Tin tức

Mười phim tuyệt nhất để bạn lên tinh thần trong thời buổi khó khăn

25/01/2011

Năm 1974, khi Metro-Goldwyn-Mayer phát hành That’s Entertainment, bản tổng hợp các khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời từ các phim của MGM trong thập niên 30, 40 và 50, bộ phim đã có câu giới thiệu đồng điệu với khán giả đang mệt mỏi với vụ nghe lén Watergate, lạm phát và những ngày cuối chiến tranh Việt Nam: “Giờ có cần không vậy!”

Trong thời cuộc khó khăn của chúng ta hiện nay, với tỷ lệ thất nghiệp cao, cục diện chính trị phân chia sâu sắc và hai cuộc chiến đang diễn ra, nhiều người cố gắng gỡ rối cho mùa lễ năm nay bằng phim ảnh và các thể loại giải trí tại nhà khác. Vì vậy, MarketWatch đã yêu cầu nhà phê bình phim Saul Austerlitz, tác giả của Another Fine Mess: A History of American Film Comedy (tạm dịch: Một mớ bừa bộn khác: Lịch sử Phim hài Mỹ) mang đến cho chúng ta 10 DVD phim giúp lên tinh thần.

Ý tưởng này không phải là nhằm tổng hợp danh sách các phim tập trung vào mùa lễ. Tháng 12 tới bạn sẽ được xem rất nhiều phim như vậy. Thay vào đó, ý tưởng ở đây là tìm ra những phim có thông điệp giúp bạn lên tinh thần, những phim rốt cuộc thể hiện chiến thắng của tinh thần nhân bản.

Austerlitz đưa ra danh sách những phim có thể thách thức nhận thức của bạn về “lên tinh thần”. Một vài phim trong số đó lâu rồi bạn chưa xem và vài phim là phim có thể bạn chưa bao giờ xem.

Nhưng cuối cùng, đảm bảo tất cả các phim này sẽ khiến bạn cảm thấy khá hơn trong lúc ta vẫn tiếp tục tìm lối thoát ra khỏi thời Đại suy thoái này:

1. Mr. Smith Goes To Washington (1939) của hãng Sony Pictures Home Entertainment

Mr. Smith Goes To Washington là chuyện về Jefferson Smith (James Stewart thủ vai), một nghị sĩ trẻ ngây thơ, đầy lý tưởng đấu tranh với nghị sĩ suy đồi Sen. Jospeh Paine (Claude Rains thủ vai).

2. It’s a Wonderful Life (1946), của hãng Paramount Home Entertainment, DVD (bản kỷ niệm 60 năm) và Blu-ray

Các phim của đạo diễn Frank Capra “có xu hướng, theo cách nào đó, bị lãng quên vì quá tình cảm hoặc phức tạp hơn thực chất,” Austerlitz nói. “Nhưng thứ làm cho tôi thấy chúng làm người ta lên tinh thần chính là mức độ đen tối.”

It’s a Wonderful Life có sự tham gia của Stewart trong vai Geogre Bailey, một người tốt khác, đã chán cuộc đời làm chủ tịch xưởng xây dựng-và-cho-mướn, cuối cùng tìm cách tự tử trước khi một thiên thần kỳ quặc nhưng dễ mến (Henry Travers thủ vai) cho ông thấy ông đã cống hiến nhiều đến mức nào cho thế giới.

“Trong hầu hết các phim ở đây, các nhân vật khá tuyệt vọng. Và nhận thức muộn màng rằng mọi chuyện có thể giải quyết, rằng có tia sáng cuối đường hầm, đã mang đến sự nhẹ nhõm. Nhưng cần phải có lúc đen tối để mang đến cảm xúc trào dâng vào khúc cuối,” Austerlitz giải thích.

Trong Mr. Smith, những cảnh đáng nhớ nhất là trong lúc Jefferson Smith bị cản trở liên tục – khi chuyện có vẻ như đã vô vọng – khi giọng nói của anh cuối cùng trở thành tiếng kêu thống thiết. Và dĩ nhiên, trong Wonderful Life, việc Geogre Bailey chìm sâu vào tuyệt vọng sau khi ông Potter lấy cắp tiền ngân hàng đã mang đến nhiều điểm xuyết sống động – Geogre la mắng vợ con, và cả giáo viên của con gái; bị người chồng đang thịnh nộ của cô giáo này đánh vào miệng không lâu sau khi anh cầu xin giúp đỡ, và nhiều nữa.

“Phim ảnh gầy dựng danh tiếng theo cách lạ thường, không tương ứng với chính chúng,” Austerlitz tiếp tục. “Thậm chí lúc các phim này ra mắt, vẫn có tư tưởng rằng Capra là nhà làm phim không triết lý sâu xa; họ gọi phim của ông là ‘CapraCorn'… và tôi nghĩ các phim này hay hơn thế nhiều chứ.”

Thú vị ở chỗ, Mr. Smith, dù có bối cảnh như thế, không phải là phim với góc nhìn chính khách, Austerlitz lưu ý. “Bạn thực sự không thể đóng mác phim là tự do hay bảo thủ.”


Mr. Smith


3. Not One Less (1999, phim Trung Quốc có phụ đề tiếng Anh) của hãng Sony Pictures Home Entertainment

Tại một làng quê cô lập ở Trung Quốc, một bé gái 13 tuổi phải lên làm giáo viên dạy thế, và khi một bé trai trong lớp mất tích, em dẫn đầu các học sinh còn lại lên đường tìm bạn không nao núng.

“Tôi muốn tiếp cận danh sách này từ góc nhìn rằng không phải các phim trong đây đều là phim Mỹ, hoặc đều quen thuộc với người xem. Và phim này gây ấn tượng với tôi vì có nét giống như phiên bản Trung Quốc cho một phim của Capra, theo nghĩa là cuối cùng cũng mang đến cho bạn cảm giác tích cực về cái thiện, hoặc khả năng tác động đến sự thay đổi – nhưng chỉ trong bối cảnh một thế giới quan tăm tối, vô vọng.”

Austerlitz cho biết ông hứng thú với sự thay đổi của cô gái trong phim, từ người hiếm khi chú ý đến học sinh trong lớp đến người gắn bó tâm hồn sâu sắc với đứa trẻ mất tích. “Phim nhận được nhiều bình luận khá tốt khi ra mắt, nhưng không cần dán chặt vào đầu người xem. Tôi nghĩ nhiều người quen thuộc với tác phẩm của [đạo diễn] Trương Nghệ Mưu, nhưng Not One Less không phải là một trong những phim đầu tiên người ta nghĩ đến khi cân nhắc sự nghiệp của ông. Tôi luôn lấy đó làm bất ngờ.”

4. Ratatouille (2007) của hãng Walt Disney Home Video

Chú chuột Remy (do Patton Oswalt lồng tiếng) quyết tâm trở thành đầu bếp nổi tiếng, dù có nhiều nguy hiểm. Austerlitz ghi nhận rằng phim hoạt hình này của Pixar vờn qua vờn lại hai mặt bản chất của các nhân vật chuột. “Một mặt Remy dễ thương dễ mến, còn mặt khác họ hàng của chú được miêu tả theo cách truyền thống hơn, ghê tởm và gớm guốc. Bộ phim đã đứng giữa hai góc nhìn này. Tôi nghĩ, một lần nữa, các phim của Pixar là tương đương phim của Capra thời nay, ở việc phim được nhắm đến lượng khán giả lớn nhất, mà vẫn có gì đó rất tinh tế.”

“Và Ratatouille là một phim tuyệt vời về cố gắng vượt qua mọi thứ, cống hiến mạnh mẽ, toàn tâm toàn ý cho một mục đích, mặc kệ người khác nói gì. Điều này gây ấn tượng với tôi, đặc biệt có sức lôi cuốn.”


Rattatouille


5. Norma Rae (1979) của hãng Twentieth Century Fox Home Entertainment (Twentieth Century Fox là một công ty con của News Corp. , sở hữu MarketWatch, tờ báo đăng bài viết này)

Tác phẩm chính kịch của đạo diễn Martin Ritt tập trung vào người công nhân làm việc ở xưởng bông Norma Rae (Sally Field thủ vai), cô quyết định thành lập công đoàn ờ cửa hàng của mình, gây ra khó khăn cả ở nơi làm việc lẫn ở nhà. “Đây là bộ phim mang tính chính trị rõ rệt nhất [được chọn],” Austerlitz nói. “Rõ ràng đây là loại phim tự do/cấp tiến, cho thấy tổ chức công đoàn sẽ tốt cho đời sống người Mỹ. Phim đã được mô phỏng cả triệu lần từ khi được sản xuất, và nhắc tôi nhớ bộ phim tiên phong về vấn đề này hay đến mức nào.”

“Tuy nhiên một lần nữa, bạn sẽ thấy việc lên tinh thần không dễ tí nào – phải đấu tranh gian khổ và giành chiến thắng gian nan.”

6. To Kill A Mockingbird (1962) của hãng Universal Studios Home Entertainment

Gregory Peck đóng vai Atticus Finch, một luật sự miền Nam đảm nhận việc bào chữa cho Tom Robinson, một người Mỹ gốc Phi (Brock Peters thủ vai), bị buộc oan tội hãm hiếp.

“Có những lúc thấy phim hơi đơn giản hóa – theo lời Malcolm Gladwell trong bài phê bình phim này mới đây trên tờ The New Yorker”, Austerlitz nói. Trong số phát hành vào tháng 8/2009 của tạp chí này, Gladwell lý luận rằng sách của Harper Lee, và cả phiên bản điện ảnh của tác phẩm này, thật sự thể hiện những người theo chủ nghĩa tự do ở miền nam như Atticus Finch không đặt hết tâm huyết vào công bằng thực sự cho người da đen, mà có góc nhìn trung dung, muốn thay đổi tâm trí và tình cảm, như vậy thì không nhận thức được là phải tiến hành những thay đổi luật pháp mang tính căn bản – hợp nhất, luật chống kỳ thị, vân vân. Những người khác thì nói Tom Robinson không được tác giả phát triển toàn diện như các nhân vật khác trong truyện.”

Dù vậy, với Austerlitz, ”phẩm cách phóng khoáng, mệt mỏi của Gregory Peck tạo cảm giác vậy là đủ để vượt qua di sản chế độ nô lệ kinh khiếp và Jim Crow.”

7. Going My Way (1944) của hãng Universal Studios Home Entertainment

Một thầy tu ca hát (Bing Crosby thủ vai) giúp cứu vãn một xứ đạo gặp khó khăn trong phim hài đã mang về sáu giải Oscar năm 1944 này, gồm giải Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Leo McCarey), Kịch bản xuất sắc nhất (Frank Butler và Frank Cavett) và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Barry Fitzgerald).

“Một trong những thứ tôi nhớ về phim này là phim vui hơn tôi từng tưởng… Và phim thể hiện khía cạnh này của Thiên chúa giáo, và đặc biệt là linh mục, theo cách vui vẻ rộn ràng. Phim không theo lề lối nghiêm ngặt. Hơn nữa, phim còn thể hiện nhiều vấn nạn xã hội và cá nhân – nhiều hơn những gì tôi mong đợi từ một phim làm năm 1944.”


Một cảnh trong phim năm 1944 Going My Way có (từ trái qua) Bing Crosby, Gene Lockhart và Barry Fitzgerald


8. Happy-Go-Lucky (2008) của hãng Miramax Home Video

Cô giáo vui vẻ Poppy (Sally Hawkins thủ vai) bị một người hướng dẫn lái xe theo chủ nghĩa hoài nghi bi quan thử thách tinh thần lạc quan của mình. Austerlitz ngưỡng mộ khả năng nương theo, chứ không gục ngã, của nhân vật chính khi bị khó khăn của cuộc đời đe dọa. “Việc có vẻ như ngu ngơ thiếu khả năng hiểu các thứ trên đời này tồi tệ thế nào lại trở thành một quan điểm người hùng mà cô theo đuổi.”

9. The Miracle Worker (1962) của hãng MGM Home Entertainment

Đây là phiên bản điện ảnh của vở kịch nổi tiếng trên sân khấu Broadway về cô gái mù và điếc Helen Keller (Patty Duke thủ vai), rốt cục cũng được cô Annie Sullivan (Anne Bancroft thủ vai) dạy cho có thể giao tiếp. “Phim này là một lựa chọn rõ ràng – một phim mọi người đều biết và yêu mến. Và với việc [đạo diễn] Arthur Penn vừa mất, phim hiện ra trong đầu tôi. Với những ai chưa từng xem, rất đáng để xem qua.”

“Một lần nữa, cao trào bị lùi lại, vì phần nhiều phim phục vụ cho ý tưởng rằng không thể chạm tới Hellen Keller, rằng cô không thể nào hiểu… mãi đến khi cô cảm nhận được nước, và dấu hiệu đặt vào lòng bàn tay mình, rồi nhận thức được cái này có nghĩa là cái kia.”


The Miracle Worker


10. Chuỗi phim Up: 7 Up (1964), 7 Plus Seven (1970), 21 Up (1977), 28 Up (1984), 35 Up (1991), 42 Up (1998), 49 Up (2005) của hãng First Run Features

Chuỗi phim tài liệu Anh Quốc này ghi lại cuộc sống của các bé trai bé gái, bắt đầu lúc các em bảy tuổi, và quay lại với các em bảy năm một lần. Khởi đầu với phim thứ hai, 7 Plus Seven, đạo diễn Michael Apted đã dõi theo nhóm các em này.

“Trong những phim này chắc chắn có nét tăm tối. Vài nhân vật trở thành chính xác như những gì chúng tôi đã mong đợi; những đứa trẻ con nhà giàu trở nên giàu có còn những đứa trẻ trung lưu thì vẫn vậy. Các em còn lại thay đổi hoàn toàn đáng ngạc nhiên, có nhiều bước ngoặt và ngã rẽ. Nên từ phim này đến phim kia, mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ. Tôi thấy đặc biệt xúc động ở việc phim là tấm gương phản chiếu việc con người ta là sản phẩm của hoàn cảnh như thế nào, nhưng cũng có khả năng vượt qua, hay thay đổi hoàn cảnh. Và bạn đã thấy được bằng chứng sống trong các phim này.”

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Market Watch