Tin tức

Hậu cung Như Ý truyện cuối cùng cũng chinh phục được khán giả

26/09/2018

Là triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, triều đình nhà Thanh (1644-1911) đã làm tốn biết bao bút mực nghiên cứu chi tiết cuộc sống của hoàng gia, truyền cảm hứng cho rất nhiều phim điện ảnh và truyền hình.

Xuất phẩm mới nhất miêu tả cuộc sống trong cung của Hoàng đế Càn Long, vị vua trị vì lâu nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc, tính đến ngày 12/9 Hậu cung Như Ý truyện đã thu hút gần 4 tỉ lượt xem nhờ đạo cụ tinh tế, bối cảnh xa hoa và dàn diễn viên xuất sắc.

Hoắc Kiến Hoa (trái) trong vai Càn Long, Châu Tấn trong vai Như Ý

Lấy bối cảnh thế kỷ 18, câu chuyện đã được mở màn trên trang web xem phim trực tuyến Tencent vào ngày 20 tháng 8 và đã phát được hơn một nửa trong tổng số 87 tập phim.

Mặc dù nhận được đánh giá trái chiều trong vài ngày đầu tiên, rốt cuộc bộ phim đã chinh phục được khán giả, có thể thấy qua điểm số tăng từ 6,5 lên 7,3 điểm trên Douban, trang web bình phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc.

Bên cạnh tạo tiếng vang trong nước, bộ phim truyền hình do nữ diễn viên Trung Quốc Châu Tấn và nam diễn viên Đài Loan Hoắc Kiến Hoa dẫn dắt này cũng được phát sóng đồng thời ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Malaysia và Brunei. (Phim đang phát sóng ở Việt Nam trên kênh HTV7, giờ phim trưa.)

Một số khán giả nước ngoài nói rằng bộ phim đã khiến họ quan tâm tìm hiểu lịch sử và văn hóa Trung Quốc.

Tân Chỉ Lôi (trái) đảm nhận vai Gia quý nhân, một trong những phi tần tâm cơ thủ đoạn trong phim

“Bộ phim đã khiến tôi thực sự tò mò về câu chuyện thật của Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp Thị, dù đôi khi rất khó theo dõi vì nhiều chuyện xảy ra cùng lúc, phim rất thú vị,” bình luận của một người xem trên Viki, trang trực tuyến ở San Francisco, trang này cho phim điểm 9/10.

Là tiếp theo của Hậu cung Chân Hoàn truyện, một trong những phim bộ truyền hình được điểm phê bình cao nhất của Trung Quốc ra mắt vào cuối năm 2011, kịch bản của Như Ý truyện cũng do Ngô Tuyết Lam, người có lẽ được biết đến nhiều hơn bằng bút danh Lưu Liễm Tử, viết.

Dựa trên câu chuyện có thật về Ô Lạp Na Lạp Thị, hoàng hậu thứ hai của Hoàng đế Càn Long, bộ truyện biên niên sử cuộc đời bi thảm của cô bên trong các bức tường của Tử Cấm Thành.

Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa (Đổng Khiết) bề ngoài luôn tỏ ra hiền thục, đức độ, cần kiệm trái ngược với nội tâm thâm trầm, mưu mô, luôn nghi kỵ có kẻ muốn chiếm đoạt ngôi vị hoàng hậu và hoàng thái tử

Dù là người phụ nữ yêu quý nhất của hoàng đế, người phụ nữ Mãn Châu này buộc phải đấu tranh sinh tồn giữa những mưu đồ bất tận của các phi tần thê thiếp khác muốn tranh giành sự sủng ái của hoàng đế.

Với ngân sách lên tới 300 triệu nhân dân tệ (43,8 triệu USD), gần gấp năm lần Chân Hoàn truyện, đoàn làm phim Như Ý truyện có thể mua nhiều đạo cụ thật từ Chợ đồ cổ Phan Gia Viên ở Bắc Kinh, may ít nhất 4.000 bộ trang phục sang trọng và tuyển 18 đầu bếp để nấu các món ăn hoàng cung cho các cảnh yến tiệc xa hoa.

“Triều đại nhà Thanh đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng từ thời hoàng đế Khang Hy đến Càn Long. Vì câu chuyện của chúng tôi được đặt bối cảh xảy ra trong một phần của giai đoạn này, chúng tôi cố gắng làm cho đạo cụ càng chân thực càng tốt và để tái hiện thời kỳ vàng son của triều đại nhà Thanh,” đạo diễn của bộ phim, Uông Tuấn, nói với China Daily.

Tranh tư liệu là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế mỹ thuật của bộ phim

Anh cho biết thêm rằng các nhà thiết kế mỹ thuật tìm kiếm cảm hứng từ nhiều tư liệu lịch sử, bao gồm tranh vẽ của nhà truyền giáo người Ý, Giuseppe Castiglione, từng là một họa sĩ triều đình trong thời Khang Hy và Càn Long.

Nhưng bộ phim cũng nhận được nhiều chỉ trích về tuổi tác của diễn viên chính. Trong những tập đầu, Châu Tấn, 40 tuổi, đóng vai Như Ý 15 tuổi, và nam diễn viên Hoắc Kiến Hoa, sẽ tròn 39 tuổi vào tháng 12 năm nay, hóa thân Càn Long 16 tuổi.

Bất chấp ngoại hình đẹp và khả năng diễn xuất tốt, một số bình luận trực tuyến nói họ đóng vai mới lớn không thuyết phục, và chỉ trích các nhà sản xuất không sử dụng diễn viên trẻ để miêu tả thuở thanh mai trúc mã của hai nhân vật này.

Ngân sách dồi dào cho phép đoàn phim mua đồ cổ thật làm đạo cụ

Phản hồi sự tranh cãi đó, đạo diễn Uông Tuấn nhận lỗi về mình, thừa nhận anh đã sai khi quay cảnh thời mới lớn của các nhân vật chính vào cuối lịch quay phim dài chín tháng - dài gấp ba lần so với phim bộ truyền hình thông thường trong nước.

“Tất cả diễn viên đều cực kỳ mệt mỏi. Châu Tấn chỉ được nghỉ ba hoặc bốn ngày mỗi tháng. Cô ấy bị sưng mặt khi hóa thân nhân vật ở tuổi mới lớn,” Uông Tuấn nói.

“Hoắc Kiến Hoa vừa mới hóa thân Càn Long về già ở tuổi 80. Tuy anh ấy đã gỡ bỏ bộ râu trắng hóa trang, nhưng cũng khó mà nhanh chóng biến mình thành một thiếu niên,” Uông Tuấn giải thích thêm rằng tìm được hai diễn viên trông giống như Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng là một thách thức.

Khắc họa toàn cảnh về cuộc sống hoàng gia, bộ phim còn nhằm mục đích khám phá một công thức mới khi lên đến cao trào, nhà sản xuất Hoàng Lan cho biết.

Đầu tư tái hiện thời kỳ vàng son của triều đại nhà Thanh trên phim

“Cao trào sẽ làm cho câu chuyện này không giống như bất kỳ câu chuyện nào khác (những phim tương tự cùng thể loại). Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ sẵn sàng chấp nhận những nỗ lực sáng tạo của chúng tôi,” cô nói thêm.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily