Tin tức

Hàn Quốc đang nổi lên thành trường quay cho các nhà làm phim quốc tế

20/03/2014

Khi bộ phim gián điệp The Bourne Legacy ra mắt năm 2012, với Jeremy Renner trong vai nam chính, khán giả Hàn Quốc nhanh chóng nhận ra hệ thống tàu điện xuất hiện trong phim chính là hệ thống tàu điện ở vùng Gangnam, phía nam thành phố Seoul.

Rất nhiều người Hàn Quốc cảm thấy họ trở nên yêu mến bộ phim, trong khi khán giả các quốc gia khác có thể cảm thấy tò mò hoặc yêu thích thủ đô Seoul thông qua bộ phim.

The Bourne Legacy cũng là bộ phim đầu tiên của Hollywood được quay tại thủ đô Seoul. Trong quá khứ, Seoul ít nhận được ưu ái từ các nhà sản xuất hơn so với các thành phố khác trong khu vực như Tokyo, Bắc Kinh hay Thượng Hải. Không chỉ riêng Seoul, mà tại các thành phố khác của Hàn Quốc như Busan, con số các đoàn làm phim nước ngoài đến đây cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Cảnh quay The Bourne Legacy được thực hiện tại Hàn Quốc

Sự gia tăng mối quan tâm đến Hàn Quốc với tư cách là một phim trường được bắt nguồn từ bước phát triển của thị trường điện ảnh Hàn Quốc. Vào năm 2013, thị trường này đã vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách những nền công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới, với con số 200 triệu lượt người xem.

Việc các đoàn làm phim lựa chọn Hàn Quốc cho những dự án điện ảnh của mình cũng một phần nhờ vào sự lan tràn của Làn sóng Hàn (Hallyu) góp phần quảng bá hình ảnh của quốc gia này.

Theo Ủy ban điện ảnh Seoul, bộ phim lãng mạn hài của Thái Lan có tên Hello, Stranger là một minh chứng rõ rệt. Khoảng 90% số cảnh quay của bộ phim được quay ở các khu phố chính của Seoul. Bộ phim này đã thành công vang dội tại thị trường điện ảnh Thái Lan, đứng thứ ba trong bảng xếp hạng phòng vé năm 2010 của quốc gia này. Có thể nói, thành công đạt được là nhờ vào sự yêu thích văn hóa hallyu của đông đảo khán giả. Những bộ phim khác của những công ty sản xuất từ Philippines và Malaysia được quay tại Hàn Quốc cũng đã phản ánh ảnh hưởng lan tràn của Làn sóng Hàn lên nền công nghiệp điện ảnh.

Cùng với đó, Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc nổi lên như một Hollywood của châu Á bởi sức hút có được từ Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) được tổ chức hàng năm. Những quốc gia láng giềng như Nhật Bản và Trung Quốc cũng dễ dàng tiếp cận thành phố này cho những điểm quay phim.

Ủy ban điện ảnh Busan hỗ trợ những hãng sản xuất nước ngoài đóng tại Busan, trong khi đó cách tân Hãng phim Busan với hai trường quay, giúp chúng phục vụ được cho quay phim kỹ thuật số, bắt chuyển động và hậu kỳ công nghệ cao.

Hello, Stranger, bộ phim Thái được quay tại Seoul

Bên cạnh những nhiệm vụ trong khu vực, Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã cung cấp hỗ trợ cho những đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Hàn Quốc bằng những chương trình ưu đãi từ năm 2011.

Chương trình ưu đãi này hỗ trợ một phần kinh phí cho phim điện ảnh và truyền hình nước ngoài quay tại Hàn Quốc. KOFIC hỗ trợ tới 30% trợ cấp tiền mặt cho chi phí sản xuất đối với các tác phẩm nghe-nhìn của nước ngoài sử dụng sản phẩm và dịch vụ ở Hàn Quốc. Sự hỗ trợ của chính phủ này được lấy từ Quỹ Phát triển và quảng bá du lịch. KOFIC vận hành website bằng tiếng Anh (koreafilm.or.kr) nhằm mục đích cung cấp thông tin về những công ty điện ảnh và các đoàn làm phim trong nước cho các nhà sản xuất nước ngoài.

Bằng việc cung cấp những thông tin cởi mở và minh bạch, chính phủ Hàn Quốc hy vọng rằng đất nước này sẽ trở thành một điểm đến dễ tiếp cận với những nhà làm phim nước ngoài.

Những cơ sở chế tác như các hãng phim ở Seoul, Busan, Bucheon và Jeonju cung cấp những địa điểm quay có thể được thuê với chi phí thấp. KOFIC đã hợp tác một cách mật thiết với những hãng phim tại địa phương như Seoul, Incheon, vùng Gyeonggi bằng việc cung cấp cho họ dịch vụ và các khoản trợ cấp.

Theo chương trình ưu đãi này, KOFIC đã trợ giúp cho những bộ phim như On the RoadUrban Games của Trung Quốc, Beyond the Border của Mỹ, phim điện ảnh Hakuji no Hito cùng với phim truyền hình Rainbow Rose của Nhật.

Trung tâm điện ảnh Busan

Theo những người làm trong lĩnh vực điện ảnh, bộ phim The Avengers 2: Age of Ultron có khả năng sẽ được quay tại Hàn Quốc vì hãng phim Marvel lùng kiếm địa điểm ở London, Nam Phi và Hàn Quốc, cùng với đó là danh khả năng chọn một nữ diễn viên Hàn Quốc vào một vai phản diện.

Hãng Marvel của Mỹ vẫn chưa chốt lại các địa điểm quay và nam diễn viên Mark Ruffalo (Incredible Hulk) vào ngày 19/1 đã phản hồi lại tin này trên trang Twitter bằng lời bình luận: "Hiện tại chưa có kế hoạch gì về việc Avengers sẽ được quay tại Hàn Quốc, nhưng vũ trụ Marvel thì rất lớn."

Nhưng những nguồn tin từ Hàn Quốc đã tuyên bố rằng khả năng rất cao Hàn Quốc sẽ là một trong số các địa điểm quay của bộ phim, dựa vào công bố của đạo diễn Joss Whedon rằng đây sẽ là một bộ phim quốc tế và bùng nổ các cập nhật trạng thái của khán giả Hàn Quốc trong hội chợ phim quốc tế.

Đạo diễn Christopher McQuarrie cũng đã đến thăm Busan vào năm ngoái để tìm kiếm địa điểm cho khả năng quay Mission Impossible 5 ở đây.

Sự gia tăng chú ý của những nhà làm phim nước ngoài vào Hàn Quốc là động thái tất yếu đáp lại xu thế hướng về Hàn Quốc của những ngôi sao lớn tại Hollywood. Năm ngoái, Hugh Jackman, Leonardo DiCaprio, Robert Downey Jr., Arnold Schwarzennegger và Tom Cruise đã chọn Hàn Quốc làm quốc gia chính để quảng bá phim của mình bởi sức tiêu thụ của khán giả Hàn Quốc đủ lớn để kéo những hãng phân phối nước ngoài lưu tâm đến thị phần của họ ở thị trường này.

Robert Downer Jr. trong buổi họp báo ra mắt Iron Man 3 tại Hàn Quốc

Sự quan tâm của các nhà làm phim được thể hiện theo rất nhiều cách như tham gia vào việc sản xuất các bộ phim Hàn Quốc, hay mời các diễn viên Hàn Quốc vào phim của họ.

Rất nhiều phim bom tấn của Hollywood như Iron Man 3, After EarthOblivion đã chiếu ra mắt toàn cầu tại Seoul, cho thấy địa vị đang tăng của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trên thế giới. Như Robert Downey Jr. đã từng trả lời phỏng vấn trong lần thăm Hàn Quốc năm vừa qua: "Hàn Quốc là một trong những thị trường chủ chốt của Iron Man."

Cập nhật mới nhất: Avengers phần tiếp theo quay tại Seoul

Một số cảnh trong phần phim tiếp theo siêu phẩm The Avenger của Hollywood sẽ được quay ở Seoul từ 30/3-9/4/2014.

Hãng Marvel Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ với các cơ quan Hàn Quốc liên quan vào hôm 18/3 về lịch quay và sáu địa điểm quay ― năm ở Seoul và một ở khu vực ngoại vi ― cho The Avengers: Age of Ultron.

Năm địa điểm trong thành phố Seoul là Cầu Cheongdam Grand, một con đường phía bắc Thành phố Truyền thông kỹ thuật số (Digital Media City) ở Sangam-dong, Đại lộ Gangnam, Cầu Mapo Grand và “Saebit Dungdungseom”, một hòn đảo nhân tạo trên sông Hàn thuộc Seoul.

Nữ diễn viên Soo Hyun (giữa), chủ tịch Assembled Production II Hàn Quốc và lãnh đạo nhóm luật sư của Marvel Studios David Galluzzi (thứ ba từ phải sang), chủ tịch Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc Kim Eui Suk (thứ ba từ trái sang) và các viên chức Hàn Quốc chụp ảnh sau lễ ký kết hợp đồng quay một số phần phim The Avengers 2 ở Hàn Quốc [Ảnh: Yonhap]

Điểm ở ngoại vi Seoul là một con đường gần Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Kaywon (Kaywon University of Art and Design) ở Uiwang, tỉnh Gyeonggi.

“Joss (Whedon) cũng rất hào hứng quay phim ở đất nước này và cho thế giới thấy một vẻ đẹp Hàn Quốc trước giờ chưa từng được chiêm ngưỡng. Công nghệ tiên tiến, cảnh quang mê hồn và kiến trúc độc đáo của đất nước này khiến Hàn Quốc trở thành nơi lý tưởng cho Marvel và The Avengers: Age of Ultron,” Mitchell Bell, phó chủ tịch sản xuất của Marvel Studios, phát biểu tại lễ ký kết. Joss Whedon là đạo diễn của nhiều bộ phim thuộc vũ trụ Marvel.

Đây là lần đầu tiên một phim bom tấn Hollywood được quay ở Hàn Quốc.

“Việc quay Avengers phần tiếp theo ở Hàn Quốc sẽ đem lại nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch và điện ảnh Hàn Quốc. Cơ hội này sẽ đưa thêm nhiều người đến Hàn Quốc và cũng cho thế giới biết nhiều hơn về nền điện ảnh Hàn Quốc,” Cho Hyun Jae, thứ trưởng thứ nhất Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc, nói.

Theo Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc, việc quay phim sẽ liên quan đến hơn 120 nhân viên quay phim Hàn Quốc và nữ diễn viên Soo Hyun, còn được biết với nghệ danh Claudia Kim. Lợi ích kinh tế cho ngành điện ảnh Hàn Quốc được ước tính vào khoảng 23 triệu đôla (25,1 tỉ won).

Giao thông sẽ được chặn tại những điểm quay trong 11-13 tiếng đồng hồ một ngày. Cầu Mapo Grand dài 1,6 km sẽ được đóng từ 6 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều ngày 30/3; con đường phía bắc ở Digital Media City dài 1,8 km đóng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều từ ngày 2-4/4; Cầu Cheongdam Grand dài 1,4 km đóng từ 4 giờ 30 sáng đến 5 giờ 30 chiều vào ngày 5/4 và Đại lộ Gangnam dài 730m đóng từ 4 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa ngày 6/4.


Dịch: © Anh Phan - Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times, Korea Herald


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi