Tin tức

Các nhà sản xuất Đài Loan cố gắng mở rộng ra ngoài thị trường nội địa

26/01/2011

Đài Loan là miền đất chứng tỏ năng lực của Thái Minh Lượng. Phim của ông, từ tác phẩm đoạt giải Sư tử vàng năm 1994 Vive L’Amour đến bộ phim bế mạc Liên hoan phim Cannes năm 2010 Visage, đã giúp cho nền điện ảnh của hòn đảo xấp xỉ 23 triệu người này được cả thế giới biết đến, cho dù doanh thu phòng vé thu về không cao.

Phim Vive L’amour

Nhưng không phải tất cả mọi người dân Đài Loan đều có thể trở thành "đạo diễn". Các nhà sản xuất lưu tâm tới mục tiêu thương mại hiện nay đang cố gắng phát triển ra ngoài thị trường nội địa, nơi mà tổng doanh thu phòng vé các bộ phim trong nước chỉ đạt 2 triệu đôla trong năm 2009.

Các nhà sản xuất phim ở Đài Bắc than vãn rằng hầu hết khán giả trong nước đều trẻ tuổi và hầu như đều tìm đến những câu chuyện lãng mạn thịnh hành trên màn ảnh rộng hay những bộ phim bom tấn Hollywood chiếm phần lớn trong số 82 triệu đôla tổng doanh thu từ các phim nước ngoài được mua về năm ngoái.

Đỉnh cao của phòng vé Đài Loan là vào năm 1996, khi số lượng vé bán ra lên đến 104 triệu đôla. Từ đó đến nay, các nhà sản xuất Đài Loan phải nỗ lực quảng bá mạnh hơn bình thường để các đạo diễn của họ được chú ý đến.

Năm nay tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 23 và thị trường phim TIFFCOM nằm trong khuôn khổ liên hoan phim, những nỗ lực của Đài Loan có thể được đền đáp vì sự xuất hiện rầm rộ của các nhà làm phim Đài Loan ở hạng mục dành riêng cho các tác phẩm mới của hòn đảo tự trị này.

Hạng mục với cái tên tạm dịch là "Sự phục hưng của điện ảnh Đài Loan: Làn gió mới từ thế hệ đang lên" đã trình chiếu sáu bộ phim rất khác nhau – từ phim tâm lý xã hội đen về thập niên 1980 Monga (Báng-kah) của đạo diễn Nữu Thừa Trạch, với hai diễn viên chính Nguyễn Kinh Thiên và Triệu Hựu Đình đến bộ phim được công chiếu thế giới tại đây Juliets, một tuyển tập những câu chuyện được dựng lại từ nhân vật của Shakespear do các đạo diễn Hầu Quý Nhiên (Juliet’s Choice), Trầm Khả Thượng (Two Juliets) và Trần Ngọc Huân (One More Juliet) thực hiện.

Phim Juliets

Cũng được trình chiếu trong hạng mục do Hiệp hội điện ảnh Đài Bắc, Phòng thông tin chính phủ Đài Loan và Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn Hoá Đài Bắc ở Nhật Bản phối hợp tổ chức là bộ phim tình cảm trẻ trung của đạo diễn Tiêu Nhã Toàn với tựa đề Taipei Exchanges, được Lưu Úy Nhiên, nhà sản xuất đến từ công ty phân phối và sản xuất phim Atom Cinema giới thiệu.

“Có hy vọng” cho thế hệ mới, nhà sản xuất Lưu đã nói với The Hollywood Reporter trong cuộc phỏng vấn gần đây. “Đang có ngày càng nhiều các đạo diễn trẻ Đài Loan muốn được giao lưu với khán giả bên ngoài hòn đảo này, đặc biệt là khán giả đại lục.”

Cùng với MongaTaipei Exchanges, The Fourth Portrait, bộ phim tâm lý của đạo diễn Chung Mạnh Hoành nói về một cậu bé 10 tuổi vẽ tranh để đi tìm chính bản thân mình, đã được đề cử cho hạng mục Phim Châu Á - Trung Đông trong liên hoan phim này. Cũng nhận được đề cử này là bộ phim khiêu dâm rùng rợn với chủ đề nhiếp ảnh có tên Zoom Hunting của đạo diễn Trác Lập, và bộ phim tài liệu nói về nhà làm phim Đài Loan Lý Bình Tân có tựa đề Let The Wind Carry Me của các đạo diễn Quan Bản Lương, Khương Tú Quỳnh.

Phim Let The Wind Carry Me

Đối với Tokyo Project Gathering, diễn đàn của thị trường phim TIFFCOM nhằm hỗ trợ những tài năng mới và 28 dự án phim đang được tiến hành, đạo diễn Đài Loan Lâm Hiếu Khiêm đã đem đến The Dog Wanted, do Chu Bing sản xuất, tác phẩm của một người yêu chó lấy cảm hứng từ tư liệu về những trường hợp ngược đãi động vật ở Đài Loan năm 2009. Cũng tham gia vào diễn đàn lần này là Pinky Time, phim nói về một vụ ăn cắp ô tô của đạo diễn Đài Loan Sean Chen và nhà sản xuất Chen Wei.

Về phía người mua tại thị trường phim, các công ty truyền hình Đài Loan như The Chinese Television System Culture Enterprise Corp., Joint Entertainment International, Sanlih E-Television and TVOnline International Multimedia sẽ tìm kiếm các tác phẩm điện ảnh ở thị trường này.

Sau khi chứng tỏ rằng sản phẩm của Đài Loan có thể tiêu thụ được ở nước ngoài, công ty có trụ sở tại Đài Loan Double Edge Entertainment gần đây đã bán bộ phim đa thể loại mang hơi hướng cao bồi Thích Lăng (The Treasure Hunter), bộ phim có Châu Kiệt Luân và Lâm Chí Linh (Xích Bích) vào vai chính đã được công chiếu vào tháng 12/2009 cho nhà phân phối phim châu Á độc lập Eleven Arts ở Los Angeles, Mỹ.

Phim Thích Lăng

Thế nhưng, trở lại cuộc chiến sinh tồn tại phòng vé ở Đài Loan, Monga là một ngoại lệ về mặt thương mại, chứ không phải là phim tiêu biểu cho tình trạng của ngành điện ảnh nơi đây. Đạo diễn trẻ Lâm Thư Vũ lo ngại rằng, dưới áp lực thương mại đang ngày càng tăng, anh và các đạo diễn cùng thời có thể sẽ mất đi cơ hội rèn luyện những kỹ năng của mình.

“Nếu chúng tôi ra đời, làm một hai bộ phim và cả hai đều có doanh thu ảm đạm, thì đó sẽ là dấu chấm hết. Ở Đài Loan, bạn không có cơ hội thứ ba đâu,” Lâm Thư Vũ, người đang cố gắng tìm một hướng đi mới, đã nói. “Nền điện ảnh Đài Loan và ngành nghề của chúng tôi nhìn chung có thể tách biệt hẳn ra.”

“Sắp tới sẽ là một cuộc chiến khó khăn, nhưng tôi vẫn lạc quan vì có nhiều đạo diễn trẻ Đài Loan đang cố gắng phát triển vượt ra ngoài biên giới của hòn đảo này,” đạo diễn của phim Starry Starry Night, một dự án đang được phát triển, đã nói.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà làm phim – đa số là các nghệ sĩ đối với vấn đề này – có thể mới chỉ cho biết một phần sự thật khi nói họ không quan tâm đến việc hướng tới các khán giả trong nước đầu tiên, trước khi tạo được ảnh hưởng ở nước ngoài.

Trong vòng ba năm qua, điện ảnh Đài Loan với những chủ đề về Đài Loan đã thể hiện được sức bật của mình. Mũi đất số 7 (Cape No. 7), câu chuyện về một ban nhạc đang gặp khó khăn ở nơi tỉnh lẻ miền nam hòn đảo, rồi đến Monga, đã chứng minh được rằng khán giả nước nhà sẽ vẫn luôn ủng hộ các tác phẩm nội địa.

Phim Mũi đất số 7

Mũi đất số 7 của Nguỵ Đức Thánh đã thu về 16,7 triệu đôla trong năm 2008 còn Monga thu về 9,8 triệu đôla trong năm nay.

“Bộ phim đình đám tiếp theo ở Đài Loan sẽ có những đặc điểm mà hai bộ phim trên cùng có – yếu tố Đài Loan,” là lời của nhà sản xuất Hoàng Lê Minh từ công ty Rice Film ở Đài Bắc. “Mũi đất số 7 đã thu hút được một lượng lớn các khán giả lớn tuổi luôn hoài niệm về Đài Loan trước đây và Monga thì thành công về mặt thương mại vì bộ phim nói về thành phố cảng nơi cập bến của những tên xã hội đen và gái mại dâm đến từ Trung Quốc.”

Đáng chú ý là không có bộ phim Đài Loan nào có tên trong hạng mục cạnh tranh chính tại liên hoan phim lần này, với giải thưởng Sakura Grand Prix trị giá 50.000 đôla, năm ngoái giải thưởng này đã thuộc về bộ phim Eastern Plays của đạo diễn Kamen Kalev người Bulgari. Trong khi đó, có hai bộ phim tham gia tranh giải Sakura đến từ đại lục, nơi mà chính phủ ở Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần thuộc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Để giới thiệu điện ảnh Đài Loan tới các vị khách mời tại thị trường phim TIFFCOM, đạo diễn phim Monga Nữu Thừa Trạch đã nhận câu hỏi từ khán giả trong một sự kiện đặc biệt chúc mừng điện ảnh Đài Loan với hy vọng sẽ nâng được vị thế của nền điện ảnh này trong giới kinh doanh quốc tế.

Phim Monga

Ông Hoàng cho biết “yếu tố Đài Loan” quả thực đã khiến các nhà phân phối Hollywood vốn chỉ quan tâm đến việc đưa sản phẩm của họ vào các rạp chiếu ở những địa bàn quen thuộc “dành một phần chú ý đến phim Đài Loan”.

Nhà làm phim – bình luận phim kỳ cựu Tiêu Hùng Bình, một trong những người tạo động lực thúc đẩy nền điện ảnh Đài Loan hiện đại trong suốt 30 năm, cho biết chỉ cần có một nền công nghiệp trong nước vững vàng thì điện ảnh Đài Loan sẽ có khả năng thu hút được sự chú ý thực sự về mặt thương mại từ thị trường quốc tế.

“Khán giả Đài Loan đang cần những phim nội địa mà họ có thể gặp được sự đồng điệu,” Tiêu Hùng Bình phát biểu với báo The Hollywood Reporter vào tháng 5 vừa rồi. “Những thành công gần đây cho chúng ta thấy khi khán giả cảm thấy đồng cảm sâu sắc với những câu chuyện thì họ sẽ ủng hộ bộ phim.”

Vậy nên, có vẻ như chính phủ cũng sẽ như thế. Phòng thông tin chính phủ Đài Loan thuộc Cục Quan hệ Điện ảnh đã hỗ trợ cho các nhà làm phim suốt từ năm 1989. Để khuyến khích các nhà làm phim thành công về mặt thương mại, những đạo diễn có phim thu về được hơn 633.000 đôla tại phòng vé trong nước đều sẽ được hưởng trợ cấp cho bộ phim sau. Sau thành công của Nguỵ Đức Thánh với Mũi đất số 7, ông đã nhận được 3,3 triệu đôla hỗ trợ cho dự án phim Seediq Bale, câu chuyện về những người Đài Loan đấu tranh bảo vệ bản sắc của mình trước quân xâm lược. Với một chủ đề như thế, bộ phim rất có thể sẽ lại tiếp thêm vào nguồn nhiên liệu cần thiết cho nền điện ảnh này.



Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter