Cái tin bộ phim tiếp theo của vị đạo diễn tượng đài — có sự tham gia của
Robert De Niro và Al Pacino — sẽ không ra rạp đại trà nhấn mạnh sự căng
thẳng mà mọi nhà làm phim phải đối mặt trong kỷ nguyên truyền trực
tuyến.
Nếu một cái cây đổ trong rừng và không ai ở đó mà nghe thấy, cái cây đổ
đó có tạo ra tiếng động không? Sẽ thế nào nếu nó đổ trước mắt nhiều
người, nhưng cùng lúc với một triệu cây khác, kiểu như cây cối đổ rạp
hàng loạt? Một số người sẽ bảo chuyện này giống như việc có phim lên
Netflix mà không có bao giờ chiếu ở rạp vậy — nhiều người có thể biết bộ
phim có sẵn trực tuyến, nhưng cũng nhiều người có thể mất dấu nó trong
một biển nội dung giải trí. Trong bất cứ trường hợp nào, không bao giờ
có ai biết có bao nhiêu người đã xem bộ phim đã nói, vì Netflix đâu cho
biết số lượng người xem. Một cái cây đổ đơn độc bị át mất trong đống tạp
âm chói tai.
The Irishman của Martin Scorsese có thể
chính là cái cây đổ tiếp theo trong phép ẩn dụ (công nhận là phức tạp)
này. Hôm 27/8, cùng với tin tức được chờ đợi đã lâu về ngày phát hành — 1
tháng 11 tại (một số) rạp chiếu, 27 tháng 11 trên Netflix —
The Hollywood Reporter
tiết lộ rằng dịch vụ trực tuyến này, đã mua bộ phim sau khi Paramount
từ chối cung cấp thêm tài chính cho hiệu ứng CGI khử-già hết sức tốn kém
của nó, đã không đạt được thỏa thuận phát hành với các chuỗi rạp như
AMC và Cineplex.
Ngay cả Scorsese cũng không thể truyền cảm hứng cho Netflix và các chuỗi rạp vượt qua sự khác biệt
|
Được biết, bế tắc giữa Netflix và các nhà rạp lớn bắt nguồn từ tiền, tất
nhiên, nhưng cũng từ yêu cầu truyền thống của các chuỗi rạp về khoảng
thời gian 90 ngày từ lúc công chiếu ở rạp đến lúc phát hành giải trí gia
đình. Netflix được cho là đã đề nghị giữ
The Irishman ở các
rạp 30 ngày trước khi đưa lên hạ tầng của họ, đề nghị đó đã bị từ chối.
Toàn bộ chuyện này nghĩa là bộ phim có sự tham gia của Robert De Niro,
Al Pacino (cuối cùng đã tái hợp), Joe Pesci, và vô số ngôi sao khác, sẽ
chỉ có thể xem trên hạ tầng phát trực tuyến và trong một vài rạp chiếu
phim độc lập, không chừng hầu hết là những rạp mà Netflix tự thuê.
Ngay
cả Scorsese, vừa là một trong những đạo diễn tác gia nổi tiếng nhất của
Mỹ vừa là một trong những đạo diễn ăn khách nhất, cũng không thể truyền
cảm hứng cho Netflix và các chuỗi rạp vượt qua sự khác biệt của họ. Đây
không phải là tín hiệu tốt cho những mọt phim vẫn thích trải nghiệm màn
ảnh rộng hơn là Netflix. Đây cũng là tin xấu cho các đạo diễn quan tâm
đến định dạng và một loại người xem phim nhất định; không ngạc nhiên,
Netflix không ưu tiên cho sự không hoàn hảo đẹp đẽ của nước phim 35 mm
sần hạt, lẫn trải nghiệm cộng đồng như ở nhà thờ, ngồi trong bóng tối
với người lạ. Điều quan trọng với khổng lồ truyền thông này là số lượng
thuê bao; việc người ta thực sự có thể xem gì hoặc xem trong những điều
kiện như thế nào đứng thứ hai. Rằng
Roma (2018) của Alfonso
Cuarón, một bộ phim được quay đen trắng và đầy những cảnh quay dài, được
phát hành ở một vài rạp nhưng sau đó được hầu hết mọi người xem trên
tivi hoặc máy tính của họ, là một trớ trêu phi lý hết sức.
The Irishman hầu như trông giống một xuất phẩm Hollywood kiểu cũ
|
Nhưng có một vài lý do dễ hiểu (nếu không hẳn là “chính đáng”) để các
nhà làm phim cân nhắc Netflix là nhà phát hành tác phẩm của họ. Nếu bạn
không thể có nhiều khán giả, ít ra hạ tầng này đảm bảo (một số lượng
không được tiết lộ mà cứ nhận là lớn) những cặp mắt dán vào màn hình. Và
không như các hãng phim cổ điển, Netflix rõ ràng sẵn sàng chi những
khoản tiền khổng lồ cho các dự án của mình. Với 200 triệu đôla,
The Irishman đánh
dấu ngân sách lớn nhất của Scorsese cho đến nay. Mặc dù làm phim lúc
nào mà không tốn kém, nhưng thậm chí còn hơn thế trong thời đại khán giả
điện ảnh giảm dần đều: Cơ hội kiếm lợi nhuận tại phòng vé là rất nhỏ,
trừ khi bạn làm phim siêu anh hùng hoặc phim về mấy gã bự con trong
những chiếc xe to lớn.
Không quá khó hiểu sao mà các nhà làm phim
— nhất là những người trẻ tuổi — có thể bị quyến rũ bởi một lời đề nghị
hợp lý từ Netflix hào phóng. Năm 2017, hãng phim đã chi 5 triệu đôla
cho bộ phim tài liệu
Icarus, thương vụ Sundance lớn nhất từng
được thực hiện cho một bộ phim phi hư cấu. Sau một thời gian ngắn chiếu
rạp để đủ tiêu chuẩn tranh giải thưởng,
Icarus đi đến chiến thắng Phim tài liệu hay nhất tại Oscar 2018. “Netflix đã một tay làm thay đổi thế giới phim tài liệu,” đạo diễn
Icarus,
Bryan Fogel, nói trong phát biểu nhận giải. “Đây là một quyết định
không cần phải nghĩ nhiều. Tôi lấy làm vinh hạnh rằng đây là bộ phim của
họ.”
High Flying Bird được quay rất đẹp bằng iPhone, tiếp tục những thử nghiệm của Soderbergh với công nghệ và thói quen xem phim đang tiến hóa
|
Nhưng một bộ phim tài liệu nhỏ thì đâu giống một bộ phim chính kịch kinh
phí lớn, đầy sao từ Scorsese. Nếu phim phi hư cấu được hưởng lợi từ sự
phát triển của các hạ tầng phát trực tuyến, thật khó nói liệu điều đó có
đúng với điện ảnh hư cấu của đạo diễn tác gia không. Sự phá hủy mà việc
phát trực tuyến đã gây ra trong ngành công nghiệp điện ảnh là hết sức
sâu rộng, từ việc các nhà làm phim và diễn viên không còn nhận được
doanh thu phụ thuộc vào kết quả phòng vé, đến sự teo dần các chiến dịch
quảng cáo cho những phim sẽ có sẵn trực tuyến muôn đời. (Netflix dựa vào
truyền miệng theo cách mà các rạp chiếu không thể chịu được, vì họ cần
bộ phim làm tốt vào cuối tuần đầu tiên để xác định xem có đáng chiếu
thêm nhiều tuần nữa không.)
Một đạo diễn đã quyết định không chỉ
nhìn khu rừng (bị đốn) để thấy cây (bị đổ), mà còn biến điều đó thành mối
quan tâm hàng đầu của mình. Bộ phim thể thao
High Flying Bird
năm 2019 của Steven Soderbergh đã xoay xở để nổi bật so với các nội dung
giải trí khác nhờ sẵn sàng nói với báo chí về quá trình của ông, mà còn
vì ông tán thành định dạng Netflix và những khả năng của nó. Một năm
sau khi bộ phim tương tác
Mosaic của ông do HBO phát hành,
High Flying Bird
tiếp tục những thử nghiệm của Soderbergh với công nghệ và thói quen xem
phim đang tiến hóa. Được quay rất đẹp bằng iPhone và tự hào có dàn diễn
viên tài năng và hầu hết là da đen, bộ phim đồng thời là câu chuyện ngụ
ngôn về tác động của Netflix lên chính ngành công nghiệp điện ảnh, sử
dụng NBA thay cho ngành công nghiệp điện ảnh. Không ai khác ngoài
Netflix có thể tạo khả năng cho
High Flying Bird xảy ra — một
điều trớ trêu mà hạ tầng này hẳn là hoàn toàn nhận thức được. Bằng cách
thừa nhận và đi theo những thay đổi phải đối mặt, Soderbergh đã có thể
vượt lên trên chúng.
Với 200 triệu đôla, The Irishman đánh dấu ngân sách lớn nhất của Scorsese cho đến nay
|
Mặc dù công nghệ khử-già đột phá hứa hẹn khôi phục vẻ ngoài đẹp trai của De Niro,
The Irishman
hầu như trông giống một xuất phẩm Hollywood kiểu cũ: một phim xã hội
đen thời kỳ có thể có vài ca khúc của Rolling Stones – có những cảnh
giết người, không giống gì với
High Flying Bird hay
Icarus hết.
Nhưng cũng như những bộ phim đó, nó sẽ không có ngày ra nếu không có
túi tiền đầy ắp của khổng lồ này. Vào những năm 1990, các nhà sản xuất
nhỏ, độc lập thỉnh thoảng sẽ giải cứu vào phút cuối những bộ phim bị các
hãng phim lớn nản lòng của chúng bỏ rơi (ví dụ, điều này đã xảy ra với
Jacob’s Ladder,
một phim khác đòi hỏi hiệu ứng đặc biệt đột phá). Nhưng ngày nay,
Netflix và các hạ tầng cạnh tranh với nó hầu như đã thay thế những vị
cứu tinh như vậy, với một số người thậm chí còn ca ngợi hãng phim/nhà
phân phối vì đã hỗ trợ nghệ thuật như những nhà sản xuất độc lập trước
kia. Sự khác biệt là đây: Netflix có nhiều tiền hơn để chi tiêu, và về
cơ bản là phát hành các bộ phim của nó cho chính nó. Thiên thần hộ mệnh
đã trở nên chiếm hữu hơn.
Sự cự tuyệt của các nhà rạp lớn với Netflix, ngay cả đối với một bộ phim rất được mong đợi như
The Irishman,
nói lên tiếng nước xả tràn đinh tai đến mức nào, và hạ tầng này giờ đây
tự tin đến mức nào. Các chuỗi rạp chiếu có vẻ thoái chí, như thể họ
thực sự không còn tin rằng Scorsese có thể đưa người ta rời khỏi sofa và
vào rạp trong khi biết rằng cuối cùng họ có thể tiếp cận tác phẩm của
ông từ phòng khách nhà họ. Với vô số phim do Netflix phân phối làm ra
những lượng tiền rất khác nhau ở một vài rạp chiếu mà chúng được chiếu,
thật dễ hiểu nỗi lo lắng và tức giận của các nhà phát hành. Nhưng điều
đáng suy ngẫm là liệu
The Irishman có thể được các chuỗi rạp
bán như một sự kiện điện ảnh hay không, thay vì chỉ là một bộ phim khác
để xem trên màn ảnh rộng — cùng lúc nói về quá khứ và cú nhảy siêu thực
vào một tương lai cho thấy các diễn viên già trông trẻ lại.
Robert De Niro (đứng) trong một cảnh phim: liệu The Irishman có thể được các chuỗi rạp bán như một sự kiện điện ảnh hay không, thay vì chỉ là một bộ phim khác để xem trên màn ảnh rộng
|
The Irishman lẽ ra là cầu nối giữa quá khứ và tương lai của
việc đi xem phim. Có lẽ, ít nhất, các rạp chiếu phim độc lập nhỏ sẽ
hưởng lợi nào đó từ sự bế tắc giữa các chuỗi rạp lớn và Netflix, và chào
đón tất cả những khán giả ngoan cố muốn giúp phim của đạo diễn tác gia
tạo ra tiếng cây đổ trong rừng.
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Ringer