Tin tức

Mùa phim Tết Hồng Kông chào đón nhiều tác phẩm hài ra mắt

05/03/2011

Phim hài lại lên ngôi trong năm con thỏ, với tư cách là các bộ phim Tết tiếng địa phương, trở lại địa vị nổi bật trước kia.

Các tác phẩm vui nhộn luôn ăn nên làm ra trong thời gian đầu của năm âm lịch, và phim hài được duy trì nhằm giúp các nhà làm phim tận dụng khả năng sinh lời từ niềm yêu thích tiếng cười mới-nảy-sinh của thị trường Trung Quốc.

“Phim hài bây giờ là trụ cột của điện ảnh Hoa ngữ,” theo nhà sản xuất, tác giả kịch bản hài kiêm nam diễn viên Hoàng Bách Minh, người đã thực hiện nhiều tác phẩm thuộc thể loại này kể từ những năm 1980, trong đó có một số bộ phim nằm trong số những phim hài Tết đạt doanh thu cao nhất. Hoàng Bách Minh được ghi nhận là người khởi xướng lại xu hướng này với Nhà có hỷ sự năm 2009, nối tiếp loạt phim thành công hồi thập niên 1990 đã trở thành phim Hoa ngữ giữ ngôi vị quán quân phòng vé Hồng Kông năm đó. “Các nhà làm phim hài Hồng Kông lão luyện hơn nhiều trong việc nắm bắt điều thu hút khán giả đại lục. Chúng tôi đã phân tích thị trường với các bộ phim dành riêng cho Tết, và mùa này đã trở nên được xác lập hơn với vai trò một mùa xem phim ở Trung Quốc.

Giống như Giáng sinh ở phương Tây, theo truyền thống Trung Quốc, các gia đình đoàn tụ để đón năm mới, được gọi là "Xuân tiết" ở đại lục. Trước và trong Xuân tiết, những người lao động thời vụ ở Trung Quốc băng qua nhiều tỉnh thành để về nhà và dành nhiều thời gian nhất có thể với gia đình họ. Trước kia, Tết âm lịch không được coi là mùa phòng vé sôi nổi ở đại lục, nhưng hiện nay các bộ phim hài được thực hiện nhằm chủ ý phát hành vào dịp Xuân tiết đang cạnh tranh để có thị phần phòng vé lớn hơn. Hai bộ phim Tết Hồng Kông đích thực sẽ đối đầu nhau tại các rạp chiếu, đó là: Tối cường hỷ sư (All’s Well Ends Well 2011) của Hoàng Bách Minh và Tôi yêu Hồng Kông (I Love Hong Kong) của Thiệu thị Huynh Đệ/TVB. Trong khi đó, bộ phim hài hành động siêu anh hùng cổ trang Thần kỳ hiệp lữ (Mr. and Mrs. Incredible) của công ty điện ảnh We Pictures của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Trần Khả Tân cũng được trình chiếu.

Một cảnh trong Thần kỳ hiệp lữ

Bắt đầu từ cuối thập niên 1970, Tết âm lịch trở thành một trong những khoảng thời gian quan trọng và sinh lời nhiều nhất trong năm. Nhưng tình hình thay đổi hẳn trong những năm 2000, khi khán giả nhận thấy họ được chào đón bằng bạo lực, các tổ chức tội phạm và ma túy trong dịp Tết 2007 nhờ bộ phim Môn đồ (Protégé) của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng.

“Một phần của văn hóa Hồng Kông là xem các bộ phim hài mùa vụ trong dịp Tết, nhưng trong vài năm giữa những năm 2000, thị phần bị mất vào tay các bộ phim nhập khẩu ngay cả trong thời gian này,” Hoàng Bách Minh cho biết.

Chỉ đạo bộ phim Thần kỳ hiệp lữ Cốc Đức Chiêu cũng nói: “Trong thời kỳ suy thoái, các nhà làm phim địa phương vẫn đủ khả năng chi trả cho các ngôi sao lớn trong các bộ phim hài Tết, đây là một trong những sức hấp dẫn chính của thể loại này.”

Từ khi Hoàng Bách Minh nhen nhóm lại thể loại phim hài, các nhân vật kỳ cựu hồi thập niên 1980 khác đã tiếp bước “người truyền lửa”. Năm ngoái, bộ phim 72 khách trọ (72 Tenants of Prosperity) của Thiệu thị Huynh Đệ/TVB do Tăng Chí Vỹ làm nhà sản xuất, đồng đạo diễn kiêm diễn viên, đã chinh phục phòng vé Tết với doanh thu 27 triệu đôla Hồng Kông (3,5 triệu USD). Tác phẩm kế tiếp năm nay, Tôi yêu Hồng Kông, một lần nữa đặt khán giả Hồng Kông làm chính diện và trung tâm. “Đó là một phần ký ức chung của chúng tôi về việc cả gia đình xem phim hài thời vụ trong dịp Tết, và chúng tôi muốn làm sống dậy ký ức đó,” theo lời Chung Chú Giai, đồng đạo diễn với Tăng Chí Vỹ trong 72 khách trọ và tiếp tục vai trò đó trong Tôi yêu Hồng Kông.

Phim Tết của Thiệu thị Huynh Đệ/TVB thiên phần nhiều về niềm hoài cổ Hồng Kông. Tôi yêu Hồng Kông xoay quanh một khu chung cư và củng cố những đức tin địa phương như việc đứng dậy từ thất bại. Chung Chú Giai cho biết ý tưởng bộ phim nảy sinh từ vụ thảm sát du khách Hồng Kông tại Philippine vào giữa năm 2010, thảm kịch đã hợp nhất những người dân Hồng Kông lại. “Chúng tôi muốn ca ngợi ý thức thống nhất và đoàn kết khi đứng trước tai họa của người Hồng Kông,” Chung Chú Gia, người thoạt tiên chuyển tới Bắc Kinh vào năm 2006, nói. Ông cho biết thêm rằng ông hy vọng tình cảm này có thể được các khán giả Trung Quốc chia sẻ, đặc biệt là những người lớn lên ở chung cư. “Một đặc điểm dễ nhận thấy của người Trung Quốc là họ tụ họp nhau lại trong những thời điểm khó khăn,” ông nói. Một cái kết có hậu là điều kiện tiên quyết đối với các bộ phim thuộc dòng phim Tết, và theo đúng lề thói đó, bộ phim tỏa sáng lấp lánh với khán giả qua lời chúc mừng năm mới được dàn diễn viên bao gồm gần 200 người phát biểu.

Áp phích phim Tôi yêu Hồng Kông

Mặc dù Tôi yêu Hồng Kông tự hào với dàn diễn viên đông đảo, thì một dàn diễn viên toàn sao luôn là điểm lôi cuốn chính của loạt phim All’s Well Ends Well của Hoàng Bách Minh. Trung thành với truyền thống đầy sao này, Tối cường hỷ sự 2011 kiêu hãnh với các ngôi sao hạng A đảm nhiệm vai chính, trong đó có ngôi sao hành động trong loạt phim Diệp vấn (Ip Man) của Hoàng Bách Minh, Chân Tử Đan, vào vai diễn hài hước nhất của anh, và nữ hoàng phòng vé mới lên ngôi Lưu Gia Linh trong tác phẩm đạt doanh thu 700 triệu nhân dân tệ Nhượng tử đạn phi (Let the Bullets Fly).

Phần ba của loạt phim All’s Well, Ends Well chi một phần ba kinh phí 50 triệu đôla Hồng Kông (6,4 triệu USD) cho riêng các ngôi sao của bộ phim, và chỉ có thể có tối đa 10 ngày quay phim với mỗi diễn viên chính. Tuy vậy, Cổ Thiên Lạc trong Tối cường hỷ sự và Ngô Quân Như trong Tôi yêu Hồng Kông cũng xuất hiện trong Thần kỳ hiệp lữ của Cốc Đức Chiêu.

Thần kỳ hiệp lữ thực sự bước vào công đoạn chuẩn bị ngay trước cuộc chiến phim Tết, và Cốc Đức Chiêu nhìn nhận chuyện chồng chéo diễn viên với một thái độ phóng khoáng hợp mùa. “Tôi vui mừng khi diễn viên của mình được ưa chuộng đến thế,” anh nói. “Điều đó chỉ ra rằng dòng phim hài Tết đã trở lại thời hưng thịnh trước kia.”

Trong khi Cốc Đức Chiêu thừa nhận rằng chiến trường thực sự nằm ở thị trường Trung Quốc, các đạo diễn phim hài như ông và Hoàng Bách Minh hiện nay tin rằng khác biệt văn hóa trong việc đánh giá tính hài hước giữa khán giả Trung Quốc và các nhà làm phim Hồng Kông giờ đây đã có thể được xóa nhòa. “Khán giả Trung Quốc, đặc biệt là khán giả miền Nam Trung Quốc, lớn lên cùng sự tiếp xúc thường xuyên, đều đặn với phim hài Hồng Kông, một số trong đó từ đĩa lậu,” Cốc Đức Chiêu nhận xét.

Cùng với dự định làm phim hài, Hoàng Bách Minh cũng đang lên kế hoạch cập nhật cho khán giả đại lục một trong những loạt phim hài thành công khác của ông vào những năm 1980, The Happy Ghost, loạt phim hài thiếu niên lấy khung cảnh học đường do ông viết kịch bản và vào vai Khang Sâm Quý. Trong khi quy định cấm ấn phẩm có chủ đề mê tín của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc có thể gây trở ngại, Hoàng Bách Minh tin rằng có thể thương lượng lại bằng cách nói giảm tính cách kinh dị của nhân vật Khang Sâm Qúy, thực chất là hình ảnh của người thầy của thanh niên. “Không phải chưa từng có những bộ phim nhắm vào giới trẻ và chứa đựng các yếu tố siêu nhiện được chiếu ở Trung Quốc,” Hoàng Bách Minh chỉ ra, “hãy xem Harry Potter đó.”


Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter