Tin tức

Đằng sau nhiều thành công, vẫn chưa có bình đẳng giới trong công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc

31/12/2019

Mặc dù đạo diễn Bong Joon Ho đã tạo tiền lệ mới cho điện ảnh Hàn Quốc sau khi Parasite của ông mang về Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes, năm 2019 cũng đầy ắp đạo diễn nữ có phim thành công, bắt đầu với MAL·MO·E: The Secret Mission hồi tháng 1, bán được 2,8 triệu vé.

House of Hummingbird của đạo diễn Kim Bo Ra thành công tại nhiều liên hoan phim quốc tế và mang về hàng chục giải thưởng trong suốt năm.

Từ trên, trái sang theo chiều kim đồng hồ, phim do phụ nữ đạo diễn trong năm 2019: House of Hummingbird của Kim Bo Ra, Kim Ji Young, Born 1982 của Kim Do Young, MAL·MO·E: The Secret Mission của Eom Yu Na, Money của Park Nu Ri và Crazy Romance của Kim Han Kyul

Những phim khác do phụ nữ làm đạo diễn ở nhiều thể loại khác nhau như, Money, Crazy Romance, và Kim Ji Young, Born 1982 đều là ‘hit’ phòng vé, còn tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm nay, các nhà tổ chức sự kiện đã tự hào tuyên bố 27% phim được trình chiếu do phụ nữ làm đạo diễn, con số lớn nhất từ trước đến nay cho sự kiện điện ảnh lớn nhất Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong khi báo chí giật tít nói rằng thành công của các bộ phim do phụ nữ đạo diễn báo hiệu những khả năng mới cho điện ảnh Hàn Quốc, một số chuyên gia chỉ ra rằng đạt đến bình đẳng giới trong ngành công nghiệp này thì đường vẫn còn dài.

Các chuyên gia thuộc Tiểu ban về Bình đẳng giới trong điện ảnh Hàn Quốc đã mở hội thảo có tiêu đề “Korean Film, Find the Missing Women” [tạm dịch: “Điện ảnh Hàn Quốc, Phụ nữ đâu không thấy”]. Sự kiện được tổ chức bởi thành viên hội đồng Jung Eun Hye, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Bình đẳng giới và Gia đình và được Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc tài trợ.

“Chính cái việc phim do phụ nữ đạo diễn được nhấn mạnh trên tin tức như là sự trỗi dậy của tương lai mới cho ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc là bằng chứng cho thấy sân chơi không công bằng, hoặc cạnh tranh không lành mạnh mà phụ nữ trong ngành công nghiệp phim ảnh phải đối mặt ngày nay,” đạo diễn Park Hyun Jin phát biểu tại diễn đàn. “Nếu các đạo diễn nam làm tốt trong năm qua, chúng ta đâu có nhấn mạnh giới tính của họ.”

Kim Bora thắng giải đạo diễn xuất sắc tại Cinemajove, Liên hoan phim quốc tế Valencia

Đập vỡ trần kính

Nhà phê bình phim Cho Hye Young trình bày một loạt các số liệu thống kê cho thấy sự tréo ngoe trong ngành công nghiệp điện ảnh. Theo dữ liệu năm ngoái, 59% sinh viên năm nhất chuyên ngành diễn xuất ở Hàn Quốc là phụ nữ, trong khi lớp sinh viên năm nhất của Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc (KAFA) có 30,4% là nữ. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ tham gia các sự kiện điện ảnh quốc tế và làm phim thương mại kinh phí lớn ở Hàn Quốc giảm xuống dưới 30% một cách bí ẩn. Điều gì xảy ra với phần còn lại của những người phụ nữ khao khát làm công việc sản xuất phim và diễn xuất?

Giáo sư Kim Seon Ah từ Cao học Điện ảnh của Đại học Dankook cho biết, “Nguyên nhân quy về ba yếu tố chính: mạng lưới tập trung vào nam giới, định kiến sâu sắc chống lại phụ nữ và phụ nữ kết thúc sự nghiệp của họ do kết hôn và chăm sóc con cái. Đàn ông giúp đỡ nhau nhiều hơn và có mạng lưới chặt chẽ, trong khi vẫn có sự thiên vị tiềm ẩn đối với đạo diễn nữ. Chẳng hạn, nếu đạo diễn nam thể hiện chi tiết trong các bộ phim của họ, thì điều đó được xem là tinh tế, nhưng khi các đạo diễn nữ làm tương tự, họ bị coi là tập trung vào những chuyện nhỏ nhặt không đáng kể.”

Giáo sư Kim cho biết hầu như không có đạo diễn nữ nào trong số các phim bom tấn.

“Thành kiến với phụ nữ ăn sâu trong ngành đến nỗi không có dữ liệu nào cho thấy đạo diễn nữ có thể tạo ra kết quả tốt như các đạo diễn nam,” giáo sư Kim nói.

Kim Ji Young, Born 1982 của đạo diễn nữ Kim Do Young là một hiện tượng trong năm 2019, có thời điểm, 25% tổng số màn chiếu ở Hàn Quốc trình chiếu phim này

“[Chúng ta biết rằng] thành công phòng vé đâu phải là tất cả,” đạo diễn Park Hyun Jin nói. “Câu hỏi chúng tôi đang đặt ra là ‘Tại sao không có những vai nữ đa dạng hơn trong các phim thương mại kinh phí lớn và có nhiều người xem hơn?’”

Các chuyên gia nhất trí rằng có một trần kính ngăn cản đạo diễn nữ gia nhập ngành, nhưng họ cũng nêu lên vấn đề thiếu phụ nữ trong các vai trò khác của ngành công nghiệp điện ảnh. Theo cơ sở dữ liệu của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), trong số 1.433 phim được phát hành từ năm 2009 đến 2018, đội ngũ đánh sáng chỉ có 1,8% là nữ, nhân viên âm thanh chỉ có 8,4% nữ và những người vận hành máy quay chỉ có 2,7% nữ. Phụ nữ làm việc trong ngành điện ảnh tập trung mạnh vào các vị trí như trang phục và trang điểm, chiếm hơn 80% lực lượng lao động trong các lĩnh vực đó.

“Chúng tôi không coi thường các vị trí đó, nhưng [số lượng nhỏ phụ nữ làm công việc sản xuất phim] liên quan trực tiếp đến định kiến giới thâm căn cố đế của xã hội Hàn Quốc,” nhà phê bình phim Cho Hye Young nêu ý kiến. “Hơn nữa, kinh doanh sản xuất phim có thu nhập cao hơn trang phục và trang điểm. Vì vậy, mặc dù hai trưởng nhóm quay phim và phục trang có thể ở cùng một vị trí, lương của họ sẽ khác nhau, và điều này cũng dẫn đến gián đoạn sự nghiệp cho phụ nữ.”

Đạo diễn Kim Han Kyul tại sự kiện ra mắt phim Crazy Romance ở Seoul ngày 5/9/2019

“Những người cầm máy quay nắm giữ rất nhiều quyền lực trên phim trường,” đạo diễn Park đồng ý với nhà phê bình Cho. “Có nhiều lý do tại sao không có nhiều phụ nữ cầm máy quay, nhưng cái chính là định kiến rằng máy quay quá nặng phụ nữ không nâng nổi. Nhưng, máy quay ngày nay nhẹ hơn nhiều và dễ mang theo hơn so với trước đây. Nên đó không thể là lý do chính đáng. Có sự chống đối mang tính văn hóa trong việc cho phụ nữ ở vào những vị trí mà nam giới làm trung tâm như vậy. Tôi tin ngành này đã cho rằng những công việc như vậy dễ dàng hơn đối với đàn ông vì trước đây không có phụ nữ làm điện ảnh.”

Tạo sự thay đổi

Các thành viên tham gia hội thảo thừa nhận 2019 là một năm thành công về bình đẳng giới, nhưng cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Để khuyến khích nhiều cơ hội hơn cho các đạo diễn nữ, tiểu ban về bình đẳng giới đã đề ra mức phê duyệt dự án phim 50% nam và 50% nữ, để đánh giá công bằng hơn.

Đạo diễn Park Noo Ri và nam diễn viên Ryu Jun Yeol tại sự kiện trình chiếu Money ở Liên hoan phim châu Á ở New York 2019

Một trong những chính sách mà tổ chức đang tích cực cố gắng đạt được là “50:50 vào năm 2021”. Các tiểu ban hy vọng sẽ đầu tư phân nửa quỹ hỗ trợ của KOFIC trong đó có ít nhất hai vai trò chính trong sản xuất — đạo diễn, nhà sản xuất hoặc biên kịch — là phụ nữ.

“Các chính sách cân bằng tỷ lệ giới tính trong thẩm định hoặc bắt buộc phải đưa số liệu thống kê tỷ lệ giới tính vào các dự án phim không quá khó thực hiện,” giáo sư Kim nói. “Nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực để khuyến khích hội đồng tập trung nhiều hơn vào phim do phụ nữ làm.”

Ảnh hưởng của đạo diễn nữ rất quan trọng, nhà phê bình Cho nói, bởi vì nhiều khả năng phim do đạo diễn nữ thực hiện sẽ thể hiện nhiều khía cạnh trong cuộc sống của phụ nữ. Khi phụ nữ dẫn dắt càng nhiều phim, khả năng phim có nữ chính và những câu chuyện mới ra mắt càng nhiều.

Cảnh trong phim MAL·MO·E: The Secret Mission của Eom Yu Na

“Những năm vừa qua, khán giả ngày càng phàn nàn rằng họ mệt mỏi với những bộ phim do nam chính dẫn dắt,” đạo diễn Park nói. “Nếu các bộ phim được cho là phản ánh xã hội đương đại, điều gì đã xảy ra với giới tính khác sống ở Hàn Quốc? Sự mất cân bằng của phim ảnh cuối cùng cũng sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily