Tin tức

2018 nhìn lại: Tốp 10 phim Trung Quốc hay nhất

11/01/2019

Tổng doanh thu của tất cả các phim được chiếu ở Trung Quốc năm 2018 đạt mốc mong đợi từ lâu 60 tỉ nhân dân tệ (8,72 tỉ USD) vào ngày cuối cùng của năm; đồng thời, một phim nghệ thuật được giới phê bình đánh giá cao Long Day’s Journey Into Night mở màn để nâng thể loại phim đặc biệt này lên tầm cao chưa từng có tiền lệ.

Có rất nhiều câu chuyện về thị trường phim lớn thứ hai thế giới năm 2018, và có nhiều bằng chứng cho thấy khán giả ở Trung Quốc đang chú ý đến chất lượng thực sự hơn là các yếu tố được thổi phồng thông thường như marketing, ngân sách hay dàn diễn viên siêu sao nổi tiếng.

Dưới đây là mười lựa chọn hàng đầu của khán giả Trung Quốc trong năm qua — những bộ phim này được coi là đại diện cho những màn trình diễn hay nhất của các nhà làm phim Trung Quốc năm 2018.

10. Hidden Man

Hidden Man của Khương Văn bạo lực, căng thẳng, kỳ lạ, lãng mạn và gợi cảm. Dựa trên các nhân vật chính và cốt truyện trong tiểu thuyết của Trương Bắc Hải, liên quan đến việc trả thù của một gián điệp giữa sự lãng mạn và nhiều âm mưu khác nhau trong bối cảnh Bắc Kinh năm 1937, khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Bộ phim khác rất nhiều so với tiểu thuyết gốc và là một tác phẩm chuyển thể ngông cuồng độc đáo, giàu trí tưởng tượng với quan điểm và tính cách của Khương Văn. Bạn có thể liên tục cảm thấy niềm đam mê của Khương Văn bùng cháy trong mê cung phức tạp và đan xen mà anh ráp nối trong lúc tung ra những ám chỉ lịch sử dí dỏm để mê hoặc các nhà phân tích và sử gia.

9. Ash Is Purest White

Giả Chương Kha thăm lại các chủ đề quen thuộc với cái nhìn đồng cảm trong bộ phim tình yêu tội phạm băng đảng Ash Is Purest White, theo chân một cặp tình nhân một thời qua biến đổi lớn của Trung Quốc hiện đại. Câu chuyện kể về một người phụ nữ bị kết án năm năm tù vì bảo vệ bạn trai là trùm xã hội đen trong một cuộc chiến băng đảng, chỉ để nhận được sự phản bội và sống chật vật sau khi ra tù. Đây thực sự là một câu chuyện tình lãng mạn hoài niệm trải dài từ năm 2001 đến năm 2018 với các nhân vật phức tạp và bối cảnh thị trấn nhỏ thường lệ của Giả Chương Kha, trong khi sử dụng các bài hát cũ và cảnh phim theo phong cách tài liệu để ghi lại và quan sát xã hội Trung Quốc đang thay đổi hơn bao giờ hết.

8. Long Day’s Journey Into Night

Sau khi ra mắt tác phẩm đạo diễn đầu tay được giới phê bình khen ngợi Kaili Blues, đạo diễn 29 tuổi Tất Cống đã xoay xở có được ngân sách lớn hơn để nâng cấp giấc mơ nghệ thuật của mình thành một hành trình bí ẩn và đầy chất thơ. Với sự tham gia của Thang Duy, Hoàng Giác, Trương Ngãi Gia và Lý Hồng Kỳ, bộ phim nói về ký ức và tình yêu bằng một khắc họa hiện thực kỳ diệu, theo chân một người đàn ông trở về quê nhà ở Quý Châu 12 năm sau khi người bạn thân của anh bị giết, để bắt đầu tìm kiếm một người phụ nữ có thể là người yêu của kẻ giết người vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Cảnh quay dài gần một giờ, gần như siêu thực, hoàn toàn ở định dạng 3D trong nửa sau của bộ phim. Đó là một thử nghiệm hình ảnh táo bạo và một phương pháp cách tân để tạo ra trải nghiệm đáng nhớ, đồng thời là cách tiếp cận cần thiết để giúp khán giả hiểu và đắm chìm trong tầm nhìn của vị đạo diễn trẻ và thế giới như mơ độc đáo của anh.

7. Wrath Of Silence

Là một đạo diễn trẻ đầy hy vọng, Hãn Ngọc Khôn trình bày tác phẩm đạo diễn thứ hai của mình, Wrath of Silence, với tông màu tối sau thành công của The Coffin in the Mountain. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện đời thực về ngành khai thác mỏ ở Bao Đầu, Nội Mông, bộ phim ly kỳ tội phạm đan xen số phận của ba con người dường như không liên quan từ ba tầng lớp xã hội: một luật sư, chủ mỏ và một dân làng câm lặng, với nhiều thắt nút và khúc ngoặt hồi hộp đi sâu vào sự phức tạp của nhân tính và cuộc đấu tranh của những người thuộc tầng lớp thấp hơn ở Trung Quốc.

6. Ala Changso

Bộ phim tâm lý của Sonthar Gyal Ala Changso kể câu chuyện một người phụ nữ, giấu bệnh tật và bí mật giữa cô với chồng cũ, quyết định đi hành hương đến Lhasa. Tựa đề “Ala Changso” nhắc đến một bài hát dân gian Tây Tạng có nghĩa là “chúc mừng và uống rượu ngon này”. Bộ phim thể hiện phong cảnh ngoạn mục và văn hóa của khu vực Tây Tạng và cuộc sống của người dân nơi đây. Thay vì những nỗ lực làm phim cố gắng đưa ra những quan điểm kỳ lạ hoặc giống như phim tài liệu về Tây Tạng, Sonthar Gyal chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ giữa các cá nhân, khám phá tương tác hàng ngày, cảm xúc và triết lý sống chết của người Tây Tạng.

5. Shadow

Bậc thầy điện ảnh Trương Nghệ Mưu trở lại với một kiệt tác mới — sử thi Shadow sử dụng một viễn cảnh độc đáo để kể câu chuyện được xây dựng xung quanh một người thế thân, lấy bối cảnh thời Tam Quốc (220-280) ở Trung Quốc. Trương Nghệ Mưu sử dụng nghệ thuật quay phim ấn tượng để mô phỏng tranh thủy mặc, đồng thời sử dụng nhiều yếu tố Trung Quốc khác, khiến Shadow trở thành một bộ phim đặc sắc Trung Quốc. Diễn viên hàng đầu, Đặng Siêu, được truyền cảm hứng để vượt qua các giới hạn trước đây của anh và rất xuất sắc trên màn ảnh khi đóng hai vai trong phim — một võ quan và nhân vật cái bóng của vị võ quan này — bằng cách tăng cân 10 kg rồi nhanh chóng giảm 20 kg. Shadow đẹp sững sờ này khá tàn nhẫn, đen tối và lạnh lẽo, xen lẫn âm mưu chính trị và tình yêu tuyệt vọng mà Trương Nghệ Mưu luôn thích thể hiện trong các bộ phim của ông.

4. Project Gutenberg

Project Gutenberg của Trang Văn Cường mang đến sự tiên phong cho một chủ đề mà ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc trước giờ chưa dám chạm tới — tội làm tiền giả. Trang Văn Cường, bộ não thiên tài đằng sau bộ ba Vô gian đạo, đã làm ra bộ phim tội phạm này với những hướng dẫn và biểu diễn rất tinh tế và có vẻ hết sức thực về cách làm tiền giả, mặc dù vị đạo diễn cho biết các tờ bạc giả mà họ tạo ra có kích thước khác so với tiền thật và tất cả đã bị hủy sau khi quay xong phim. Tuy nhiên, Project Gutenberg không phải là về việc làm tiền giả, mà là câu chuyện kết cấu thông minh về việc một con người chiến đấu với ma quỷ bên trong mình. Các siêu sao Hồng Kông Quách Phú Thành và Châu Nhuận Phát thể hiện một trong những màn trình diễn hay nhất sự nghiệp của họ, gợi lên trong khán giả cảm giác hoài niệm những bộ phim kinh điển của Hồng Kông.

3. Einstein and Einstein

Einstein and Einstein của Tào Bảo Bình là một tụng ca tuổi trẻ, nhưng tàn nhẫn. Năm năm sau khi được quay, bộ phim tâm lý gia đình này mới có cơ hội phát hành rộng vào năm 2018, mang đến cái nhìn thoáng qua các vấn đề xã hội và quan hệ gia đình Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề nuôi dạy con cái. Bộ phim phản ánh các vấn đề thế hệ đang tồn tại làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trẻ. Bộ phim vẫn cộng hưởng với nhiều gia đình ngày nay dù đã chờ đợi nhiều năm mới được phát hành, vượt ra ngoài thể loại tuổi mới lớn truyền thống và trở thành một tác phẩm có lẽ sẽ trở thành kinh điển.

2. Operation Red Sea

Thật kỳ lạ khi một bộ phim bom tấn đề tài quân sự, và thậm chí là bạo lực loại R ra mắt trong mùa phim tết; tuy nhiên, Operation Red Sea đã thành công và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm và là một trong những phim lớn nhất lịch sử. Là phim về hải quân hiện đại đầu tiên của Trung Quốc, Operation Red Sea dựa trên vụ di tản của 225 công dân nước ngoài và gần 600 công dân Trung Quốc từ cảng Aden phía nam Yemen trong cuộc Nội chiến Yemen 2015. Do Lâm Siêu Hiền đạo diễn và có sự tham gia của Trương Dịch, Hoàng Cảnh Du, Hải Thanh, Đỗ Giang và Prince Mak, tiếp tục theo phong cách tương tự Operation Mekong. Tuy nhiên, lý do khiến nó đặc biệt không liên quan đến mức độ bạo lực và thú vị của các cảnh hành động, cũng không liên quan đến cách nó khơi dậy niềm tự hào và lòng yêu nước; mà đúng hơn, đó là bởi vì bộ phim được làm theo cách mà tất cả những bộ phim chiến tranh hay nhất đã được làm: khiến mọi người hiểu chiến tranh tàn khốc và đẫm máu như thế nào và khiến họ suy ngẫm về sự vô ích của xung đột và nhu cầu hòa bình.

1. Dying To Survive

Dying to Survive của đạo diễn mới Văn Mục Dã là một phép màu. Không chỉ là một chiến thắng về mặt phê bình và thành công lớn về doanh thu phòng vé, đây còn là một bộ phim hiện thực có sức mạnh nghệ thuật để cuối cùng kích hoạt một số thay đổi chính sách xã hội và chính phủ Trung Quốc. Nó nắm bắt câu chuyện có thật phản ánh sự cải cách và tiến bộ y tế của Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ 21, sử dụng hài hước đen tối để miêu tả cuộc đấu tranh sinh tồn của các bệnh nhân ung thư máu, nhờ một người buôn lậu các loại thuốc rẻ tiền từ Ấn Độ vào Trung Quốc. Sau khi bộ phim lấy nước mắt này ra rạp, chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách mới và đẩy nhanh quá trình giúp giảm giá thuốc nhập khẩu và mang lại cho bệnh nhân nhiều hy vọng sống sót trong một tương lai hứa hẹn hơn.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn