cùng nhau hát Summer Lovin’. Tóm lại, phim thu về gần 395 triệu USD, gấp gần 20 lần số vốn đầu tư.

4. Pretty Woman (1990)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 2013%
Kinh phí: 23 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 463 triệu USD

Pretty Woman năm 1990 là câu chuyện thú vị về một doanh nhân giàu có (Richard Gere đóng), thuê một gái điếm làm bạn gái trong các sự kiện kinh doanh và xã hội khác nhau. Cô gái điếm (Julia Roberts), được học phép xã giao và phép lịch sự trên bàn ăn, trong khi cô dạy cho nhân vật của Gere làm thế nào để tìm được bản chất tốt ở anh.

Phim không được giới phê bình đánh giá cao lắm, nhưng khán giả không quan tâm. Họ thích bộ phim và mối tình lãng mạn giữa Gere và Roberts. Ngày nay phim vẫn được coi là phim hài lãng mạn kinh điển, và vị thế vẫn tiếp diễn của phim với vai trò phim ưa thích của khán giả đã giúp phim mang về 463 triệu USD, gấp hơn 20 lần so với kinh phí.

3. Slumdog Millionaire (2008)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 2520%
Kinh phí: 15 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 378 triệu USD

Mới nhìn qua thì Slumdog Millionaire rõ ràng không có yếu tố gì là một phim đặc biệt đem lại lợi nhuận. Xét cho cùng, chủ đề một đứa trẻ đường phố ở Bombay trở nên nổi tiếng nhờ là thí sinh của một trò chơi truyền hình cũng không chứng tỏ được "thành công phòng vé khổng lồ". Thực ra, Warner Bros. hoài nghi về tiềm năng thương mại của phim đến nỗi từng cân nhắc sẽ không cho phim ra rạp, mà phát hành thẳng DVD.

Song, phim trình chiếu tại Liên hoan phim Telluride năm 2008 và nhận được sự chú ý mạnh mẽ từ những người tham dự liên hoan phim. Phim được phát hành tại Mỹ, đoạt tám giải thưởng Viện hàn lâm, trong đó có Phim xuất sắc nhất, và con đường doanh thu khổng lồ rộng mở. Rốt cuộc, phim thu về 378 triệu USD trên số kinh phí 15 triệu USD, gấp hơn 25 lần.

2. E.T. the Extra-Terrestrial (1982)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 3172%
Kinh phí: 25 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 793 triệu USD

Steven Spielberg đã là đạo diễn thành công khi ông thực hiện E.T. the Extra-Terrestrial. Ông đã thực hiện Jaws, Close Encounters of the Third KindRaiders of the Lost Ark, một lý lịch ấn tượng gần như đảm bảo lượng khán giả cố định cho bất kỳ phim nào ông làm. Nhưng thay vì dùng nguồn vốn vô hạn để thực hiện một bộ phim đắt tiền về thiên văn, ông lại quay một phim kinh phí khá thấp nói về một cậu bé và người bạn ngoài hành tinh đáng yêu của cậu.

Phim vượt xa mong đợi. Phim thu hút mọi đối tượng khán giả nhưng đặc biệt được trẻ em yêu thích, những khán giả cứ xem phim hết lần này đến lần khác tới khi phim bị bàn tay lạnh lùng, vô cảm của các rạp đã chiếu phim suốt hàng tháng trời đóng sập cửa. Doanh thu gần 793 triệu USD của phim gấp gần 32 lần vốn đầu tư, nhưng không chỉ các nhà làm phim mới thu lợi - công ty Hershey đã lời 65% nhờ quảng cáo kẹo Reese's Pieces trong phim.

1. My Big Fat Greek Wedding (2002)

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: 6150%
Kinh phí: 6 triệu USD (đã điều chỉnh theo lạm phát)
Doanh thu: 369 triệu USD

My Big Fat Greek Wedding năm 2002 là phim hài lãng mạn nội dung rằng khi phụ nữ yêu thì bạn trai của các cô đau khổ. Câu chuyện về mối quan hệ giữa một phụ nữ Mỹ gốc Hy Lạp với người đàn ông không phải người Hy Lạp và bất đồng văn hóa giữa hai người được thực hiện với kinh phí thấp và phát hành giới hạn. Nhưng doanh thu của phim tăng từ từ và đều đặn, và theo thời gian phim dần trở nên nổi tiếng, làm hài lòng khán giả, vượt xa mong đợi.

Bất chấp vai trò là một phim độc lập nhỏ bé, và bất chấp việc không bao giờ đứng ở vị trí đầu bảng phòng vé, phim vẫn tiếp tục và thu về gần 369 triệu USD, một tỷ lệ hoàn vốn gây sửng sốt, khó tin, gấp hơn 61 lần số vốn đầu tư. Vì lẽ đó, My Big Fat Greek Wedding là phim sinh lời nhất mọi thời đại.


Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CNBC