Tin tức

9 phim hay nhất đưa người xem đến Hồng Kông

03/03/2022

Paris lãng mạn còn New York có cảnh quan nhà chọc trời. Hồng Kông có đau khổ, bí ẩn — và Lý Tiểu Long, Thành Long và vô số phim hành động và tội phạm phong cách, dành riêng cho từng địa điểm, có sức ảnh hưởng lớn. Lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh và cuộc sống thực đều đóng một vai trò trong đó.

Lý Tiểu Long đã thúc đẩy niềm yêu thích lâu năm đối với những màn võ thuật làm hài lòng đám đông trong số các nhà sản xuất của thành phố này — cho đến khi, vào những năm 1980, tỷ lệ tội phạm tăng đột biến đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Hồng Kông làm những bộ phim ly kỳ về thế giới ngầm vượt qua cả Hollywood.

Nhưng còn có những phim Hồng Kông khác. Chẳng hạn những câu chuyện tình ngất ngây đầy màu sắc do đạo diễn Vương Gia Vệ thực hiện, nhà làm phim đã lớn lên ở thành phố này khi theo cha mẹ từ Thượng Hải lưu lạc sang đây do Cách mạng Văn hóa. Các phim của ông cho nhân vật vươn lên thế này thế khác, phù hợp với một nơi có quá khứ gắn bó với cả Anh và Trung Quốc Đại lục, và luôn là một cuộc đối đáp qua lại với nước Mỹ.

In the Mood for Love / Tâm trạng khi yêu (2000)

Trước bạo lực, là lãng mạn — kiểu phải thế. Thực tế là một trong những phim hay nhất của điện ảnh hiện đại. Vương Gia Vệ đã tiếp tục mạch sầu muộn kéo dài và đáng yêu từ các nhân vật trong ngụ ngôn Hồng Kông trước đó của ông, Days of Being Wild. Giờ đây, giữa những bàn mạt chược và quán mì trong một năm 1962 oi ả, một nhà báo và một cô thư ký nhận ra vợ/chồng họ đang ngoại tình và đến với nhau vì sự đau khổ của cả hai. Việc chọn Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc — đều sinh ra ở Hồng Kông — là một thành công về sự ăn ý. Và bộ phim có một bí mật. Vào thời điểm được làm năm 2000, Hồng Kông mà bộ phim miêu tả (và gợi lên một cách tuyệt vời) đã thay đổi hoàn toàn đến nỗi Vương Gia Vệ quay hầu hết ngoại cảnh ở Bangkok. Như rất nhiều thứ trên đời, hiếm khi phim ảnh trông thế nào thì đúng như vậy.

Police Story / Câu chuyện cảnh sát (1985)

Trương Mạn Ngọc cũng đóng vai chính trong Câu chuyện cảnh sát, một điểm mốc rất khác của Hồng Kông — giới thiệu tài năng tuyệt vời của ngôi sao hành động Thành Long. Bộ phim là một chuỗi các pha nguy hiểm kinh hoàng liên quan đến xe buýt hai tầng và những mảnh kính vỡ bất tận, vừa là xuất phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh địa phương vừa là thước phim nhanh về Hồng Kông. Phim mở ra giữa những khu ổ chuột trên sườn đồi nằm rải rác trên hòn đảo những năm 1980 — và kết thúc bằng một cái kết mãn nhãn, ngoạn mục tại Wing On Plaza ở Tiêm Sa Chủy khu Cửu Long.

Enter the Dragon / Long tranh hổ đấu (1973)

Lần xuất hiện cuối cùng trên màn bạc của siêu sao Hồng Kông Lý Tiểu Long. Bộ phim cuối cùng của anh trước khi qua đời bi thảm ở tuổi 32, Long tranh hổ đấu đã có ảnh hưởng rộng lớn đến mọi thứ, từ phim bom tấn hành động đến anime — pha trộn hấp dẫn giữa vũ đạo võ thuật, phim gián điệp và phim ly kỳ thế giới ngầm, được xây dựng dựa trên sức hút kỳ lạ của ngôi sao Lý Tiểu Long. Cũng quan trọng trong bối cảnh này, bộ phim là bức tranh toàn cảnh về thành phố và hòn đảo Hồng Kông. (Nội cảnh được quay tại hãng phim Gia Hòa / Goldest Harvest ở Cửu Long, viên ngọc quý đã biến mất của lịch sử Hồng Kông, từng là một phim trường đủ lớn để sánh ngang với Hollywood.)

Chungking Express / Trùng Khánh Sâm Lâm (1994)

Ngôi sao Canto Faye Wong trong Chungking Express của Wong Kar Wai [Ảnh: Pictorial Press/Alamy]

Tội phạm và đam mê thể hiện trong khắc họa xúc động của Vương Gia Vệ về hai cảnh sát Hồng Kông, đều thất tình sau khi bị người yêu chia tay. Bộ phim cũng dựa trên quan điểm cá nhân của đạo diễn. Một nửa phim gắn liền với Chungking Mansions ở Tiêm Sa Chủy, khu phức hợp đa năng gần nơi Vương Gia Vệ lớn lên, có những hắc điếm từng là điểm nhấn của cuộc sống về đêm ở Hồng Kông. Nửa còn lại được đặt theo tên của quầy bán đồ ăn ở một trung tâm khiêm tốn có tên là Midnight Express, gần căn hộ nhân vật cảnh sát thứ hai của Vương sống, và cảnh Central-Mid Levels Escalator đầy sao mê hoặc, nơi này mới mở cửa một năm trước khi bộ phim ra mắt vào năm 1994. (Căn hộ thực ra là nhà của nhà quay phim lâu năm Christopher Doyle của Vương Gia Vệ; trong suốt thời gian quay, ông phải ngủ trên sàn nhà.)

City on Fire / Long hổ phong vân (1987)

Long hổ phong vân của Lâm Lĩnh Đông ảnh hưởng đến tác phẩm đầu tay của Quentin Tarantino

Bạn có thể thấy mình đang xem Hồng Kông của Long hổ phong vân và nghĩ tới Los Angeles. Có thể là do sự giống nhau được nhiều người ghi nhận giữa phim tội phạm đầy bản sắc của đạo diễn Lâm Lĩnh Đông với Reservoir Dogs, màn ra mắt của Quentin Tarantino, vốn là lòng tôn kính mến mộ dành cho bộ phim Hồng Kông này. Nhưng phim của Lâm không chỉ là câu chuyện về một cảnh sát chìm giữa băng nhóm xã hội đen tàn bạo ở khu Cửu Long hỗn loạn, ngập ánh đèn neon những năm 1980. Mà còn xuất phát từ thực tế — ngòi nổ của câu chuyện (rồi truyền cảm hứng cho Tarantino) là bản tin về cuộc chạy trốn thoát khỏi tay cảnh sát của một băng trộm kim hoàn ở Hồng Kông.

The House of 72 Tenants / 72 khách trọ (1973)

Bom tấn phòng vé lớn ở Hồng Kông, The House of 72 Tenants lại không thành công như vậy ở thị trường quốc tế

Một số trường phái điện ảnh Hồng Kông đã được săn đón ở phương Tây. Số khác nhận được sự nổi tiếng khủng ngay ở Hồng Kông nhưng khiến người ngoài bối rối. Chẳng hạn 72 khách trọ — bộ phim hài hào hoa, náo nhiệt lấy bối cảnh trong một khu chung cư tồi tàn đã phá kỷ lục phòng vé khi ra mắt năm 1973. Như mọi thứ trên đời, thị hiếu địa phương không phải lúc nào cũng giống với thị trường quốc tế.

A Better Tomorrow / Bản sắc anh hùng (1986)

Trong Bản sắc anh hùng của Ngô Vũ Sâm, nam diễn viên chính Châu Nhuận Phát làm bật lên thời trang trenchcoat và kính mát

Đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã thu hút rất nhiều người hâm mộ nhờ những bộ phim hành động ly kỳ siêu phong cách — thuật ngữ “đạn ballet” — không thể tránh khỏi việc ông đến Hollywood. Hành trình đó bắt đầu với Bản sắc anh hùng, bộ phim xã hội đen đỉnh cao sử dụng thành thạo Hồng Kông làm địa điểm đầy tâm trạng, diễn ra trong không gian công nghiệp tồi tàn ở Thổ Qua Loan và những con phố nhà cao tầng ở trung tâm. Đồng phục kính râm và trenchcoat của nam chính Châu Nhuận Phát thậm chí còn trở thành cơn sốt thời trang trong giới trẻ Hồng Kông khi bộ phim ra mắt vào năm 1986.

Rouge / Yên chi khâu (1987)

Yên chi khâu nằm đâu đó giữa Hồng Kông của những năm 1930 và 1980

Trước khi Vương Gia Vệ đưa Trùng Khánh Sâm Lâm đến với thế giới, đạo diễn Quan Cẩm Bằng đã thực hiện một câu chuyện xa hoa về Hồng Kông qua hai thời đại, với hai cặp tình nhân và hai tầm nhìn rất khác nhau về thành phố. Chuyển thể từ tiểu thuyết của Lý Bích Hoa, khung thời gian là những năm 1930 và 1987. Phần đầu chứng kiến mối tình lãng mạn đầy cam go giữa một cô gái điếm và một tay ăn chơi trong thế giới của những quán trà và tiệm thuốc phiện. Phần thứ hai gây xúc động bởi dư âm siêu nhiên từ nửa thế kỷ trước, một câu chuyện ma diễn ra ở một thành phố hiếm khi sẵn sàng sẵn sàng lãng quên quá khứ.

Infernal Affairs / Vô gian đạo (2002)

Martin Scorsese làm lại Vô gian đạo thành The Departed

Để kết thúc, một phim dường như ghi lại rất nhiều điều về điện ảnh Hồng Kông: câu chuyện tội phạm rối rắm có sóng ngầm kịch tính, không thể hình dung ở bất kỳ đâu khác nhưng đủ phổ biến với khán giả toàn cầu. (Cuối cùng đã được Martin Scorsese làm lại với tên The Departed, không hay bằng bản gốc, dù thắng giải Oscar.) Giữa những âm mưu, bản thân Hồng Kông đã trở thành một vai phụ quan trọng ở cả hai bên Vịnh Cửu Long, cho vai chính lên tầng thượng của Văn phòng Chính phủ Mũi Bắc — cao hơn tất cả những bi kịch bất tận của những con phố bên dưới.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Financial Times