Tin tức

Đài Loan nâng cao vị thế tại Filmart

02/04/2011

Với sự hiện diện đầy nghiêm túc của gian hàng riêng, hàng loạt những bữa tiệc và sự kiện cùng một danh sách những nhân vật hạng A trong ngành, Đài Loan có vị thế đặc biệt cao trong Filmart Hồng Kông lần này và họ rất muốn dùng liên hoan làm nền để quảng bá cho ngành điện ảnh đang trên đà hồi sinh của mình.

Đài Loan, nơi đã sản sinh cho thế giới những đạo diễn xuất chúng như Hầu Hiếu Hiền, cố đạo diễn Dương Đức Xương và tất nhiên là, Lý An, đã trải qua một giai đoạn khó khăn khi sự trỗi dậy của thị trường Trung Quốc đại lục dẫn tới sự xuống dốc của điện ảnh Đài Loan.

Tuy nhiên hai năm gần đây đã chứng kiến một sự khởi sắc.

“Đài Loan cách đây hai năm là một thời điểm rất khó khăn cho ngành điện ảnh. Từ con số 200 phim một năm đã tụt xuống chỉ còn 20,” nhà sản xuất Đài Loan Từ Lập Công, một trong những nhân vật đứng đầu trong ngành, người đã đem Lý An đến với thế giới với việc hỗ trợ hai bộ phim Hỷ yếnNgọa hổ tàng long. Nhà sản xuất Từ vừa cộng tác cùng công ty điện ảnh và truyền hình Thái Hợp của Trung Quốc đại lục trong việc đồng sản xuất Joyful Reunion, phần tiếp theo được mong đợi từ lâu của Eat Drink Man Woman (Ẩm thực nam nữ), hiện đang được quay tại Đài Bắc và Hàng Châu phía đông Trung Quốc.

Nhà sản xuất Đài Loan Từ Lập Công

Ông cho rằng: “Năm nay chúng ta đang chứng kiến những người hùng nổi lên. Chúng ta cần phải hiểu những yếu tố chung được khán giả toàn cầu chào đón.”

Một trong những người hùng mà ông đề cập tới là Ngụy Đức Thánh, bộ phim năm 2008 Cap No.7 (Mũi đất số 7) của anh đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự quay trở lại của điện ảnh Đài Loan.

Cape, bộ phim mô tả về chuyện tình lãng mạn giữa một giáo viên Nhật Bản và một cô gái Đài Loan trong thập niên 1940 khi hòn đảo này bị Nhật Bản chiếm đóng, thu về hơn 17 triệu USD doanh thu phòng vé và là bộ phim có doanh thu cao thứ ba của Đài Loan.

Giờ đây mọi người đều đang theo dõi dự án mới nhất của anh để xem điều gì sẽ xảy ra.

Seedid Bale khắc họa sự kiện Vụ Xã, một cuộc nổi dậy năm 1930 của các chiến sĩ tộc Tái Đức Khắc địa phương chống lại quân Nhật Bản khi Đài Loan bị chiếm đóng.

Với ngân sách sản xuất 24 triệu USD (700 triệu Đài tệ), đây là dự án phim có ngân sách lớn nhất trong lịch sử Đài Loan. Được dự tính sẽ phát hành vào tháng 9, bộ phim do Ngô Vũ Sâm sản xuất và nữ diễn viên Đài Loan Từ Nhược Tuyên góp mặt trong dàn diễn viên chính. Theo kế hoạch bộ phim dài 4,5 giờ này sẽ được chiếu thành hai phim ở Đài Loan và Hồng Kông.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Filmart đạo diễn Ngụy phát biểu: “Đây là tác phẩm lớn nhất trong lịch sử Đài Loan. Rất nhiều người đang đợi xem sự đón nhận dành cho bộ phim. Rất nhiều người phụ thuộc vào bộ phim này.”

“Các nhà làm phim Đài Loan đang cố gắng thực hiện những bộ phim có quy mô lớn hơn. Điều chúng tôi học được là chúng tôi có thể thu về nhiều tiền hơn khi làm nhiều phim thương mại hơn.”

“Mấu chốt là phải tập trung vào thành công tại Đài Loan trước, như một nền tảng và sau đó phát triển xa hơn.” – đạo diễn Ngụy cho biết.

Cape No.7 – bộ phim mở đầu cho thời kỳ khởi sắc của điện ảnh Đài Loan

Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã cạnh tranh dữ dội kể từ khi chia cách sau cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949, khi lực lượng thất trận Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch tháo chạy tới hòn đảo này. Tuy nhiên dưới thời chủ tịch Mã Anh Cửu, những mối quan hệ đã tiến triển thần kỳ trong những năm gần đây và điều này cũng dẫn tới những tiến bộ lớn trong ngành điện ảnh qua eo biển Đài Loan. Giờ đây rất nhiều ngôi sao Đài Loan là những gương mặt thường gặp trong các bộ phim Trung Quốc.

Lưu Di Minh là đạo diễn của Great Wall My Love (Tên tiếng Trung: Bên ngoài Trường Thành là cố hương), bộ phim vừa hoàn thành giai đoạn hậu kỳ và do Từ Lập Công sản xuất.

Đây là một bộ phim du hành kể về một cô gái Đài Loan tới đại lục để theo dấu mối tình đầu của mẹ mình, là một trong những bộ phim đầu tiên nói về đề tài quan hệ Đài Loan – Trung Quốc, và cô cho biết đây là một bộ phim không thể thực hiện trong thời kỳ quan hệ hai bên còn đang căng thẳng.

“Bộ phim cố gắng diễn tả một khả năng tích cực,” đó là những gì nữ đạo diễn này nói về tác phẩm đồng sản xuất, hiện tại sẽ trải qua quá trình nhập khẩu và kiểm duyệt và sau đó sẽ được trình chiếu ở Trung Quốc như một bộ phim địa phương.

Lee Tain Dow, hiện đang giảng dạy tại Đại học Thực Tiễn ở Đài Bắc, cho rằng để cho sự hồi phục của điện ảnh Đài Loan không chỉ là chớp nhoáng, Đài Loan cần phải hướng tới thị trường Trung Quốc.

Theo lời nhà giáo này: “Các bộ phim Hoa ngữ bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan, nhưng hầu hết các hoạt động là ở Trung Quốc đại lục. Đây là nơi chúng tôi cần tập trung.”


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety