Tin tức

Đoàn làm phim toàn 'nông dân': Vấn nạn chất lượng tay nghề điện ảnh ở Trung Quốc

25/04/2016

Các nhà làm phim Trung Quốc đang sử dụng “nông dân” trong hàng ngũ nhân viên trang điểm, phục trang và ánh sáng, việc thiếu sự đào tạo chuyên nghiệp đã kìm hãm nền công nghiệp này lại, đạo diễn kiêm diễn viên nổi tiếng Phùng Tiểu Cương cho biết.

“Chất lượng thấp” của những nhân viên này đang là “rào cản lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc,” Phùng Tiểu Cương phát biểu trong buổi họp thường niên của Hội đồng tham vấn, cơ quan tư vấn lập pháp của Trung Quốc.

Đạo diễn Phùng Tiểu Cương phát biểu tại hội nghị

"Hầu hết nhân viên làm việc trong bộ phận ánh sáng đến từ tỉnh Hà Nam," Phùng Tiểu Cương nói, một tỉnh miền trung Trung Quốc vốn nổi tiếng lạc hậu. “Họ không được đào tạo chuyên nghiệp – họ dễ dàng có được công việc này vì vô tình quen ai đó trong đoàn làm phim. Trên phim trường, bạn nói với họ về ý tưởng cho cảnh quay bạn muốn, nhưng họ sẽ không hiểu điều đó."

Nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã bùng nổ trong vòng năm năm qua, hàng ngàn rạp chiếu phim mọc lên khắp nơi, và tăng vọt thành thị trường phim lớn thứ hai trên Thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Doanh thu phòng vé của Trung Quốc đã tăng 48% từ năm 2014 đến 2015, và có thể vượt qua Hoa Kỳ trong năm sau.

Nhưng Trung Quốc không thành công trong việc xuất khẩu phim. Phùng Tiểu Cương, diễn viên chính trong bộ phim gây sốt Mr. Six và nổi tiếng trong vai trò đạo diễn các phim If You are the One, Đường Sơn đại địa chấn, và Back to 1942, cho biết nền công nghiệp này không thể chỉ đo đếm bằng doanh thu phòng vé.

Phùng Tiểu Cương trong phim Mr. Six

“Mặc dù chúng ta sẽ vượt qua doanh thu phòng vé Mỹ trong tương lai, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa chúng ta với Hoa Kỳ trong chât lượng sản xuất phim,” đạo diễn Phùng nói. Ông là thành viên về nghệ thuật và văn hóa, cùng với đạo diễn Trần Khải Ca và diễn viên Thành Long, tại Hội đồng tham vấn.

Phùng Tiểu Cương cho biết, cùng với Thành Long và đạo diễn-diễn viên Trương Quốc Lập, ông đã bắt đầu lên kế hoạch thành lập một học viện đào tạo nghề để phát triển một cách chuyên nghiệp hơn trên nền tảng vững chắc. Ông cũng cho biết ông đang nghĩ đến việc mời những chuyên gia từ Hollywood đến giảng dạy tại học viện này, để lớp trẻ có thể học hỏi từ họ.

Các đại biểu khác của nhóm nghệ thuật và văn hóa phàn nàn rằng việc kiểm duyệt vẫn tiếp tục hạn chế sự phát triển lành mạnh của nền công nghiệp giải trí.

Nhà viết kịch bản truyền hình nổi tiếng Gao Mantang nói với các đồng sự của mình tại Hội đồng tham vấn rằng việc quá nhạy cảm với các chủ đề đương đại đã dẫn đến việc quá tải các chương trình hài kịch, và khiến các nhà văn, nhà sản xuất truyền hình càng tránh xa những chủ đề bị kiểm duyệt.

Phim hài Breakup Buddies

“Nếu kịch bản của bạn dựa trên thực tế, và nếu bạn chỉ cần động đến một chút vấn đề cộng đồng, hoặc bạn muốn nói về những đề tài sâu sắc hơn, sự kiểm duyệt sẽ rất, rất gắt gao,” Gao nói, để giải trình cho một dự án của mình, ông đã phải nộp kịch bản cho sáu cơ quan chính phủ xin phê chuẩn.

Điển hình là việc, một trong số những dự án của Gao có nói về một người đàn ông Trung Quốc đang kinh doanh tại Pháp phải được sự cho phép và đồng ý của Bộ Thương mại, một trong số những văn phòng chính phủ khác để chứng thực, ông giải thích.

Đạo diễn-diễn viên Trương Quốc Lập “hoàn toàn tán thành” ý kiến của ông Gao. “Để sản xuất một bộ phim truyền hình, từ quá trình ban đầu đi xin phê chuẩn cho tới sự kiểm duyệt cuối cùng có quá nhiều phòng ban liên quan, và mỗi nơi có một cách làm việc, thủ tục khác nhau, Trương Quốc Lập nói. “Những năm gần đây việc này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.”

Phim cổ trang nhan nhàn trên truyền hình Trung Quốc

Trương Quốc Lập cho hay, bản thân ông cũng đã hạn chế làm phim truyền hình và chuyển dần sang quay các chương trình thực tế. “Phim truyện được làm từ những người như tôi đang ngày càng khó có đất sống,” ông nói. “Những thứ dễ dàng được đón nhận hơn đó là phim cổ trang và những phim cổ tích và thánh thần.”

Dịch: © Đức Đạt @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times