Tại các kỳ Filmart trực tiếp trước đây, các công ty điện ảnh lớn của
Hồng Kông, bao gồm Edko Films, Emperor Motion Pictures (EMP), One Cool
Group, Universe Films và Media Asia, luôn bao sàn triển lãm thương mại
với các gian hàng lớn, công phu để quảng bá những xuất phẩm phim điện
ảnh, phim hoạt hình và phim truyền hình Hồng Kông mới nhất.
Bất chấp một vài năm khó khăn, trong đó trải qua thời gian đóng cửa rạp
chiếu phim, hạn chế đi lại nghiêm ngặt liên quan đến Covid, và biến động
chính trị của Hồng Kông, tất cả các công ty này và nhiều công ty khác
đang dựng lại gian hàng của họ tại kỳ hội chợ thực đầu tiên của Filmart
sau ba năm, thậm chí có một số tin tốt để chia sẻ.
Filmart Hồng Kông 2023 trở lại hội chợ thực đầu tiên sau đại dịch
|
Cuối tháng 2, bộ phim pháp luật
A Guilty Conscience của Edko
Films, với Huỳnh Tử Hoa trong vai một luật sư sắc sảo bảo vệ một bà mẹ
đơn thân chống lại những ông trùm tàn nhẫn, đã trở thành phim Hồng Kông
đầu tiên đạt doanh thu hơn 100 triệu đôla Hồng Kông (12,7 triệu đôla Mỹ)
tại phòng vé địa phương. Phim cũng đứng đầu phòng vé Đại lục, sau khi
công chiếu ở đó, với doanh thu hơn 80 triệu nhân dân tệ (11,6 triệu đôla
Mỹ).
Là tác phẩm đạo diễn đầu tay của nhà biên kịch Ngô Vĩ Luân,
bộ phim đã lật đổ kỷ lục phim Hồng Kông có doanh thu cao nhất từng được
thiết lập vào năm ngoái bởi sử thi khoa học giả tưởng
Minh nhật chiến ký của One Cool Group, sau đó đánh bại kỷ lục do Edko Films lập vào mùa hè năm ngoái với phim hài
Table For Six.
Giám
đốc điều hành của Edko Films, Giang Chí Cường, nói rằng ông không kỳ
vọng kết quả lớn như vậy cho một bộ phim pháp lý tầm trung. “Tôi đã nói
chuyện với một số khán giả, họ nói rằng cốt truyện hấp dẫn, vì họ đã lâu
không xem một câu chuyện như thế này,” Giang Chí Cường, được quốc tế
biết đến là nhà sản xuất những phim có doanh thu lớn như
Fearless và
Sắc giới, nói. “Truyền miệng cũng giúp vào đó vì mọi người bảo bạn bè và gia đình họ đi xem.”
A Guilty Conscience của Edko Films
|
Một phim đề tài luật pháp khác,
The Sparring Partner của Hà
Tước Thiên, cũng là một phim ăn khách vào năm ngoái, thu về 39,4 triệu
đôla Hồng Kông (5 triệu đôla Mỹ), một số người theo dõi trong ngành đã
suy đoán rằng đây là thể loại gây được tiếng vang với người Hồng Kông vì
hệ thống luật pháp của họ đang trải qua thay đổi lớn.
Nhưng Fred
Tsui, người sáng lập công ty tư vấn bán hàng và lễ hội Moebius
Entertainment, nói rằng vượt xa hơn điều đó đến khao khát phổ quát những
câu chuyện về công bằng xã hội và những người cực kỳ giàu có lãnh trừng
phạt đích đáng: “Những phim điện ảnh và truyền hình như
Parasite,
Triangle Of Sadness và
The White Lotus đều xử lý chủ đề tương tự. Những phim này chống lại bất bình đẳng xã hội hoặc vạch trần giới giàu có lạm dụng đặc quyền.”
Trong
khi đó, một loạt các phim Hồng Kông khác ở đủ thể loại đã đạt thành
tích ngoài mong đợi trong năm qua, bao gồm phim tâm lý gia đình
Mama’s Affair và
Hong Kong Family, phim hài
Table For Six và
Chilli Laugh Story, và phim chính kịch về vấn đề xã hội từng đoạt giải
The Sunny Side Of The Street và
The Narrow Road.
The Sparring Partner của Hà Tước Thiên, cũng là phim đề tài luật pháp ăn khách năm ngoái
|
Những phim này tiếp tục xu hướng của vài năm trước là đa dạng hóa đầu ra
của phim Hồng Kông ngoài thể loại ly kỳ cảnh sát và hài hành động được
quốc tế biết đến, hướng tới những câu chuyện về những con người bình
thường và những gia đình nỗ lực sống trong thời kỳ khó khăn.
Nhiều
phim trong số này cũng do các nhà làm phim lần đầu làm đạo diễn, cho
thấy ngành điện ảnh sẵn sàng hỗ trợ tài năng mới. Trong một số trường
hợp, là nhờ tài trợ từ Hội đồng Phát triển Điện ảnh Hồng Kông, trước đại
dịch tổ chức này đã tuyên bố tăng tài trợ cho ngành điện ảnh lên 1 tỉ
đôla Hồng Kông (128 triệu đôla Mỹ). Các công ty địa phương như Edko
Films, EMP và One Cool Group cũng tham gia.
Tằng Hiến Văn của
Golden Scene, người chịu trách nhiệm phân phối quốc tế nhiều phim Hồng
Kông thuộc làn sóng mới, cho biết họ cũng đánh vào mong muốn của người
Hồng Kông là được thấy cuộc sống của chính họ thể hiện trên màn ảnh:
“Những bộ phim chúng tôi đã xem trong năm qua là đặc biệt hướng đến khán
giả Hồng Kông, lời thoại và sự hài hước thiên hẳn về tiếng Quảng Đông,
và khán giả thực sự đánh giá cao điều đó.”
Trinity CineAsia đã phát hành Mama’s Affair ở Anh, thu về 170.000 đôla Mỹ
|
Ông nói thêm rằng, trước đại dịch, phim Mỹ thường thống trị rạp chiếu ở
Hồng Kông còn các nhà sản xuất địa phương thường tập trung vào thị
trường Trung Quốc Đại lục lớn hơn nhiều thay vì phục vụ cho khán giả
Hồng Kông. Trong khi đó, không có gã khổng lồ phát trực tuyến toàn cầu
nào đầu tư vào phim bộ hoặc các loại nội dung giải trí khác nói tiếng
Quảng Đông, nên phim tiếng Quảng Đông đang lấp đầy khoảng trống.
Nhưng
mặc dù thật đáng khích lệ khi thấy phim Hồng Kông làm tốt ở thị trường
quê nhà, nhưng đây sẽ luôn là một thị trường tương đối nhỏ, vậy triển
vọng cho những bộ phim này bên ngoài Hồng Kông là gì?
A Guilty Conscience
là trường hợp hiếm gặp khi một bộ phim Hồng Kông nhỏ được phân phối ở
Trung Quốc, nơi thường chỉ có những xuất phẩm hợp tác Hồng Kông-Trung
Quốc lớn hơn mới được phát hành. Các thị trường xuất khẩu truyền thống
của Hồng Kông — Đài Loan, Singapore và Malaysia — cũng có xu hướng tìm
kiếm phim hành động lớn hơn (mặc dù
A Guilty Conscience một lần nữa đi ngược lại xu hướng đó bằng cách đứng đầu phòng vé ở Malaysia).
Tuy
nhiên, có những khán giả mới cho những bộ phim này trong cộng đồng
người Hồng Kông đã chuyển đến Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand
kể từ khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng vào tháng 6 năm 2020.
Magnum Films gần đây đã phát hành
A Guilty Conscience tại 34
rạp chiếu phim ở Anh, nơi ước tính có khoảng 150.000 người Hồng Kông đã
chuyển đến trong vài năm qua, trong khi Trinity CineAsia đã ghi điểm ở
Anh năm ngoái với
Mama’s Affair, thu về 170.000 đôla Mỹ.
“Năm ngoái đã chứng minh rằng có thị trường dành cho phim nói tiếng
Quảng Đông ở Anh,” Cedric Behrel của Trinity CineAsia, cũng đã phát hành
The Sparring Partner và
Chilli Laugh Story, cho biết. “Chúng tôi đã tự tin có thể mang đến một cuối tuần mở màn tốt đẹp cho các rạp chiếu với phim phù hợp.”
Trinity CineAsia cũng đang gặt hái thành công với phim Trung Quốc Đại lục — bom tấn Tết Nguyên đán
Lưu lạc địa cầu 2 đã thu về gần 1 triệu đôla ở Anh, trở thành phim Hoa ngữ lớn nhất được phát hành ở thị trường này kể từ sau
Sắc giới.
Nhưng phim Đại lục có xu hướng thu hút sinh viên Trung Quốc Đại lục,
trong khi phim Hồng Kông, không ngạc nhiên, thu hút khán giả đến từ Hồng
Kông.
Trong khi những kết quả hiện tại, cả ở Hồng Kông và nước
ngoài, đều đáng khích lệ, các nhà làm phim Hồng Kông là một nhóm thực
dụng và nhận ra rằng không có gì đảm bảo cho tương lai. Phim Hồng Kông
có thể mất chỗ đứng ở phòng vé địa phương khi nguồn cung phim Hollywood
bắt đầu tăng lên, và các nhà sản xuất Hồng Kông có thể chuyển sự chú ý
của họ vào làm phim cho khán giả Trung Quốc Đại lục khi thị trường đang
bắt đầu mở cửa trở lại.
Và mặc dù Hồng Kông đã chậm chạp trong việc nắm bắt cuộc cách mạng phát
trực tuyến, nhưng giờ đây, nhiều tài năng địa phương hơn có thể chuyển
sang đóng phim dài tập khi những người mới tham gia đầy tham vọng như
Makerville của PCCW và Changin’ Pictures của Trần Khả Tân đang bắt đầu
tung hoành. Nhưng dù thị trường phát triển theo cách nào thì vẫn có một
thế hệ các nhà làm phim Hồng Kông mới — một số làm việc tại thành phố
quê hương của họ, những người khác đã cùng cộng đồng di dân đến Anh hoặc
Bắc Mỹ — thú vị đáng theo dõi.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Deadline