Tin tức

Đằng sau sự đình đốn của hoạt hình Trung Quốc

15/12/2011

Nội dung kém hấp dẫn khiến khán giả thờ ơ dẫn tới số lượng suất chiếu bị giới hạn và kết quả doanh thu tệ hại, dưới mức hòa vốn rất xa... là tình trạng chung của những phim hoạt hình Trung Quốc đã ra rạp trong năm nay.

Đầu mùa hè vừa qua, Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Trung Quốc thông báo các xưởng phim hoạt hình trong nước đã sản xuất 220.000 phút phim hoạt hình trong năm 2010. Từ đó cho rằng Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất phim hoạt hình truyền hình lớn nhất thế giới.

Trong mùa phim hè từ ngày 8/7 đến ngày 11/8, năm phim hoạt hình – Legend of the Moles – The Frozen Horror (tạm dịch Vương quốc Chuột Chũi – Kỷ băng hà), Seer, The Tibetan Dog (Chó ngao Tây Tạng), Legend of a Rabbit (Thỏ hiệp truyền kỳ), Khôi Bạt – đã được phát hành ở các rạp chiếu và đều thất bại.

Tuy gây thất vọng song vẫn còn cơ hội nhận diện những nhược điểm vẫn kéo tụt ngành hoạt hình Trung Quốc xếp sau các quốc gia khác.

Áp phích phim Vương quốc Chuột Chũi

Trình chiếu hạn chế

Năm nay là thời điểm tương đối phấn khởi cho ngành hoạt hình Trung Quốc. Thay vì cả mùa hè bị các phim bom tấn nước ngoài thống trị, các xưởng phim trong nước đã sản xuất một số tác phẩm có sức cạnh tranh đáng kể.

Thị trường không khoan nhượng hay thiên vị. Làn sóng đầu tiên của phim hoạt hình mùa hè, Khôi Bạt, Thỏ hiệp truyền kỳChó ngao Tây Tạng phát hành gần như đồng thời. Với tổng vốn đầu tư 55 triệu tệ, Khôi Bạt chỉ kiếm được 3,5 triệu tệ ở phòng vé.

Thỏ hiệp truyền kỳ có chút khá hơn với trên 10 triệu tệ trong tuần đầu tiên. Song so với khoản đầu tư ban đầu 120 triệu tệ, doanh thu 16,2 triệu tệ ở phòng vé trong nước vẫn là thất bại lớn. Và trong khi Chó ngao Tây Tạng tiêu tốn 60 triệu tệ để thực hiện, khoản thu về ít đến thảm thương 1,35 triệu tệ.

Trong khi đó, phim hoạt hình 3D của Đức Animal United dễ dàng kiếm được 63,35 triệu tệ tại phòng vé – gấp ba lần doanh thu của ba phim hoạt hình nội địa cộng lại.

Tôn Lập Quân, đạo diễn phim Thỏ hiệp truyền kỳ, cho rằng thói quen xem phim của khán giả đã dẫn tới sự thờ ơ đối với phim hoạt hình nội địa.

Trước kia, đa số phim hoạt hình nội địa kém chất lượng khiến cho khán giả buồn lòng. Dần dà, cả khán giả lẫn các quản lý rạp chiếu trở nên tin vào những sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ hay Nhật Bản, dẫn tới các phim hoạt hình Trung Quốc sau này có ít khán giả và bị chiếu hạn chế. Đạo diễn Tôn nói chính phủ nên hỗ trợ làm tăng số lượt chiếu bằng cách đưa ra các biện pháp khuyến khích như trợ cấp và giảm thuế.

Khôi Bạt mang phong cách hoạt hình Nhật Bản

Nhà sản xuất phim Khôi Bạt Vũ Hàn Thanh cũng đổ lỗi cho việc trình chiếu hạn chế là vấn đề lớn nhất dẫn tới thất bại của phim hoạt hình Trung Quốc. Khôi Bạt chỉ có 80 suất chiếu trong ngày ra mắt và đa số được sắp xếp xa khung giờ vàng. Là phim hoạt hình 3D, Thỏ hiệp truyền kỳ may mắn hơn với trên 200 suất chiếu mỗi ngày ở Bắc Kinh.

Trái lại, phim bom tấn Mỹ Kung Fu Panda 2 có hàng nghìn suất chiếu trong ngày khởi chiếu ở thủ đô.

Với các quản lý rạp chiếu, số suất chiếu không phải là lời than phiền xác đáng. “Chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với khán giả và chiều theo thị hiếu của họ. Một bộ phim chỉ đáng được chiếu nhiều hơn khi bộ phim chứng tỏ trước được khả năng lấp đầy ghế.”

Rụt rè và không độc đáo

Tuy nhiên, việc chiếu rạp chỉ là bề nổi. Vấn đề còn trải rộng tới chỗ đứng trên thị trường, hoạt động quảng cáo và chính bản thân bộ phim.

Mặc dù là phim hoạt hình Trung Quốc, cả Thỏ hiệp truyền kỳ lẫn Khôi Bạt đều đi theo phong cách sản xuất và kể chuyện của phim hoạt hình Nhật Bản và Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro.

Thỏ hiệp truyền kỳ kể về một chú thỏ bình thường trở thành người hùng. Chất lượng bộ phim phản ánh năng lực ngày càng tăng của các họa sĩ hoạt họa ở các xưởng phim Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện đơn giản và vô cảm, khiến khán giả không mấy quan tâm tới các nhân vật trong phim.

Đáng tiếc thay, điều này chỉ làm củng cố thêm quan điểm từ lâu của phần lớn khán giả, theo lời các quản lý rạp chiếu, rằng phim hoạt hình Trung Quốc không đáng để họ bỏ tiền ra xem trong khi có những lựa chọn tuyệt vời hơn với giá cả tương đương.

Thành công của Seer không nhờ cốt truyện hay bất kỳ sáng chế tinh tế nào

Sản phẩm phái sinh từ trò chơi trực tuyến – người anh em họ xa

Cuối mùa hè vừa qua, Seer, khởi chiếu vào ngày 28/7, thu về 40,15 triệu tệ, trong khi Vương quốc Chụt Chũi khởi chiếu từ 11/8 và kiếm được trên 10 triệu tệ trong tuần đầu tiên. Tổng doanh thu phòng vé của hai bộ phim này vượt qua doanh thu của Thỏ hiệp truyền kỳKhôi Bạt cộng lại.

Vương quốc Chuột ChũiSeer thực ra là sản phẩm phái sinh từ các trò chơi trực tuyến cùng tên của TaoMee. Thành lập năm 2007, công ty trò chơi này đưa ra hai sản phẩm trực tuyến vô cùng nổi tiếng trong giới học sinh tiểu học và trung học Trung Quốc năm 2008 và 2009.

Với việc phát hành phim, TaoMee sử dụng chiến thuật “quà tặng”: người hâm mộ trẻ tuổi chỉ có thể đoạt giải thưởng trong trò chơi khi xem phim.

Ngoài ra, người mua vé xem Seer sẽ được thẻ thời gian để chơi tiếp trò chơi trả trước. Để có thêm thẻ thời gian, người hâm mộ Seer phải đi coi phim nhiều lần.

“Thành công của Seer không nhờ cốt truyện hay bất kỳ sáng chế tinh tế nào,” nhà phê bình phim Guan Yadi nói. “Nguyên nhân nằm ở chiến lược tiếp thị của TaoMee. Qua thành công đó, thay vì chứng kiến chiều hướng của điện ảnh, chúng ta thấy được thành công của một cuộc cách mạng trực tuyến.”

Thế nên cho tới khi ngành hoạt hình Trung Quốc được quan tâm, thành công của bộ phim ăn theo trò chơi trực tuyến chỉ là hiện tượng – khó lòng trở thành trường hợp có ý nghĩa như Cừu vui vẻ và sói xám. Seer chỉ đại diện cho một bộ phận của ngành sản xuất phim hoạt hình Trung Quốc.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi