Tin tức

Lô Vi - nhà biên kịch đằng sau những tuyệt tác điện ảnh của Trung Quốc

19/03/2014

Điện ảnh Hoa ngữ đã có những bước tiến dài và mạnh mẽ trong những năm gần đây với các bộ phim thu hút hàng triệu lượt người xem trong nước. Nhưng có phải là nghịch lý không khi mỗi con số doanh thu kỷ lục sẽ đến từ một bộ phim dở vô tiền khoáng hậu nào đó? Không lẽ khán giả Trung Quốc hào phóng tới mức trả tiền cho bất cứ phim gì được trình chiếu?

Mọi thứ từng rất khác ở thập kỷ 1990, thời kỳ vàng của những dạo diễn Trung Quốc thế hệ thứ năm bao gồm Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu. Những bộ phim được ca ngợi khắp toàn cầu như Bá vương biệt Cơ (Farewell My Concubine) của Trần Khải Ca (1993) hay Phải sống (To Live) (1994) của Trương Nghệ Mưu tới ngày nay vẫn được coi là những phép màu không thể vượt qua, “những bộ phim Hoa ngữ xuất sắc nhất thời đại”, rất nhiều người yêu điện ảnh đã nói. Nhưng ít người nhận ra sau những tuyệt tác khó quên này chỉ là một nhà biên kịch, Lô Vi, cho tới khi cuốn sách The Secret of Screenwriting (Bí mật nghề biên kịch) xuất bản tháng trước.

Cuốn sách được xây dựng quanh một loạt cuộc đối thoại giữa Lô Vi và Wang Tianbing, một học giả đồng thời là bạn thân của ông. Sau khi cuốn sách được chào đón nồng nhiệt ở Bắc Kinh, Lô Vi và Tianbing đã tham dự một sự kiện nhỏ để quảng bá cho cuốn sách ở Thượng Hải.

Lô Vi là biên kịch của hai bộ phim nổi tiếng quốc tế: Bá vương biệt Cơ, Phải sống

Kẻ trộm sách nhỏ tuổi

Sinh ra vào thập niên 50 ở tỉnh Sơn Tây, Lô Vi bị giày vò bởi cơn khát kiến thức trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976). “Tôi chỉ học hết hai năm trung học cơ sở,” ông nói.

Nhưng Lô Vi giữ cho mình trí tò mò và tìm ra giải pháp, đó là lấy trộm sách từ thư viện, một tội khiến ông phải ngồi tù. “Gia tài” của ông lớn tới mức một chiếc xe tải quân đội mới chở hết những cuốn sách bị lấy cắp. Lô Vi tự hào về hành động của mình tới nỗi khoe trước bạn bè mình là “kẻ trộm sách thực thụ”.

Trong những cuốn sách ông đọc có các cuốn tiểu thuyết Nga của Anton Chekhov và Fyodor Dostoyevsky và triết học Anh của Bertrand Russell và Ludwig Wittgenstein. “Những vấn đề triết học của Russell cho tôi cách nhìn mới về thế giới. Nó giải thoát tôi khỏi ‘chân lý tuyệt đối’ (absolute truth), thứ đã kìm hãm cả thế hệ,” Lô Vi nói.

“Cuộc Cách mạng Văn hóa chỉ là một Ward No. 6 của Chekhov khỏng lồ, nơi những người có cảm xúc và tâm trí bình thường bị buộc tội,” ông nói thêm.

Lô Vi khởi nghiệp với vị trí thiết kế mỹ thuật cho Xưởng phim Xi’an. Bộ phim đầu tiên của ông, Desperation (1989) là kết quả sau khi cược với một đạo diễn mình có thể viết kịch bản hay hơn bản gốc. Trần Khải Ca thán phục những câu thoại của Lô Vi và mời ông viết một bộ phim về Kinh kịch. Mọi chuyện sau đó thì ai cũng biết.

Bìa sách The Secret of Screenwriting của Lô Vi

Những bí mật và tham vọng không thành

Lô Vi tin vấn đề lớn nhất với điện ảnh Hoa ngữ ngày nay là đạo diễn coi thường tầm quan trọng của thể loại và không rõ mình muốn làm phim như thế nào. Quá nhiều yếu tố bị pha trộn trong một bộ phim, trở thành một khối hỗn loạn phi hình thể. Ông cho rằng những đạo diễn thế hệ thứ năm đã bị vinh quang của thập kỷ 90 làm lu mờ, bước tới sản xuất những bộ phim đầy tham vọng nhưng màu mè và đầy tính thương mại như Anh hùng (Hero) (2002) của Trương Nghệ Mưu và Vô cực (The Promise) (2005) của Trần Khải Ca.

Lô Vi nhớ ông từng được Ngô Vũ Sâm mời viết kịch bản cho Xích bích (Red Cliff) (2008), siêu phẩm chiến tranh dựa trên sự kiện lịch sử. “Tôi hỏi ông ấy chủ đề phim là gì và câu trả lời là hòa bình. Thật quá kinh ngạc! Câu chuyện có đủ thứ trừ hòa bình,” ông bảo. Ngô Vũ Sâm sau đó tự viết kịch bản, nhưng bản của Lô Vi đã được in lại trong cuốn sách để khán giả so sánh với phiên bản phim của đạo diễn họ Ngô.

Tuy nhiên, bám sát thể loại và đi theo khuôn mẫu kể chuyện không phải điều dễ làm. Để viết kịch bản, thường từ 25.000 tới 50.000 từ, cần cố gắng không nhỏ, bởi một câu chuyện hay không đơn giản. Một biên kịch cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu nền tảng lịch sử và văn hóa của câu chuyện, đồng thời đi sâu vào tâm hồn nhân vật. Tianbing nói thêm, “Lô Vi đã viết năm trang để phân tích Trình Đắc Di,” nhân vật chính trong Bá vương biệt cơ.

“Tôi viết khá chậm. Một năm hoàn thành một kịch bản là tôi đủ mừng rồi. Nhưng nếu làm như vậy thì mọi biên kịch sẽ chết đói,” Lô Vi buồn rầu nói.

Chắc ông cũng buồn vì trong số 22 kịch bản mình viết, chỉ có một nửa được chuyển hóa lên phim, dù ông có thể yên lòng bởi chúng đều được khen ngợi.

Lô Vi tại buổi ra mắt sách ở Thượng Hải

Ký ức và giấc mơ về Thượng Hải

The Secret of Screenwriting đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận mới trong giới văn hóa ở Bắc Kinh. Độc giả có thể cười vào những đạo diễn nổi tiếng với các phim thương mại vẻ vang nhưng không làm hài lòng khán giả giờ nằm dưới ngòi bút phê bình của nhà biên kịch hàng đầu Trung Quốc.

“Chúng tôi cần một sự kiện ra mắt nữa, lần này ở Thượng Hải, thành phố của điện ảnh Hoa ngữ hiện đại,” Tianbing nói.

“Tôi thích Crow and Sparrow (tạm dịch: Quạ và chim se sẻ) (1949) vô cùng! Nó hay không kém các tuyệt phẩm tân hiện thực Ý cùng thời. Tiếc rằng ta không thể sản xuất được những phim như vậy thời nay. Cũng khó có phim nào khác bao quát được tinh thần Thượng Hải như thế,” Lô Vi nói. Giấc mơ được kể về những huyền thoại Thượng Hải như Đỗ Nguyệt Sinh (trùm thế giới ngầm Thượng Hải) và Triệu Đan (‘ông hoàng của diễn xuất’) vẫn chờ ngày được ông chuyển hóa thành hiện thực.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi