Tin tức

Kịch bản phim: cuộc đấu tranh phía sau màn ảnh ở Trung Quốc

16/10/2012

Tổng cục Phát thanh - Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc (SARFT) vừa công bố kế hoạch cấp tổng cộng 10 triệu tệ (1,7 triệu USD) cho một cuộc thi thường niên trao giải cho kịch bản truyền hình và biên kịch xuất sắc nhất.

Nhưng tiêu chuẩn cho người chiến thắng, cách dùng kịch bản cuối cùng và hiệu ứng mà giải thưởng sẽ gây ra đối với toàn thể ngành công nghiệp điện ảnh, tất cả đều là những yếu tố chưa được định rõ.

Diễn đàn kịch bản truyền hình quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Kinh hồi đầu tháng 9 vừa rồi đã gia tăng mối quan tâm đối với biên kịch và công nghiệp điện ảnh nói chung.

Cảnh phim Love is not blind

Phía sau máy quay

Trương Nguy, biên kịch của những phim truyền hình nổi tiếng như Nam tài nữ mạoĐỗ Lạp Lạp thăng chức ký cho biết giải thưởng hiện kim chưa từng cao như vậy.

Trương Nguy với thâm niên 12 năm tuổi nghề, nhận ra nhiều thay đổi trong ngành. Lợi nhuận tăng cao, cũng như ảnh hưởng của việc viết kịch bản. Nhưng cô cho biết những thay đổi này đa số phổ biến trên truyền hình. Với điện ảnh, các tác giả kịch bản giống như trợ lý của đạo diễn hơn, đôi khi kịch bản viết ra hoàn toàn dựa theo ý tưởng của đạo diễn.

Dư Phi, tác giả kịch bản những phim truyền hình như The Eternal Wave và mùa thứ ba, thứ tư của Tổ trọng án số sáu, cho biết giải thưởng là niềm vinh dự lớn nhất mà bất kỳ tác giả nào cũng có thể đem về.

Cư dân mạng bàn tán vấn đề này trên Sina Weibo. Nhiều người lo lắng về khả năng bị SARFT kiểm duyệt. Từ khi chính phủ tài trợ giải thưởng, rất có thể một số chủ đề và nội dung cụ thể sẽ được ưu ái.

Như Dư Phi nói các quy định về nội dung truyền hình rất phổ biến ở nhiều nước. Mặc dù vài chủ đề bị SARFT hạn chế, sức sáng tạo vẫn được khuyến khích.

Cảnh trong phim Tùy Đường anh hùng

Dương Tiểu Huy, biên kịch phim Tùy Đường anh hùng cho biết giải thưởng chỉ có lợi cho những tác giả kinh nghiệm làm việc độc lập. Dư Phi giải thích giải thưởng đơn thuần dùng để tìm kiếm người tài nhất trong nước. Những biên kịch tầm trung cũng được lợi, bởi họ có cơ hội được đề cử.

Rào cản vô hình

Dương Tiểu Huy là gương mặt mới trong ngành nhưng đã viết vài kịch bản phim truyền hình. Trong thời gian này cô gặp nhiều khó khăn.

“Mục tiêu sự nghiệp hiện tại của tôi không phải là sáng tạo hay viết những gì tôi thích mà là xoa dịu mối quan hệ với diễn viên, nhà sản xuất và nhà đầu tư,” cô nói.

Cô nói việc hợp tác sản xuất giữa các kênh truyền hình và công ty chế tác thường gây thêm áp lực cho người viết kịch bản. Lúc đang viết kịch bản đầu tay, cô phải thay đổi nhiều chi tiết quan trọng khi đổi diễn viên chính. Thay đổi cả kịch bản và lời thoại nếu nhà đầu tư không chấp nhận là chuyện bình thường.

“Vài ngày trước, tôi được yêu cầu thêm vào một nhân vật cho dự án mới nhất của chúng tôi, bởi vì nam diễn viên đó đang tham gia một chương trình lớn sắp chiếu trên kênh truyền hình. Một đại diện của kênh này muốn quảng bá cho chương trình đó,” Dương Tiểu Huy cho biết.

Cảnh trong phim Đỗ Lạp Lạp thăng chức ký

“Tôi biết tôi đang viết thứ vất đi, nhưng tôi phải làm vì đội ngũ sản xuất dựa vào tôi. Chậm trễ một tập có thể tốn hơn nửa triệu tệ. Làm việc này giống trách nhiệm hơn là niềm vui,” cô nói.

Nổi tiếng như Trương Nguy cũng gặp phải thử thách tương tự. “Ai cũng cho lời khuyên… Một cố vấn kịch bản mới trong công ty có thể đưa ra một kế hoạch mà bạn hủy từ hai năm trước.”

Dương Tiểu Huy cho biết các nhà đầu tư muốn kết hợp càng nhiều yếu tố ăn khách vào một chương trình càng tốt, để đạt tỷ suất xem đài cao. Trương Nguy nói đây chính là lý do nhiều chương trình truyền hình thường là chuyển thể. Nếu phiên bản gốc có sẵn người hâm mộ rồi thì nhà đầu tư sẽ tự tin hơn. Họ đặt kỳ vọng cao hơn cho chương trình và theo đuổi dàn diễn viên, đoàn làm phim đắt giá nhất.

Trương Nguy nói thêm, vào kỷ nguyên của mạng thì khán giả ít cảm thông hơn, đặt trách nhiệm lên vai biên kịch để đòi hỏi một kịch bản chất lượng. Điều này thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh, mặc dù nhà biên kịch phải gặp nhiều vấn đề quan liêu.

“Chúng tôi cũng phải chịu áp lực như ngôi sao vậy,” Trương Nguy nói thêm.

Trách nhiệm nặng nề hơn

Trên vài áp phích tại Liên hoan phim Thượng Hải năm nay có hình các nhà biên kịch. Họ nay có thêm quyền lực đối với các nguồn lực trong một xuất phẩm và tham gia đưa ra quyết định lẫn quảng bá cho phim.

Cảnh trong phim Nam tài nữ mạo

Song, nhiều người cho rằng tác giả kịch bản nên tập trung vào nhiệm vụ chính của mình. Trương Nguy nói sau cùng thì quyền lực rơi vào tay người nào có nguồn lực và tài chính.

Nếu tiền công trả cho tác giả chỉ bằng 1% tổng kinh phí thì họ có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào. Nhiều biên kịch nhận thêm vai trò khác như đạo diễn hay nhà sản xuất để có quyền kiểm soát mạnh hơn đối với kịch bản.

“Cũng như diễn viên chuyển sang đạo diễn và sản xuất, một cách chứng tỏ bản thân vậy,” Trương Nguy nói.

Trương Nguy đề xuất nhiều cách khác để nuôi dưỡng sức sáng tạo. “Chương trình Giọng hát Trung Quốc (The Voice of China) rất ăn khách. Tại sao không dựng chương trình đại loại như Kịch bản phim Trung Quốc để giúp các tài năng trẻ còn xa lạ với ngành công nghiệp điện ảnh? Các tổ chức hay hãng có liên quan cũng nên giúp.”

Dư Phi nói thêm để nuôi dưỡng một môi trường sáng tạo thì tìm những cách làm việc hiệu quả là điều cốt yếu.

“Chứ đừng để ai cũng có thể thay đổi kịch bản bất cứ lúc nào. Điều này kìm hãm sức sáng tạo và tăng gấp đôi lượng công việc.”

Dương Tiểu Huy rất lạc quan về tương lai và xem Bảo Kình Kình, biên kịch Love is not Blind, là hình mẫu. Nhiều cơ hội hơn được trao cho các tác giả có phong cách cá nhân rõ rệt như Bảo Kình Kình. Nhiều biên kịch như thế nổi lên thì ngành công nghiệp sẽ thay đổi.

Trương Nguy muốn biên kịch được tự do và có quyền hơn, để thị trường tự chọn ra người giỏi nhất và loại bỏ số còn lại.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi