Tin tức

Làm thế nào Viu Hồng Kông đương cự thành công trước những khổng lồ trực tuyến toàn cầu

29/12/2022

Dịch vụ phát trực tuyến toàn khu vực Viu, thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông và viễn thông Hồng Kông PCCW, là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất ở Đông Nam Á, kháng cự sự thâm nhập của những gã khổng lồ toàn cầu bao gồm Netflix, Amazon Prime Video và Disney+.

Dịch vụ phát trực tuyến toàn khu vực Viu, thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông và viễn thông Hồng Kông PCCW, là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất ở Đông Nam Á

Theo dữ liệu từ Media Partners Asia (MPA), dịch vụ này đứng đầu về số lượng người dùng hoạt động hằng tháng (MAU) trên khắp Đông Nam Á, và đứng thứ ba về số lượng thuê bao sau Disney+ và Netflix. Trong nửa đầu năm 2022, MAU của Viu đã tăng 23% lên 60,7 triệu, trong khi số thuê bao tăng 31% lên 9,1 triệu.

Mô hình kinh doanh ‘freemium’ của Viu và quan hệ đối tác với các công ty viễn thông trong khu vực cũng như các nhà cung cấp công nghệ khác đã góp phần vào thành công đó, nhưng như giám đốc nội dung châu Á Marianne Lee giải thích, đó còn là nhờ một chiến lược nội dung linh hoạt và địa phương hóa triệt để.

“Chúng tôi phục vụ một lượng khán giả rất trẻ,” Marianne Lee, đã gia nhập Viu năm ngoái từ WarnerMedia với vai trò Giám đốc Thâu tóm & Phát triển Nội dung cho châu Á (Viu cũng hoạt động với tư cách dịch vụ phát trực tuyến và nhà sản xuất nội dung ở Trung Đông và Nam Phi).

Psycho Detective mùa 2 của ViuTV tiếp tục với hai tên tuổi lớn của truyền hình Hồng Kông là Trịnh Thiếu Thu và Đào Đại Vũ

“Khán giả của chúng tôi còn trẻ và họ là người bản xứ thời đại sống số. Họ có thể đã bỏ qua giai đoạn xem truyền hình trả tiền đó và chuyển thẳng sang xem nội dung trên điện thoại di động của mình. Chúng tôi cũng nhắm mục tiêu khán giả đại chúng, vì vậy ở Hồng Kông, chúng tôi nhắm đến những người nói tiếng Quảng Đông, và ở Malaysia, chúng tôi nhắm đến khán giả nói tiếng Malay.”

Điều đó mang lại cho Viu định vị hơi khác so với các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu, hiện bắt đầu thâm nhập thị trường đại chúng ở Đông Nam Á, nhưng khởi thủy nhắm đến đối tượng người đi làm việc, lớn tuổi hơn một chút với khả năng chi trả cao hơn.

Ra mắt năm 2015, một năm trước khi Netflix thâm nhập khu vực, Viu đã khởi đầu bằng phim bộ truyền hình Hàn Quốc và phim hoạt hình Nhật Bản, hai thể loại nội dung ăn khách khắp khu vực, và cũng đã mở rộng để cung cấp nội dung tiếng Trung và các ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Chỉ riêng phim truyền hình Hàn Quốc đã chiếm 38% lượng xem cao cấp ở Đông Nam Á, theo dữ liệu của MPA. Khi được yêu cầu giải thích về thành công của nội dung Hàn, Marianne Lee tóm tắt như sau: “Bối cảnh đẹp, diễn viên đẹp và cách biên tập siêu hấp dẫn.”

Song Joong Ki trong Reborn Rich

Tất nhiên, trong vài năm qua, nhu cầu về nội dung Hàn Quốc đã đạt đỉnh cao đến mức nó cũng trở nên cực kỳ đắt đỏ. Nhưng Marianne Lee giải thích rằng Viu đang tận dụng các mối quan hệ lâu dài với tất cả các đài truyền hình Hàn Quốc, bao gồm CJ ENM, JTBC, SBS và các đài truyền hình công, và hiện cũng đang bắt đầu tiến lên thượng nguồn.

Thông thường, Viu mua bản quyền quốc tế các phim bộ truyền hình Hàn và phát chúng ở các thị trường phát trực tuyến của mình ngay sau khi chúng được phát sóng ở Hàn Quốc. Viu cũng hợp tác với các vùng lãnh thổ châu Á mà họ không hoạt động với tư cách là một dịch vụ phát trực tuyến, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam, cũng như các khu vực xa hơn. Marianne Lee chỉ ra Reborn Rich của Viu Originals, do Song Joong Ki (Vincenzo) đóng, là một ví dụ điển hình về việc dịch vụ này tham gia từ đầu — trong trường hợp này là làm việc với đài truyền hình JTBC và chi nhánh sản xuất của họ là Studio LuluLala (SLL).

Marianne Lee giải thích: “Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ với các đài truyền hình và giờ đây chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất. Có nghĩa là chúng tôi tham gia sớm hơn nhiều, có thông tin đầu vào về việc tuyển diễn viên và kịch bản. Tất nhiên là cạnh tranh — ai cũng muốn phim bộ ‘Hạng S’ [Siêu cấp], nhưng không phải tất cả đều theo đuổi cùng một nội dung, vì mỗi chúng ta đều có một nhóm nhân khẩu học nhất định trong đầu.”

Hồ Hạnh Nhi trên trường quay Thục nữ cường nhân cho ViuTV

Chiến lược phát đồng thời cũng được sử dụng cho các chương trình tạp kỹ của Hàn Quốc và các định dạng khác, mặc dù Marianne Lee nói rằng rõ ràng là khó hơn nhiều để đưa nội dung có phụ đề và xuất hiện trên nền tảng của họ gần như ngay lập tức khi xử lý các chương trình không có kịch bản.

Viu cũng đã thành công nhờ khai thác các xu hướng nội dung nóng khác. Marianne Lee nói rằng nội dung Trung Quốc cũng đang bắt đầu ăn khách trong khu vực: “Chúng tôi nhận thấy các thể loại cổ trang, kỳ ảo, cung đấu hoạt động rất tốt ở các thị trường nói tiếng Hoa [Hồng Kông, Singapore, Malaysia], trong khi phim truyền hình đô thị, đương đại có thể vươn ra ngoài những lãnh thổ đó đến Thái Lan và Indonesia.”

Nhưng cô dự đoán làn sóng lớn tiếp theo có thể sẽ là nội dung của Thái Lan, bao gồm thể loại BL [Boys’ Love] đang trở nên phổ biến ở châu Á nhưng lại ít được biết đến ở phương Tây. Bắt nguồn từ thể loại truyện tranh Shonen-ai của Nhật Bản, BL thể hiện những chàng trai trẻ đẹp yêu đương đồng giới (thường khá lành), nhưng chủ yếu được phụ nữ trẻ và các cô gái tuổi teen tiêu thụ.

Finding The Rainbow

Các phim BL Thái Lan ăn khách của Viu bao gồm Close Friend, kể về sáu cặp nam giới trải qua các dạng tình yêu khác nhau, nhưng phim bộ ‘trai thẳng’ Thái Lan cũng đang làm tốt — bao gồm hài lãng mạn My Bubble Tea và phim tình cảm lãng mạn Finding The Rainbow, cả hai phim đều có sự tham gia của Nichkun, ngôi sao người Mỹ gốc Thái cũng là thành viên của ban nhạc Kpop 2PM. Marianne Lee nói: “Ngành công nghiệp Thái Lan thực sự biết cách định vị và tiếp thị các ngôi sao của họ. Họ đã học được rất nhiều từ ngành công nghiệp Hàn Quốc và đang làm những chương trình lớn hơn. Finding The Rainbow là dự án thứ hai của Nichkun với chúng tôi — đó là câu chuyện tình sử thi, được quay đẹp mắt lấy bối cảnh từ đầu những năm 1990 cho đến ngày nay.”

Nhưng ở các vùng lãnh thổ Đông Nam Á khác cũng đình đám. Ngoài Thái Lan, Viu còn có văn phòng chế tác ở Malaysia, nơi đã sản xuất phim bộ truyền hình tội phạm Black và phim hài lãng mạn She Was Pretty, cả hai đều được chuyển thể từ sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc; Philippines, nơi Viu Originals bao gồm phim bộ theo chủ đề ca nhạc Still K-Love, được miêu tả là ‘tụng ca Kdrama’; và Indonesia, các chương trình gần đây bao gồm chuyển thể của Pretty Little Liars, đã vào mùa 2, và Bad Boys vs Crazy Girls, kể về những học sinh nổi loạn tìm cách trốn khỏi trường nội trú của họ.

Bad Boys vs Crazy Girls

Miêu tả Bad Boys vs Crazy Girls là một “niềm vui tội lỗi” mà cô thích tự mình xem, Lee nói tất cả các thị trường Đông Nam Á này đang trưởng thành nhanh chóng. “Ví dụ, Indonesia đang xúc tiến các bản chuyển thể trước đây và đội ngũ ở đó đang làm rất tốt việc thu hút các nhà viết kịch bản và chọn các IP thú vị.”

Trở về quê nhà Hồng Kông, đài truyền hình phát sóng miễn phí ViuTV, chị em của Viu, đã đưa khán giả trẻ quay lại với nội dung nói tiếng Quảng Đông với phim bộ truyền hình tập trung vào giới trẻ, chương trình tạp kỹ và ban nhạc nam nóng bỏng Mirror, đột phá Canto-pop chính hiệu đầu tiên sau bao năm. Nội dung địa phương này, được Viu làm phụ đề và phát đồng thời toàn khu vực, đã đảo ngược xu hướng của giới trẻ Hồng Kông coi truyền hình địa phương là lỗi thời và thay vào đó chuyển sang các chương trình nói tiếng Anh.

Tuy nhiên, Marianne Lee giải thích rằng thị trường Hồng Kông hơi khác so với Đông Nam Á. Khán giả Hồng Kông của Viu nghiêng về giới trẻ, nhưng không trẻ như những nơi khác, và đó là thị trường đón nhận phim truyền hình người đóng Nhật Bản bên cạnh phim hoạt hình. Phim bộ BL Nhật Bản Ossan’s Love rất nổi tiếng ở Hồng Kông, dẫn đến một phiên bản làm lại bằng tiếng Quảng Đông.

Ossan’s Love phiên bản làm lại bằng tiếng Quảng Đông của Viu

“Hồng Kông có lịch sử tiêu thụ nội dung Nhật Bản rất lâu đời,” Marianne Lee, xuất thân từ Hồng Kông và cũng từng làm việc tại Singapore cho các hãng phim và đài truyền hình toàn cầu, cho biết. “Chúng tôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Nhật Bản. Trong thời gian xảy ra đại dịch, tất cả bạn bè tôi đều phàn nàn rằng họ không thể đến thăm Nhật Bản và tất cả đều miêu tả đây là quê hương thứ hai của họ.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Deadline