Tin tức

Tứ hải kình kỵ đưa câu chuyện hải chiến kỳ ảo lên hoạt hình trên hạ tầng iQiyi

21/09/2018

Loạt phim hoạt hình được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Mã Bá Dung, Beyond the Ocean, dự định nắm bắt trí tưởng tượng của một thế hệ người hâm mộ mới.

Thật khó xác định tác phẩm của Mã thuộc thể loại giả tưởng, lịch sử, phiêu lưu, kỳ ảo hoặc cả những thể loại khác. Tất cả những yếu tố này thường được đan xen xuyên suốt các tác phẩm của anh.

Cảnh trong phim Beyond the Ocean tức Tứ hải kình kỵ, theo chân Kiến Văn, một thái tử nhút nhát của một triều đại hư cấu, ám ảnh bởi nỗi sợ bị giết. Anh làm cuộc hải hành với nhóm người cưỡi kình ngư đi tìm hòn đảo Phật biến mất

Được người hâm mộ đặt cho biệt danh là “Hoàng tử”, tác giả Mã Bá Dung nổi tiếng có kỹ năng tạo nên những thế giới hoành tráng, hùng vĩ trong tiểu thuyết của mình. Nhà văn 38 tuổi cứ nhất định mình không biết gì ngoài “cách viết nhân vật” trong cuộc phỏng vấn với China Daily tại Bắc Kinh hồi tháng 8. Nhưng thay đổi trong thủ pháp gần đây của anh cho thấy “hoàng tử” này vui vẻ nắm bắt sự thay đổi và mở rộng chân trời bằng việc tiến vào lĩnh vực hoạt hình.

Phim bộ hoạt hình được chuyển thể từ tiểu thuyết phiêu lưu nổi tiếng của anh, Beyond the Ocean - hay Tứ hải kình kỵ theo tiếng Trung được phát hành trên hạ tầng video iQiyi từ ngày 16 tháng 8, các tập mới phát mỗi tuần.

“Tôi lớn lên với việc xem hoạt hình,” tác giả Mã nói. “Bạn có thể tưởng tượng tôi phấn khích thế nào khi tác phẩm của mình lần đầu tiên trở thành hoạt hình. Tôi thậm chí còn muốn tham gia dàn diễn viên lồng tiếng,” anh cười khúc khích nói. “Đáng tiếc là các nhà sản xuất đã từ chối đề nghị của tôi và yêu cầu tôi tập trung vào những gì tôi làm tốt nhất.”

Một đại cảnh chiến đấu với thủy quái được tăng cường hiệu quả nhờ 3D

Loạt phim 3D này cũng sẽ đánh dấu chuyến vượt biển đầu tiên của một phim hoạt hình Trung Quốc xoay quanh một trận hải chiến. Câu chuyện, diễn ra trong một triều đại hư cấu thời cổ đại, theo chân Kiến Văn, một thái tử kế vị nhút nhát bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị giết. Anh có cuộc phiêu lưu với một nhóm người cưỡi cá kình, thực hiện hành trình tìm kiếm đảo Phật thần thoại bí ẩn.

Tất nhiên, Kiến Văn nhập bọn với nhiều bạn bè từ nhiều nước khác nhau. Anh trở nên mạnh mẽ hơn thông qua chuyến hải hành dài, giống như Jack Sparrow trong phim Pirates of the Caribbean hoặc Monkey D. Luffy trong bộ truyện tranh Nhật Bản One Piece.

“Trung Hoa cổ đại thường được gọi là nền văn minh trên cạn, điều này đã dẫn đến nhiều truyền thuyết cho rằng biển cả đứng tách biệt trong nền văn hóa của chúng ta,” Mã Bá Dung nói. “Tôi viết truyện này bởi vì tôi muốn tạo ra sự tương thông giữa các nền văn minh trên cạn và trên biển của chúng ta.”

Nhiều yếu tố văn hóa Trung Hoa cổ trong tạo hình nhân vật

Nguồn gốc Internet

Không có gì ngạc nhiên khi câu chuyện đã trở thành loạt phim hoạt hình trực tuyến, vì vốn dĩ ban đầu nó được xuất bản trên mạng. Beyond the Ocean lần đầu tiên được phát hành trên Sina Weibo vào năm 2016. Đến năm 2017 mới xuất bản thành sách ấn bản.

Loạt truyện đã thu hút hơn 200 triệu lượt xem trên hạ tầng mạng xã hội này cho đến nay.

“Người Trung Quốc có thể không chỉ đóng vai phụ trong Cướp biển vùng Caribê (như Khiếu Phong và Trịnh Thị),” Mã Bá Dung nói. “Họ có thể là anh hùng, người dẫn dắt cuộc phiêu lưu của riêng họ.”

Nói đến phát triển ý tưởng, tác giả Mã rất muốn mượn bất kỳ yếu tố văn hóa thú vị nào mà anh có thể hiểu, dù là từ Trung Quốc hay nước ngoài, cổ đại hay tương lai để tạo ra vô số thế giới lai trong tác phẩm của mình.

Các họa sĩ hoạt hình mất 15 tháng để thực hiện 12 tập mùa đầu tiên, nhưng thực sự đó là một khung thời gian ngắn để chuyển thể một câu chuyện có những thế giới phức tạp như vậy

Trong các tiểu thuyết trước, Mã Bá Dung đã gửi một hạm đội từ thời Nhà Thương (thế kỷ 16-11 trước Công nguyên) đến một cuộc hẹn với người Maya ở Nam Mỹ. Anh còn nghịch ngợm cho cư dân Trung Quốc cổ đại của Trường An (ngày nay Tây An ở tỉnh Thiểm Tây) cưỡi rồng dưới lòng đất làm phương tiện đi lại hàng ngày của họ, giống như đi tàu điện ngầm.

Trí tưởng tượng không giới hạn của anh đã khiến Mã có được một lực lượng ‘fan’ mạnh trong giới trẻ. Phân tích của công cụ tìm kiếm Baidu cho thấy hơn 40% người hâm mộ Mã Bá Dung ở vào độ tuổi từ 15 đến 24.

Kêu gọi hành động

“Khi phổ biến với người trẻ tuổi, một câu chuyện lịch sử thành công có thể dễ dàng kết nối với cuộc sống hiện đại,” tác giả Mã nói. “Kiến Văn sinh ra trong hoàng gia. Anh thiếu quyết đoán và yếu đuối. Anh không biết phải làm gì trong tương lai. Đây cũng là những vấn đề làm khó cho người trẻ hôm nay. Tôi sẽ vui mừng nếu Kiến Văn có thể truyền cảm hứng cho họ tìm ra giải pháp của riêng mình.”

Biến một vài từ ngữ trong tiểu thuyết của Mã Bá Dung thành một cảnh 3D ngoạn mục không phải là chuyện dễ dàng

Kiến thức về lịch sử của Mã Bá Dung được chứng minh. Mặc dù anh thường được dán nhãn là không theo khuôn phép, năm 2010 anh đã thắng giải Văn chương nhân dân - một trong những giải thưởng sách cao nhất và chính thống nhất của Trung Quốc - thông qua công trình nghiên cứu Lạc thần phú, một áng thơ nổi tiếng từ thời Tam Quốc (220-280).

Trong Beyond the Ocean, nhân vật chính Kiến Văn và câu chuyện nền khiến khán giả đương đại dễ dàng kết nối với các sự kiện của triều đại nhà Minh (1368-1644). Trong thời kỳ đầu của nhà Minh, Kiến Văn Đế bị hoàng thúc Chu Đệ soán ngôi (sau này được gọi là Minh Thành Tổ) trong một cuộc nội chiến.

Một giả thuyết cho rằng lý do Minh Thành Tổ phái đô đốc Trịnh Hòa làm một chuyến hải hành dài ở nước ngoài là để tìm kiếm người cháu trai bị thất lạc từ lâu của ông.

“Nhưng tôi chỉ có thể đây là về Trung Hoa cổ đại,” Mã Bá Dung nói về cuốn tiểu thuyết của mình. “Tôi sẽ tiếp tục vạch rõ giữa các sự kiện lịch sử có thật và sự hư cấu của riêng tôi.”

Câu chuyện nền khiến khán giả đương đại dễ dàng kết nối với các sự kiện của triều đại nhà Minh

Ví dụ, nhiều yếu tố văn hóa từ triều đại nhà Đường (618-907) cũng được trộn lẫn vào cốt truyện của cuốn sách. Trong câu chuyện của Mã Bá Dung, Hoàng đế Võ Tắc Thiên đã xây dựng đảo Phật này.

“Các cuốn sách của tôi không phải là để nói cho người trẻ biết chuyện gì đã xảy ra và xảy ra trong năm nào, như sách lịch sử,” anh nói. “Thay vào đó, tôi muốn nâng sự quan tâm của họ đối với văn hóa truyền thống, như nhạc cổ hay Hán phục (một dạng trang phục truyền thống Trung Quốc có niên đại hàng ngàn năm).”

Mã Bá Dung dẫn trường hợp một độc giả, được truyền cảm hứng bởi cuốn sách khiến anh ta thấy muốn nghiên cứu chi tiết hải trình của Trịnh Hòa. “Anh ấy bây giờ là một chuyên gia về tàu thuyền cổ Trung Hoa,” Mã Bá Dung nói. “Đó chình là điều tôi muốn. Độc giả nên được truyền cảm hứng từ những câu chuyện để nghiên cứu lịch sử thực sự đằng sau. Và họ sẽ truyền bá kiến thức này thông qua những cách mà người trẻ có thể tiếp cận được.”

Tác giả Mã tự tin những cảnh phim có sức tác động thị giác mạnh mẽ sẽ đem lại phản hồi tích cực cho phiên bản hoạt hình của câu chuyện

Mã Bá Dung nói anh cũng tự tin sẽ nhận được phản hồi tích cực cho phiên bản hoạt hình của Beyond the Ocean. Xét cho cùng, anh đã trở thành kiểu “họa sĩ hoạt hình” lâu nay. Khác biệt là anh “vẽ” bằng cách sử dụng từ ngữ có tính tượng hình cao.

“Tiểu thuyết của tôi thường kỳ ảo cường điệu,” anh giải thích. “Tôi luôn nghĩ rằng sức mạnh của từ ngữ đôi khi bị hạn chế, vì vậy người ta cũng cần những cảnh phim có sức tác động thị giác mạnh mẽ.”

Hình ảnh hoàn hảo

Nhưng biến một vài từ ngữ thành một cảnh 3D ngoạn mục không phải là chuyện dễ dàng. Và Mã Bá Dung đùa rằng anh cũng lo trí tưởng tượng của mình quá ngông cuồng khó mà miêu tả bằng hình ảnh đơn giản.

Tác giả Mã nói, “Kiến Văn sinh ra trong hoàng gia. Anh thiếu quyết đoán và yếu đuối. Anh không biết phải làm gì trong tương lai. Đây cũng là những vấn đề làm khó cho người trẻ hôm nay. Tôi sẽ vui mừng nếu Kiến Văn có thể truyền cảm hứng cho họ tìm ra giải pháp của riêng mình.”

“Chẳng hạn tôi viết ‘Hạm đội che kín bầu trời và mặt trời, và nhung nhúc trên đường chân trời,’ trong tiểu thuyết,” anh giải thích. “Có thể mất một tháng để hiện thực một câu này lên màn ảnh.”

Các họa sĩ hoạt hình mất 15 tháng để thực hiện 12 tập mùa đầu tiên của Beyond the Ocean.

“Làm tập đầu tiên hết sức gian khổ,” Liu Weicong, một đồng đạo diễn của bộ phim, nói. “Tôi phải nhanh chóng giới thiệu các nhân vật trong câu chuyện, làm cho các chi tiết sinh động và mô tả những đại cảnh từ cuốn tiểu thuyết cùng một lúc. Nhưng đáng để thực hiện một thách thức như vậy.”

Dương Hiểu Hiên, phó chủ tịch iQiyi phụ trách hoạt hình, nói rằng 15 tháng là một khung thời gian ngắn để chuyển thể một câu chuyện có những thế giới phức tạp như vậy. Nhưng cô tin rằng kết quả cuối cùng là một nỗ lực có ý nghĩa trong việc nâng cao chuẩn mực sản xuất trong ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc.

Được cân nhắc làm định dạng 2D, nhưng cuối cùng iQiyi chọn 3D

“Ban đầu chúng tôi cân nhắc làm định dạng 2D, nhưng cuối cùng chúng tôi chọn 3D vì nghĩ sẽ tốt hơn khi toàn bộ ngành công nghiệp hoạt hình áp dụng kỹ thuật này,” Dương Hiểu Hiên nói.

Tuy Beyond the Ocean được lên kế hoạch làm hai mùa phim, Dương Hiểu Hiên nhắm đến việc làm nhiều hơn nữa.

“Nếu chúng tôi muốn thương hiệu hoạt hình có sức ảnh hưởng riêng ở Trung Quốc, chúng tôi sẽ phải biến nó thành một thương hiệu lâu dài như Disney,” cô nói.

Dương Hiểu Hiên cũng cho biết nhiều sản phẩm phái sinh sẽ được phát triển sau khi bộ phim hoạt hình được phát hành như một cách để quảng bá văn hóa truyền thống. “Có lẽ điểm nhấn đầu tiên của chúng tôi sẽ là Hán phục,” cô tiết lộ.

Vì Mã Bá Dung thường được truyền thông ca ngợi là “một trong những tác giả sinh lợi nhất ở Trung Quốc”, liệu anh sẽ gia hạn hợp tác với những khổng lồ internet như iQiyi để tạo ra các kịch bản đo ni đóng giày cho người xem trực tuyến?

Tác giả Mã Bá Dung nói về cuốn tiểu thuyết của anh, Beyond the Ocean, tại sự kiện quảng bá cho bộ phim hooạt hình chuyển thể

Câu trả lời của anh thật là khéo léo: “Chỉ khi tôi thực sự thích những gì tôi viết và nếu nó thực sự gây tiếng vang với mọi người. Bạn đừng bao giờ thử đoán góc độ thương mại khi bắt đầu viết một cái gì. Tôi sẽ tiếp tục làm cho câu chuyện của tôi hấp dẫn. Về kế hoạch tiếp theo, tôi sẽ để điều đó cho cô Dương.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn